Hiệu quả mô hình nuôi tôm không xả thải

       Nuôi tôm và bảo vệ môi trường nước là hai khía cạnh quan trọng của ngành công nghiệp thủy sản. Việc kết hợp giữa việc nuôi tôm hiệu quả và bảo vệ môi trường nước là một ưu tiên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bền vững. Việc quản lý thông minh, sử dụng công nghệ tiên tiến và hợp tác với cộng đồng địa phương sẽ giúp đảm bảo rằng việc nuôi tôm không gây hại cho môi trường nước, mà ngược lại, có thể cải thiện nó.
       Thực trạng các hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh xã thải ra môi trường không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước mà còn ảnh hưởng đến sản lượng của những hộ nuôi lân cận. Đây cũng là vấn đề còn khá nan giải của cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp cơ sở khi kiểm tra đánh giá điều kiện cơ sở nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hiện nay. Tỉnh Cà Mau có tiềm năng, lợi thế rất lớn về phát triển thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm. Hiện tại tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm gần 280.000 ha, trong đó phát triển nhiều loại hình nuôi tôm như: nuôi siêu thâm canh, nuôi thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến và nuôi tôm quảng canh truyền thống. 
       Nuôi tôm siêu thâm canh ở Cà Mau hiện nay được áp dụng theo nhiều quy trình kỹ thuật nuôi như: Nuôi tôm theo công nghệ CP, công nghệ Semi- Biofloc, công nghệ Biofloc, công nghệ tuần hoàn nhưng ao chứa nước thải có diện tích rất lớn với hàng hecta trở lên để tái sử dụng nước, nuôi tôm 02 giai đoạn, 03 giai đoạn… Mật độ nuôi từ 200 - 300 con/m2, ao nuôi chủ yếu được thiết kế theo 02 dạng ao chìm, ao nổi và được lót bạt toàn bộ hệ thống ao nuôi.
       Mặc dù có những thành công nhất định đối với ngành tôm thâm canh và siêu thâm canh, một số quy trình nuôi như nêu trên cũng đạt hiệu quả, nhưng tính ổn định công nghệ nuôi chưa cao, quy trình chưa thể ứng dụng với quy mô công nghiệp mà còn tùy thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên, trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm, tay nghề của người nuôi… đặc biệt là vấn đề kiểm soát xã thải ra môi trường của đa số hộ nuôi chưa thật sự nghiêm túc chấp hành. Đây cũng là vấn đề cần sớm có những giải pháp giải quyết để tạo điều kiện môi trường phù hợp để pháp triển bền vững loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh nói riêng và ngành nuôi trồng thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 
       Tù đó, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ không xả thải đã được các hộ dân triển khai thực hiện trên địa bàn một số huyện của tỉnh Cà Mau. Điển hình là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học được đầu tư thử nghiệm đầu tiên tại Cà Mau. Đây còn gọi là Dự án “3R cho nuôi trồng thuỷ sản thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam – 3R4CSA” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II chủ trì, tổ chức CIRAD và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tài trợ. Dự án này được áp dụng tại xã Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước từ tháng 5/2023 đến nay.
       Đây được xem là mô hình an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và bền vững về môi trường. Bởi công nghệ tuần hoàn được coi là công nghệ sinh học theo hướng tích cực, là giải pháp phát triển bền vững ngành nuôi thủy sản quy mô công nghiệp. Mô hình nuôi 3 giai đoạn, thời gian nuôi được rút ngắn, kích cỡ tôm thu hoạch lớn, đồng thời hệ số chuyển đổi thức ăn thấp chỉ từ <1,3 nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa là hộ đầu tiên được đầu tư mô hình cho biết: “Mô hình công nghệ tuần hoàn ít thay nước và an toàn sinh học mang lại hiệu quả rất cao. Thứ nhất là giảm được nhân công lao động, giảm chi phí mua hoá chất xử lý nước, không cần thay nước mỗ khi lên đầm. Đặc biệt sản lượng đạt hơn 20%/ ao so với trước”. Với tổng số 4 ao nuôi và 01 ao dèo trước đây anh Nguyên cần đến 4 nhân công thay nhau canh và xử lý nước. Tốn khoảng 15 triệu đồng/ tấn tôm. Từ khi áp dụng mô hình nuôi tôm bằng công nghệ tuần hoàn ít thay nước đã giảm được nhân công lao động từ 4 người xuống còn 2 người, không cần tốn chi phí thay nước và đặc biệt là không xã nước ra ngoài ao hồ, sông như trước mà thay vào đó là châm bù nước vào các ao do trong quá trình nuôi bị rò rỉ, bóc hơi… chính điều này đã tạo nên hiệu ứng tích cực, đảm bảo được môi trường nước xung quanh vùng nuôi không bị ô nhiễm. 

Hình 1. Mô hình nuôi tôm không xả thải được thực hiện tại hộ anh Huỳnh Thái Nguyên, ấp Rau Dừa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

       Ông Kazi Ahmed Kabir, chuyên gia của tổ chức CIRAD đánh giá mô hình này đang đạt hiệu quả rất cao và đã áp dụng thành công công nghệ mới. Ông chia sẻ: “Vấn đề toàn cầu là một trong những thành phần quan trọng ở Việt Nam tại thời điểm này, áp đặt rất nhiều nguyên liệu làm thức ăn cho cá. Nếu bạn có thể thương mại hóa việc sản xuất và chế biến rong biển và đến phía Tây New Zealand, đó là một chuỗi giá trị bổ sung trong nền kinh tế Việt Nam. Nó làm giảm sự hỗ trợ của Việt Nam để nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài và giảm ô nhiễm trong vùng nước mở, điều thường được thảo luận từ một hệ thống thông thường. Đồng thời, tạo công ăn việc làm nhỏ cho người dân nông thôn, những người sẽ tham gia thu gom, chế biến và gửi đến khu vực công nghiệp. Vì vậy, đây thực sự là một mô hình cho nền kinh tế tuần hoàn và gắn kết cộng đồng địa phương và giới thiệu bộ chỉ số kinh tế và bền vững trên toàn cầu và tại Việt Nam”.
       Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn khép kín là một bước tiến đột phá trong ngành thủy sản. Loại hình nuôi tôm này không chỉ giúp tăng hiệu suất sản xuất mà còn bảo vệ môi trường nước, giúp tạo ra một mô hình nuôi tôm bền vững. Đây có thể coi là một mô hình lý tưởng để áp dụng rộng rãi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, để triển khai công nghệ này cần đầu tư một số lớn vào cơ sở hạ tầng và thiết bị cũng như đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi nguồn vốn đáng kể. Một cách để hỗ trợ người dân triển khai mô hình này là thông qua việc cung cấp các khoản vay ưu đãi để họ có thể tiến hành thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường tự nhiên. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và bảo vệ môi trường nước, đồng thời tạo ra cơ hội kinh doanh và làm giàu cho cộng đồng địa phương.

Hà Giang và Thảo Đang