Kết quả dự án: Xây dựng mô hình nuôi cua (Scylla paramamosain) 03 giai đoạn tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm cua tại xã Hiệp Tùng tham gia chương trình OCOP

       I. MỞ ĐẦU
       Huyện Năm Căn với lợi thế gần biển, hệ thức ăn tự nhiên phong phú, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng, cua Năm Căn được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng thịt thơm ngon, cơ thịt chắc, vượt hẳn so với các vùng miền khác. Trong đó, xã Hiệp Tùng là một trong những xã có nguồn lợi cua được đánh giá rất cao và ổn định. Đối với xã Hiệp Tùng, bên cạnh con tôm là sản phẩm chủ lực, thì cua biển là đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập thứ 2 cho bà con nông dân. Vì vậy, vấn đề xây dựng thương hiệu cho cua thương phẩm là hết sức cần thiết, là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới của xã Hiệp Tùng.
       Với điều kiện đất đai, thỗ nhưỡng, chế độ triều cường, xã Hiệp Tùng thuận lợi cho mô hình nuôi cua biển phát triển, tạo nguồn cung ổn định cho ngành hàng OCOP cung cấp thị trường trong và ngoài nước. Dự án nuôi cua 3 giai đoạn an toàn thực phẩm giới thiệu sản phẩm tham gia OCOP thực hiện ở xã Hiệp Tùng với những giải pháp kỹ thuật mới và các hoạt động thúc đẩy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện tham gia OCOP nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hiện nay.
       Cua giống được ương nuôi giai đoạn 2 trong ao đất của dự án được thực hiện trong 62 ngày, cua giống đạt kích cỡ trung bình 52,92 gr/con, tỉ lệ sống 80%, cua khỏe mạnh, đạt điều kiện thả nuôi giai đoạn 3 – nuôi thương phẩm trong vuông quảng canh cải tiến (QCCT) diện tích khoảng 03 hecta.
       Qua kết quả cho thấy, mô hình rất phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương, tỉ lệ sống của cua giống đạt cao, từ đó giảm chi phí mua giống, đồng thời rút ngắn được thời gian nuôi thương phẩm trong vuông QCCT, giúp người nuôi tăng được sản lượng trên cùng một đơn vị diện tích, từ đó tăng thu nhập và lợi nhuận, ổn định kinh tế hộ gia đình, hướng đến mô hình nuôi cua bền vững. 

       II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
       2.1. Địa điểm và thời gian triển khai

       Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cua (Scylla paramamosain) 03 giai đoạn tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho các sản phẩm cua tại xã Hiệp Tùng tham gia chương trình OCOP” là dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh được thực hiện tại xã Hiệp Tùng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, gồm 05 hộ dân thuộc ấp Hiệp Tùng, ấp 7B, ấp 5, ấp Rạch Vẹt (Bảng 2.1). Thời gian thực hiện: Từ ngày 19/4/2023 đến ngày 21/6/2023.

Bảng 2.1: Thông tin hộ dân tham gia thực hiện mô hình dự án

       2.2. Các chỉ tiêu theo dõi đánh giá:
       a. Các yếu tố về môi trường nước

       - Nhiệt độ nước đo bằng nhiệt kế.
       - pH nước đo bằng test pH (Test Sera Đức).
       - Độ kiềm đo bằng test kH (Test Sera Đức).
       - NH3 được đo bằng test NH3/NH4+ (Test Sera Đức).
       - Độ mặn đo bằng tỉ trọng kế.
       Các yếu tố môi trường nước được theo dõi kiểm tra hàng tuần.
       b. Tốc độ tăng trưởng của cua giống
       - Định kỳ 2 tuần tiến hành kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cua. 
       - Cách kiểm tra: Thu ngẫu nhiên bằng cách đặt sàng ăn và đặt lú.
       - Số lượng thả nuôi đầu vào: 15.000 con/hộ x 5 hộ = 75.000 con.
       - Ước tổng số lượng cua giống đầu ra: 10.000 con/hộ; 50.000 con/dự án.
       c. Thu thập và xử lý số liệu
       Tất cả số liệu được thu thập, phân tích và xử lý bằng chương trình Excel để so sánh và đánh giá kết quả của các ao nuôi.
       III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
       3.1. Kết quả thả giống

       Cua giống được thả vào ngày 19/4/2023 cho 05 hộ nuôi thực hiện mô hình dự án ở xã Hiệp Tùng. Số lượng: 15.000 con/hộ, tổng là 75.000 con/dự án. Cua giống đảm bảo chất lượng, số lượng, kích cỡ theo yêu cầu.
       Chất lượng nước tại thời điểm thả giống ở các ao nuôi đều nằm trong ngưỡng thích hợp cho cua giống phát triển. Cụ thể: độ mặn từ 22 - 25ppt; pH dao động từ 7,8 - 8,2; nhiệt độ: 31 - 32oC; độ kiểm từ 100-125 mg/L CaCO3; NH3/NH4+ từ 0,001 - 0,005.
       3.2. Kết quả theo dõi các yếu tố môi trường
       Nhiệt độ được ghi nhận không biến động lớn trong quá trình ương nuôi cua và chênh lệch không đáng kể giữa các ao nuôi. Vào tuần thứ 4 - 7 sau khi thả giống, trong vùng dự án xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài, tuy nhiên không ghi nhận nhiệt độ dao động bất thường (Bảng 3.1).

Bảng 3.1. Các yếu tố môi trường ao nuôi

       Hill (1978) có nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiệt độ lên sự bắt mồi và các hoạt động khác của cua Scylla Serrata, và nhận thấy mức độ hoạt động và cường độ bắt mồi của cua ở 25oC và 20oC giống nhau và đều ở mức cao nhất. Trong điều kiện ương nuôi, cua S. paramamosain đã được nghiên cứu nhiều về các yếu tố môi trường, trong đó các nghiên cứu tập trung tìm ra khoảng nhiệt độ và độ mặn thích hợp cho các giai đoạn ương ấu trùng và cua con là từ 32oC (Gong và ctv, 2015b, trích bởi Trần Ngọc Hải 2017). Kết quả đo đạc chỉ tiêu nhiệt độ nước ở các ao ương nuôi cua thực nghiệm cho thấy, nhiệt độ dao động từ 29 - 32oC là thích hợp cho sự bắt mồi tăng trưởng của cua giống.
       Nhiệt độ là yếu tố vô sinh quan trọng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quá trình hô hấp, chuyển hóa vật chất dinh dưỡng trong thủy vực, ảnh hưởng đến cường độ trao đổi chất và quá trình sinh trưởng, phát triển của thủy sinh vật nói chung và tôm, cá nói riêng trong các loại hình thủy vực (Đặng Ngọc Thanh, 1979). Qua Bảng 3.1 cho thấy yếu tố nhiệt độ trong các ao nuôi đều nằm trong khoảng thích hợp cho quá trình tăng trưởng, phát triển và nhiệt độ trong thời gian mưa lớn kéo dài không ảnh hưởng đến chất lượng sống của cua giống.
pH nước
       Cũng như yếu tố nhiệt độ, diễn biến pH ở các ao nuôi theo thời gian là khá ổn định (Bảng 3.1) mức dao động trung bình không quá 0,5 đơn vị/ngày, trị số pH giữa các lần đo khá ổn định trong thời gian ương nuôi cua (thấp nhất là 7,7, cao nhất là 8,3). Giá trị pH khá ổn định được đánh giá là do nền đáy, các chỉ tiêu thủy lý hóa môi trường nước và lượng phiêu sinh thực vật trong ao nuôi khá ổn định. pH được quản lý bằng phương pháp sử dụng kết hợp vôi CaCO3 và vôi Dolomite định kỳ 7 ngày/lần, tạt liều tăng cường vào những ngày mưa nhiều. Theo Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009) thì pH nước của ao rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loài thủy sản, pH thích hợp cho nuôi tôm, cá từ 7,5 – 8,8 và khoảng dao động hàng ngày không vượt quá 0,5 đơn vị pH. Qua kết quả trên cho thấy pH các ao nuôi đều thích hợp cho cua giống tăng trưởng và phát triển.


 

Biểu đồ 3.1: Biến động pH nước ao

       Độ kiềm
       Cũng như giá trị pH, không ghi nhận sự chênh lệnh lớn về độ kiềm trong ao ương nuôi giữa các lần đo, giá trị kiềm thấp nhất trong 62 ngày ương nuôi cua là 95 mg/L CaCO3 và cao nhất là 125 mg/L CaCO3), độ kiềm có xu hướng dao động theo điều kiện thời tiết, độ kiềm được ghi nhận thấp hơn vào những ngày mưa lớn kéo dài tuy nhiên không có sự khác biệt lớn và vẫn nằm trong ngưỡng cho phép, thích hợp với sự phát triển của cua giống.
Theo Trương Quốc Phú (2006) thì độ kiềm thích hợp trong ương nuôi tôm, cá nằm trong khoảng 80-140 mg CaCO3/L. Qua kết quả các ao nuôi (Bảng 3.1) cho thấy với kết quả này thì độ kiềm rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cua giống trong thời gian ương nuôi trong ao đất tại nông hộ.

Biểu đồ 3.2: Biến động độ kiềm nước ao nuôi

       Độ mặn, nồng độ muối (‰) 
       Chỉ tiêu độ mặn được đo lúc thả cua giống dao động từ 22-25‰, độ mặn được ghi nhận giảm xuống vào cuối vụ (18-19‰) (Bảng 3.2). Kết quả kiểm tra cho thấy độ mặn bắt đầu giảm vào tuần thứ 5 đây là thời điểm mưa lớn kéo dài, tuy nhiên vẫn nằm trong ngưỡng thích hợp cho cua giống phát triển.

Bảng 3.2: Độ mặn trung bình của các ao ương nuôi cua giống

       Theo Vũ Ngọc Út, 2006 (Trích bởi Trần Ngọc Hải, 2017) thì nồng độ muối tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của cua giống là từ 15-25‰. Sự dao động quá lớn về độ mặn trong quá trình nuôi có thể gây sốc cua nuôi (Trần Ngọc Hải, 2017). Theo Trần Ngọc Hải (2017), trong tự nhiên, từ giai đoạn cua con trở đi, cua có thể chịu đựng được độ mặn từ 2-60‰. Vì vậy, chúng có thể di cư ngược dòng vào vùng nước ngọt để tìm môi trường sống và thức ăn trong suốt giai đoạn sinh trưởng của chúng. Qua kết quả thực nghiệm tại các ao ương nuôi cho thấy độ mặn mặc dù có giảm trong thời gian mưa nhiều đến cuối vụ nhưng biên độ dao động không lớn và hoàn toàn thích hợp cho cua giống phát triển.

Biểu đồ 4: Biến động độ mặn nước ao nuôi

       3.3. Kết quả theo dõi tăng trưởng của cua nuôi: 
       Qua Bảng 3.3 cho thấy, trọng lượng trung bình cua giống ban đầu là 1,48 gr/con (dao động từ 0,8 - 3 gr/con), trọng lượng trung bình khi kết thúc giai đoạn 2 là 52,92 gr/con (dao động từ 30-74 gr/con). Cua giống tăng trọng rõ rệt giữa các lần đo, ghi nhận cua tăng trưởng mạnh từ tuần thứ 4 trở đi, với mức tăng trưởng 8,82% trọng lượng thân/ngày, trung bình 1,54 gr/ngày, mức tăng trưởng đạt cao nhất ở tuần thứ 9 (7,41% trọng lượng thân; 2,58 gr/ngày). Kết quả này tương đồng với kết quả của Trần Ngọc Hải (2017) là một số trường hợp thử nghiệm nuôi cua con (C1-C2) trong ao với mật độ khá cao 3-5 con/m2, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, sau 1,5 tháng, cua đạt kích cỡ 5-7 cm (khoảng 50 g).

Bảng 3.3: Trọng lượng trung bình cua giống

       Biểu đồ 3.3 Tăng trưởng của cua giống:

       3.4. Kết quả theo dõi thức ăn và tỉ lệ sống của cua giống
       Cua giống được ương nuôi trong ao đất có diện tích 3.000 – 5.000 m2 tại nông hộ, do diện tích ao khá lớn và tập tính sống của cua giống nên trong quá trình ương nuôi, tỉ lệ sống của cua giống chỉ ước đạt qua lượng thức ăn bổ sung hàng ngày. Hàng ngày cua được cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp và cá tạp, trong 30 ngày đầu cho ăn trong sàng ăn, từ ngày thứ 31 trở đi, cho cua ăn trong sàng ăn và rải đều thức ăn ra bên ngoài, tập trung nhiều ở gần mé bờ và trên trảng. Tỉ lệ sống của cua lúc thu hoạch ước đạt khoảng 80%.
       Lượng thức ăn bổ sung được định lượng bằng nhau giữa các ao nuôi (Bảng 3.4). Mỗi ngày cho ăn từ 2-3 cử, cửa sáng từ 6-7 giờ, cử chiều từ 4-5 giờ, cử tối lúc 8-9 giờ. Việc theo dõi sức ăn của cua thông qua sàng ăn, cua giống có xu hướng ăn mạnh vào cử tối, yếu hơn vào cử chiều. 

       

Bảng 3.4: Kết quả theo dõi thức ăn bổ sung cho cua giống

       IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
       Ương nuôi cua trong ao đất tại nông hộ, điều kiện ao ương được xem như là điều kiện vuông QCCT được thu nhỏ tại xã Hiệp Tùng, diện tích từ 3.000 – 5.000 m2, do đó, việc xử lý môi trường và cho cua ăn rất dễ thực hiện, hộ nuôi có thể quản lý, theo dõi cua giống mỗi ngày thông qua sàng ăn và lượng thức ăn bổ sung.
       Cua tăng trưởng rõ rệt và đạt tỉ lệ sống tốt sau thời gian ương nuôi giai đoạn 2 là 52,92 gram/con, tỉ lệ sống ước khoảng 80%.
       Các yếu tố môi trường ổn định và hộ dân theo dõi, kiểm soát được lượng thức ăn bổ sung và sức khỏe cua trong thời gian ương nuôi.
       Qua thực tế cho thấy, ương nuôi cua giai đoạn 2 trong ao đất đang mang lại hiệu quả rõ rệt, cua đạt tỉ lệ sống và tăng trưởng tốt, làm tiền đề cho giai đoạn 3 nuôi thương phẩm trong vuông quảng canh cải tiến.
Thành công của việc ương nuôi cua giai đoạn 2 cho thấy đây là mô hình nuôi rất phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương, tránh được bệnh cua đang diễn ra kéo dài. Đề xuất địa phương cần nhân rộng và phát triển mô hình nuôi này ở huyện Năm Căn và các huyện lân cận trong tỉnh Cà Mau.

Nguyễn Kiều Diễm - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau