một số yếu tố kỹ thuật : “mô hình nuôi tôm sú (penaeus monodon) quảng canh cải tiến kết hợp cua (scylla paramamosain) và cá nâu (scatophagus argus) 02 giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau."

       1. Mở đầu
       Nuôi trồng thủy sản là ngành nghề chính của nhiều nông dân ở vùng Nam của tỉnh Cà Mau. Nhất là một số huyện ven biển đã có thời gian nuôi khá lâu với hình thức quảng canh truyền thống là chủ yếu. Bà con chỉ thả con giống  vào vuông  sau thời gian 3-5 tháng thì xổ để thu hoạch theo con nước. Trước đây là nuôi chủ yếu độc canh con tôm sú. Sau khi có chuyển đổi cơ cấu sản xuất người dân mới thả nuôi mạnh dạn hơn. Ngày càng cải tiến hơn và nhiều giống loài hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường... Thời gian qua đã có một số mô hình, dự án đã được triển khai như: “Nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh theo hai giai đoạn tại xã Hàm Rồng và Hàng Vịnh huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau” do Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Năm Căn thực hiện; “Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến kết hợp với cá nâu trong vuông 02 giai đoạn sử dụng chế phẩm sinh học” tại xã Viên An Đông huyện Ngọc Hiển , do Phòng nông nghiệp huyện Ngọc Hiển thực hiện. 
Đối với việc nuôi kết hợp giữa các đối tượng tôm, cua và cá nâu hiện nay chưa có kết quả công bố, mặc dù trong thực tiễn sản xuất, đã có nhiều nông dân tự phát áp dụng mô hình nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua và cá thành công. Do nhiều người lo ngại khi nuôi tôm sú kết hợp cua biển và cá nâu chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau, con cua sẽ ăn con tôm khi lột xác, con cá và ngược lại, trường hợp này là không tránh khỏi. Nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật sản xuất, tính bền vững của mô hình nuôi kết hợp để nhân rộng cho người dân nâng cao thu nhập. Năm 2019, Trung tâm Thông tin & Ứng dụng Khoa học Công nghệ Cà Mau thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy sản góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau” trong đó có mô hình nuôi tôm sú QCCT kết hợp nuôi cua biển tại các ấp Trống Vàm, Rạch Láng và Đất Sét, kết quả rất khả quan. Nuôi Tôm - Cua kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học nhằm giảm ô nhiễm môi trường nước, ao nuôi luôn ổn định, tỷ lệ sống cao, màu sắc tôm, cua nuôi sáng, bóng, sản phẩm khi thu hoạch có chất lượng cao, không chứa dư lượng hoá chất độc hại trong tôm, cua nuôi thương phẩm, do đó giá trị sản phẩm sau thu hoạch cao hơn, được ưa chuộng hơn.
Ngọc Hiển là huyện nằm ven biển, nơi nuôi trồng thủy sản lâu đời nhất của tỉnh, với nhiều loại hình nuôi gắn với trồng rừng. Do hiện nay tình hình sản xuất của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn như: Diễn biến của khí hậu và thời tiết làm ảnh hưởng đến môi trường sống của đối tượng nuôi, tình hình dịch bệnh, hiện tượng tôm - cua chết xảy ra... làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Từ các kết quả nêu trên, có thể thấy việc nghiên cứu để nuôi kết hợp giữa các đối tượng tôm, cua, cá trên địa bàn huyện là có cơ sở khoa học để tiếp tục thực hiện dự án nhằm đúc kết kỹ thuật, tìm quy trình phù hợp và ứng dụng quy trình từ nuôi tôm kết hợp với cua, tôm sú quảng canh cải tiến và cá nâu... với mật độ và qui trình hợp lý có thể khẳng định kết quả tốt để nhân rộng vào sản xuất. Trên cơ sở đó Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Ngọc Hiển thực hiện dự án “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon)  quảng canh cải tiến kết hợp cua (Scylla paramamosain) và cá nâu (Scatophagus argus) 02 giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau” là rất khả thi.
       2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
       2.1. Đối tượng nghiên cứu.
       Nhằm phát huy ưu thế các loài thủy hải sản bản địa có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa vật nuôi, từng bước đa dạng sản phẩm chủ lực và tạo ra sản phẩm sạch và bền vững theo hướng hữu cơ “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon)  quảng canh cải tiến kết hợp cua (Scylla paramamosain) và cá nâu (Scatophagus argus) 02 giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau."
       2.3. Phương pháp nghiên cứu    

Sơ đồ kỹ thuật nuôi áp dụng cho dự án như sau:

 Sơ đồ: Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp cua và cá nâu dưới tán rừng

       2.4. Phân tích thống kê và đánh giá số liệu
       Số liệu được nhập vào máy tính và xử lý, phân tích bằng phần mềm Microsoft Excel.
       3. Kết quả và thảo luận
       3.1. Kết quả tập huấn
       Dự án tổ chức được 01 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất nuôi tôm- cua-và cá nâu cho dự án, với tổng số 45 thành viên tham gia dự án của HTX Nguyễn Quyền và thành viên tham gia dự án.
Thông qua công tác tập huấn cùng với việc theo dõi, các cán bộ kỹ thuật trực tiếp hỗ trợ cho hộ dân, trang bị kiến thức kỹ thuật, giúp bà con thuận lợi trong quá trình triển khai cũng như thực hiện mô hình. Đây cũng là lực lượng tuyên truyền để duy trì trao đổi thông tin kỹ thuật trong quá trình thực hiện và tuyên truyền viên trên địa bàn sau khi dự án kết thúc.
       3.2. Kết quả về ương tôm – cua và cá nâu thực hiện giai đoạn 1 
       3.2.1. Ương tôm giai đoạn 1 của 02 lần ương
       - Dự án thực hiện ương tôm giai đoạn 1 tập trung tại 1 điểm ương sau đó tiến hành thu để chia cho thành viên. Dự án thả tôm ương giai đoạn 1 tổng là 02 lần, sử dụng 2 ao lót bạt và 1 ao lắng, với diện tích 02 ao ương 300 m2 (mỗi ao có diện tích 150 m2), ao lắng 100 m3.

Bảng 3.1 Kết quả ương tôm sú giai đoạn 1 của 02 đợt ương

       Qua kết quả ương tôm giai đoạn 1 của 02 đợt tại Bảng 3.1, nhìn chung gần đạt tỉ lệ sống theo dự kiến mà phần kỹ thuật đưa ra, đạt 69,7/ 75% (mục tiêu dự án là 75%). Theo kết quả ương giai đoạn 1 năm 2019 của chủ nhiệm đã thực hiện dự án tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển với thời gian ương 15 ngày, mật độ ương 3.200 con/m2, tỷ lệ sống trung bình đạt 86,25%. Qua tham chiếu nhận thấy với thời gian ương dài và mật độ ương cao, tỷ lệ sống giai đoạn ương sẽ giảm dần, có sự chênh lệch khoảng 16 % so với kết quả thực hiện năm 2019. Nguyên nhân là: Một do biến đổi của thời tiết, khí hậu... có xuất hiện mưa đột ngột dẫn đến môi trường bị dao động mạnh giữa ngày và đêm làm cho tôm ương bị ảnh hưởng trong quá trình ương chủ yếu là nhiệt độ; Hai là do thời gian ương tương đối dài, tôm phân đàn, ương mật độ cao nên ăn thịt lẫn nhau.., đã ảnh hưởng tôm và làm tăng tỉ lệ hao hụt cho tôm ương..

 

Hình 3.1. Tôm sú giống được chọn để thả ương giai đoạn 1

       Thời gian triển khai giữa 02 lần ương, mỗi đợt cách nhau khoảng 1,5 – 2 tháng, ương nối tiếp nhau thả gối vụ theo tình hình chung của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực tế, thời gian ương giai đoạn 1 của lần 2 được thực hiện ngay thời điểm chuyển đổi giao mùa thời tiết lạnh dẫn đến  tôm trong quá trình ương bị sự cố. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh, môi trường dao động giữa ngày đêm nhất là nhiệt độ làm tôm bị sốc gây yếu, chậm lớn, khó lột xác, giảm ăn... và dẫn đến hao hụt cao cho ra tỉ lệ sống thấp.     
       3.2.1.1. Kết quả theo dõi các yếu tố môi trường
       Chất lượng nước bao gồm tất cả các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học. Trong nuôi trồng thủy sản thường quan tâm đến tính chất của nước ảnh hưởng đến tỷ lệ sống, sinh sản, sinh trưởng hoặc quản lý các sinh vật nuôi theo hướng có lợi. Có nhiều yếu tố chất lượng nước nhưng chỉ có vài yếu tố thường đóng vai trò quan trọng. Người nuôi thủy sản nên điều khiển các yếu tố đó bằng các biện pháp kỹ thuật. Ao nuôi có chất lượng nước tốt sẽ cho năng suất cao và tôm cá khỏe hơn ao nuôi có chất lượng nước kém. Hiểu biết về các nguyên lý về chất lượng nước sẽ giúp người nuôi xác định được tiềm năng của thủy vực, cải thiện điều kiện môi trường ao nuôi và sản xuất hiệu quả hơn (Boyd, C. E, 1990).
Các yếu tố môi trường trong quá trình ương tôm, cụ thể như sau:
       - Độ mặn:

  
Bảng 3.2. Bảng thống kê độ mặn qua 02 lần ương.

       Qua Bảng 3.2 cho thấy độ mặn có sự dao động tương đối lớn giữa các lần ương (22 – 30‰), tuy nhiên trong cùng 01 lần ương thì sự dao động của độ mặn cao nhất là 3‰ và thấp nhất là 1,5‰, cho thấy độ mặn của ao ương không có biên độ dao động lớn. Độ mặn thấp nhất là 22‰, độ mặn cao nhất là 30‰, độ mặn trung bình của các lần ương dao động trong khoảng từ 23,5 – 28,5‰. Độ mặn tăng dần tỷ lệ thuận với thời gian ương, thời gian ương càng lâu độ mặn có chiều hướng tăng càng cao, tuy nhiên trong quá trình ương nếu có xuất hiện một số cơn mưa độ mặn sẽ giảm. 
Theo nghiên cứu tài liệu kỹ thuật nguồn từ Nông nghiệp tôm sú có thể sống được ở độ mặn từ 0-45‰.. Tôm phát triển tốt nhất ở độ mặn 10 - 25‰, cơ thể phát triển tốt nhất và có sức đề kháng tốt với bệnh tật. Như vậy, yếu tố độ mặn tại các lần ương biến động không lớn, nằm trong ngưỡng tối ưu cho tôm phát triển. Riêng ương giai đoạn 1 của lần 2 biên độ độ mặn có tăng cao do mùa vụ và vượt ngưỡng thích hợp nhất nên tôm có hiện tượng chậm lớn và có xuất hiện những cơn mưa trái mùa làm giảm độ mặn đột ngột cũng gây ảnh hưởng đến tôm trong quá trình ương. . 
       - pH:

Bảng 3.3. Bảng thống kê độ pH qua 02 lần ương.

       Qua Bảng 3.3 cho thấy giá trị pH được ghi nhận có biến động trong các lần ương, pH cao nhất là 8,0 và thấp nhất là 7,2, trung bình dao động trong khoản 7,6. Theo Trần Ngọc Hải và ctv Trường Đại học Cần Thơ (2017) thì pH thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm sú từ 7,5 - 8,5 là tốt nhất. Như vậy pH tại các lần ương nằm trong giới hạn thuận lợi cho sự phát triển của tôm sú. 
       - Độ kiềm (mg/l):

Bảng 3.4. Bảng thống kê độ kiềm qua 02 lần ương.

       Qua Bảng 3.4 cho thấy độ kiềm được ghi nhận có biến động trong quá trình ương của 02 lần ương, độ kiềm thấp nhất là 85 mg/l và cao nhất là 136 mg/l, trung bình dao động từ 102 – 110,5 mg/l. Trong quá trình ương độ kiềm có giảm khi có những cơn mưa và có sự tăng lên theo thời gian ương, sự dao động độ kiềm cũng phù hợp với điều kiện của môi trường ương theo thời gian lâu ngày tuổi hơn.
 Theo Trương Quốc Phú (2006) thì độ kiềm thích hợp trong ương nuôi tôm, cá nằm trong khoảng 80-140 mg CaCO3/l. Cũng như Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009) cho rằng trong ao, đầm nuôi tôm, cá thì độ kiềm tốt nhất nằm trong khoảng 80-160 mg CaCO3/l. Qua kết quả Bảng 3.4 cho thấy với kết quả này thì độ kiềm rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm, cá.  
-Nhiệt độ(oc)

Bảng 3.5. Bảng thống nhiệt độ qua 02 lần ương.

       Qua Bảng 3.5 cho thấy nhiệt độ được ghi nhận có biến động trong quá trình ương của 02 lần ương, nhiệt độ thấp nhất là 24oCvà cao nhất là 31oC, trung bình dao động từ 27 – 29,5oC. Trong quá trình ương nhiệt độ có tăng, giảm khi có những cơn mưa, vào thời điểm giao mùa (gió chướng về nên thời tiết lạnh dẫn đến ban ngày nắng ấm, ban đêm lạnh sâu) và có sự tăng lên theo những ngày nắng trong thời gian ương, sự dao động nhiệt độ giữa các ngày và đêm lớn có đêm nhiệt độ còn 22oC vì vậy rất ảnh hưởng đến quá trình bắt mồi, tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, dễ gây sốc cho tôm, làm tôm chậm phát triển, khó lột xác kéo dài làm tôm yếu mầm bệnh dễ tấn công trong quá trình ương do vậy trong quá trình ương giai đoạn 1 của lần 2 rơi vào giai đoạn giao mùa và thời gian ương dài ngày tuổi hơn cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cũng như  tỉ lệ sống của tôm trong quá trình ương của dự án.
       3.2.1.2. Kết quả theo dõi sự tăng trưởng của tôm ương

Biểu đồ 3.1 Biểu đồ tăng trưởng chiều dài của tôm ương theo thời gian.

       Qua biểu đồ ương tôm 2 đợt cho thấy tôm tăng trưởng tốt theo ngày tuổi, có sự khác biệt giữa 02 lần ương. Tôm đạt kích cở dao động từ 27 – 34 mm ở thời điểm ương khoảng 20-26 ngày tuổi. Đạt chiều dài 34 mm ở tôm ương lần 1 và đạt 27 mm ở tôm ương lần 2, nguyên nhân do vào thời điểm ương giai đoạn 1 của lần 2 vào giai đoạn gió chướng về chuyển đổi giao mùa làm thay đổi yếu tố môi trường mạnh nhất là chỉ tiêu về nhiệt độ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của tôm, làm cho tôm chậm lớn và bị hao hụt cao,và thời gian ương dài nên tỉ lệ sống thấp hơn ương lần 1.  

  Hình 3.2. Tôm sú giống sau khi ương được 20 ngày tuổi 

       3.2.2. Ương cá nâu giai đoạn 1( thả 01 lần)
       Quá trình ương cá nâu giống giai đoạn 1 trong giai ương riêng lẻ của từng hộ có diện tích 10-20m2/ hộ (tùy theo số lượng cá nâu giống của mỗi hộ được thả ương mà làm giai ương lớn hay nhỏ).
Cá nâu được hợp đồng mua từ cửa hàng thuốc thủy sản Út Hường thông qua việc ương dưỡng của các thương lái thu gom từ khai thác tự nhiên. Cá khỏe mạnh, đạt tiêu chí của dự án đề ra
       + Ngày thả giống: ngày 18/11/2022 (do nguồn giống thu gom từ tự nhiên nên dự án chuẩn bị thả ương trong vuông, khâu chuẩn bị nước để thả cá giống cũng là khâu cải tạo chuẩn bị của vuông nuôi tôm cua giai đoạn 2 của dự án).
       + Mật độ ương: 1.000 con/m2, kích cỡ cá từ 1,0-1,5cm/ con. Cá giống có nguồn gốc tự nhiên, khỏe mạnh đạt tiêu chuẩn của dự án.
       + Thời gian ương: 6-8 ngày (tỉ lệ sống ước đạt khoảng 70%). Nguyên nhân do trong thời gian ương tình hình khí hậu thời tiết mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tục cá có biểu hiện nổi đầu trong giai nhỏ mật độ cao sẽ gặp trở ngại cho cá nên đã xử lý môi trường và cho hộ dân thả cá ra sớm hơn dự  án, chỉ còn vài hộ đã để lại  một ít cá để theo dõi thí nghiệm... đến 20 ngày tuổi. . 
       + Tổng lượng cá nâu thả ương giai đoạn 1 là: 576.000 con. 
       + Kích cỡ chiều dài của cá nâu dao động: 1,8 – 2,0 cm.( của một vài hộ ương chừa lại ít để theo dõi)
Phần cá nâu do trong quá trình thực hiện ương giai đoạn 1 gặp mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm ảnh hưởng, cho thả ra sớm hơn dự kiến nên xin không đánh giá tỉ lệ sống ở giai đoạn ương mà sẽ đánh giá sản lượng thu hoạch ở nuôi giai đoạn 2 (nuôi thương phẩm) 

Hình 3.3. Cá nâu giống khai thác từ tự nhiên

       3.2.3 Ương cua giai đoạn 1 của 02 lần ương
       3.2.3.1. Kết quả ương Cua giai đoạn 1

Bảng 3.6 Kết quả ương Cua đoạn 1 của 02 đợt ương

       Qua Bảng 3.6 ta thấy kết quả 2 đợt ương nhìn chung gần đạt tỉ lệ sống theo dự kiến mà phần kỹ thuật đưa ra, đạt 60,37% (mục tiêu dự kiến của dự án là 70%). Kích cỡ chiều dài của cua ương dao động: 0,3 – 0.5 cm/con. Cua được  ương thời gian 15 ngày sau đó thu và cấp phát cho các thành viên Hợp tác xã thả nuôi dựa trên diện tích mặt nước của từng hộ..


Hình 3.4. Cua giống được thả ương giai đoạn 1 

       Qua tham chiếu nhận thấy thời gian ương, tỷ lệ sống của ương lần 01 thấp hơn lần 02, có sự chênh lệch gần gấp đôi. Nguyên nhân là: Một do biến đổi của thời tiết, khí hậu... có xuất hiện mưa đột ngột dẫn đến môi trường bị dao động mạnh giữa ngày và đêm làm cho cua ương bị ảnh hưởng trong quá trình ương chủ yếu là nhiệt độ; Hai là do thời gian ương tương đối dài, kích cỡ giống thả ương lớn, cua phân đàn, ương mật độ cao nên ăn thịt lẫn nhau.., đã ảnh hưởng đến cua và làm tăng lệ hao hụt cho cua ương.
       3.2.3.2. Kết quả theo dõi các yếu tố môi trường ương cua giai đoạn 1
       Với điều kiện ương cua trong các ao trãi cao su tập trung đã được chuẩn bị, cải tạo, vệ sinh kỹ nên các yếu tố môi trường điều nằm trong khoảng thích hợp như: pH: 7,3 – 7,9;  độ kiềm 102 - 136mg/l;  độ mặn 26-31,5%o đều nằm trong khoảng thích hợp tốt nhất cho điều kiện sinh trưởng và phát triển của cua. Riêng  yếu tố nhiệt độ ở giai đoạn ương lần 01 thấp (23-25oc) hơn so với nhiệt độ ở ương lần 02 (29-31oc)... nên tỉ lệ sống ương lần 1 thấp hơn ½ so với lần 2..
-Nhiệt độ(oc)


Bảng 3.7. Bảng thống nhiệt độ qua 02 lần ương.

       Qua Bảng 3.7 cho thấy nhiệt độ được ghi nhận có biến động trong quá trình ương của 02 lần ương, nhiệt độ thấp nhất là 23oC và cao nhất là 31oC, trung bình dao động từ 24 – 30oC. Trong quá trình ương nhiệt độ có tăng, giảm khi có những cơn mưa, vào thời điểm giao mùa (gió chướng về nên thời tiết lạnh dẫn đến ban ngày nắng ấm, ban đêm lạnh sâu) và có sự tăng lên theo những ngày nắng trong thời gian ương, sự giao động nhiệt độ giữa các ngày trong quá trình ương do vậy trong quá trình ương giai đoạn 1 của lần 1 rơi vào giai đoạn giao mùa và thời gian ương dài ngày tuổi hơn cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển cũng như tỉ lệ sống của cua trong quá trình ương của dự án làm tỉ lệ sống thấp chưa đạt dự kiến.

Hình 3.4. Cua giống được thả ương ương sau 15 ngày tuổi 

       3. Đánh giá kết quả nuôi giai đoạn 2
       3.1. Quá trình theo dõi các yếu tố môi trường nuôi giai đoạn 2
       3.1.1. Độ mặn
       Độ mặn được đo bằng khúc xạ kế. Nước lấy để đo độ mặn là nước tầng giữa, thời gian đo độ mặn là khi kết thúc chu kỳ lấy nước (con nước xổ) 3 ngày. Mỗi loài động vật thủy sản sống và phát triển thuận lợi trong một khoảng độ mặn tối ưu. Phần lớn các loại động vật thủy sản chịu đựng được một khoảng độ mặn khá rộng.. 

Biểu đồ 3.2 Biến thiên độ mặn qua các tháng

       Qua biểu đồ 3.2 cho thấy, độ mặn tại các hộ nuôi của dự án dao động từ 23 đến 31‰; Độ mặn nước đạt giá trị cao nhất (31‰) ở tháng tháng 5 năm 2023 và thấp nhất (23‰) ở tháng 10/2023. Độ mặn tại các hộ nuôi không có sự chênh lệch lớn (dưới 2‰) do cùng một vùng nuôi. Tuy nhiên, độ mặn giữa các tháng nuôi có sự biến động khá lớn (khoảng 8‰). Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết hai mùa mưa và mùa nắng. Vào thời điểm mùa nắng từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2023 độ mặn tăng dần từ 24‰ lên 31‰; mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10/2023 độ mặn bắt đầu giảm dần xuống 23‰ vào tháng 10, sau đó độ mặn tăng dần lên. Tuy nhiên, điều nằm trong giới hạn sống của tôm- cua và cá nâu và vượt ngưỡn tối ưu (10 - 25‰) 6‰ vào các tháng nắng. Do dự án nằm trong vùng gần biển nên độ mặn có sự biến thiên nhẹ từ nước biển đổ vào và người dân xổ vuông theo con nước 15 và 30 âm lịch hàng tháng nên độ mặn không tăng cao đột ngột như các huyện Bắc Cà Mau đây cũng là điều kiện giúp cho đối tượng nuôi thuận lới phát triển tốt hơn, riêng năm 2022 chuyển sang 2023 có xuất hiện mưa trái mùa cũng làm cho độ mặn mùa nắng không cao hơn so với năm 2021-2022. 
Theo Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009) độ mặn thích hợp nhất cho tôm cua phát triển tốt từ 15-25‰, mặc dù ngoài ngưỡng có thể sống và sinh trưởng được trong giới hạn độ mặn từ 0-37‰. Độ mặn vuông nuôi tuỳ thuộc vào vị trí ao, nguồn nước cấp và mùa vụ nuôi. Sự thay đổi của độ mặn nước vuông nuôi không được quá 5‰ trong ngày, sự thay đổi nhanh của độ mặn có thể gây “sốc” cho thủy sản. Độ mặn thấp dễ gây tôm cua bị mềm vỏ, trong khi độ mặn cao làm lớn chậm, dễ bị nhiễm nhiều bệnh và khó trong quản lý.  
       3.1.2. Giá trị pH
       Giá trị pH là chỉ số đo đặc trưng về độ axit (chua) hoặc độ kiềm (chát) của nước. pH thấp chứa nhiều axit, pH cao chứa nhiều kiềm. Trong vùng pH rất cao hoặc rất thấp thì các loại thủy động vật thủy sinh không sống được, tác động của pH lên đời sống động vật thủy sinh có tính chất gián tiếp chứ không theo phương thức trực tiếp (Lê Văn Cát và ctv, 2006). 

Biểu đồ 3.3: Biến thiên giá trị pH

       Qua biểu đồ 3.3 cho thấy, pH tại các hộ nuôi dao động từ 7,5 đến 8,2 pH dao động chủ yếu phụ thuộc vào chế độ thủy triều theo con nước hàng tháng và theo mùa. Vào mùa mưa, do sự rửa trôi bùn đất phèn từ trên bờ vuông và nguồn nước lấy vào từ sông nên làm giảm pH của nước và có khuynh hướng ngược lại vào mùa khô, nhưng giá trị pH vẫn còn trong ngưỡng thích hợp cho sự sinh trưởng của tôm, cua và cá (Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải, 2009). Như vậy pH tại các vuông nuôi nằm trong giới hạn phát triển của tôm sú, cua và cá.
       3.1.3. Độ kiềm
       Động vật thủy sản phát triển bình thường trong một khoảng rộng về độ kiềm, tức là mức độ tác động trực tiếp của độ kiềm là không lớn. Sự tác động của độ kiềm lên đời sống và phát triển trong  nuôi trồng thủy sản mang tính gián tiếp: tăng (giảm) tính đệm của nước (ít biến động pH).

Biểu đồ 3.4: Biến thiên độ kiềm qua các tháng nuôi

       Từ biểu đồ 3.4 cho thấy, giá trị độ kiềm trung bình ở các hộ nuôi dao động từ 102 -152 mg/l, mức dao động trong khoảng thích hợp cho sự tăng trưởng và phát triển của tôm, cua và cá. Theo nguồn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, độ kiềm thích hợp cho tôm từ 80-160 mg/l. Độ kiềm liên quan mật thiết tới độ pH, độ kiềm tạo nên hệ đệm trong nước giúp cho pH nước ổn định, ít biến động. Độ kiềm quá thấp thường xảy ra ở những vùng nước có độ mặn thấp làm cho tôm, cua  khó cứng vỏ sau khi lột xác, làm cho pH dao động trong ngày lớn, độ kiềm quá cao thường làm cho tôm khó lột xác. Từ kết quả trên cho thấy việc hướng dẫn hộ dân kiểm tra định kỳ cũng như có kế hoạch xử lý để ổn định độ kiềm, giúp cho vuông nuôi tránh được hiện tượng độ kiềm giảm quá thấp.
       3.2. Kết quả theo dõi tăng trưởng
       Tăng trưởng của tôm, cua và cá nâu nuôi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường nước của ao nuôi, chất lượng giống, nguồn thức ăn từ tự nhiên và thời tiết,…Trong đó môi trường nước của vuông nuôi cũng là yếu tố quyết định lớn đến sự tăng trưởng và phát triển của tôm, cua và cá nâu. Nên trong quá trình thực hiện dự án cũng đã hướng dẫn cho người dân thấy được việc nuôi trồng thủy sản tốt là phải nuôi dưỡng môi trường nước.

Biểu đồ 3.7: Tốc độ tăng trưởng trung bình của cá nâu 

       Kết quả các biểu đồ cho thấy về sự tăng trưởng của tôm, cua và cá nâu nuôi  tăng dần theo thời gian về trọng lượng của các hộ dân qua các đợt nuôi. Ở thời điểm thu hoạch tôm cua vụ 1, trọng lượng tôm nuôi đạt trung bình khoảng 45,6g/con; cua nuôi đạt trung bình khoản 330g/con. Thu hoạch vụ 2  tôm đạt trung bình 48,3g/con; cua nuôi đạt trung bình khoảng 345g/con; còn cá nâu thu hoạch trung bình 308g/con cá đặc biệt có con gần 700g. Qua biểu đồ cho thấy không có sự chênh lệch quá lớn về trọng lượng giữa vụ nuôi. 
       3.3. Kết quả thu hoạch
       - Tôm: Sau thời gian nuôi từ 05 tháng, khi tôm đạt kích cở khoảng 20-25 con thì tiến hành thu hoạch theo hình thức thu tỉa (đặt lú ở gần cống xổ), sau hơn 05 tháng nuôi thì thu xổ đồng loạt theo con nước 15 và 30 âm lịch.

Bảng 3.8: Thống kê kết quả thu hoạch tôm sú thương phẩm

       Từ kết quả bảng 3.8 cho thấy, hiệu quả dự án đạt tổng sản lượng là 25.220 kg, với năng suất bình quân là 350,3 kg/ha, đạt chỉ tiêu dự án đề ra. Qua thống kê cho thấy có 24/45 hộ có năng suất trên 350 kg/ha, chiếm 53,3% tổng số hộ tham gia.

Hình 3.5. Thu hoạch tỉa những tôm đạt cỡ 20-25 con/kg

       Nhìn chung trong 45 hộ tham gia thực hiện dự án điều rất tâm quyết, tuân thủ và luôn thực hiện đúng từng bước trong quy trình kỹ thuật nuôi và trao đổi thường xuyên với nhóm thực hiện dự án. Kết quả năng suất thấp nhất là 282 kg/ha và cao nhất là 480 kg/ha, bình quân đạt 350,3 kg/ha, đạt theo năng suất dự án đề ra (350kg/ha) và so sánh với các hộ dân xung quanh không có thực hiện dự án thì năng suất cao hơn. Theo thông tin về tình hình thu hoạch của cán bộ khuyến nông và trực tiếp người dân trong khu vực thì các hộ không nằm trong dự án năng suất khoảng 190 - 250 kg/ha (Có hộ tính trên 1 con nước xổ vuông chưa được 3 triệu đồng) nhưng kích cỡ tôm khi thu hoạch trung bình là 21,3 con/kg và tỉ lệ sống của tôm là 14,92 %(tương đương 537.186/3.600.000 con tôm giống
       - Cua: Sau thời gian nuôi từ 06 tháng, khi cua đạt kích cở 4 con/ kg con thì tiến hành thu hoạch theo hình thức đặt lợp cua, thu hoạch theo con nước 15 và 30 âm lịch hàng tháng.

Bảng 3.9: Thống kê kết quả thu hoạch cua thương phẩm

       Từ kết quả bảng 3.9 cho thấy, hiệu quả cua nuôi của dự án đạt tổng sản lượng là 13.110 kg, với năng suất bình quân là 182,08 kg/ha, đạt chỉ tiêu dự án đề ra. Cụ thể:        

 Hình 3.6. Thu hoạch tỉa những cá thể cua đạt cỡ

       Qua thống kê cho thấy có 29/45 hộ có năng suất trên 180 kg/ha, chiếm 64,4% tổng số hộ tham gia. Nhìn chung 45 hộ tham gia thực hiện dự án điều tâm quyết, tuân thủ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi. Kết quả năng suất thấp nhất là 110 kg/ha và cao nhất là 235 kg/ha, bình quân đạt 182,08kg/ha, đạt theo năng suất dự án đề ra (180kg/ha). Theo thông tin về tình hình thu hoạch của cán bộ khuyến nông và trực tiếp người dân trong khu vực thì các hộ không nằm trong dự án năng suất khoảng 100 - 150 kg/ha (Có hộ tính trên một con nước xổ vuông chưa được 1 triệu đồng tiền cua) nhưng kích cỡ cua khi thu hoạch trung bình là 337,5con/kg  trong 06 tháng nuôi và tỉ lệ sống của tôm là 10,8%(tương đương 38.844/360.000 con cua giống).
       -Cá Nâu: Sau thời gian nuôi hơn 08 tháng tiến hành cho thu tỉa những cá thể lớn vượt dàn đạt tiêu chuẩn < 5con/kg bằng cách soi đèn, dùng lưới hoặc mò tay khi xả nước và thu hoạch toàn bộ khi nuôi từ 10 tháng tuổi trở lên đạt năng suất và sản lượng như sau:

Bảng 3.10: Thống kê kết quả thu hoạch cá nâu thương phẩm

       Từ kết quả bảng 3.10 cho thấy, hiệu quả từ cá nâu nuôi của dự án đạt tổng sản lượng là 26.672 kg, với năng suất bình quân là 301kg/ha, đạt theo chỉ tiêu dự án đề ra. 

Hình 3.7. Thu hoạch tỉa những cá nâu vượt đàn 

       Qua thống kê cho thấy có 28/45 hộ có năng suất trên 300 kg/ha, chiếm 62,2% tổng số hộ tham gia. Nhìn chung tham gia thực hiện dự án điều tâm quyết, tuân thủ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi sử dụng phân trùn chỉ cũng như việc ủ men vi sinh có bổ sung cám gạo để kích thích chuỗi thức ăn tự nhiên trong vuông phát triển tốt giúp cá ăn nhanh lớn. Kết quả năng suất cao nhất là 394kg/ha và thấp nhất là 190 kg/ha, bình quân đạt 301kg/ha, đạt theo năng suất dự án đề ra (300kg/ha). kích cỡ cá khi thu hoạch trung bình là 308g/con trong 10 tháng nuôi và tỉ lệ sống của tôm là 12,21%(tương đương 70363/5760.000 con cá nâu  giống.

Hình 3.8. Ủ men vi sinh có bổ sung thêm cám gạo để làm tăng chuỗi thức ăn tự nhiên cho tôm - cua và cá nâu.

       4. Hiệu quả kinh tế của dự án. 
       4.1 Kết quả của dự án
       Với tổng diện tích thực hiện 180 ha (diện tích mặt nước 72 ha,có 45 hộ), mô hình nuôi có tổng chi phí đầu tư trực tiếp là 2.653.656.900 đồng.

       Lợi nhuận đạt được (C) = (B) – (A)                  =  8.373.710.000đồng. 
       Lợi nhuận trên tổng diện tích rừng- tôm là:(C) /180ha= 46.520.611.đồng
       Lợi nhuận bình quân/ha/năm = (C)/72 ha      =  116.301.000 đồng.
       4.2. Hiệu quả xã hội
       Dự án “Nuôi tôm sú (Penaeus monodon)  quảng canh cải tiến kết hợp cua (Scylla paramamosain) và cá nâu (Scatophagus argus) 02 giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau” được triển khai thực hiện ngoài hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân còn mang lại hiệu quả xã hội tích cực.
Thông qua mô hình sản xuất của dự án, từng bước giúp người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, để nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập; tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ cho người lao động; góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và an ninh trật tự ở địa phương. Quá trình thực hiện các mô hình đã tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là nuôi kết hợp tôm- cua- cá và cách tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, hợp tác.

       5. Kết luận
       Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến kết hợp cua và cá nâu 02 giai đoạn dưới tán rừng tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau”có ý nghĩa thiết thực trong nuôi kết hợp các đối tượng, nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi. Ưu tiên và phát huy thế mạnh cho giống loài thủy sản bản địa và có giá trị kinh tế khá cao. Mặc dù chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, môi trường, tình hình bệnh trên tôm cua xay ra. Nhưng với quy trình kỹ thuật nuôi tôm – cua  và cá nâu 2 giai đoạn đã giúp tôm- cua- cá nâu nuôi thích ứng tốt với sự thay đổi lớn bởi thời tiết, khí hậu (chuyển đổi giao mùa, gió bấc về, thời tiết lạnh, mưa trái mùa...) tỉ lệ sống và năng suất đều cao hơn so với các hộ sản xuất truyền thống khác,...người dân địa phương có đề xuất cần tiếp tục thực hiện dự án để hỗ trợ quy trình kỹ thuật cũng như nuôi kết hợp nhiều đối tượng trong cùng diện tích, phát huy hết tiềm năng sẳn có của địa phương,  để nâng cao thu nhập, giúp người dân phát triển kinh tế trước tình hình khó khăn hiện nay. 
       * Kết quả thực hiện của dự án như sau:
       + Thành lập và ra mắt mới 01 HTX ( Hợp tác xã Nguyễn Quyền)
       + Tổng sản lượng tôm sú là: 25.220/25.200kg, đạt cao hơn so với mục tiêu của dự án đề ra, kích cở trung bình 21,3 con/kg đạt mục tiêu của dự án (20-25con/kg). Năng suất tôm đạt 350,3 kg/năm, cao hơn năng suất bình quân của dự án (Tỷ lệ số đạt 14,92%).
       +Tổng sản lượng cua biển là: 13.110 kg/ 12.690kg, đạt 103 % so với mục tiêu của dự án đề ra, kích cở thu hoạch 337,5g/con đạt mục tiêu của dự án (2-4 con/kg).  Năng suất cua đạt 182,08kg/năm, tỷ lệ số đạt 10,8%.
       + Tổng sản lượng cá nâu là:  21.672kg/ 21.600kg, đạt so với mục tiêu của dự án đề ra, kích cở thu hoạch trung bình 308g/con đạt mục tiêu của dự án (3-5 con/kg).  Năng suất cua đạt 301kg/năm, tỷ lệ số đạt 12,21%.
       + Dự án tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản và hoàn thiện tài liệu kỹ thuật nuôi tôm- cua và cá nâu kết hợp dưới tán rừng, đa dạng hóa đối tượng nuôi trên cùng một diện tích, bên cạnh đó nuôi theo hình thức này tôm, cua và cá nâu không nhiễm kháng sinh, hóa chất nên đáp ứng tốt yêu cầu trong an toàn thực phẩm và đăng tải lên trang thông tin khoa học- công nghệ. 
       + Hiệu quả kinh tế của dự án còn giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con nông dân trong vùng dự án góp phần thực hiện tốt công tác nhân rộng trong thời gian tới giúp phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phấn đấu đạt các tiêu chí qui định đối với sản phẩm OCOP...

Ths. Mai Văn Đoan - Trạm Khuyến nông huyện Ngọc Hiển