Xác lập quyền sở hữu trí tuệ Nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau”.

       Cây đước có tên khoa học là Rhizophora apiculata Blume, thuộc họ Rhizophoraceae. Ở Việt Nam, đước sống chủ yếu ở rừng ngập mặn từ Quảng Trị đến đồng bằng sông Cửu Long, tập trung nhiều nhất tại Cà Mau. Đước là loại thân gỗ, tròn, mọc thẳng. Khi còn nhỏ, tán cây có hình dù, sau 6 tuổi trở thành hình trụ. Khi cây đước trưởng thành, có hoa đến lúc quả đước chín cần đến 6 tháng. Quả đước già sẽ nảy mầm ngay từ lúc còn đang lơ lửng trên cây, khi rụng xuống quả đước trôi theo dòng nước biển đến khi gặp nơi bùn lầy, quả đước đã mọc mầm sẽ được giữ lại và bắt đầu mọc rễ để phát triển. Mầm đước sẽ có búp non màu đỏ và hai chiếc lá xanh đầu tiên. Từ đó cây đước tiếp tục phát triển, lớn lên và lan rộng thành rừng. Cây đước có nhiệm vụ quan trọng trong việc phòng hộ, bảo vệ bờ biển, chống xâm lấn, xói mòn các đồng bằng ven biển, cố định các bãi bồi ven biển, chống gió bão, cân bằng hệ sinh thái và môi trường. Từ lâu loại cây này đã được biết đến với tên gọi “Vệ sĩ bờ biển”. Bên cạnh đó, theo như Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng dược liệu Việt Nam - Vietfarm, cây đước còn chứa nhiều thành phần có dược tính tốt và được sử dụng với mục đích hỗ trợ một số bệnh . 
       Cây đước thích nghi tối ưu với môi trường sống, không những có giá trị lớn về mặt môi trường, mà còn là “sinh kế” của người dân địa phương. Người dân Cà Mau sử dụng cây đước từ gốc đến ngọn. Gỗ từ thân cây đước phục vụ cho đời sống của dân cư quanh vùng, làm củi, làm than, than đước được người dân ưa thích sử dụng nhờ tạo được nhiệt lượng cao. Gỗ từ cây đước sản xuất đũa ăn, còn xẻ làm ván, đóng đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ, làm nhà, dựng cột, đặc biệt xẻ gỗ để tạo ra sản phẩm mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Ngày nay, rừng đước cũng là địa điểm thu hút du lịch nổi tiếng, nhờ hình thái đặc biệt, hệ sinh thái đa dạng nên được rất nhiều du khách yêu thích mỗi khi đến đất Mũi Cà Mau.
       Để phát triển thương hiệu đũa đước Mũi Cà Mau trên thị trường, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, năm 2021, Sở KH&CN thống nhất giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN chủ trì thực hiện dự án: Xây dựng Nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Đũa đước Mũi Cà Mau do Thạc sĩ Lê Thị Cẩm Tú làm chủ nhiệm, thời gian 18 tháng, dự án thuộc Chương trình Xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương. 

Hình 01. Gốc và rễ cây đước

       2. Nội dung thực hiện dự án

       NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ theo Quyết định số 59411/QĐ-SHTT ngày 04/8/2023 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, có hiệu lực 10 năm. Chủ sở hữu NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” là Hội Nông dân tỉnh Cà Mau theo Công văn số 4613/UBND-KGVX ngày 21/7/2022 của UBND tỉnh Cà Mau. Dự án không chỉ xác lập thành công quyền sở hữu công nghiệp đối NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” mà còn xây dựng được hệ thống văn bản quản lý đầy đủ, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và góp phần giữ vững, nâng cao giá trị cho sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau”. Mặt khác thông qua việc xây dựng NHTT sẽ tổng hợp được sức mạnh tập thể, cộng đồng cùng tham gia vào việc khai thác, bảo vệ giá trị truyền thống của địa phương, vùng miền. 

Hình 02. Logo NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”

       Trong quá trình triển khai dự án, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện 4 quy chế, 1 quy trình phục vụ quản lý và khai thác NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”. Các quy chế, quy trình bao gồm: Quy chế quản lý và sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; Quy chế kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”; Quy chế cấp và sử dụng tem mang NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” và Quy trình khai thác đước và sản xuất sản phẩm mang NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”. Tất cả các quy chế, quy trình nói trên đều được đóng thành quyển nhỏ, khổ 10 x 15 cm để phục vụ các thành viên, người dân và doanh nghiệp có liên quan đến NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”. Các quy chế, quy trình được xây dựng, hoàn thiện và do Chủ sở hữu ban hành là cơ sở pháp lý để Chủ sở hữu và các thành viên NHTT khai thác và sử dụng NHTT ”Đũa đước Mũi Cà Mau” đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. 
       Cơ quan chủ trì phối hợp với Chủ sở hữu và các đơn vị có liên quan tổ chức 01 lớp tập huấn với chủ đề: Triển khai các quy chế, quy trình quản lý NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” tại huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau với 40 người tham dự.  Lớp tập huấn đã trang bị được những kiến thức cần thiết về sở hữu trí tuệ cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, góp phần nâng cao việc khai thác, quản lý và sử dụng nhãn hiệu tạp thể “Đũa đước Mũi Cà Mau”, tạo điều kiện thuận lợi để nhãn hiệu được bảo hộ phát triển ổn định, hiệu quả trong thời gian tới.

Hình 03. Tập huấn các Quy chế và quy trình quản lý và sử dụng NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” tại UBND huyện Ngọc Hiển

       Cơ quan chủ trì phối hợp với công ty TNHH TRUYẾN THÔNG ĐẤT MŨI NEWS đi thực tế quay hình các cơ sở đũa đước để làm video quảng bá sản phẩm. Video quảng bá (4:30 phút) được đăng trên Yotube và cũng được Đài phát thanh và truyền hình phát sóng chuyên đề bạn nhà nông vào ngày 3/6/2023 (https://youtu.be/NPeabMWk9YM).
Chủ nhiệm cùng thành viên dự án đã tiến hành lấy mẫu đũa đước gửi Trung tâm phân tích và kiểm nghiệm Cà Mau vào ngày 22/2/2022 và ngày 24/5/2022. Dựa trên kết quả phân tích cùng với giấy phép kinh doanh, Cơ quan chủ trì cũng phối hợp với Trung tâm phân tích kiểm nghiệm xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở tự công bố cho 3 cơ sở được chọn là Chí Nguyện, Như Ý, Tư Tỵ.
       Dựa trên kết quả lựa chọn và cấp tem nhãn thí điểm quyền sử dụng NHTT thì 03 cơ sở: Cơ sở sản xuất đũa Chí Nguyện, Cơ sở sản xuất đũa Như Ý, Hộ kinh doanh đũa đước Tư Tỵ trên địa bàn huyện Ngọc Hiển được lựa chọn và cấp số lượng 6.000 hộp có tem mang NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” (2.000 hộp/cơ sở trong đó cơ sở, doanh nghiệp đối ứng 50% chi phí).  Cơ quan Chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV In, Quảng cáo Thành Đạt tiến hành thiết kế, in hộp có gắn tem nhãn cho 03 cơ sở này (hình 04)

Hình 04. Bao bì mang tem NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” của cơ sở Chí Nguyện, Như Ý, Tư Tỵ – Ngọc Hiển

       Để đảm bảo chất lượng đầu ra và nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường đối với NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau”, Đơn vị chủ trì phối hợp với các bên có liên quan xây dựng mô hình quản lý và khai thác NHTT, góp phần quản lý và khai thác có hiệu quả NHTT đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Về lâu dài, trong quá trình vận hành, nếu có phát sinh những nội dung bất hợp lý thì Chủ sở hữu, Ban quản lý nhãn hiệu, doanh nghiệp và người dân sử dụng vùng triển khai dự án sẽ bàn bạc, chỉnh sửa để mô hình để phù hợp hơn, đảm bảo mô hình vận hành ổn định, hiệu quả. 

Hình 05. Mô hình quản lý NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” 

       3. Hiệu quả của Dự án
       Hiệu quả về mặt khoa học: Dự án không chỉ xác lập thành công quyền sở hữu công nghiệp NHTT đối với sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau” mà còn xây dựng được hệ thống văn bản quản lý đầy đủ, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và góp phần giữ vững, nâng cao giá trị uy tín cho sản phẩm “Đũa đước Mũi Cà Mau”, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phát triển “Đũa đước Mũi Cà Mau” sau khi kết thúc Dự án. Điều này có ý nghĩa quan trọng là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm mang NHTT, cho việc quản lý và thương mại hóa sản phẩm mang NHTT, khẳng định vai trò của SHTT trong bối cảnh mới, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế xã hội nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản địa phương tỉnh Cà Mau nói riêng.  
       Hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội: Kết quả Dự án là căn cứ pháp lý để khẳng định quyền đối với sản phẩm đũa đước của tỉnh Cà Mau, giúp người dân và doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng, hiệu quả khai thác, sản xuất và kinh doanh sản phẩm đũa đước, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương. NHTT cũng là công cụ nhằm giữ gìn và phát triển danh tiếng của sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, khai thác hiệu quả lợi thế và tăng giá trị tài sản trí tuệ trong từng sản phẩm của tỉnh Cà Mau. Mặt khác, việc xây dựng, quản lý và phát triển thành công NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” còn góp phần giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng, từ đó nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm và hình ảnh cho địa phương.
       Bên cạnh đó, đối với tỉnh Cà Mau, việc thực hiện thành công Dự án còn có ý nghĩa nâng cao nhận thức về NHTT, về việc sử dụng quyền SHTT. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong hoạt động kinh doanh sản xuất phát triển sản phẩm mà đối với công tác giữ gìn và phát huy giá trị làng nghề, góp phần quảng bá, kích cầu du lịch tăng thêm thu nhập, ổn định đời sống người dân. 
4. Đề xuất, kiến nghị:
       Nhằm duy trì và phát triển thuận lợi NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” đòi hỏi cần có sự tham gia tích cực từ các cơ quan lãnh đạo Sở ban ngành của tỉnh, các tổ chức hội nghề nghiệp, hiệp hội và các cơ quan quản lý tại địa phương, phải làm sao để cho người dân hiểu được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Đồng thời, chính người dân phải được nâng cao kiến thức về nông nghiệp nông thôn, về quy trình khai thác, sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn góc sản phẩm. Để xây dựng và phát triển NHTT “Đũa đước Mũi Cà Mau” trong thời gian, cần cụ thể hóa một số giải pháp như:
       - Đối với Hội Nông dân tỉnh Cà Mau: là Chủ sở hữu NHTT, với vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kíếm thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân sản xuất và kinh doanh sản phẩm đũa đước trong tỉnh ngày càng tốt hơn. Hội Nông dân tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan quản lý chặt chẽ các thành viên sử dụng NHTT thực hiện đúng các quy chế, quy trình đã ban hành nhằm đảm bảo đầu ra của các sản phẩm đồng đều, ổn định về mặt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và giữ vững thương hiệu đũa đước Mũi Cà Mau. Vận hành hiệu quả mô hình quản lý, các quy chế, quy trình và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm đũa đước lên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội để mọi người biết đến sản phẩm nhiều hơn.
       Thường xuyên mở các lớp hội thảo, tập huấn để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức về SHTT cho doanh nghiệp và người dân vùng triển khai dự án; có phương án hỗ trợ, xây dựng và phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ; nghiên cứu và ứng dụng quy trình công nghệ để nâng cao năng suất chất lượng sản, mẫu mã sản phẩm đũa đước phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc duy trì, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp vừa khai thác vừa trồng đước tái tạo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất bền vững. 
       - Đối các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau và chính quyền địa phương:
       Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, phối hợp với Chủ sở hữu quản lý NHTT và các cơ quan có liên quan hỗ trợ nguồn vốn, trang thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Tăng cường công tác tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm ”Đũa đước Mũi Cà Mau”; Khuyến khích thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, các HTX khai thác, sử dụng NHTT; Tăng cường khả năng dự báo, dự đoán sản lượng, giá bán của các hàng hóa đặc sản địa phương nói chung, đũa đước nói riêng để tạo kênh thông tin tham khảo và xúc tiến kết nối, tiêu thụ. Quan tâm tạo điều kiện trong việc thực hiện thủ tục để các tổ chức, cơ sở được trao quyền sử dụng NHTT theo quy định.
Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân có liên quan đến sản xuất và kinh doanh sản phẩm ”Đũa đước Mũi Cà Mau” tham gia các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; Tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc, Sàn giao dịch thương mại điện tử, chương trình khuyến công, khuyến nông, sản phẩm OCOP,.... để nâng cấp, phát triển sản phẩm đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống người dân và bảo tồn những giá trị truyền thống, tạo dựng được một thương hiệu đặc trưng của tỉnh Cà Mau. Hướng đến phát triển du lịch và các giá trị văn hóa của sản phẩm đũa đước Mũi Cà Mau, đưa sản phẩm đũa đước trở thành quà tặng du lịch địa phương Mũi Cà Mau. 
       - Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: Cần xây dựng hình ảnh, bao bì, nhãn mác, thực hiện đầy đủ các chứng nhận về chất lượng và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo yêu cầu trong việc sử dụng, khai thác hiệu quả từ các nhãn hiệu đạt được, tạo được niềm tin đối với khách hàng. Nghiên cứu, phát triển và đổi mới mẫu mã, hình dáng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu du lịch để nâng cao giá trị sản phẩm đũa đước tỉnh Cà Mau.

Ths. Lê Thị Cẩm Tú và Ths. Tô Thảo Đang - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ