Ấm no nhờ rẫy.

       Cùng với cây luá, những liếp rau màu đã trở thành “bạn đồng hành” trong cuộc sống thăng trầm của nông dân huyện Trần Văn Thời bao đời nay.

       Là hộ đồng bào dân tộc, cũng như nhiều bà con trong vùng, không đất đai canh tác, không nghề nghiệp ổn định nên trước đây cuộc sống gia đình chị Danh Thị Tiền (ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây) vô cùng chật vật. Cuộc sống dựa vào những nghề thời vụ như giặm lúa, xin bắp chuối bán, hái rau đồng hay rửa chén mướn cho người ta. Thu nhập bữa có bữa không, lúc nhiều lúc ít. Vì thế, vợ chồng dù chịu khó làm lụng nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, nợ nần chồng chất.

Mô hình trồng màu giúp nông dân huyện Trần Văn Thời có được cuộc sống ổn định. (Trong ảnh: Anh Võ Văn Tập, ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

       Đứa con gái đầu lòng chào đời. Không cam lòng để cho con mình và gia đình phải chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng chị Tiền quyết định mướn đất canh tác. 7 công đất ruộng tuy không nhiều nhưng đã làm thay đổi cuộc sống gia đình chị. “Có đất mình như có thêm động lực để làm ăn”, chị Tiền chia sẻ.  

       Chị Tiền cho biết: “Mấy công đất ruộng làm lúa 2 vụ, 1 công được 40 giạ. Đất trống xung quanh nhà thì trồng màu quanh năm, trung bình cũng được 2 triệu đồng/tháng, cùng với nuôi heo giống. Còn chồng thì đi làm mướn. Nhờ trồng màu mà có tiền chi tiêu hàng ngày, những khoản khác thì dành dụm, giờ trả hết nợ rồi”.

       Đang tất bật làm đất, chuẩn bị vài ngày nữa sẽ xuống giống vụ màu mới, bà Phan Ngọc Điều (ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây) phấn khởi cho biết: “Vụ mùa vừa rồi tôi trồng cà chua, đậu đũa. Tuy năng suất không đạt lắm nhưng thu nhập trên 15 triệu đồng”. 

       Nghề làm rẫy đã gắn bó với cuộc sống gia đình bà Điều ngót nghét chục năm. Cũng nhờ những liếp dưa leo, cà chua, rau thơm, rau muống mà gia đình bà thoát khỏi cảnh làm thuê. Nếu giữa cây lúa và hoa màu thì đối với gia đình bà Điều, hoa màu là nguồn thu chính trong gia đình. Bởi đất ruộng không nhiều mà trồng lúa lúc trúng lúc thất. Những lúc như thế, tiền sinh hoạt hàng ngày, tiền học hành của con, tiền đám tiệc, bệnh tật,… đều dựa vào nguồn thu từ hoa màu. 

       Bà Điều chia sẻ: “Tôi lên liếp trồng được 7 công màu. Một năm trồng được 3 vụ. Thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Nhờ trồng màu mà cuộc sống gia đình tôi ổn định, 2 năm trước cất lại ngôi nhà mới khang trang hơn”.

       Mặc cho giá hoa màu lúc lên lúc xuống, anh Võ Văn Tập (ấp Cơi 5A, xã Khánh Bình Tây) vẫn gắn bó với nghề trồng màu chục năm nay. Anh Tập cho biết: “Thường thì mùa khô này, hoa màu có giá, dễ tiêu thụ hơn so với mùa mưa. Hiện nay, các loại hành, rau thơm… có giá từ 15-18 ngàn đồng/kg. Với hơn 1 ngàn mét vuông màu, một vụ tôi thu nhập hơn chục triệu đồng”.

       Nghề trồng màu cũng giúp nhiều hộ dân Ấp 5, xã Trần Hợi bước sang trang mới. Tuy cực nhọc, không ít lần bị thiệt hại bởi thời tiết nhưng chị Huỳnh Thuỳ Dương (Ấp 5, xã Trần Hợi) chưa bao giờ nghĩ sẽ từ bỏ nghề này. Nhờ trồng màu mà gia đình chị có được cuộc sống ổn định, các con chị được cắp sách đến trường. 

       Chị Dương chia sẻ: “Tôi trồng màu vừa trên bờ bao, vừa dưới ruộng, khoảng 500 m2, một năm thu nhập 30-40 triệu đồng. Vụ vừa rồi, tôi trồng dưa gang, bầu, bí đao, bí rợ, các loại rau, thu hoạch được hơn 1 tấn”.

       Phó chủ tịch Hội LHPN xã Trần Hợi Trần Thị Hằng cho biết thêm: “Trước đây, lộ bê tông nhỏ nên xe lớn không vô được, việc vận chuyển, tiêu thụ hoa màu khó khăn, giá cả bị ép. Từ khi lộ được mở rộng lộ 2,5 m, dài hơn 3 km từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đấu nối ra lộ lớn ấp Vồ Dơi, xe tải có trọng lượng 2 tấn vô thoải mái, nên việc tiêu thụ hoa màu dễ dàng hơn, giá cả cũng cao hơn trước”.

       Nghề trồng màu chưa bao giờ được xem là nghề nhàn rỗi. Để có được những luống rau, trái dưa, trái bí, người nông dân phải đổ bao mồ hôi, nước mắt. Nhưng với họ, xây dựng cuộc sống gia đình bền vững, có thể góp phần làm phong phú sản vật cho quê hương, làm giàu cho xứ sở là niềm vui, là hạnh phúc. Chỉ ước mong sao có được vụ mùa bội thu./.

Ngọc Minh