Sử dụng vẹm đất (vòm) làm thức ăn nuôi cua (scylla paramamosain) bán thâm canh, hai giai đoạn

       Loài Vẹm đất (hay còn được gọi là vòm) là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sinh sản và phát triển khá phổ biến trong các ao lắng nước, đầm nuôi tôm thâm canh, các tuyến kênh, rạch hoặc các cửa sông, cửa biển của tỉnh Cà Mau. Trước đây, loài nhuyễn thể này không có giá trị kinh tế nên người dân không chú ý đến. Tuy nhiên, thời gian gần đây có thương lái về địa phương thu mua, vận chuyển ra các tỉnh miền trung để làm thức ăn nuôi một số đối tượng giáp xác như tôm hùm, tôm sú bố mẹ,... nên mở ra hướng tăng thu nhập cho người dân địa phương, hơn nữa tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau hiện nay người dân tự phát sử dụng Vẹm đất để làm thức ăn nuôi cua và cho hiệu quả rất cao. Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, trong thịt Vẹm chứa 53,5% protein, 17,6% glucid, 8,6% chất tro.

 Vẹm đất dùng làm thức ăn nuôi cua,         Ảnh St

       Với thành phần dinh dưỡng như trên, việc sử dụng vẹm đất (vòm) làm thức ăn nuôi cua là hướng phát triển kinh tế mới ở địa phương. Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau giao Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN phối hợp với UBND xã Tân Duyệt huyện Đầm Dơi thực hiện dự án “Sử dụng Vẹm đất (vòm) làm thức ăn nuôi Cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh 2 giai đoạn trong ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả”. Sau thời gian triển khai thực hiện, đến ngày 8/3/2024 mô hình đã được Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh nghiệm thu, đánh giá và ghi nhận một số kết quả đạt được như sau:

       (i) Tỷ lệ sống trung bình của cua nuôi giai đoạn 1 là 24,5%, đạt 122,5% so với mục tiêu của dự án; tỷ lệ sống trung bình của cua nuôi giai đoạn 2 là 76,5%, đạt 102% so với mục tiêu. Trọng lượng bình quân của cua nuôi giai đoạn 1 là 128g/con sau thời gian nuôi 03 tháng, đạt 116,3% so với mục tiêu của dự án; trọng lượng bình quân của cua nuôi giai đoạn 2 là 332g/con sau thời gian nuôi 02 tháng, đạt 132,8% so với mục tiêu của dự án.

       (ii). Sản lượng cua thương phẩm thu hoạch được 5,920 kg/9 ha. Năng suất thu hoạch cua nuôi bình quân là 657,8 kg/ha/vụ, đạt 119,6% so với mục tiêu của dự án. Chất lượng cua thương phẩm đáp ứng theo yêu cầu của thị trường.

       (iii) Hệ số chuyển hóa thức ăn bổ sung vẹm đất (FCR) là 8,25 kg/kg cua thương phẩm, nhỏ hơn mục tiêu dự án đặt ra (FCR ≤ 10).

Thu hoạch cua nuôi bằng thức ăn vẹm đất     Ảnh: Tg

       Với quy mô của mô hình là 9 ha, sau khi kết thúc vụ nuôi tổng doanh thu đạt được là 1.410.430.000 đồng, lợi nhuận bình quân 102.196.000 đồng/ha/vụ. Với kết quả đạt được như trên cho thấy, mô hình có tính hiệu quả thiết thực, khẳng định sự tác động tích cực của vẹm đất khi cho cua ăn thông qua việc tăng trọng và lột xác nhanh, cải thiện được tỷ lệ sống cho cua nuôi. Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, tính khoa học, dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tận dụng và khai thác được nguồn vẹm đất có tại địa phương để làm thức ăn nuôi cua. Đặc biệt giúp người dân tại địa phương tận dụng được các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để sản xuất nhằm tăng thu nhập cho nông hộ. 

Trong thời gian tới, các ngành chức năng các cấp cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho chuyển đổi sản xuất; đồng thời khuyến khích người dân áp dụng, nhân rộng mô hình sử dụng vẹm đất làm thức ăn nuôi cua bán thâm canh 2 giai đoạn trong ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả, đối với những vùng, địa bàn có điều kiện thích hợp./. 

Ks. Nguyễn Quốc Thới - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học Công nghệ tỉnh Cà Mau