Cà Mau chủ động, tích cực vận động nông dân tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

        Nhìn lại một năm, trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn theo Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg, Nông dân Cà Mau góp sức đưa cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nâng cao giá trị con tôm, cua, cá, lúa; mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lên 98.547ha; 9.638 ha nuôi công nghiệp, 857 ha ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh đạt 20 tấn – 50 tấn/ha/vụ; 40.475 ha đất chuyển đổi được trồng 1 vụ lúa trên đất tôm; năng suất lúa đạt bình quân 4,4 tấn /ha; 12.604 ha chuối, rau màu được cải tạo sau cơn hạn mặn, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người, hộ nghèo giảm còn 5,96%, có thêm 8 xã đang về đích nông thôn mới.

Nông dân TVT trồng hoa màu dưới ruộng sau vụ lúa/ Ảnh Ngô Phúc

       Cái mới là Hội Nông dân Cà Mau đã tạo sự đột phá cùng nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; 219.076 hội viên, nông dân đăng ký Học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh bằng việc sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; 152.375 hộ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; cơ sở Hội tư vấn xây dựng 114 mô hình sản xuất hiệu quả gắn bảo vệ môi trường, 150 nông dân trở thành kỹ thuật viên cánh đồng lớn; 2.155 nông hộ tham gia mô hình sản xuất thực phẩm an toàn, mô hình quản trị kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, kinh doanh nông, lâm, thủy sản... 100 cơ sở hội, 940 chi hội có mô hình, dự án giúp dân xóa nghèo; 26 dự án Quỹ hỗ trợ nông dân 7,65 tỷ đồng tỉnh triển khai hỗ trợ 415 hộ tập trung vào ngành hàng mũi nhọn tôm, cua, cá, chuối, sản phẩm đặc sản, đặc thù của từng vùng.

       Tổ chức lại sản xuất bằng mô hình:

       Phần đông nông dân làm nghề nông, sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, phân tán, trình độ, tay nghề thấp; nông hộ thiếu vốn, thiếu kiến thức, mô hình liên kết, liên doanh đối tác, cạnh tranh yếu. Để thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, Hội đẩy nhanh công tác khuyến nông, cùng các nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư hướng dẫn nông hộ chuyển đổi phương thức nuôi tôm, nuôi cua, trồng lúa; nhân rộng mô hình, dự án theo hướng nâng cao giá trị, thu nhập cho nông dân

       Năm 2017, Hội tổ chức 59 cuộc hội thảo tại hiện trường chuyển giao giống cây, con mới cho 1.700 hội viên; truyền nghề, nâng cao trình độ nghề cho 12.500 lao động, nông dân vừa học vừa làm, nhiều mô hình đã trở thành điểm tựa để người dân hợp tác liên kết tổ chức lại sản xuất như: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh sử dụng Biofloc; nuôi tôm, cua, sò kết hợp, nuôi tôm càng xanh kết hợp vụ lúa; nuôi tôm sú ít thay nước; nuôi cá bống tượng, cá trình; nuôi cá bổi; nuôi dê, rắn ri tượng; trồng táo, trồng thiên lý, trồng rau màu trên đất nhiễm mặn; phát triển kinh tế nông hộ theo mô hình nông trại RVAC – VAC sản xuất nông sản hàng hóa

       Vùng chuyên tôm, các cấp hội bám sát đề án vận động nông dân nuôi tôm đúng mùa vụ; tổ chức lại sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường nguồn nước tại các địa bàn nuôi công nghiệp; liên kết các nhà chuyển giao quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao; kỹ thuật nuôi tôm sú ít thay nước; vùng chuyển đổi chuyển giao kỹ thuật canh tác 1 vụ lúa; xây dựng tổ, nhóm nhân rộng mô hình nuôi cua thâm canh, nuôi cua thương phẩm, nuôi tôm,cua, sò kết hợp, nuôi đa con

       Vùng trồng lúa (Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và 1 phần TPCM) hỗ trợ chuyển giao mô hình sản xuất lúa 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật canh tác mới giảm lượng giống gieo sạ (từ 150 kg xuống còn 120 kg/ha), triển khai nhiều điểm sản xuát lúa nâng cao phẩm chất gạo xuất khẩu; Vùng rừng tràm trồng chuối, trồng keo lai, nuôi cá, với mô hình đa cây, đa con trên cùng 1 diện tích, hình thành nhiều trang trại hiệu quả, có đủ khả năng phát triển, bảo vệ rừng bền vững

       Tạo sức sống nông sản sạch phát triển:

       Nông dân liên kết nâng cao giá trị sản phẩm, đã và đang tạo sức hút trong xây dựng thương hiệu vùng nông sản gắn với thị trường. Nổi bật 4.200 hộ nông dân (Ngọc Hiển, Năm Căn) liên kết nuôi tôm sinh thái (rừng – tôm) đảm bảo theo tiêu chuẩn chứng nhận các tổ chức quốc tế Naturland, EU, ASC, BAP; huyện Thới Bình  hội viên hợp tác xây dựng cánh đồng canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nuôi tôm càng xanh 11.000ha; Hội Nông dân các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau hỗ trợ nông dân liên kết xây dựng vùng sản xuất, bảo vệ nhãn hiệu tập thể (tôm, cua, cá chình, cá bống tượng, cá bổi, mật ong)

Mô hình trồng rau thủy canh hoàn lưu tại Đà Lạt. Ảnh Ngô Phúc

       Liên kết xây dựng vùng sản xuất an toàn, được các cấp Hội đặc biệt quan tâm trong việc mời gọi Doanh nghiệp đến với nông dân, đã để lại dấu ấn trong lòng dân, Công ty Lương thực – Thực phẩm Cà Mau và Hợp tác xã Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm cho dân. Nhà khoa học bắt tay hỗ trợ 10 Tổ hợp tác (xã Trần Thới - Cái Nước), HTX Lý Văn Lâm (TPCM) xây dựng vùng sản xuất rau, quả an toàn; 7.107 nông dân cùng Trung tâm khuyết nông hình thành 236 tổ, nhóm sản xuất theo quy trình quản lý dịch hại IPM để nâng cao chất lượng hạt lúa trên cánh đồng lớn; 17 tổ hợp tác, 800 hộ nuôi tôm ký kết hợp tác cùng Doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với diện tích 1.323,3 ha.

       Tham gia phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, phong trào nông dân hành động tại ấp, khóm, đã hình thành 1.152 tổ, nhóm liên kết, hợp tác, theo mô hình hợp tác kiểu mới, giúp nông dân khai thác hiệu quả từng vùng đất, không chỉ tạo niềm tin, động lực, mà còn khơi dậy sức dân bố trí lại sản xuất theo hướng gia tăng giá trị con tôm, con cua, hạt lúa; đồng hành cùng ngành nông nghiệp vươn xa trong hội nhập, theo đúng ý Đảng – Lòng dân./.

 Phạm Văn Đông