Cần khai sinh một thương hiệu Cho lúa-gạo chất lương cao của Cà Mau.

       Dù không được chia sẻ nguồn nước ngọt từ sông Mekong, nhưng nhờ thiên nhiên ưu đãi cho hơn 6-7 tháng mưa liên tục trong mùa mưa hàng năm với tổng vũ lượng trung bình 1.800- 2.300 li/năm và bằng sự năng động sáng tạo, khéo léo của bà con nông dân nên ở Cà Mau vẫn có thể canh tác lúa thành công, ổn định theo các mô hình thuần lúa  hai vụ, một vụ lúa - một vụ tôm… tạo ra một sản lượng lúa gạo chất lượng cao đáng kể.

       Năm 2017 gạo của giống lúa ST 24 đạt giải Gạo ngon Top 3 thế giới, năm nay giống ST 25 lại được giải thưởng gạo ngon nhất thế giới, cho thấy nhu cầu thị trường trong và ngoài nước luôn đòi hỏi chất lượng gạo ngày càng cao, nhất là gạo sạch, an toàn, cơm mềm, thơm dẽo, theo hướng sản xuất hữu cơ, và đây cũng là tin vui cho bà con nông dân Cà mau vì những lợi thế của mình.

       Cần tận dụng thời cơ và khai sinh một thương hiệu.

       Trước thực tế nhu cầu thị trường đòi hỏi chất lượng gạo ngày càng cao như nêu trên, mà các vùng trồng lúa có quá trình thâm canh cao lâu đời các tỉnh phía trên nhiều nơi khó đáp ứng, thì đồng đất Cà Mau với những điều kiện sinh thái có tính đặc thù trong các vùng canh tác lúa, nhất là mô hình tôm – lúa sẽ rất có lợi thế, nên cần phải được tận dụng thời cơ, khai thác tốt tiềm năng kinh tế để sản xuất lúa- gạo chất lượng cao từ những điều kiện tự nhiên quý báu này.

Lúa ST24 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp - Ảnh Ngô Phúc

       Tỉnh Cà Mau nên sớm hướng tới quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nhằm hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao đủ lớn, có tính bền vững và cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để có thương hiệu chung mang nhãn hiệu “lúa-gạo sạch Cà Mau” hay tên gì khác để có thể thành thương hiệu mạnh, nhằm đảm bảo được uy tín, và nhờ có tính ổn định, bền vững cao hơn sẽ đạt hiệu quả kinh tế - xã hội lớn hơn. Bởi lẽ tuy diện tích đất lúa của tỉnh còn hạn hẹp nhưng có đủ điều kiện tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao, mà nếu làm manh mún nhỏ lẻ sẽ không có sản phẩm hàng hóa lớn, nên cần có sự hợp tác liên kết lại. Và với dân số hơn 1,2 triệu người, cùng lượng du khách đến - đi khá lớn, và hầu hết đều có nhu cầu về gạo ngon cơm, an toàn hàng ngày, là thị trường tại chổ cũng rất hấp dẫn và đáng quan tâm.

       Những “yếu tố cần” đã có, chỉ phải thêm các “điều kiện đủ”

       Hiện nay trong bộ giống lúa cao sản ngắn ngày, ngoài nhóm giống ST còn có khá nhiều giống có năng suất cao, thích nghi tốt, đạt chất lượng gạo ngon cơm và đồng đất Cà Mau có điều kiện tự nhiên, trình độ, phương thức canh tác phù hợp cho sản xuất gạo sạch, an toàn bằng những giống lúa đó đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu về chất lượng của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Đặc biệt là mô hình canh tác một vụ tôm- một vụ lúa cao sản ngắn ngày và nuôi xen tôm càng xanh trong ruộng lúa vào mùa mưa khá thành công, hiệu quả cao, bền vững đã ổn định nhiều năm qua và đang ngày càng được mở rộng.

       Đây là mô hình canh tác phù hợp điều kiện sinh thái tự nhiên, kết quả khá tốt và có khả năng thích ứng trong điều kiện diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, hứa hẹn cho ra nguồn lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng đạt các yêu cầu của thị trường gạo trong ngoài nước, nếu các địa phương biết tận dụng thời cơ và có quy hoạch, tổ chức sản xuất tốt.

       Bởi lẽ các vùng đất canh tác một vụ tôm - một vụ lúa trong tỉnh Cà Mau, do nông dân muốn bảo vệ kết quả lâu bền của các vụ tôm nuôi và nhờ có phù sa cùng với những chất phù du của vụ nuôi tôm đã đủ dinh dưỡng cho suốt vụ lúa, ruộng lúa trên đất nuôi tôm thường cũng không có rong cỏ, luôn xanh tốt và hầu như không sâu bệnh gì nên cũng không ai cần dùng phân hóa học hay các loại nông dược, nhờ thế hạt gạo vừa đảm bảo được tính thanh sạch, an lành, vừa đáp ứng được chất lượng dẽo thơm, ngon ngọt đậm đà của hạt gạo tự nhiên.

       Như vậy “điều kiện cần” là các yếu tố canh tác theo tự nhiên và giống lúa tốt, gạo ngon cơm đã có sẳn hoặc tỉnh ta có thể khắc phục dễ dàng. Chỉ phải thêm việc tổ chức sản xuất cho tốt mọi mặt, có quy hoạch, bố trí địa bàn cho từng giống thích hợp trong bản đồ vùng sản phẩm, rồi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để có thị trường ổn định, bền vững, xem như đáp ứng đạt những “điều kiện đủ”, thì để có thương hiệu “Lúa gạo sạch Cà Mau” chất lượng uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng, dần chiếm được thị trường và phát triển vững mạnh sẽ không quá khó khăn. Nhưng cần có quy hoạch vùng cho từng giống là bởi chất lượng hạt gạo không chỉ đơn thuần do yếu tố giống quyết định, mà còn tùy thuộc rất nhiều yếu tố môi trường đất nước, thời tiết khí hậu và cả kỹ thuật canh tác tạo nên. Phải dè chừng những biến động do các yếu tố này tác động làm suy giảm chất lượng lúa gạo và có những giải pháp xử lý, điều tiết quản lý, bố trí giống sản xuất phù hợp, nhằm đảm bảo cho sản phẩm gạo được mang nhãn hiệu vẫn đạt chuẩn chất đồng đều cho dù có bị trộn lẫn gạo các giống với nhau, và đó cũng là để bảo vệ uy tín thương hiệu luôn được bền vững.

       Từ bước khởi đầu phấn đấu xây dựng vùng sản phẩm cho thương hiệu “Lúa sạch Thới Bình” trên địa bàn huyện Thới Bình có nhiều triển vọng, tỉnh Cà Mau nên sớm hướng tới quy hoạch, tổ chức lại sản xuất nhằm hình thành các vùng sản xuất “lúa chất lượng cao” lớn hơn để khai thác tốt các tiềm năng lợi thế tự nhiên sẳn có cho ngành hàng chủ lực này được phát triển xứng tầm ./.

Ks. Nguyễn Văn Thước