Đa dạng các mô hình sản xuất.

       Những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế bền vững, giúp đời sống người dân xã Khánh An, huyện U Minh ngày càng chuyển biến tích cực.

       Hiện nay, trên địa bàn xã Khánh An có 2 hợp tác xã, 3 tổ hợp tác và 7 mô hình hoạt động hiệu quả. Trong đó điển hình nhất chính là mô hình trồng màu cho thu nhập 300 triệu đồng/hộ/năm, mô hình trồng bồn bồn kết hợp nuôi cá đồng thu nhập 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân thành công với chăn nuôi bò, ốc bươu đen, trồng mãng cầu…


Ông Lâm Văn Ngọc, Ấp 14, xã Khánh An (bên phải) khá lên nhờ trồng màu, nuôi cá.

       Ông Lâm Văn Ngọc, lão nông năm nay đã hơn 60 tuổi, là nông dân trồng màu có tiếng tại Ấp 14, xã Khánh An. Tận dụng bờ ao phía trên ông trồng mướp, phía dưới ao ông Ngọc tự nhân giống cá sặt, cá lóc… Mô hình này được ông Ngọc làm hiệu quả và duy trì nhiều năm qua. Từ khó khăn, nhờ con cá, cọng rau mà gia đình ông Ngọc đã vươn lên, có đời sống kinh tế ổn định tại địa phương. Ông Ngọc phấn khởi: “Trước đây khi chưa có lộ, thương lái vào mua bằng ghe nên giá thấp, giờ đi bằng xe nên giá cả đỡ hơn. Đi đâu, thấy ai làm gì hiệu quả là tôi thử nghiệm, mấy giống cá nuôi trong ao hiện nay đều được nhân ép giống tại nhà. Trồng rau, nuôi cá tuy không phải là mô hình mới nhưng do tận dụng được lợi thế sẵn có và tìm hiểu thị trường nên nông sản làm ra có hiệu quả kinh tế”.

       Cũng giống như ông Ngọc, với quyết tâm bám đất, bám quê và vươn lên trên mảnh đất của mình, hơn một năm trước anh Lê Văn Bảo, Ấp 14, xã Khánh An cùng một số hộ dân trong ấp mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích đất trồng lúa sang trồng bồn bồn. Nhờ giá cả thị trường ổn định, từ khi chuyển đổi sang mô hình này, kinh tế gia đình của nhiều người dân được cải thiện. Anh Bảo chia sẻ: “Nhà có 8 công đất, trước đây trồng lúa trúng thì cũng dư được vài triệu mỗi năm, giờ trồng bồn bồn, trừ chi phí gia đình tôi còn lời trên 70 triệu đồng. Thấy nhiều người trồng dừa, trồng chuối, người nuôi tôm - trồng lúa cũng hiệu quả, mình phải làm cái khác thì mới đảm bảo đầu ra, ít cạnh tranh giá cả hơn”. Hiện nay, giá bồn bồn dao động từ 20-30 ngàn đồng/kg. Ngoài bán bồn bồn non, anh Bảo còn bán cây giống cho những hộ lân cận.

       Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả, chính quyền phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật đến hộ gia đình, đồng thời vận động, tuyên truyền đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con. Nhờ cần cù bám đất, lấy ngắn nuôi dài, nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

       Nói về cách làm kinh tế hộ gia đình của bà con địa phương, Chủ tịch UBND xã Khánh An Ngô Thanh Phong cho hay: “Tìm tòi, thử nghiệm và nhân rộng mô hình hiệu quả là cách làm của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân. Chúng tôi chủ trương vận động bà con cùng tìm hiểu nhu cầu thị trường, đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi để giảm bớt tình trạng cung vượt cầu, đảm bảo giá cả và đầu ra. Nhờ làm tốt công tác này mà những năm qua các mô hình sản xuất của bà con phát triển bền vững”.  

       Việc phát triển các mô hình kinh tế không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, mà còn góp phần vào công tác giảm nghèo của xã. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Khánh An chỉ còn 2,44%. Phấn đấu đến cuối năm 2020 đạt thu nhập 60 triệu đồng/người/năm theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Con số này sẽ không còn xa nếu địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi mô hình, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương theo hướng đa dạng các mô hình sản xuất./.

Đào Kim

http://baocamau.com.vn/kinh-te/da-dang-cac-mo-hinh-san-xuat-63350.html