Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa tôm càng xanh kết hợp ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và đề xuất giải pháp

       1. Mở đầu

       Ngành nuôi tôm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng trong nuôi trồng thủy sản. Đây là khu vực có hệ thống nuôi tôm-lúa, tôm-rừng kết hợp chiếm diện tích nuôi lớn. Trong khi, trước bối cảnh tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có các biện pháp thích ứng nhanh (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2019). Xét riêng huyện Thới Bình là khu vực có tiềm năng nuôi trồng thủy sản và là huyện sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm lớn nhất Cà Mau. Trước đây, khi chưa áp dụng việc nuôi xen canh tôm càng xanh trong ruộng lúa người dân địa phương chỉ nuôi 1 vụ tôm sú. Khi mùa mưa đến, người dân tập trung công tác rửa mặn, cải tạo đất để chuẩn bị trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm. Đây cũng là thời điểm thu nhập của người nuôi đạt thấp vì tôm sú không thích hợp phát triển trong môi trường nước ngọt. Trong khi đó một số hộ chọn hình thức nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa. Do môi trường trồng lúa phù hợp cho tôm càng xanh phát triển tốt, mặt khác tôm càng xanh có hiệu quả kinh tế cao. Sự kết hợp nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo ra sản phẩm tôm, lúa sạch. Việc cấy lúa trên đất nuôi tôm cải tạo môi trường nước, tạo thức ăn cho tôm nuôi và giảm mầm bệnh. Kết quả mô hình canh tác lúc tôm kết hợp đã được người dân áp dụng và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để cung cấp cơ sở khoa học đầy đủ cần tiến hành nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất lúa tôm càng xanh kết hợp ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau và đề xuất giải pháp” nhằm đề xuất giải pháp thích hợp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.

       2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

       2.1. Đối tượng nghiên cứu

       Mô hình sản xuất nông nghiệp lúa tôm kết hợp ở địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đề tài thực hiện tại các xã điển hình có diện tích mô hình lúa tôm lớn, bao gồm xã Biển Bạch Đông, Biển Bạch và Tân Bằng.

       2.2. Phương pháp khảo sát thực địa và phỏng vấn       

       Quá trình khảo sát thực địa nhằm tìm hiểu rõ hơn về hiện trạng mô hình sản xuất lúa tôm kết hợp ở Thới Bình. Số liệu sơ cấp được thu thập phỏng vấn trực tiếp 100 hộ nuôi tôm lúa luân canh ở Thới Bình. Nội dung phỏng vấn tập trung (i) các khía cạnh kỹ thuật (diện tích vuông nuôi, mật độ thả giống, năng suất, thời gian, kích cỡ thu hoạch, tỷ lệ sống...); (ii) khía cạnh tài chính (chi phí, thu nhập, lợi nhuận) và (iii) những thuận lợi và khó khăn trong mô hình.

       2.3. Phân tích thống kê và đánh giá số liệu

       Các số liệu được thu thập, xử lý tính toán giá trị nhỏ nhất, lớn nhất, trị trung bình, độ lệch chuẩn bằng phần mềm thống kê SPSS 13.0 for Windows. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng mô hình hồi quy năng suất tôm với các biến độc lập ở mức ý nghĩa α =0,05.

       Kết quả và thảo luận

       3.1. Những thuận lợi và khó khăn của cộng đồng

       Nhằm đánh giá những thuận lợi và khó khăn mà cộng đồng gặp phải, đề tài tiến hành khảo sát ý kiến người dân. Kết quả tổng hợp cho thấy công tác dọn ao được đánh giá và phân hạng theo thứ tự ít thuận lợi nhất (1) đến thuận lợi nhất (5) với trị số trung bình đạt mức 3,4900 (SD=0,83479) của thang Likert 5 điểm.

Bảng 1. Tần suất phân hạng mức độ thuận lợi của công tác dọn ao

 Tần suấtPhần trăm, %Phần trăm tích lũy, %
Thuận lợi     Ít thuận lợi nhất33,03,0
Ít thuận lợi55,08,0
Trung bình4040,048,0
Thuận lợi4444,092,0
Rất thuận lợi88,0100,0
Tổng100100,0 

       Như vậy, bảng kết quả trên cho thấy mức độ công tác dọn vệ sinh ao nuôi tương đối thuận lợi với tần suất chủ yếu thuộc nhóm trung bình và thuận lợi với lần lượt 40 và 44%. Trong khi đó, phân hạng yếu tố ít thuận lợi nhất chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, ứng với 3%.

Bảng 2. Mô tả thuận lợi và khó khăn của người dân

 Yếu tốNNhỏ nhấtLớn nhấtTrung bìnhĐộ lệch chuẩn
Thuận lợi1001,005,003,12001,35795
Khó khăn1001,006,002,79001,68951

       Giá trị trung bình mức độ đánh giá thuận lợi và khó khăn của người dân được tổng hợp ở Bảng 2. Trong đó, trị số trung bình lần lượt đối với nhân tố thuận lợi và khó khăn là 3,1200 (SD=1,35795) và 2,7900 (SD=1,68951). Tần suất các yếu tố thuận lợi và khó khăn được mô tả như Bảng 3-4.

Bảng 3. Tần suất yếu tố thuận lợi

 Tần suấtPhần trăm, %Phần trăm tích lũy, %
Yếu tốVốn1010,010,0
Thu mua3131,041,0
Hỗ trợ của nhà nước2121,062,0
Giống1313,075,0
Điều kiện tự nhiên2525,0100,0
Tổng100100,0 

       Nhìn vào bảng thống kê cho thấy mức độ đánh giá yếu tố thuận lợi lần lượt tăng dần theo thứ tứ: việc thu mua (31%), điều kiện tự nhiên (25%), hỗ trợ của nhà nước (21%), yếu tố con giống (13%) và vấn đề vốn sản xuất (10%).

Bảng 4. Tần suất yếu tố khó khăn

 Tần suấtPhần trăm, %Phần trăm tích lũy, %
Yếu tốThời tiết3333,033,0
Dịch bệnh1818,051,0
Giá cả1616,067,0
Con giống1010,077,0
Kỹ thuật1616,093,0
Vốn77,0100,0
Tổng100100,0 

       Trong khi đó, các yếu tố khó khăn được xem xét với lần lượt tỷ lệ như nhân tố thời tiết (33%), dịch bệnh (18%), giá cả (16%), yếu tố kỹ thuật (16%), con giống (10%) và vốn (7%). Từ kết quả cho thấy, ngoài những yếu tố thuận lợi thì cộng đồng địa phương cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định như sự biến động của yếu tố thời tiết, dịch bệnh, v.v.. làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Trong khi ở nước ta, theo như kịch bản BĐKH và nước biển dâng cho Việt Nam thì cuối thế kỷ này sẽ có những biến động và ảnh hưởng nghiệm trọng do quá trình biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2012). Do đó, cần có các giải pháp thiết thực nhằm phát triển và quản lý mô hình nông nghiệp bền vững - thân thiện môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu cho địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

       3.2. Hiệu quả kinh tế - xã hội mô hình lúa tôm kết hợp

       Tính toán sơ bộ chi phí và lợi ích mô hình cho thấy, chi phí cải tạo ao nuôi dao động từ 400.000 đến 7.000.000 đồng và trung bình khoảng 2.800.000 đồng/vụ. Đây là khoản chi phí khá nhỏ so với lợi ích mang lại của mô hình. Trong khi, tổng thu từ việc thu hoạch tôm đạt trung bình hơn 49.000.000 đồng/vụ và dao động biến thiên từ 23.000.000 đến 77.000.000 đồng. Như vậy, qua đây có thể thấy sơ bộ mức độ lợi ích cao của mô hình lúa tôm kết hợp. So sánh nghiên cứu của Trương Hoàng Minh (2017) cho thấy kết quả với năng suất tôm tương đương 340 kg/ha/vụ và đạt hiệu quả khá tốt. Trong khi, nếu như mô hình nuôi tôm – rừng kết hợp chỉ đạt năng suất trung bình của tôm sú, cua, tôm tự nhiên và cá lần lượt là 196; 61; 89 và 71 kg/ha/năm (Lê Quốc Việt & Trần Ngọc Hải, 2016). Nếu so sánh với Bùi Văn Trịnh & Nguyễn Quốc Nghi (2015) trong mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh tỉnh Sóc Trăng thì nông hộ sẽ thu được lợi nhuận là 6,5 triệu đồng/1000m2/vụ. Từ quá trình so sánh ở trên phần nào cho thấy hiệu quả khá cao và ổn định của mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp ở khu vực Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Bảng 5. Chi phí cải tạo ao nuôi và tổng thu năng suất tôm    ĐVT: Ngàn đồng

 NNhỏ nhấtLớn nhấtTrung bìnhĐộ lệch chuẩn
Chi phí cải tạo1004007.0502.818,61.596,92
Tổng thu10023.40077.70049.274,2513.087,87

       Kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích về kinh tế và qua đó mang lại những giá trị về mặt xã hội như giải quyết việc làm, tận dụng thời gian nhàn rỗi lao động. Đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng phát triển kinh tế, ổn định môi trường xã hội. Theo quá trình khảo thực địa tại địa bàn nghiên cứu, mô hình sản xuất lúa tôm càng xanh đã giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có thể thấy lợi ích mang lại của mô hình khá bền vững, nhất là trong bối cảnh chịu tác động biến đổi khí hậu như hiện nay.

Hình 1. Thời điểm thu hoạch mô hình

       Trong bất kỳ mô hình ước lượng kinh tế nào, vấn đề năng suất được xem như là yếu tố quan trọng cần quan tâm khi đánh giá hiệu quả, nhất là đối với các mô hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp. Năng suất thể hiện hiệu quả của mô hình, giá trị lợi ích kinh tế mà mô hình mang lại. Ứng với sự thay đổi năng xuất, giá trị kinh tế sẽ được thể hiện thông qua các biến độc lập giải thích. Dựa vào các nghiên cứu trước đây, tác giả tiến hành phân tích hồi quy tuyến tính giải thích mối liên hệ giữa năng suất với các biến độc lập như kinh nghiệm nuôi, diện tích, mật độ thả giống, số lần thả giống, v.v.. thể hiện kết quả ở Bảng 6.

Bảng 6. Mô hình hồi quy năng suất tôm với các biến độc lập

Mô hìnhHệ số chưa chuẩn hóaHệ số chuẩn hóatSig. VIF
 BSai số chuẩnBeta
1(hằng số)219,18470,573 3,1060,0031,291
 Kinh nghiệm nuôi3,0584,4010,3162,4780,0151,072
 Tuổi0,3240,5600,2400,5780,5652,538
 Số ao nước10,88221,6390,3203,5030,0002,813
 Diện tích vuông-3,6654,152-0,592-4,8830,0001,138
 Độ sâu vuông-36,64553,161-0,292-0,6890,4921,119
 Mật độ giống3,7215,5190,2841,7930,0771,118
 Số lần thả26,23413,6190,8161,9260,0571,291
 F = 4,155; Sig <0,001; R = 0,484; R2 = 0,234; R2 hiệu chỉnh = 0,211

Chú thích: Biến phụ thuộc: Năng suất tôm; Sig. Mức ý nghĩa; VIF: Hệ số phóng đại phương sai

       Phương trình hồi quy mô tả như sau: Yn/suat = 219,184 + 3,058*Kinhnghiem + 0,324*Tuoi + 10,882*Soaonuoc - 3,665*Dientich - 36,645*Dosau + 3,721*Matdo + 26,234*Solantha + e. Như vậy, mô hình hồi quy năng suất tôm giải thích được 21,1% biến thiên dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm nuôi càng cao thì năng suất đạt được càng lớn với ý nghĩa thống kê (Sig. <0,05). Tương tự, nghiên cứu cho thấy sự tồn tại mối liên hệ giữa số ao nước với năng suất tôm. Tuy nhiên, diện tích vuông tôm càng lớn thì cho năng suất thấp hơn so với những vuông có diện tích nhỏ hơn. Ngoài ra, mức độ tác động đến năng suất tôm chỉ ra các yếu tố quan trọng như số lần thả, diện tích vuông tôm và số năm kinh nghiệm của người dân.

       3.3. Đề xuất giải pháp phát triển và quản lý mô hình nông nghiệp bền vững

       Căn cứ kết quả đánh giá hiện trạng và hiệu quả kinh tế- xã hội mô hình kết hợp lúa- tôm càng xanh, kết quả kỳ vọng góp phần cho các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện môi trường trên địa bàn huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Do đó, cần quan tâm thực hiện các nhóm giải pháp căn bản, trong đó ứng với mỗi một nhóm giải pháp sẽ có những ưu tiên định hướng nhằm quản lý và phát triển mô hình.

       * Nâng cao nhận thức và sự tham gia cộng đồng

       Đối với giải pháp này sự ưu tiên được tập trung vào các tác động mạnh mẽ lên nhận thức của người dân. Trong bất kỳ hoạt động nào để đạt được sự đồng thuận và kết quả cao cần nhất là sự nhận thức đúng và vai trò tham gia của người dân. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng vai trò và sự tham gia của cộng đồng là nhân tố không thể thiếu trong mục đích phát triển mô hình lúa tôm kết hợp trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu. Thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về những thông tin liên quan tới hoạt động sản xuất bền vững, thích ứng sự thay đổi của thời tiết. Thông qua các hội đoàn ở địa phương như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, v.v.. để thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm cung cấp người dân thông tin chính xác, hữu ích.

       * Quản lý nhà nước và chính sách hỗ trợ người dân

       Vai trò của nhà nước chiếm tỷ trọng quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách, quản lý hướng đến nền nông nghiệp bền vững dựa trên nguyên tắc quản lý dựa vào cộng đồng. Quản lý hành chính nhà nước là công cụ hữu hiệu nhằm thúc đẩy và duy trì các hình thức, loại hình phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường. Nhà nước cần có chính sách phù hợp, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của người dân. Chẳng hạn như, xây dựng chính sách vay vốn ưu đãi trong việc xây dựng, duy trì và phát triển mô hình lúa tôm càng xanh kết hợp trên địa bàn huyện Thới Bình. Tiến hành phổ biến các chính sách ưu đãi của nhà nước đến từng hộ dân trong hoạt động sản xuất. Hằng năm, chính quyền cấp xã, huyện cần xây dựng thực thi các chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Đồng thời qua đó giúp xóa đói giảm nghèo, phấn đấu vươn lên làm giàu dựa trên nội lực phát triển ưu thế của địa phương.

       * Giải pháp tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật

       Chiến lược ưu tiên thể hiện thông qua sự hỗ trợ nguồn lực tư vấn khoa học kỹ thuật cho các nông hộ tham gia mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngoài các nhóm giải pháp nói trên, yếu tố tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân hoạt động sản xuất đạt năng suất cao, tránh những rủi ro và thiệt hại trước sự biến động của yếu tố khách quan như thiên tai, thời tiết cực đoan, dịch bệnh, v.v.. Cụ thể, cần có những kênh thông tin hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp bằng cách thức tiến hành tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ vào mô hình sản xuất lúa tôm càng xanh kết hợp. Ngoài ra, cần có sự phối hợp với các đơn vị cung ứng nguồn giống chất lượng nhằm giới thiệu người dân địa điểm tin cậy và có hiệu quả. Những sự hỗ trợ về kỹ thuật sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất, đồng thời giảm tối đa sự rủi ro từ dịch bệnh, thiên tai cho tới việc suy giảm sản lượng do biện pháp chăm sóc thiếu hiệu quả.

       * Thiết lập, xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc chất lượng nước

       Để có thể nhận diện và đánh giá đúng thực trạng diễn biến chất lượng nước, vai trò việc quan trắc lấy mẫu định kỳ xét nghiệm cần được ưu tiên. Tiến hành lấy mẫu, quan trắc định kỳ chất lượng nước ao nuôi, đánh giá và dự báo thực trạng diễn biến chất lượng nước nhằm cảnh báo người dân và có kế hoạch phòng tránh hữu hiệu. Cần sự phối hợp giữa chính quyền các cấp và người dân để tiến hành theo dõi, giám chất lượng nước ao nuôi, kịp thời phòng tránh những tổn thất. Thường xuyên phổ biến kiến thức, tập huấn và trang bị người dân cách thức đo đạc một số chỉ tiêu cơ bản như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu sắc… Cụ thể hơn, quá trình này cần thiết lập các điểm cố định và tần xuất theo dõi thường xuyên nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý cảnh báo kịp thời đến cộng đồng.

       4. Kết luận

       Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình nuôi trồng kết hợp ít sử dụng nguồn thức ăn nhân tạo, việc tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên đã góp phần mang lại những lợi ích về mặt môi trường của mô hình thủy sản bền vững. Tuy nhiên, các yếu tố khó khăn được xem xét với lần lượt tỷ lệ nhân tố thời tiết (33%), dịch bệnh (18%), giá cả (16%), yếu tố kỹ thuật (16%), con giống (10%) và vốn (7%). Đối với phương trình hồi quy mô tả mối liên hệ năng suất và các yếu tố liên quan: Yn/suat = 219,184 + 3,058*Kinhnghiem + 0,324*Tuoi + 10,882*Soaonuoc - 3,665*Dientich - 36,645*Dosau + 3,721*Matdo + 26,234*Solantha + e. Như vậy, mô hình hồi quy năng suất tôm giải thích được 21,1% biến thiên dữ liệu. Trong đó, kết quả nghiên cứu cho thấy kinh nghiệm nuôi càng cao thì năng suất đạt được càng lớn với ý nghĩa thống kê (p <0,05). Mức độ tác động đến năng suất tôm chỉ ra các yếu tố quan trọng như số lần thả, diện tích vuông tôm và số năm kinh nghiệm của người dân. Mặt khác, kết quả chỉ ra mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp canh tác lúa nước giảm thiểu tác động về mặt môi trường sinh thái. Có thể thấy đây là đặc tính ưu điểm của mô hình nông nghiệp theo xu thế phát triển bền vững, giữ gìn đa dạng sinh học và đảm bảo năng suất cao và ổn định. Qua đó, cung cấp cơ sở vững chắc cho mục tiêu xây dựng, nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững dựa trên việc kết hợp việc canh tác lúa và nuôi tôm càng xanh trong bối cảnh chịu sự tác động của biến đổi khí hậu./.

       TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012). Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. NXB Tài nguyên - Môi trường và Bản đồ Việt Nam. Hà Nội.

       2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019). Báo cáo tình hình thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu. Hà Nội.

       3. Bùi Văn Trịnh, Nguyễn Quốc Nghi (2015). Hiệu quả tài chính mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh của nông hộ ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thông tin Khoa học – Giáo dục, Đại học Bạc Liêu, số 19, tr. 70-75.

       4. Lê Quốc Việt, Trần Ngọc Hải (2016). Khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi tôm-rừng ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Biển, 16(1), tr. 99-105.

       5. Trương Hoàng Minh (2017). Đánh giá khía cạnh kỹ thuật và hiệu quả tài chính trong nuôi tôm sú theo mô hình tôm - lúa luân canh ở tỉnh Cà Mau. Tạp chı́ Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 50, tr. 133-139.

Tác giả: Nguyễn Phi Thoàn, Nguyễn Minh Kỳ