Giàu lên từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

       Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Trần Văn Thời mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp, đất canh tác kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác đem lại thu nhập khá cao, phát triển kinh tế gia đình.

       Nhìn vườn bưởi da xanh ruột hồng, với 100 gốc bưởi trên diện tích 1.500 m2 của anh Nguyễn Văn Nam (ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc) ai cũng trầm trồ, khen ngợi. Ngắm nhìn vườn bưởi trĩu quả, anh Nam hồ hởi khoe, năm nay hạn quá nên cũng ảnh hưởng chút đỉnh đến thời vụ. Hiện tại cây đang cho trái tốt, dự kiến sẽ thu hoạch trước Tết. Nếu giá bưởi cầm mức 50.000 đồng/kg, tin chắc vụ mùa năm nay thu nhập 90-100 triệu đồng.

Vườn bưởi cho trái sai của anh Nguyễn Văn Nam, ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc.

       Với mức thu nhập mùa vụ thu hoạch lần 3 như vậy, theo chia sẻ của anh Nam là cao hơn so với thời điểm giá bưởi khá thấp năm ngoái và càng minh chứng cho quyết định chọn cây bưởi làm kinh tế thay thế cho diện tích vườn tạp của anh 5 năm về trước là không sai lầm. Anh Nam cho biết, trước đây diện tích này trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng hầu như kinh tế không cao. Có dịp tham quan các vườn cây ăn trái ở tỉnh ngoài, anh thấy giá trị kinh tế của cây bưởi khá ổn định và phù hợp với đất đai, thời tiết ở địa phương, anh quyết định mua 100 gốc bưởi ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre về trồng. 3 năm chăm sóc, năm thứ 4 bắt đầu để trái một phần cây bưởi, thu hoạch được 230 trái, lời 27 triệu đồng, năm rồi thì để trái đồng loạt, thu được 1,1 tấn trái, lợi nhuận đem về 78 triệu đồng.

       Qua nhiều năm “ăn, ngủ” cùng bưởi, theo anh Nam, đây là loại cây trồng có nhiều ưu điểm như không tốn nhiều công chăm sóc, không yêu cầu quá cao về kỹ thuật, nhất là càng về sau hiệu quả kinh tế càng cao. Cái hay của anh Nam là không chỉ dám nghĩ, dám làm mà còn không ngừng tính toán để đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng diện tích canh tác. Qua câu chuyện trồng trọt của anh mới thấy thêm, làm nông đâu phải dễ nếu muốn trở thành nông dân giỏi giang, làm giàu.

       Anh Nam chia sẻ, trồng bưởi vài năm mới cho thu hoạch, nên trên diện tích trồng bưởi mình chọn các giống cây trồng khác xen canh, tuỳ thời điểm. Như lúc cây bưởi mới bén đất, còn nhỏ thì trồng xen bồ ngót, thu hoạch 2 năm cũng được kha khá, sau này lúc gốc cây, tàn cây lớn lên mình phá bồ ngót vì không còn hợp và thay bằng ngò gai. Vậy là, hàng ngày cắt ngò bán cũng có tiền lai rai sinh hoạt mà còn giúp tạo độ ẩm cho cây bưởi, hạn chế cỏ mọc, còn thu nhập từ bưởi để tiết kiệm hoặc đầu tư vào những cái khác.

       Với lão nông Đinh Văn Quảng (ấp Kinh Ngang, xã Khánh Lộc), nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đời sống gia đình ổn hơn nhiều so với trước. Ông Quảng chia sẻ, trước đây diện tích đất trống quanh nhà chỉ trồng cây tạp nên thu nhập bấp bênh, cuộc sống không ít khó khăn. Thấy không thể dựa vào vài công trồng lúa ít ỏi nên ông Quảng mạnh dạn đầu tư số vốn mười mấy triệu đồng cùng sức người để chuyển sang trồng cây ăn trái. Diện tích đất ruộng lúc trước thì cải tạo, lên liếp trồng 200 gốc bưởi da xanh ruột hồng, năm nay sẽ cho trái đầu tiên, diện tích mặt nước xung quanh trồng bồn bồn; còn đất trống xung quanh nhà trồng ổi Đài Loan và mận xanh.

       Ông Quảng phấn khởi cho biết: "Ổi trồng 4 tháng là cho thu hoạch, loại ổi này cho trái quanh năm, cứ mỗi đợt cho trái 1 cây có thể đạt 5 kg. Bình quân mỗi tháng, tôi thu nhập từ bán ổi khoảng 3 triệu đồng".

       Phó chủ tịch UBND xã Khánh Lộc Đặng Minh Sơn cho biết, hàng năm xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn rà soát lại diện tích vườn tạp, diện tích đất canh tác kém hiệu quả. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, địa phương có hơn 10 ha trồng cây ăn trái như ổi, bưởi, cam, mận… Trong đó, mô hình trồng ổi và bưởi đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Thời gian tới, xã khuyến khích người dân chuyển đổi đất vườn tạp sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, cũng như nhân rộng các mô hình hiệu quả./.

Ngọc Minh