Giống cây keo lai cấy mô: Hướng mở cho kinh tế lâm nghiệp bền vững.

       Mỗi năm tỉnh Cà Mau cần khoảng 2 - 2,5 triệu cây giống keo lai để trồng rừng. Nguồn giống phục vụ cho trồng rừng một phần được sản xuất tại chỗ theo hình thức cây giâm hom, nhưng lượng cung chưa đáp ứng đủ, phải mua thêm từ bên ngoài. Nay, những kỹ sư của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh đã nghiên cứu và sản xuất thành công cây keo lai cấy mô. Đây được xem là hướng mở cho kinh tế lâm nghiệp bền vững, góp phần cung ứng cây giống có nguồn gốc và chất lượng cao phục vụ cho trồng rừng.

       Niềm vui trọn vẹn

       Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, trăn trở: Tỉnh mỗi năm cần một số lượng lớn cây giống keo lai để trồng rừng, nhưng nguồn cung tại chỗ không đủ, phải đi mua bên ngoài, cây giống không kiểm soát được chất lượng và nguồn gốc. Tại Trung tâm cũng chỉ sản xuất được cây giống theo hình thức giâm hom (sản xuất cây giống bằng phương pháp này chất lượng gỗ, tỷ lệ sống không cao).

Cây keo lai cấy mô

Với mong muốn tìm ra mô hình sản xuất cây giống có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thị trường, ông đã quyết định gửi một kỹ sư chuyên ngành Lâm nghiệp đi học tập mô hình sản xuất cây giống bằng phương pháp cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Đông Nam Bộ ở tỉnh Đồng Nai và đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho sản xuất.

       Sau gần 3 tháng học tập, nghiên cứu, tháng 6/2017, kỹ sư Võ Bá Minh, Trại trưởng Trại Giống cây lâm nghiệp Khánh An, thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh cùng hai đồng nghiệp bắt tay vào sản xuất thử nghiệm. Sau nhiều lần thất bại, đến tháng 1/2018, đã sản xuất thử nghiệm thành công lô cây giống keo lai cấy mô đầu tiên, với số lượng 500 cây. Những cây keo lai cấy mô đầu tiên khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn (cây cao từ 0,3 - 0,4m; đường kính cổ rễ lớn hơn 3mm) được mang đi trồng thử nghiệm trên đất rừng U Minh. Sau gần 8 tháng trồng, cây đã phát triển chiều cao từ 1,5 - 3m; sức sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, gãy đổ. Từ lô cây giống sản xuất đầu tiên, đến nay, Trung tâm đã sản xuất được trên 50 ngàn cây giống keo lai dòng AH1 theo hình thức cấy mô đáp ứng được nhu cầu về cây giống cho người dân và doanh nghiệp (DN) trồng rừng tại địa phương.

Cây keo lai 20 ngày tuổi tại vườn ươm.

       Quy trình sản xuất cây keo lai cấy mô cũng khá phức tạp và trải qua 6 công đoạn. Đặc biệt là cần có hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo cho nghiên cứu và sản xuất: Phòng cấy, phòng nuôi và phòng sinh - hóa. Về cây giống chọn cấy mô phải lựa chọn dòng cây giống có nguồn gốc, được chứng nhận. Ưu điểm của cây keo lai cấy mô là thời gian sinh trưởng nhanh; năng suất cao, có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn hẳn. Nguyên nhân là do giống cây này sạch bệnh, khi phát triển thì thân lên thẳng, ít cành, nhánh; có rễ cọc chắc chắn, thân dẻo dai nên chịu được gió mạnh, hạn chế được gãy đổ. Vì vậy, rừng trồng từ giống keo lai nuôi cấy mô thường rất ít khi bị rủi ro nên giảm chi phí cho người trồng rừng.

       Hướng mở cho ngành Lâm nghiệp

       Cây keo lai được xác định là một trong 6 ngành hàng được ưu tiên trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau với mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, gắn mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện, toàn tỉnh có gần 9.000ha rừng keo lai, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 12.000ha rừng nguyên liệu ở U Minh Hạ, trong đó có trên 20% sản phẩm gỗ keo lai có đường kính trên 15cm cung cấp cho chế biến gỗ lớn. Với diện tích trồng rừng lớn, nhu cầu cây giống chất lượng cao phục vụ cho việc trồng rừng cũng khá lớn.

       Hiện tại, Công ty Thúy Sơn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đã trồng thử nghiệm cây keo lai cấy mô. Bước đầu cây đã phát triển vượt trội so với cây giâm hom. Qua tham khảo một số tỉnh bạn, trồng giống keo lai cấy mô có tỷ lệ sống từ 90 - 100%, trong khi keo lai giâm hom tỷ lệ sống khoảng 70%. Trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng keo lai cấy mô cho đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom, sản lượng gỗ của keo lai cấy mô sẽ đạt từ 200 - 250m3 gỗ/ha, trong khi năng suất của keo lai giâm hom chỉ đạt từ 130 - 150m3/ha. Với chi phí đầu tư trồng là tương đương nhưng về hiệu quả kinh tế thì trồng rừng keo lai cấy mô rất cao, đạt từ 160 - 200 triệu đồng/ha, cao hơn 100 triệu đồng so với rừng keo lai giâm hom. Tuy nhiên, giá cây giống keo lai cấy mô thường cao hơn cây giâm hom khoảng 1.800 đồng nên người dân và DN chưa mặn mà lựa chọn dòng giống này để trồng. Do đó cần phải thay đổi nhận thức của người dân, DN trong khâu chọn giống thời gian tới để tạo ra một khu rừng có chất lượng gỗ tốt, phù hợp với nhu cầu trồng cây gỗ lớn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau Nguyễn Như Độ thông tin.

Kỹ sư Võ Bá Minh, kiểm tra sản phẩm trước khi giao cho khách hàng.

       Tỉnh Cà Mau đã khuyến khích các DN chế biến gỗ tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho chế biến; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp; đẩy mạnh tìm hiểu thị trường, giới thiệu mặt hàng gỗ rừng trồng… Do đó, chắc chắn rằng trong thời gian tới ưu tiên hàng đầu của các DN là chọn dòng cây giống có nguồn gốc, chất lượng cao để trồng rừng nhằm từng bước tạo nên thương hiệu gỗ Việt Nam và được tổ chức quốc tế công nhận, cấp chứng chỉ rừng FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững). Chứng chỉ này được xem là một tấm vé thông hành vững chắc để gỗ Việt Nam khi thâm nhập vào các thị trường lớn và khó tính tại các nước phát triển sẽ bán được giá cao hơn.

       Việc lựa chọn giống cây lâm nghiệp phù hợp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phát huy hết tiềm năng đất đai và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng, sản phẩm và thương hiệu gỗ trên thị trường trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, nhất định phải bắt đầu từ lựa chọn cây giống chất lượng cao và có lẽ câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” mà ông cha ta đã đúc rút ra đều dựa vào thực tế, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

       “Đến năm 2019, Trung tâm sẽ đầu tư thêm cơ sở vật chất để nâng công suất sản xuất cây giống keo lai cấy mô lên 200 ngàn cây và giảm giá bán để người dân và doanh nghiệp có điều kiện mua về trồng. Hiện nay, ngoài sản xuất thành công cây keo lai, đơn vị còn sản xuất được chuối già Nam Mỹ và Philippines theo hình thức cấy mô”, ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh, cho biết.

NGỌC TRÂM - TẤN ĐIỆP