Kỳ lạ về cây kơnia

       Đến Đắc Lắc, Gia Lai, Công Tum bây giờ bạn không dễ gì nhìn thấy cây Kơnia. Tại thủ phủ Buôn Ma Thuột, Plâycu hay thành phố Công Tum dù có đi tìm cũng khó gặp. May mắn lắm thì nhìn thấy lẻ tẻ một cây ở gần nơi công cộng (trung tâm văn hóa hay gần nhà rông buôn làng). Trên nương rẫy cũng thỉnh thoảng có những cây lớn, bà con dùng làm nơi nghỉ trưa, che nắng.

       Bà con các dân tộc Tây Nguyên quan niệm Kơnia là cây thần, cây thiêng, cây tâm linh, cây biểu tượng cho tinh thần bất khuất Tây Nguyên. Cho rằng cây luôn có thần linh trú ngụ nên không bao giờ chặt đốn. Vậy mà Kơnia lại bị mất đi và đã hiếm gặp.

       Hãy đi tìm xem vì nguyên cơ gì?

       Trước hết ngoại trừ các truyền thuyết dân gian, yếu tố hình tượng nghệ thuật trong thơ ca, âm nhạc như: cây có bộ rễ dài nhất (Uống nước nguồn miền Bắc); cây biết tư duy, biết đối đáp (Mẹ hỏi cây kơnia)…

       Kơnia có tên khoa học là Irvingia malayana thuộc chi Irvingia, sống ở châu Phi và Đông Nam Á. Tại Việt Nam, cây phân bố từ Quảng Nam đến Đông Nam Bộ. Nhưng sống nhiều nhất ở một vài huyện thuộc Công Tum, Đắc Lắc. Ngoài ra còn thấy ở đảo Phú Quốc, Côn Lôn...

       Là loài thực vật thân gỗ lớn, Kơnia cao tới 30m, tán cây thường có đặc trưng hình trứng, lá rậm rạp, xanh thẫm quanh năm. Bộ rễ tỏa ngang và rễ cọc đâm sâu nên ít khi bị mưa bão làm đổ gãy. Cây chịu hạn tốt và có sức sống dẻo dai. Quả hình ô van, to bằng ngón tay cái, hạt có dầu, rang chín thơm ngon.

       Cây thuộc loại gỗ tạp, không quí như gỗ nhóm 1,2. Cây mới hạ thì cưa xẻ được nhưng chỉ hơi khô thì quánh lại, xớ gỗ quắn xoắn tới cưa điện còn phải ngán nhưng cưa thành củi tươi để hầm than thì rất tốt. Vì những đặc tính trên mà Kơnia bị đốn hạ nhiều trong những năm cuối thập niên 70 và những năm 1980 của thế kỷ XX. Người chặt phá chủ yếu là dân đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới theo chương trình của Nhà nước. Gặp nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế, họ đốn Kơnia hầm than, bán củi. Cây Kơnia mọc riêng lẻ, đơn độc nên cũng dễ cưa chặt. Sau này cũng còn chặt phá nhưng là lẻ tẻ của dân di cư tự do. Tất nhiên họ không phải người dân tộc bản địa Tây Nguyên.

       Gỗ Kơnia bị mục rất nhanh. Đốn cây xuống chỉ một năm sau thì không sử dụng được nữa, làm củi lò cũng bị khói.

 

Một cây Kơnia cạnh Nhà rông Bana ở tỉnh Công Tum

       Một đặc tính rất lạ là Kơnia không mọc thành rừng, chỉ sống đơn lẻ một, hai cây và hi hữu cũng không quá ba gốc liền nhau. Các loài chim ăn trái mang đi nhưng không hiểu sao chúng cũng chỉ gieo hạt nảy mầm được như vậy. Các cây, cụm cây Kơnia ấy cũng ở cách nhau rất xa. Điều này chỉ có các kỹ sư lâm sinh mới có thể lý giải chính xác hơn.

       Đây là những nguyên nhân làm hạn chế Kơnia phát triển và hiện nay trở thành hiếm, những cây cổ thụ thì càng ít, vì 30-40 năm trước một loạt cây đã bị cư dân kinh tế mới đốn hạ làm chất đốt.

       Tại đảo Phú Quốc cũng có một số cây Kơnia. Trong đó cây ở cặp sân bay Phú Quốc rất dễ quan sát. Cây rất to nhưng nằm trong dự án mở rộng sân bay, phải đốn hạ để đảm bảo an toàn đường bay. Không hiểu sao khi thi công gặp rất nhiều khó khăn, rắc rối: Một máy cẩu bị gãy, một xe ủi bị đứt xích, máy cưa hóc lưỡi không vận hành được. Cuối cùng phải mở đường tránh cây. Từ đó người dân gọi trên đảo gọi tên là Cây tâm linh.

       Như vậy, chặt cây, phá rừng chỉ gây hại mà thôi.

Phạm Anh Hoan