"Mái nhà chung" của nông dân

       Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và hoạt động nhiều mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo hướng đi bền vững cho người dân tại địa phương.

       Bên cạnh đó, nông dân không chỉ được tiếp cận với những quy trình canh tác mới mà đầu ra nông sản còn được mở rộng thông qua việc liên kết sản xuất, tiêu thụ.

       Tháng 6/2016, HTX Hoà Hiệp, ở ấp Cái Đôi Nhỏ, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân được thành lập. Qua năm 2017, HTX tiếp cận phương thức nuôi tôm siêu thâm canh (ao bạt) chuyển dần theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Ban đầu các xã viên còn khá bỡ ngỡ, nửa năm trở lại đây, HTX bắt đầu củng cố, đi vào nền nếp. HTX hợp tác với Công ty Toàn Cầu về bao tiêu sản phẩm, kiểm nghiệm chất lượng giống và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình nuôi. 

       Giám đốc HTX Hoà Hiệp Nguyễn Minh Luân cho biết: “Nếu như trước đây, người dân thường ngại khi tham gia HTX, thì hiện tại đã có nhiều bà con tự nguyện xin vào là thành viên, bởi họ nhìn thấy việc làm ăn riêng lẻ không mang lại hiệu quả, nhất là sản phẩm sau khi thu hoạch bán ra với giá thấp do bị thương lái ép giá. Khi bà con vào HTX chẳng những được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ - thuật về nuôi tôm mà còn được Nhà nước hỗ trợ vốn. Theo đó, ngoài nguồn vốn các hộ gia đình tự góp, HTX đã tiếp cận vốn thông qua quỹ hỗ trợ nông dân để mua vật tư, thuốc men, cũng như nguồn thức ăn. HTX còn hỗ trợ những thành viên khó khăn vay vốn sản xuất, nhờ thế đời sống của hầu hết thành viên đều ổn định".

Vào vụ thứ 2, ông Nguyễn Minh Luân, HTX Hoà Hiệp, đã có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc và quản lý ao nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh.

       Được thành lập từ năm 2016, đến nay Hợp tác xã (HTX) Bồn bồn Đông Hưng ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước có hơn 26 thành viên tham gia, với diện tích trồng bồn bồn trên 30 ha.

       Chị Huỳnh Thị Nguyên, Giám đốc HTX Bồn bồn Đông Hưng, chia sẻ: “Ý định lập ra HTX là từ những người bán bồn bồn ven đường, tôi thấy không hợp vệ sinh do khói, bụi. Ngay lúc đó, tôi nghĩ đến việc làm dưa bồn bồn mà tự mình thu mua về sơ chế. Qua 6 tháng đầu thử nghiệm, đến nay sản phẩm của HTX Bồn bồn Đông Hưng đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước”.

       Hằng tháng, HTX thường họp để thông báo tình hình xuất bán trong thời gian qua, cũng như hướng trồng bồn bồn trong thời gian tới, rồi cùng thảo luận, tìm ra các giải pháp thích hợp với thời tiết, mùa vụ. Các thành viên bàn bạc, tìm kiếm nhiều kênh thị trường tiêu thụ ở các tỉnh trên để đầu ra cho sản phẩm ổn định. Với quyết tâm sản xuất theo quy chuẩn hàng hoá để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, các thành viên đã áp dụng quy chuẩn sản phẩm sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

       Hiện tại, mỗi tháng HTX xuất bán trên 1 tấn bồn bồn dưa và hơn 100 kg bồn bồn tươi (trong tỉnh 400-500 kg; ngoài tỉnh 700-800/kg dưa bồn bồn  vào mùa bồn bồn từ tháng 7 đến tháng 2) với giá bán 35.000 đồng/kg bồn bồn tươi, 45.000 đồng/kg dưa bồn bồn.

      Anh Phạm Minh Tuấn, thành viên HTX Bồn bồn Đông Hưng, phấn khởi: “Tham gia HTX, chúng tôi khỏi cần phải lo chuyện đầu ra nữa, HTX thu mua lại với giá cao hơn bên ngoài từ 2.000-5.000 đồng/kg. Mỗi lần tham gia sinh hoạt, chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm cho nhau để việc sản xuất diễn ra suôn sẻ hơn. Quan trọng hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các thành viên còn thường xuyên luân phiên kiểm tra lẫn nhau để hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”.  

       Không chỉ gia đình anh Tuấn mà đối với nhiều hộ trong xã Tân Hưng Đông, bồn bồn là tiềm lực kinh tế giúp gia đình ổn định cuộc sống lâu dài, từng bước giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện UBND xã đưa ra kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai mô hình khép kín để giữ nước ngọt quanh năm. Sắp tới sẽ thí điểm trước 10 hộ trong HTX Bồn bồn Đông Hưng, giúp bà con không phải chờ đợi đến mùa vụ, đáp ứng đủ lượng bồn bồn cung ra thị trường.

       Theo Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông Nguyễn Văn Rở, những năm gần đây, trên địa bàn hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả. Nhờ vậy đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người, nâng cao thu nhập cho thành viên trong tổ, từ đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

       “Để tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác phát triển, địa phương đã và đang tìm biện pháp hỗ trợ các đơn vị trong quá trình tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc. Tạo điều kiện thuận lợi cho HTX, tổ hợp tác tiếp cận với các chương trình dự án cũng như vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất", ông Nguyễn Văn Rở cho biết thêm./.

Trương Mỹ - Nguồn Theo Báo Cà Mau