Mối nguy hại từ rác thải điện tử

  1. Đặt vấn đề

       Hiện nay, rác thải điện tử đã trở thành vấn nạn đáng báo động trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển hoặc kém phát triển trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và sức khỏe con người. Theo báo cáo Liên Hợp Quốc về giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020 cho biết, trong năm 2019 trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, riêng đối với Việt Nam trong năm 2019 đã thải ra môi trường khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử, các nhà khoa học ước tính với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay lượng rác thải điện tử sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

       Do đặc tính đa dạng và phức tạp của rác thải điện tử ở mỗi quốc gia sẽ có cách hiểu và giải thích riêng, theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): “Tất cả các thiết bị sử dụng năng lượng điện để vận hành khi đã hết khả năng sử dụng đều được coi là chất thải điện tử (e-waste)”, là toàn bộ các thiết bị, máy móc điện, dụng cụ điện tử đã cũ, hỏng, lỗi thời và không được sử dụng nữa. Theo bà Cythia Indirani – Trung tâm vùng Đông Nam Á về Công ước Basel (BCRA-BASEL): “Chất thải điện tử hay thiết bị điện, điện tử thải là các sản phẩm dân dụng và công nghiệp không đáp ứng được mục đích sử dụng thiết kế, các sản phẩm đã đến điểm cuối của vòng đời sử dụng có hàm chứa chất độc nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường”.

       Theo Liên minh châu Âu, rác thải điện tử được chia theo nhóm như: Rác thải điện tử từ thiết bị sử dụng gia đình có kích thước lớn; Thiết bị sử dụng gia đình có kích thước nhỏ; Rác thải điện từ những thiết bị văn phòng, phương tiện thông tin liên lạc; Thiết bị điện máy móc; Từ các thiết bị chiếu sáng chủ yếu là các loại đèn. Các thiết bị dùng để giải trí và rác thải điện tử từ máy móc thiết bị y tế hoặc những thiết bị thể thao giải trí như trò chơi điện tử, máy tập thể dục,…

       Ở Việt Nam vấn đề phân loại rác thải điện tử đã được quy định trong Quyết định 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/5/2015 về việc thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, theo đó có rác thải điện tử đã được phân loại nằm trong phần phụ lục danh mục sản phẩm thải bỏ và thời điển thu hồi xử lý, cụ thể rác thải điện tử, thiết bị điện gồm 9 loại “Bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang; Máy vi tính (để bàn, xách tay); màn hình máy vi tính, cục CPU; Máy in, máy fax, máy quét hình (scanner); Máy chụp ảnh, máy quay phim; Máy điện thoại di động, máy tính bảng; Đầu đĩa DVD, VCD, CD và các loại đầu đọc băng, đĩa khác; Máy sao chụp giấy (photocopier); Ti vi, tủ lạnh; Máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt”. Mặc dù rác thải điện tử đã có những phân loại tuy nhiên trên thực tế việc phân loại vẫn còn những vướng mắc dẫn đến công tác quản lý cũng như xử lý rác thải điện tử gặp khá nhiều khó khăn.

  1. Tác hại của rác thải điện tử:

       Đối với môi trường: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trong đó có nguyên nhân xuất phát từ rác thải điện tử. Các nhà máy xử lý rác thải điện tử thô sơ không được vận hành một cách an toàn, việc đốt cháy ngoài trời rác thải điện tử để bóc tách lấy các kim loại quý sẽ giải phóng hydrocarbon và các chất độc khác vào không khí làm thay đổi thành phần của không khí và vượt quá khả năng tự làm sạch của môi trường gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh. Ngoài ra các chất như CFC cloflorocacbon đây là chất tải lạnh trong các thiết bị lạnh, chất này chính là nguyên nhân gây thủng tầng ozone hiện nay. Những thiết bị điện tử có chứa kim loại nặng, những chất hóa học như chì, bari, thủy ngân, lithium…khi rò rỉ vào trong môi trường thấm qua đất đến các dòng nước ngầm hòa vào sông, suối, ao hồ thâm nhập vào cơ thể khi con người vô tình tiếp xúc phải những dòng nước bị nhiễm hóa chất độc hại, đối với một số hóa chất không thể phân hủy sẽ tồn tại, bám dính vào các loại cây ăn quả, thực phẩm. Điều này không chỉ nguy hiểm cho người sử dụng nước mà còn ảnh hưởng đến nhiều loại động thực vật sinh sống dựa vào nguồn nước đó. Rác thải điện tử không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước, không khí, mà môi trường đất đai cũng chịu sự tác động không nhỏ. Trong thành phần rác thải điện tử có chứa nhiều chất độc, khi được đưa vào môi trường và không được xử lý thì những chất độc xâm nhập vào lòng đất sẽ tiêu diệt nhiều loài sinh vật có ích, làm giảm tính đa dạng sinh học và độ phì nhiêu, phát sinh nhiều sâu bọ phá hoại cây trồng, hạn chế quá trình phân hủy tổng hợp các chất dinh dưỡng của cây, ảnh hưởng đến môi trường sống bên dưới lòng đất của sinh vật và kể cả sức khỏe con người thông qua việc sử dụng sản phẩm được gieo trồng trên đất ô nhiễm.

       Đối với con người: khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm do rác thải điện tử hoặc sử dụng các sản phẩm chứa các chất độc hại có nguồn gốc từ rác thải điện tử sẽ tích tụ trên cơ thể và trở thành nguyên nhân dẫn đến một số bệnh tật nguy hiểm hoặc thậm chí là tử vong. Vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn ở một số khu vực và quốc gia nghèo hoặc đang phát triển do sự tác động của dòng chảy rác thải điện tử từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển. Ở đó đa phần người dân sống phụ thuộc vào tự nhiên vì thế họ thường xuyên tiếp xúc với đất, nước đã bị nhiễm các hóa chất độc hại hoặc thâm nhập qua con đường không khí, ăn uống. Một số khác, bị phơi nhiễm chất ô nhiễm và độc hại từng ngày khi trở thành người lao động trực tiếp xử lý và bóc tách rác thải điện tử, diễn ra tình trạng lạm dụng người lao động nghèo làm công việc vất vả và nguy hiểm nhưng mức lương vô cùng thấp. Tổ chức Lao động thế giới (ILO) thống kê được mỗi năm có 160 triệu người mắc bệnh nghề nghiệp, có khoảng 438.000 người bị chết do hóa chất nguy hiểm gây ra.

       Ngoài ra, rác thải điện tử cũng phát sinh mối đe doạ về an ninh và thông tin người sử dụng. Những bí mật hoặc các thông tin nhạy cảm nằm trong một ổ cứng, thẻ nhớ nếu bị vứt bỏ thành rác sẽ là một mối đe dọa cho người sử dụng thiết thị điện tử và là nguồn dữ liệu để các tội phạm khai thác phục vụ nhu cầu bất chính gây ra những thiệt hại không nhỏ về tài sản của chính người tiêu dùng sản phẩm điện tử.

  1. Phương thức xử lý rác thải điện tử

       Đối với các nước trên thế giới: Một số quốc gia trên thế giới đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tiến hành những chiến dịch thu gom rác thải công nghệ cao gắn trách nhiệm các nhà sản xuất, đồng thời giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xử lý rác thải điện tử đúng cách. Mỗi quốc gia đều có những chính sách riêng cho việc xử lý loại rác thải điện tử nguy hại này. Theo Liên hợp quốc UNEP nhận định “vấn đề then chốt hiện nay là phải tạo ra một khuôn khổ toàn cầu về xử lý rác thải độc hại, kể cả việc quản lý, theo dõi hoạt động vận chuyển rác thải để biết được nguồn gốc và điểm đến của nguồn rác độc hại. Các tổ chức, các nhà khoa học đang nghiên cứu và tìm ra kinh nghiệm xử lí các loại rác thải như máy tính, điện thoại, ắc quy, xe hơi, tàu thủy, các linh kiện điện tử khác…”. Nhiều giải pháp mới được các nhà khoa học công bố và Hiệp hội Quốc tế về xử lý và tái chế rác thải điện tử (WEEE Forum) đã chọn ngày 14/10 làm Ngày Quốc tế về rác thải điện tử nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý đúng cách loại rác thải này, với mục tiêu không để rác thải điện tử tiếp tục là gánh nặng cho môi trường đã được đưa vào thực tế.

       Đối với Liên minh châu Âu: kể từ những năm 1980, đã có quy định buộc các nhà sản xuất, bán lẻ và nhập khẩu phải trả chi phí cho việc thu gom và xử lý rác điện tử. Cụ thể trong Chỉ thị ROSH của EU cũng đã có quy định cụ thể trong số các thiết bị điện khí, điện tử nhập khẩu vào EU phải hạn chế sử dụng các chất độc hại như chì, thủy ngân, Ca-đi-mi, Crôm VI...

       Đối với Mỹ: Chính phủ ban hành các bộ luật yêu cầu chính nhà sản xuất phải thu hồi sản phẩm do mình làm ra thông qua các điểm thu gom tái chế tập trung, hoặc thuê các công ty bên thứ ba phụ trách. Người dân chỉ việc vận chuyển thiết bị tới các địa điểm tập trung, các đơn vị nói trên sẽ tập kết chúng về kho và tiến hành phân loại. Nếu không thể tái sử dụng, các thiết bị sẽ được đốt hoặc tháo rời linh kiện để lấy kim loại quý. Một số công ty lớn có quy trình và hệ thống thu gom và tái chế sản phẩm khá chuẩn mực để xử lý rác thải điện tử. Và thực hiện những giải pháp về kỹ thuật như: nghiền lạnh các hạt phân tử nano được cho vào nước để phân tách và tái sử dụng, làm chất bán dẫn bằng gỗ, làm chíp bằng gỗ, dùng vi sinh vật tái chế rác thải điện tử…

       Đối với Nhật Bản: Luật về tái chế đồ gia dụng của Nhật Bản (EHAR) cụ thể hóa nguyên tắc “trách nhiệm mở rộng của các nhà sản xuất” có hiệu lực năm 2001 với các sản phẩm như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa yêu cầu chính nhà sản xuất thiết bị phải chịu trách nhiệm gom và vận chuyển các thiết bị điện tử về đến các nhà máy thực hiện việc tái chế thiết bị cũ hỏng. Người tiêu dùng Nhật Bản phải trả khoảng tiền khi muốn loại bỏ một thiết bị điện tử đã củ hoặc hỏng, người nhật xem các thiết bị điện tử gia dụng cũ là “một kho báu”, bởi vì họ có thể tái chế phần lớn rác thải điện tử của mình. Trong quy trình sản xuất thiết bị gia dụng ở Nhật Bản, có một yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt đối với tỷ lệ tài nguyên có thể tái chế. Ví dụ, Ti vi phải được thiết kế để đảm bảo rằng hơn 50% vật liệu trong tổng trọng lượng của nó có thể tái chế trong tương lai hoặc một số sản phẩm khác thậm chí còn cao hơn nữa.

       Ở một số nước khác: Rác thải điện tử cũng có thể trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các đồ trang trí thiết kế thân thiện với môi trường và mang nhiều thông điệp đến xã hội, có thể kể đến một số tác phẩm như: Bức tranh của nghệ sĩ người Mỹ Nigel Sielegar được đính hơn 100 điện thoại phế thải, sản phẩm muốn nhắc nhở mọi người rằng pin kèm theo máy điện thoại là vật chất độc hại và sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng với môi trường nếu không xử lý triệt để; Đôi giày có tên E-waster của nghệ sĩ người Mỹ Gabriel Dishaw được làm từ rất nhiều loại linh kiện phế thải điện tử; Mô hình robot khổng lồ tên Weee Man nặng 3,3 tấn làm từ linh kiện trong màn hình máy tính và các thiết bị điện tử khác…

       Đối với Việt Nam: Hiện tại và cả trong tương lai ngành điện tử của Việt Nam sẽ không ngừng phát triển. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho ngành điện tử phát triển, cần quan tâm đến vấn đề quản lý rác thải điện tử để bảo vệ môi trường, đảm bảo đất nước phát triển bền vững. Để xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở công tác vận động tuyên truyền về luật, chính sách khuyến khích tái chế, xử lý rác thải điện tử cho khoa học và hợp lý. Các văn bản pháp lý để xứ lý rác thải điện tử ngày càng được Nhà nước quan tâm và ban hành, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử này nhằm bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất. Theo Thông tư của Bộ Công Thương về những quy định tạm thời trong việc giới hạn hàm lượng cho phép của các loại hóa chất độc hại trong sản phẩm điện - điện tử số 30/2011/TT-BCT, các mặt hàng điện tử lưu thông tại thị trường Việt Nam phải đảm bảo được hàm lượng hóa chất độc hại để không vượt qua mức cho phép của Nhà Nước. Quy định này của Nhà Nước nhằm giúp giảm thiểu lượng độc tố có trong các thiết bị điện tử hiện nay để hạn chế sự ảnh hưởng của những sản phẩm này đến người sử dụng và môi trường.

       Không chỉ riêng Nhà Nước, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp điện tử cũng cần có những biện pháp xử lý chất thải phù hợp, đúng quy trình, chặt chẽ và đạt hiệu quả cao nhất để bảo vệ môi trường, trang thiết bị bảo hộ cho người lao động làm việc trong môi trường độc hại hạn chế những ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như các bệnh nghề nghiệp về sau. Cần nghiên cứu sử dụng các loại vật liệu mới có tính ứng dụng hạn chế những độc hại cũng như tiết kiệm về chi phí sản xuất, và đặc biệt là chú trong những vật liệu điện tử có thể tái chế lại, không gây tác động đến môi trường. Bản thân những người sử dụng những sản phẩm điện tử phải có sự hiệu biết cần thiết về những mối nguy hại tồn tại trong rác thải điện tử, phải là người tiêu dùng thông minh lựa chọn những sản phẩm tốt cho môi trường. Phải có ý thức trong phân loại rác thải để không vứt rác bừa bãi hủy hoại môi trường sống.

       Ngoài ra những tổ chức, dự án về xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam đã ra đời ví dụ: CDI đề xuất với Tổ chức Oxfam Bỉ (OSB) trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp tiến hành hoạt động nghiên cứu bước đầu đánh giá ảnh hưởng của điều kiện lao động đến người lao động tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp điện tử ở Việt Nam”, chương trình Việt Nam Tái Chế (Vietnam Recycles - VNTC) là tổ chức thực hiện việc thu hồi và xử lý miễn phí rác thải điện tử, trong đó có hỗ trợ xử lý pin đã qua sử dụng, chương trình này được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử,...

       Chúng ta phải nhìn nhận rằng khoa học công nghệ phát triển tạo ra rất nhiều thiết bị điện tử giúp cải thiện chất lượng sống và giá cả hợp lý giúp ngày càng nhiều người có thể tiếp cận sử dụng, song nhu cầu tăng mạnh trên toàn cầu đang vượt quá khả năng tái chế hoặc thải bỏ các phế phẩm điện tử một cách an toàn, nguy cơ của “cơn lũ” rác thải điện tử toàn cầu bùng nổ. Trong khi rác thải điện tử là loại rác có nhiều tác hại nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe con người nhưng ít người biết hoặc quan tâm tới việc xử lý sao cho đúng cách, đòi hỏi chi phí khá tốn kém. Do đó để giải quyết vấn nạn rác thải điện tử một cách hiệu quả cần có sự chung tay của cộng đồng xã hội và quốc tế, để có sự nhận thức đúng đắn, đầy đủ và nghiêm túc hơn trong việc sản xuất, nhập và tiêu thụ sản phẩm thiết bị điện tử vì một môi trường xanh

Thảo Đang - Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KHCN