Một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Cà Mau

       Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nhằm tạo dựng một ngành nông nghiệp có cơ cấu kinh tế hợp lý, qua đó phát huy mọi tiềm năng sản xuất, phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người nông dân. Do đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên phạm vi cả nước cũng như với từng địa phương là rất cần thiết.

       Cà Mau là một tỉnh thuần nông với 77,3% dân cư với cơ cấu nông – lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng đến 63,4%. Đời sống của nông dân còn khó khăn, thu nhập thấp. Trong những năm qua, vấn đề tăng cường quản lý Nhà nước để phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại các huyện, xã luôn được quan tâm và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau còn chậm, cơ cấu nông nghiệp còn bất hợp lý, trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng cao, tình trạng độc canh cây lương thực vẫn tồn tại trong khi đó nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi và thuỷ sản chưa được khai thác tốt.

Thu hoạch tôm, cá trong nuôi trồng thủy sản của nông hộ tỉnh Cà Mau

       Năm 2019, kinh tế của tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong tỉnh GRDP (theo giá so sánh) tăng 7% so với năm 2018; các chỉ số kinh tế - xã hội tăng trưởng cao so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp và tăng dần ngành dịch vụ. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 29,2% GRDP; công nghiệp - xây dựng chiếm 26,1%; dịch vụ chiếm 40,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm 3,8%[1]. Theo Sở Công thương tỉnh Cà Mau. Sản lượng chế biến tôm ước đạt 157.419 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 1.168,1 triệu USD, đạt 97,34% kế hoạch[2]. Ngành thuỷ sản tỉnh Cà Mau thời gian qua tăng trưởng mạnh dẫn đến tỷ trọng của ngành này được nâng cao hơn trong cơ cấu ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Cùng với việc phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng và thực hiện nhiều chính sách phù hợp như chính sách hỗ trợ thuỷ sản, chuyển diện tích cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản, triển khai nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp siêu thâm canh, công nghệ cao… đã góp phần thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 thời gian gần đây và những động thái của Trung quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau đang gặp khó khăn.

       Tóm lại, sau 20 năm tái lập (1997 - 2017), thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 37,7 triệu đồng, tăng gần 10,5 lần so với năm 1997[3]. Từ cơ cấu kinh tế thuần nông với cơ cấu nông – lâm – thủy sản chiếm tỷ trọng  63,40%, công nghiệp – xây dựng 16,96%, dịch vụ 19,64% vào năm 1997, đến năm 2019 cơ cấu kinh tế khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng 29,2 % GRDP, công nghiệp – xây dựng 26,1%, dịch vụ 40,9%[4]. Xuất phát từ những khó khăn, tồn tại trong quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thời gian qua cũng như mục tiêu, phương hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp từ nay đến năm 2030, hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này tại tỉnh Cà Mau thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu như sau:

       (1) Từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước

Nhằm thúc đẩy quá trình phát triển KT - XH toàn huyện nói chung và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói riêng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về nông – lâm – ngư nghiệp.

       (2) Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm và chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức

       Đây là một trong bốn nội dung quan trọng của công cuộc cải cách nền hành chính Nhà nước. Để thực hiện tốt nội dung này, có thể tiến hành một số biện pháp sau:

       Một là: Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức của huyện và các xã, thị trấn. Muốn thực hiện tốt công tác này cần làm tốt công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng theo quy hoạch cán bộ, công chức và theo các tiêu chuẩn chức danh và yêu cầu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức.

       Hai là: Tổ chức thực hiện đúng các nội dung về quản lý cán bộ, công chức theo quy định của Luật Công chức, trong đó chú trọng tăng cường  những công tác sau:

       - Thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là những chức danh chủ chốt ở huyện và xã nhằm khắc phục tình trạng chắp vá không theo quy hoạch trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

       - Xây dựng, hoàn thiện quy định chức danh và tiêu chuẩn cán bộ, công chức để làm cơ sở cho quá trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng.

       - Thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, công chức giữa huyện và các xã, thị trấn.

       - Thường xuyên đánh giá đội ngũ cán bộ chủ chốt trong quá trình sử dụng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hợp lý, hiệu quả.

       Ba là: Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công chức; kịp thời khen thưởng những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

       (3) Quy hoạch phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng, hiệu quả và khă năng cạnh tranh

       Để khắc phục tình trạng sản xuất lương thực đã “đạt trần” về năng suất và sản lượng, cần đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Thực hiện có kết quả việc chuyển dịch cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ, mở rộng sản xuất vụ đông để tăng giá trị sản xuất trên mỗi ha canh tác. Muốn vậy phải triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần xác định vùng chuyên canh lúa đặc sản hàng hoá như gắn với mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm”, coi đây là mũi đột phá lợi thế để hình thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

       (4) Đẩy mạnh chuyển giao ứng dựng tiến bộ kỹ thuật, các thành tựu khoa học và công nghệ và công tác khuyến nông

       Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thì khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá. Có thể thực hiện một số giải pháp sau:

       - Tăng ngân sách Nhà nước đầu tư cho công tác chuyển giao KH-CN và khuyến nông (cả khuyến lâm, khuyến ngư), quản lý, sử dụng có hiệu quả và đúng quy định các nguồn vốn khuyến nông đầu tư trên địa bàn.

       - Tập trung xây dựng các điểm khảo nghiệm, thử nghiệm, trình diễn để tuyển chọn các giống cây con có năng suất, chất lượng tốt và thích nghi với từng vùng sinh thái.

       - Tiếp thu, hướng dẫn và khuyến khích đưa nhanh công nghệ mới phục vụ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm nâng cao trình độ thâm canh, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch, tăng giá trị sản phẩm hàng hoá.

       - Ứng dụng công nghệ sạch để triển khai quy hoạch các vùng trồng rau sạch, trái cây sạch,… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

       - Cung cấp kịp thời thông tin thị trường trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thông qua mạng lưới khuyến nông để giúp người dân có đủ thông tin trong lựa chọn và quyết định cơ cấu sản xuất.

       - Tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông – lâm – thuỷ sản cho người dân nhằm trang bị cho họ những hiểu biết cần thiết giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất.

       - Tiếp tục thực hiện mô hình gắn kết giữa hộ sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh với các Viện, Trường nhằm tiến hành nhanh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ.

       (5) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

Cùng với khoa học và công nghệ, cơ sở hạ tầng là nhân tố đóng vai trò quan trọng và cần thiết trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn huyện Thới Bình.

       (6) Phát triển các thành phần kinh tế

       Quan tâm, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường công tác quản lý và tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng để các thành phần kinh tế phát triển. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết. Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình theo phương thức xây dựng lâm trại, trang trại, gia trại. Bổ sung ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, kỹ thuật thông tin, tiếp thị, khâu tiêu thụ sản phẩm giúp các thành phần kinh tế phát triển.

       (7)Thực hiện kịp thời, linh hoạt các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Nhà nước như chính sách đất đai, chính sách về thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa, chính sách đầu tư và tín dụng, về lao động và việc làm,…

[1] Báo cáo số 02/BC-UBND ngày 07/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

[2] https://congthuong.vn/ca-mau-xuat-khau-tom-vua-lo-vua-mung-133165.html#:~:text=Theo%20S%E1%BB%9F%20C%C3%B4ng%20Th%C6%B0%C6%A1ng%20t%E1%BB%89nh,%C4%91%E1%BA%A1t%201.115,24%20tri%E1%BB%87u%20USD?gidzl=dP327hb2lMcTZSGSi5wzQvoFnHklMRy-r8h7HFe8lZNHtSz2-GMmDzVMdXMk1EzXqeUK4pWTuKX3iK2vPG

[3] Báo cáo tổng kết thành tựu về kinh tế - xã hội sau 15 năm tái lập tỉnh Cà Mau.

[4] Báo cáo số 02/BC-UBND ngày 07/01/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau.

ThS. Nguyễn Chánh Nhân – Trường CĐCĐ Cà Mau