Nghiên cứu nguyên nhân gây chết cua biển (Scylla sp.) Nuôi thương phẩm tại Cà Mau và đề xuất giải pháp phòng bệnh

       1 Đặt vấn đề
       Nghề nuôi cua tại tỉnh Cà Mau có nhiều thuận lợi do điều kiện tự nhiên, rừng ngập mặn và thổ nhưỡng thích hợp. Cua biển đã trở thành sản phẩm đặc sản có tiếng của địa phương, là sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Giai đoạn năm 2019 trở về trước tình hình nuôi cua trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nhưng từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh trên cua nuôi xảy ra khá phổ biến và lặp lại có tính chất chu kỳ. Bệnh xảy ra tập trung ngay thời điểm giao mùa, trước và sau tết Nguyên Đán. Vùng xảy ra dịch bệnh tập trung chủ yếu tại các huyện ven biển Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời [1]. Để tìm ra giải pháp phòng bệnh hiệu quả cho cua nuôi tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau, cần khẩn trương nghiên cứu tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên và đưa ra giải pháp khắc phục có hiệu quả để ổn định sản lượng cua, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
       2. Phương pháp nghiên cứu
       Đối tượng, thời gian và địa điểm nghiên cứu
       -    Đối tượng: Cua biển (Scylla sp.) nuôi thương phẩm tại các huyện trên địa bàn tỉnh Cà Mau
       -    Thời gian: 12 tháng, từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 02 năm 2024.
       -    Địa điểm nghiên cứu: Mẫu cua được thu tại các huyện: Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân, Ngọc Hiển, Cái Nước.
       -    Phân tích mẫu và thí nghiệm gây cảm nhiễm tại Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu.
       Phương pháp nghiên cứu: 
       - Thực hiện thí nghiệm gây nhiễm 3 tác nhân tìm thấy nhiều nhất trong các mẫu cua bệnh: Vi khuẩn Vibrio sp. (Hình 1), ký sinh trùng P.conformis (Hình 2) và nấm Fusarium sp. (Hình 3)
       - Tiến hành gây nhiễm tác nhân trên cua khỏe (15-20 g/con) theo các nồng độ thí nghiệm. Gây nhiễm vi khuẩn bằng cách tiêm canh trùng vào cơ thể cua, gây nhiễm nấm và ký sinh trùng bằng cách ngâm cua khỏe trong môi trường có tác nhân.
       - Thời gian theo dõi thí nghiệm 15 – 30 ngày. Theo dõi và mô tả các dấu hiệu bất thường cua thí nghiệm.
       - Kết thúc thí nghiệm phân tích kiểm chứng tác nhân trong từng nghiệm thức.

Hình 1: Vi khuẩn Vibrio sp. 

Hình 2: Ấu trùng Epicardium    

           

Hình 3: Nấm Fusarium sp.

       Giải pháp phòng Vibrio sp. và ký sinh trùng Portunion conformis gây bệnh trên cua nuôi
       - Cua thí nghiệm là cua khỏe: 15-20 gam.
     - Chọn sản phẩm cho phòng trị vi khuẩn: kháng sinh (Erythromycine Oxytetracycline 1g/kg thức ăn) và sản phẩm thảo dược thay thế kháng sinh:  Ekaverin 20ml/kg, phương pháp trộn vào thức ăn 2 lần/ ngày và cho ăn liên tục 3 ngày. Sau 3 ngày cho ăn lại bình thường như lô đối chứng.
        - Phòng trị ấu trùng Epicarđium bằng hình thức tăng và giảm nồng độ muối  (38‰, 28‰, 25‰, 20‰, 18‰ 16‰ 15‰, 10‰, 5‰)  và BKC 1ppm, KST 1ppm.  Thời gian theo dõi 30 phút, 60 phút, 12 giờ, 24 giờ. Mỗi nồng độ có 2 lần lặp lại. Xác định tỉ lệ sống của ấu trùng bằng phương pháp soi tươi theo thời bằng kính hiển vi soi nổi. Xác định tỉ lệ sống của ấu trùng theo nồng độ thí nghiệm. 
       - Thí nghiệm phòng trị ký sinh trùng P.conformis trong xoang cua bằng nồng độ muối, BKC và KST bằng hình thức ngâm cua bệnh (có trọng lượng trung bình 111,4 ± 25,5 g) trong nước biển theo nồng độ muối 15 ‰ (phù hợp độ mặn khu vực thu mẫu cua thí nghiệm),  28‰ (nồng độ muối trong thời điểm xảy ra tình trạng cua bệnh chết), BKC 1ppm và KST 4ppm, theo dõi tỉ lệ sống của cua và kiểm tra tình trạng ký sinh P. conformis trong xoang cua sau khi kết thúc thí nghiệm.
       - Kết quả đạt được là hình ảnh, số liệu thí nghiệm: Tỉ lệ sống ấu trùng theo thời gian.

Hình 4: Bể thí nghiệm 

Hình 5: Cua bệnh sử dụng cho thí nghiệm

       2.3. Phương pháp xử lý số liệu
       Sử dụng phương pháp ghi nhận mô tả, ghi hình ảnh
       Số liệu được xử lý bằng phần mềm Excel 2007 
       3. Kết quả nghiên cứu tác nhân gây bệnh trên cua 
       Vi khuẩn Vibrio sp. là nhóm tác nhân hiện diện trên mẫu cua bệnh/chết ở nồng đô 105-107 CFU/g gan và cơ thịt. Kết quả cho thấy cua chết 55,6% sau 24 giờ gây nhiễm ở nồng độ 4,8 x107 CFU/mL và chết 100% sau 48h gây nhiễm. Ở các nghiệm thức 103 và 105 CFU/mL cua bắt đầu chết rải rác cho đến 15 ngày theo dõi thí nghiệm, tỉ lệ cua chết 31,1- 42,2%. Như vậy nồng độ gây chết 50% (LD50) của vi khuẩn Vibrio sp. là 4,8 x 107 CFU/mL sau 24h gây nhiễm. Tỉ lệ này cao hơn so với nghiên cứu của Trương Minh Út và ctv. (2021), Vibrio sp. gây bệnh trên tôm thẻ 104-105CFU/mL [3].
       Dấu hiệu mẫu cua gây nhiễm nổi bật nhất là gan tụy không săn chắc, màu sắc nhợt nhạt. Khi cua nuôi bị nhiễm Vibrio sp. cấu trúc mô gan bị tổn thương trắng dần từ 60% -80% theo nồng độ gây nhiễm 103 đến 107 CFU/mL (Hình 7 và Hình 8). Kết quả này cho thấy Vibrio sp. ở nồng độ 105- 107 CFU/g trong gan làm tổn thương cấu trúc ống gan và gây hoại tử ống gan. 
Từ đó cho thấy vi khuẩn Vibrio sp. hiện diện với nồng độ cao 105- 107 CFU/g trong cơ, gan cua là một trong những tác nhân nguy cơ hàng đầu gây ra hiện tượng cua bệnh chết hàng loạt tại các huyện nuôi cua trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong những năm 2020 đến nay.

Hình 6: Mô gan cua có cấu trúc bình thường 

Hình 7: Mô gan cua bị tổn thương trong gây nhiễm Vibrio sp

Hình 8: Mô gan bị hoại tử ống gan trong gây nhiễm Vibrio sp.

       Nấm Fusarium sp. là loài thường xuyên xuất hiện trên đối tượng thủy sản nuôi. Trên cua biển loài nấm này ký sinh trên mang và gây tổn thương cấu trúc mang. Qua thí nghiệm gây nhiễm cho thấy nấm Fusarium sp. không có độc lực gây chết cua nuôi ở nồng độ 102 , 103 và 104 bào tử/ mL. Tỉ lệ cua chết rải rác tích luỹ đến khi kết thúc thí nghiệm tỉ lệ cua chết cao nhất là 31,1%. Tuy nhiên cua gây nhiễm nấm Fusarium sp. có dấu hiệu đen đầu mang (Hình 10) và cấu trúc mang bị tổn thương (Hình 11) tăng dần theo nồng độ gây nhiễm 102 - 104 bào tử/mL là  26,6- 33,3%. 
       Nấm Fusarium sp. ký sinh trên mang cua  là tác nhân cơ hội thứ cấp, nó chỉ gây ra một số ảnh hưởng đến cấu trúc không bình thường mang cua nhưng không gây chêt cua nuôi như tác nhân là vi khuẩn Vibrio sp. 

 

Hình 9: Cua gây nhiễm nấm Fusarium sp.

 

Hình 10: Cua gây nhiễm nấm bị đen đầu mang

           Hình 11: Mô mang tổn thương- Gây nhiễm nấm Fusarium sp.

       Ký sinh trùng P.conformis ký sinh trong xoang cua bệnh có thể lây nhiễm qua cua khỏe bằng ấu trùng Epicardium (Hình 12), chúng tồn tại tự do trong môi trường nước và xâm nhiễm vào xoang cua khỏe và lưu trú trong cơ, mô kẻ gan cua dưới hình dạng thể giun (Hình 15,16,17). Kết quả nghiên cứu này tương đồng với nghiên cứu của Ma và ctv. (2023) [4]. Sau 30 ngày gây nhiễm, ký sinh trùng xâm nhập vào cua khỏe không gây chết cua mà chúng tồn tại và phát triển cùng ký chủ. Tuy nhiên cua nhiễm ấu trùng Epicardium có dấu hiệu cấu trúc mô gan, cơ bị tổn thương tăng dần theo nồng độ gây nhiễm 12,8 – 128,6 ấu trùng/ml là  20 - 40% và tương ứng với sự hiện diện của ký sinh trùng P. conformis dạng giun trong cơ, gan cua thí nghiệm 13,3 – 33,3%. Ngoài ra, nghiên cứu của Ma và ctv. (2023) [4] còn cho thấy nội ký sinh trùng Portunion sp. làm ảnh hưởng đến quá trình miễn dịch, trao đổi chất trong cua Scylla paramamosain, nội ký sinh ăn máu của cua và làm suy kiệt dinh dưỡng và sức đề kháng ở cua nuôi.\

Hình 12: Ấu trùng Epicardium

Hình 13: Cua gây nhiễm Epicardium

Hình 14: Thể giun trong xoang cua gây nhiễm Epicardium  

Hình 15:  Mô kẻ ống gan cua có KST- gây nhiễm Epicardium

Hình 16: Mô kẻ gan cua có KST- gây nhiễm Epicardium

 Hình 17: Mô màng áo có KST- gây nhiễm Epicardium

       4. Phòng trị Vibrio sp. và ký sinh trùng Portunion conformis 
       Vi khuẩn Vibrio sp. là tác nhân phổ biến trong nước lợ mặn nuôi thủy sản và hiện diện trong cua khỏe với mật độ 102-103 CFU/g do vậy việc phòng tác nhân Vibrio sp. ngay từ ban đầu và kiểm soát mật độ vi khuẩn trong môi trường nước cần phải thực hiện ngay từ khâu cải tạo môi trường và xử lý nước nuôi trong vuông trước mỗi vụ thả giống. Việc cua nuôi xảy ra bệnh khi mật độ vi khuẩn Vibrio sp. lên đến 105 CFU/g thì việc trị bệnh không hiệu quả cho dù có dùng đến kháng sinh hay sản phẩm thảo dược thay thế kháng sinh. Thực tế kết quả nghiên cứu phòng trị cua nhiễm vi khuẩn Vibrio sp. bằng kháng sinh và sản phẩm thảo dược thay thế kháng sinh đã không mang lại hiệu quả cao. Kết quả cho thấy sau 15 ngày, tỉ lệ cua chết cao nhất (48,9%) ở nghiệm thức đối chứng. Tỉ lệ cua chết ở nghiệm thức phòng trị bằng Erythomycine (40,0%) và Ekvakin (42,2%)  không khác với  tỉ lệ cua chết ở nghiệm thức đối chứng. Với mô hình nuôi cua quảng canh kết hợp tôm, cá,...trên diện tích rộng thì ứng dụng việc dùng thuốc hay sản phẩm thay thế thuốc cho việc phòng trị vi khuẩn Vibrio sp. trên cua nuôi là khó thực hiện và không hiệu quả kinh tế. Trên đối tượng này chỉ có thể áp dụng biện pháp sinh học để khống chế Vibrio sp. đó là sử dụng chế phẩm vi sinh (EM, Rhodobacteria sp.,...) tăng sinh khối vi khuẩn có lợi trong môi trường nước nuôi trước mỗi vụ thả nuôi và định kỳ trong thời gian nuôi để ức chế nhóm vi khuẩn Vibrio sp. phát triển trong môi trường nuôi gây bệnh cho cua.
       Ký sinh trùng P.conformis đã xuất hiện trong xoang cua nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ những năm 2020 đến nay. Nguồn lây nhiễm qua ấu trùng Epicardium (ấu trùng của P.conformis) sống tự do trong môi trừng nước. Để tránh cua khỏe thả nuôi bị nhiễm ký sinh trùng P.conformis trước tiên phải tiêu diệt đi nguồn ấu trùng Epicardium lây nhiễm trong môi trường hoặc hạn chế tối đa cua khỏe tiếp xúc với tác nhân này. Qua kết quả thử nghiệm cho thấy: ấu trùng Epicardium có khả năng thích ứng ở nồng độ muối > 16‰, tỉ lệ sống của ấu trùng từ 40,7 ± 3,0 % đến 89,3 ± 7,2% theo độ mặn tăng dần từ 16 ‰ đến 38 ‰ sau 24 giờ thí nghiệm. Trong thí nghiệm này, tỉ lệ sống của ấu trùng cao nhất là ở độ mặn 28‰ và ấu trùng chết 100% khi độ mặn giảm dưới 16‰. LD50 của thí nghiệm này xác định là nồng độ muối tại 16‰ trong 24 giờ, ấu trùng Epicardium chết 40,7% ± 3,0 %. 
       Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu thì trong thời điểm tháng 2-6 dương lịch (12 - 4 âm lịch) khi môi trường nước có độ mặn từ 17 - 31‰, ký sinh trùng P. conformis hiện diện từ 60 -80 % trong mẫu cua nuôi, ký sinh trùng trưởng thành và ôm ấu trùng sẵn sàng cho sinh sản. Từ năm 2020 đến nay, thời điểm này cua cũng chết hàng loạt. Kết quả nghiên cứu này làm cơ sở thực tế cho hướng dẫn đến người nuôi cua không thả giống mới vào thời điểm từ tháng 2-6 dương lịch (12 - 4 âm lịch). Giai đoạn này là mùa sinh sản của P. conformis, ấu trùng Epicardium được giải phóng ra môi trường nhiều, khi thả giống cua trong thời điểm này cua có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng P. conformis cao trong vụ nuôi tiếp theo.
       Ngoài ra kết quả gây nhiễm cho thấy sản phẩm BKC 1ppm và KST 1ppm cũng diệt được trên 50% ấu trùng Epicardium trong môi trường nước nuôi trong 30 phút và ấu trùng chết 100% sau 60 phút theo dõi thí nghiệm. Theo khuyến cáo sử dụng của sản phẩm KST định kỳ diệt ký sinh trùng là 10ppm và BKC khuyến cáo sử dụng trong việc xử lý định kỳ nước ao nuôi để xử lý vi khuẩn và cắt tảo là 1 ppm. 
       Khi cua nuôi bị nhiễm ký sinh trùng P.conformis trong xoang thì việc trị ký sinh trùng này không đạt hiệu quả cao. Theo kết quả thí nghiệm cho thấy ký sinh trùng P. conformis bị chết trong xoang cua khi dùng sản phẩm BKC (33,3%) và KST (44,4%) nhưng P.conformis sống bình thường trong nghiệm thức độ mặn 15‰ và 28‰.
       Trong mô hình nuôi quảng canh kết hợp tôm, cá, sò,.. việc trị ký sinh trùng trong xoang cua là không mang lại hiệu quả kinh tế và khó thực hiện cho nên để ngăn chặn cua nuôi bị nhiễm ký sinh trùng P.conformis chỉ có thể thực hiện bằng cách tránh thả cua khỏe trong môi trường có ấu trùng Epicardium hoặc rút ngắn thời gian cua nuôi trong môi trường có tác nhân gây nhiễm bằng cách thả cua nuôi kích cỡ lớn trong thời gian dự đoán có ấu trùng Epicardium trong môi trường nuôi (thời điểm nước nuôi có độ mặn cao: >17‰ từ tháng 2-6 dương lịch).

Hình 18: BKC trị ký sinh trùng P. conformis (mũi tên xác định vị trí P. conformis)    

Hình 19: KST trị ký sinh trùng P. conformis (mũi tên xác định vị trí P. conformis chết)    

Hình 20: P. conformis chết sau thí nghiệm (mũi tên xác định vị trí P. conformis chết)

       5. Kết luận và đề xuất giải pháp phòng trị vi khuẩn Vibrio sp. và ký sinh trùng Portunion conformis cho cua nuôi 
       5.1.  Kết luận:
 
       - Vi khuẩn Vibrio sp. gây chết 50% (LD50) cua nuôi ở nồng độ 4,8 x 107CFU/mL sau 24h gây  nhiễm.
       - Ký sinh trùng P.conformis trong xoang cua lây nhiễm vào cua khỏe qua ấu trùng Epicardium và không gây chết cua nuôi sau 30 ngày gây nhiễm.
       - Nấm Fusarium sp. là tác nhân cơ hội, không gây chết cua khỏe khi gây nhiễm. Nấm Fusarium sp. chỉ gây hiện tượng đen mang và gây tổn thương mang cua.
       5.2.  Đề xuất giải pháp phòng bệnh cho cua nuôi
       Trên cơ sở của kết quả nghiên cứu xác định tác nhân gây bệnh, dựa trên kết quả gây nhiễm và kết quả phòng trị, nhóm đề xuất biện pháp phòng bệnh cho bệnh cua biển nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau như sau:
       1.  Ao nuôi và cải tạo ao: 
       1.1. Ao nuôi
       Ao đất, có diện tích theo cấu trúc thực tế hộ nuôi
       1.2. Cải tạo ao nuôi: Cải tạo vuông nuôi sau khi có dịch bệnh xảy ra. Dùng BKC xử lý nước và nền đáy định kỳ sau mỗi vụ nuôi để diệt khuẩn và ấu trùng Epicardium tránh cho cua giống thả bị nhiễm ký sinh trùng và phát bệnh do nhiễm khuẫn Vibrio sp. khi độ mặn tăng cao trên 16‰. 
       1.3. Gây màu cho ao: Trước khi thả giống 3-5 ngày liên tục dùng các sản phẩm vi sinh có lợi (Rhodobacteria sp., Bacillus sp....) ủ với mật rỉ đường bón vào môi trường nước nuôi nhằm tăng sinh khối vi khuẩn có lợi để ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp. gây bệnh cho cua trong suốt thời gian nuôi.
       Định kỳ 3-5 ngày sử dụng chế phẩm sinh học cho vuông nuôi để tạo điều kiện cho hệ thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho, cua, ổn định môi trường muôi. 
        2.  Chọn giống và mật đọ nuôi:
       Chọn con giống khỏe mạnh, được ương dưỡng có kích cỡ lớn trước khi thả nuôi. Tắm cua qua nước ngọt hoặc dùng BKC1ppm để xử lý ký sinh trùng bám phụ bộ, vỏ và mang nhằm hạn chế nguồn lây lan mầm bệnh vào vuông nuôi.
       3.  Mùa vụ thả giống: 
           Chọn phương pháp thả giống một hoặc hai lần, mật độ thả giống phù hợp với khuyến cáo cho mô hình nuôi quảng canh kết hợp, cua từ < 0,5 con/m2/vụ
           Không thả giống trong vuông nuôi nếu  xảy ra dịch bệnh (từ tháng 2-6 dương lịch)
       *** Trong thời điểm xảy ra dịch bệnh nên nuôi ương cua giống nhỏ trong một ao đất (500 -1000 m2) tách riêng vuông nuôi có cua bệnh. Ao nuôi được xử lý nước và nền đáy loại bỏ vi khuẩn Vibrio sp. và ấu trùng Epicardium trong môi trường trước khi thả giống. Sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ để ổn định môi trường nuôi. Hằng ngày cho cua ăn bằng cá tạp, hai mảnh võ, ốc đinh, ... Nuôi cua đến kích cỡ 20-30g/con thì cho cua ra vuông nuôi. Thời gian nuôi trong ao đất  2-3 tháng cũng là thời điểm qua thời gian dịch bệnh cua xảy ra. Cua nuôi ương cỡ lớn thích hợp cho cua ra vuông để nuôi rút ngắn thời gian và thu hoạch đúng thời điểm được giá cua biển.
       4. Quản lý môi trường nuôi:
       Không nuôi cua vào cuối mùa khô đến đầu mùa mưa khi nhiêt độ trong ngày đêm chênh lệch quá 5°C
       pH: 7-8,5  DO > 5mg/L                NH3 <0,3 mg/L             NO2 < 0,35 mg/L                  Độ kiềm 80-140 mg CaCO3/L
       5.   Thu hoạch: 
       - Cần thu hoạch toàn bộ cua nuôi trong 5-6 tháng thả nuôi. Nếu cua chưa đạt chất lượng thì nuôi vỗ cua trong ao đất (500 m2 ) nuôi tách biệt với vuông nuôi. Trong ao nuôi nhỏ có thể phòng bệnh Vibrio sp. và ký sinh trùng P. conformis bằng việc hạ độ mặn <16‰ hoặc dùng BKC và KST 1ppm vào ao nuôi và nuôi cho ăn bằng cá tạp, tăng cường dùng vi sinh có lợi ổn định môi trường nuôi và ức chế Vibrio spp. phát triển trong cua nuôi bên cạnh đó tăng cường khoáng cho cua khỏe và lột xác nhanh.
       - Cần thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi khi có hiện tượng cua bệnh để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và lưu giữ mầm bệnh như vi khuẩn Vibrio sp., ấu trùng Epicardium trong môi trường nuôi.
       6. Xử lý khi xảy ra dịch bệnh: 
       Khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ, chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh.
       Thường xuyên theo dõi, quan sát cua nuôi, nếu phát hiện cua có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y địa phương để phối hợp xử lý.

Tiêu Thanh Tươi, La Thúy An, Lê Văn Trúc, Nguyễn Gia Tùng, Bùi Quang Tề, Lê Sĩ Hiệu