Nuôi thử nghiệm Artemia vùng sản xuất muối ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi.

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Artemia được biết đến vào những năm thập niên 30 khi chúng được xác định là một loại thức ăn tươi sống có giá trị dinh dưỡng cao cho việc ương các loại giống thủy sản như tôm, cua, cá, nhuyễn thể,…

       Artemia là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, con trưởng thành có hàm lượng dinh dưỡng cao (60%), hàm lượng acid béo không no, giàu acid amin thiết yếu, hormone, khoáng và các sắc tố.

       Thực tế, hơn 85% loài thủy sản nuôi sử dụng Artemia làm thức ăn trong trại giống.

       Hiện nay, huyện Đầm Dơi có một xã phát triển nghề làm muối với diện tích khoảng 168,6 ha (61 hộ). Tuy nhiên, hiện nay nghề làm muối gặp không ít khó khăn, do giá cả không ổn định, công lao động cực khổ, nắng cháy da vùng biển mặn, nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu (được mùa, mất giá). Mặt khác, tỉnh Cà Mau có trên 1.000 trại sản xuất giống, cung cấp hàng năm cho địa phương hơn 10 - 15 tỷ con giống, do đó cần lượng trứng Artemia bào xác cho sản xuất giống là rất lớn. Chính vì vậy, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi được giao chủ trì thực hiện dự án “Nuôi thử nghiệm Artemia vùng sản xuất muối ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi”.

       II. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

       2.1. Thời gian: 18 tháng

       2.2. Địa điểm: Ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi

       2.3. Quá trình thực hiện:

       Theo thuyết minh, dự án nuôi thử nghiệm Artemia tại vùng sản xuất muối ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi được chia làm 2 vụ nuôi:

       - Vụ nuôi 1 thực hiện 2 hộ, với diện tích 2 ha.

       - Vụ nuôi 2 thực hiện 4 hộ, với diện tích 4 ha, 2 hộ giai đoạn 1 tái sản xuất.

       Để dự án thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về năng suất, chất lượng cùng lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi, trước hết cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ quản và chính quyền địa phương để quản lý, đôn đốc các hộ nuôi tham gia dự án thực hiện tốt các nội dung đề cương thuyết minh đã đề ra hợp lý, góp phần đảm bảo cho sự thành công của mô hình.

       Các bước được triển khai thực hiện cụ thể như sau:

       - Ký hợp đồng với các hộ thực hiện dự án thông qua chính quyền địa phương.

       - Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ thực hiện dự án.

       - Kiểm tra, hướng dẫn thiết kế ao nuôi.

       - Cung cấp các nguyên vật liệu, vật tư cần thiết cho hộ dân thực hiện dự án

       - Kiểm tra, theo dõi quá trình thực hiện dự án và sự phát triển của Artemia nuôi.

       - Theo dõi các yếu tố môi trường.

       - Theo dõi tỷ lệ sống và sản lượng thu hoạch của Artemia nuôi.

       III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

       3.1. Công tác đào tạo tập huấn

       Dự án đã mở 1 lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi Artemia cho hơn 20 diêm dân ở vùng sản xuất muối ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận.

Hình 3.1: Người dân tham gia tập huấn

       3.2. Xây dựng ao nuôi

       Ao được thi công bằng cần cuốc, ao hình chữ nhật, mỗi ao có diện tích trên 1.500 - 2.000 m2, có bờ bao chắc chắn không bị rò rỉ. Trong đó.

       + Diện tích mương khoảng 10 - 15% diện tích ao nuôi.

       + Độ sâu mực nước: Trên trảng từ 2 – 5cm, dưới kênh từ 0,8 - 1m.

       + Khi ao đã làm xong, ta tiến hành bón vôi CaCO3 1 tấn/ha.

Hình 3.2: Cơ giới làm ao nuôi

        - Ao chứa nước:

       Diện tích 2.000 m2, có độ sâu từ 1,2 – 1,5 m. Có nhiệm vụ rất quan trọng là gây màu nước, cấp nước liên tục cho ao nuôi, ao chứa nước được nối với kênh cấp, bằng ống f 140 và kênh cấp nối với ao nuôi bằng ống f 49, đầu ống được bịt bằng lưới mành tránh địch hại xâm nhập vào ao nuôi. Nguồn nước cấp rất thuận lợi, vì sử dụng nước cấp từ vuông nuôi quảng canh, nên lượng nước rất phong phú, khống chế độ mặn nằm trong khoảng 80 – 1000/00, nên năng suất trứng cao ổn định.

Hình 3.3: Thiết kế ao nuôi

Hình 3.4: Ao chứa nước

Hình 3.5: Sơ đồ mặt cắt ngang của ao nuôi

       - Chuẩn bị nước mặn:

       Sau khi cải tạo ao xong nước biển được đưa vào các ao để bốc hơi, trong thời gian này toàn bộ diện tích có thể được sử dụng cho việc phơi nước tăng độ mặn (nước biển bốc hơi). Thời gian bắt đầu đi nước đến lúc 80‰ đủ lượng nước mặn để thả giống.

       - Lấy nước vào ao nuôi:

      Khi độ mặn nước đạt từ 80‰ trở lên sẽ được đưa vào ao nuôi, nước lấy vào ao qua lưới lọc mịn (2a= 1 mm; hoặc sử dụng vải Katê), mức nước trong ao nuôi 2-5cm tính từ mặt trảng, sau đó nâng cao dần trong suốt quá trình nuôi.

       - Diệt tạp:

      Diệt tạp có thể được thực hiện bằng Saponin (15 mg/lít). Ngoài ra, để hạn chế địch hại thì trước khi thả giống.

       - Bừa san bằng mặt trảng:

       Bừa bằng máy, đây là máy Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu chế tạo ra để phục vụ cho các xã viên. Do mực nước trên trảng thấp (2-5cm), khi cấp nước vào mực nước trên trảng không đều, chổ nước sâu, chổ khô không có nước, nên ta dùng máy chạy khi mặt đất trên trảng đều ngập nước.

Hình 3.6: Trục bằng máy sang bằng mặt trảng

       - Bừa đáy kênh:

      Làm sạch nền đáy kênh, không để diệt rong đáy, dùng chà khô bó thành bó lớn, buột tản đá có độ nặng để bó chà chìm xuống đáy kênh, ta kéo đều khắp ao 2 ngày/lần.

 

Hình 3.7: Bừa đáy kênh

       - Bừa mặt trảng:

      Dùng dây xích dày khoảng 10 m, hai đầu buột vào cây tre dày khoảng 5 m, để có độ võng, có dây kéo ở giữa. Ta kéo trên mặt trảng để diệt lap lap và rong đáy 1-2 lần/ngày.

Hình 3.8: Bừa dây xích

       - Chọn giống và thả giống

      Chọn giống là giai đoạn quan trọng trong quá trình nuôi vì chọn giống không tốt, sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nở, tỷ lệ sống, bắt cặp và cho trứng. Do đó, chủ nhiệm dự án chọn mua giống của Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu về thả. Qua vụ nuôi Hợp tác xã chọn lại trứng tốt để cho xã viên nuôi vụ sau. Trứng Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu, tỷ lệ nở cao trên 90%, con giống nhỏ, đồng đều và phát triển tốt.

       * Ấp trứng

       + Nước được lấy trong ao nuôi tôm và lọc qua vải kate.

       + Độ mặn: 35o/oo

       + Thời gian ấp: 24 giờ.

       + Sụt khí liên tục và trong đèn vào ban đêm.

       * Thả giống

       - Trước khi thả giống ta gây màu nước bằng Ure (5kg) + phân hữu cơ vi sinh (5kg) và Dolomit (1 bao)/ao. Cho đến nước có màu xanh võ đậu kết hợp với bừa, trục.

       Độ mặn lúc thả giống 75‰, mực nước trên trảng 2-5cm, dưới kênh 30 – 50 cm.

       Khi trứng Artemia ấp được 24 giờ, tắt sục khí, để Artemia lắng xuống đáy, ta cho ra thùng nhỏ đưa ra ao thả. Thả lúc 7 giờ sáng, thả trên gió để gió thổi Artemia đều khắp ao.

Hình 3.9: Toàn cảnh khu nuôi

       - Quản lý các yếu tố môi trường

       Việc quản lý môi trường ao nuôi là việc rất cần thiết, đặc biệt là quản lý độ mặn, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường như: pH, nhiệt độ, độ mặn ngày 2 lần.

       - Quản lý sức khỏe quần thể Artemia

       Bảng 1 Tiêu chuẩn đánh giá quần thể Artemia

TT

Tiêu chuẩn đánh giá

Ao tốt

Ao xấu

1

Hình dạng màu sắc

Cân đối, màu hồng nhạt

Ốm, dài hoặc chân bơi to, rời rạc, màu đỏ sậm hoặc trắng xanh

2

Đường tiêu hóa

To, đều liên tục

Không đều, đứt đoạn

3

Bơi lội

Tập trung nhiều trên gió, bơi lội thành đàn có định hướng

Không tập trung, bơi lội không đinh hướng

4

Buồng trứng

To, chắc, màu nâu sậm, bóng

Nhỏ, rời rạc, có nhiều màu

       - Thu hoạch và bảo quản trứng:

      Tùy theo điều kiện thời tiết, cách thức quản lý quần thể Artemia để thu hoạch trứng. Sau khi thả giống 15 – 20 ngày, quan sát thấy trứng xuất hiện trong ao và trôi dạt váo bờ ao cuối gió, tập trung phía sau rào chắn sóng hay nằm cạnh bờ ao.

      Hoạt động thu trứng nên tiến hành hằng ngày khi thấy trứng xuất hiện. Trứng được vớt bằng lưới mịn, kích thước kích thước mắt lưới 100-150µm (0.1-0.15mm). Trứng vớt tại ao thường có lẩn rác, rong tảo vadf làm sạch theo các bước sau:

       Bước 1: Dùng lưới có kích thước mắt lưới lớn để loại bỏ rác lớn.

       Bước 2: Dùng lưới có mắt lưới nhỏ hơn để loại bỏ rác nhỏ hơn.

      Bước 3: Dùng lưới có mắt lưới 150µm để thu trứng sau cùng, tiếp tục làm sạch trứng bằng nước ao nuôi, sau cùng vắt ráo nước trước khi đem đi bán. Thứ 7 hàng tuần, Hợp tác xã xuống thu mua.

       - Phòng và trị bệnh:

       Artemia là loài ăn lọc không chọn lọc, do đó việc cho ăn và quản lý thức ăn là rất quan trọng. Trong quá trình nuôi xãy ra trường hợp chất lượng nước kém, khi cấp vào Artemia bị sốc, bơi lội yếu, gom cục, và tập trung nhiều dưới gió, đồng thời giảm cho trứng.

       Biên pháp xử lý: Rút cạn nước ao chứa, dọn sạch rong đáy, phơi ao, bón vôi, cấp nước mới vào xử lý phân và cấy men vi sinh.

       3.3. Hiệu quả kinh tế

       Sự thành công của dự án một lần nữa chứng minh sự thích nghi tốt của Artemia trên những điều kiện ruộng muối khác nhau và đây chính là một đối tượng nuôi tiềm năng cho những chương trình “đa dạng hóa giống loài nuôi” và cải thiện thu nhập cho nông dân.

       Với quy trình nuôi bình thường năng suất trung bình 70-80kg/ha/vụ người dân đã có thể thu lời từ 60-80 triệu đồng/ha/vụ, với giá trứng tại ao 1.100.000đ/kg, còn với năng suất trên 100kg/ha trở lên thu nhập của người dân sẽ tăng lên rất đáng kể và sản phẩm cũng có khả năng giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, quy trình này với sự áp dụng các kỹ thuật tiến bộ hướng tới việc giảm thiểu ô nhiễm nền đáy tạo điều kiện cho việc nuôi tôm sú bán thâm canh trong mùa mưa tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân vùng ven biển.

Lê Thanh Đăng