Nuôi tôm siêu thâm canh 3 giai đoạn – mô hình cần được nhân rộng.

       Cà Mau có tiềm năng và lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm 280.849 ha, chiếm khoảng 40% diện tích nuôi tôm của cả nước, với nhiều loại hình nuôi khác nhau như: quảng canh, quảng canh cải tiến, thâm canh (TC), siêu thâm canh (STC),... Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.472 ha nuôi tôm STC, với năng suất bình quân khoảng 40 tấn/ha. Đây là loại hình cho năng suất cao nhất, có lợi nhuận rất cao nhưng cũng đòi hỏi phải có vốn lớn, kỹ thuật cao và phải đáp ứng đúng những quy định về điều kiện nuôi TC, STC của UBND tỉnh.  

       Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp nghề nuôi trồng thủy sản; đồng thời môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát… Từ đó năng suất tôm nuôi có xu hướng giảm. Mặt khác, chi phí vật tư đầu vào (con giống, vật tư, thuốc thú y thủy sản, thức ăn...) vẫn luôn biến động, sản phẩm làm ra không ổn định về giá, đã tác động không nhỏ đến sản xuất,… Do đó cũng ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của loại hình nuôi tôm STC. Chính vì những lý do trên nên việc cải tiến quy trình kỹ thuật, thử nghiệm những mô hình mới nhằm góp phần tăng năng suất tôm nuôi, nâng cao thu nhập của người dân là vấn đề cần thiết hiện nay. Một trong số đó là “Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 03 giai đoạn” đã được một số đơn vị và hộ nuôi thực hiện trong thời gian qua mang lại hiệu quả rất cao và khá ổn định.

       Khác với việc nuôi tôm TC, STC trước đây chỉ có 01 giai đoạn (con giống thả thẳng xuống ao nuôi) hay 2 giai đoạn (con giống được ương một thời gian rồi chuyển qua ao nuôi đến khi thu hoạch), mô hình nuôi tôm STC 03 giai đoạn gồm có: 01 giai đoạn ương và 02 giai đoạn nuôi thương phẩm. Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao: 01 ao ương giai đoạn 1, 01 ao nuôi giai đoạn 2 và 01 ao nuôi giai đoạn 3. Ngoài ra, còn có 01 hệ thống xử lý nước đầu vào và 01 hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Ao ương giai đoạn 1 là ao đất được lót bạt hay ao bạt nổi có khung sắt và được đặt trong nhà lưới hay có mái che để tránh nước mưa; ao nuôi giai đoạn 2 và ao nuôi thương phẩm giai đoạn 3 thường là ao đất được lót bạt.

       Từ tháng 5/2018, Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi tôm STC theo công nghệ semi-biofloc tại hộ ông Thái Trung Hiếu, ấp Tân Phong, xã  Đông Hưng, huyện Cái Nước. Sau 05 vụ nuôi, có một số nhận xét, đánh giá như sau:

       - Giai đoạn 1: Tôm được ương trong ao có diện tích 200m2. Đây được xem là trung gian giữa điều kiện môi trường sống trong trại sản xuất giống và điều kiện môi trường bên ngoài. Với việc ương tôm trong ao có diện tích nhỏ này sẽ giúp hạn chế đáng kể những biến động về môi trường do thời tiết gây ra, thuận lợi cho việc chăm sóc và quản lý sức khỏe của tôm, từ đó sẽ giảm hao hụt đầu con, tỉ lệ sống cao, tôm dần dần làm quen với điều kiện thời tiết bên ngoài, nhờ đó tôm sẽ thích nghi tốt với môi trường ao nuôi ở các giai đoạn sau. Ao ương có diện tích nhỏ sẽ giảm được chi phí về điện, thức ăn, vi sinh, hóa chất, công lao động...

       - Giai đoạn 2:

       Tôm sau khi ương giai đoạn 1 trong thời gian từ 18 - 25 ngày sẽ được chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2, với diện tích khoảng 800m2.

       Thời điểm này tôm vẫn còn khá nhỏ nên sức đề kháng không cao, nhạy cảm với môi trường nước, thời tiết và khả năng bắt mồi còn yếu, dễ hao hụt đầu con nếu đưa tôm ra ao nuôi có diện tích mặt nước quá lớn. Trong giai đoạn 2, tôm dễ thích nghi trong môi trường ao nuôi có diện tích lớn hơn không nhiều so với ao ương giai đoạn 1; người nuôi dễ dàng quản lý môi trường nước cũng như quản lý thức ăn và sức khỏe tôm để tăng tỷ lệ sống của tôm. Ngoài ra, tôm được sống trong môi trường nước mới “sạch” cùng với nguồn thức ăn đầy đủ, từ đó, kích thích sự tăng trưởng của tôm, tôm sẽ lớn nhanh hơn trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, giai đoạn này nuôi tôm ở ao nhỏ thì chi phí xử lý môi trường sẽ được giảm đi hoặc nếu có sự cố xảy ra, hộ nuôi cũng sẽ chủ động trong khâu xử lý.

       Mặt khác, một vấn đề lớn mà mô hình nuôi tôm STC 2 giai đoạn gặp phải là về áp lực môi trường, nhất là vấn đề nền đáy, chất thải và khí độc trong ao nuôi. Nếu chỉ nuôi tôm ở giai đoạn 02 đến khi thu hoạch thì thời gian kéo dài trên 60 ngày mà lượng nước sử dụng theo công nghệ Semi-Biofloc là ít thay nước, chỉ cấp nước bù, chính vì thế áp lực cho việc quản lý môi trường là rất cao, chất lượng nước ngày một xấu đi do các hoạt động của tôm nuôi (thường trên 60 ngày thì các khí độc ở đáy ao phát sinh lớn ảnh hưởng đến chất lượng nước, sức khỏe tôm nuôi).

       Còn đối với nuôi STC 3 giai đoạn thì thời gian nuôi giai đoạn 2 khoảng 30 ngày thì tôm được chuyển sang ao nuôi giai đoạn 3; thời gian lưu giữ nước không quá 30 ngày, khí độc phát sinh không lớn lắm và nếu quản lý tốt thì có thể nói nước nuôi tôm cho các giai đoạn được xem như nước mới. Chính vì thế, nuôi tôm STC 3 giai đoạn đã giải quyết được vấn đề giữ môi trường nước luôn tốt cho tôm nuôi.

       Hiện nay, trong nuôi tôm STC 2 giai đoạn, đến giai đoạn này thường đạt kích cỡ khoảng 80- 120 con/kg thì người nuôi ở sẽ tiến hành thu tỉa, do áp lực về môi trường rất lớn, khí độc tăng cao khó kiểm soát, nhu cầu oxy, nhu cầu về điện.... Trong khi đó đối với mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn thì tôm được chuyển sang nuôi giai đoạn 3 nên rất phù hợp.

       - Giai đoạn 3:

       Sau 30 ngày nuôi ở giai đoạn 2, tôm được chuyển qua ao nuôi giai đoạn 3 (diện tích khoảng 1.500 m2). Với môi trường mới “sạch” và do diện tích ao nuôi khá lớn nên mật độ tôm nuôi thấp hơn (chỉ bằng một nửa so với giai đoạn 2, mật độ từ 180 - 250 con/m2). Từ đó, tôm sẽ dễ đạt được kích cỡ lớn trong thời gian ngắn hơn so với nuôi 2 giai đoạn.

       Ngoài ra, chất thải được xử lý một cách chặt chẽ và được sử dụng làm khí đốt Biogas sử dụng cho sinh hoạt, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn của ông Thái Trung Hiếu,  Đông Hưng- Cái Nước

      Áp dụng quy trình nuôi tôm STC 3 giai đoạn theo công nghệ Semi-biofloc, tôm có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao và đặc biệt dễ dàng nuôi về size lớn, có giá trị kinh tế cao. Người nuôi quay vòng vụ nuôi nhanh nên có thể nuôi đến 4 - 6vụ/năm (bình quân tổng sản lượng 160-180 tấn/ha/năm), cao hơn khoảng 2 - 3 lần so với phương pháp nuôi tôm STC 2 giai đoạn, cao hơn về năng suất, sản lượng trên cùng diện tích nuôi. Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn còn tiết kiệm đáng kể lượng nước sử dụng trong quá trình nuôi, và hơn hết là môi trường đáy ao luôn được ổn định. Và với một chế độ thay nước phù hợp, nước thải được xử lý hợp lý trước khi đưa ra môi trường bên ngoài, từ đó giảm thiểu tối đa tác động từ hoạt động nuôi tôm đến môi trường xung quanh.

       Một hộ nuôi tôm khác là ông Thái Minh Thức, xã Hòa Tân, tp. Cà Mau thực hiện mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn, số lượng tôm giống thả là 450.000 con. Sau thời gian ương, nuôi 110 ngày, tỉ lệ sống tính chung cả 3 giai đoạn là 89%, hệ số thức ăn là 1.29, ngày 22/7/2019, ông thu được 17,6 tấn (năng suất 75,7 tấn/ha), tổng lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng.

       Tóm lại, mô hình nuôi tôm STC 03 giai đoạn tiết kiệm được chi phí góp phần giảm giá thành, môi trường trong từng giai đoạn nuôi ít biến động, ngăn ngừa dịch bệnh, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm do quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh hay hóa chất cấm, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu.

       Mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và ổn định, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện phát triển nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau trước tác động của biến đổi khí hậu.

       Trung tâm Khuyến nông chuẩn bị thực hiện mô hình nuôi tôm STC 3 giai đoạn theo công nghệ Semi-biofloc cho 02 hộ tại xã Phú Tân, huyện Phú Tân từ nguồn vốn Khoa học – công nghệ. Khi thành công sẽ đúc kết thành quy trình kỹ thuật và chuyển giao cho những hộ nuôi tôm có nhu cầu để nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Đây được xem là một trong những giải pháp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, mang tính bền vững, góp phần nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế trong nuôi tôm STC trên địa bàn tỉnh Cà Mau ở những năm tiếp theo.

Trung tâm Khuyến Nông