Sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng  Trà bằng lăng hỗ trợ điều trị bệnh gout (gút)

       I. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Bệnh gout (gút) hay còn gọi thống phong, là bệnh do rối loạn chuyển hóa nhân purin trong thận, khiến thận không thể lọc uric acid từ trong máu.  Bệnh gout thường xuất hiện với những cơn đau nhức dữ dội và sự gia tăng acid uric trong máu. Căn bệnh này đã gia tăng nhanh chóng trên thế giới, tính riêng năm 2017, có khoảng 41,2 triệu người bị gút với 7,4 triệu ca bị biến chứng và gần 1,3 triệu người phải sống chung với tàn tật do căn bệnh này gây ra. Ở Việt Nam khá phổ biến những trường hợp bệnh nhân gút bị biến chứng nặng, có vòng xoắn bệnh lý phức tạp, gặp bế tắc trong điều trị. Bệnh gút ở Việt Nam có những ca rất nặng mà hầu như ít gặp ở các nước phát triển. Kết quả nghiên cứu trên 100 bệnh nhân của Viện Gút cho thấy trong 100 người thì có 91 bệnh nhân bị nhiều cục tophi, 32 người tăng huyết áp, 7 người bệnh tiểu đường tuýp II, 31 người rối loạn lipid máu, 47 người bệnh tim mạch vành và 16 người bị suy tuyến thượng thận do lệ thuộc corticoid. Đặc biệt hơn, gút xuất hiện chủ yếu ở nam giới với tỷ lệ lên tới 94% và có 75% số người mắc đang trong độ tuổi lao động. Với người bị bệnh gout, lượng axit uric trong máu được tích tụ qua thời gian, khi nồng độ quá cao, những tinh thể nhỏ của axit uric được hình thành, tập trung lại ở khớp và gây viêm khớp cấp tái phát, sưng đỏ các khớp đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới các khớp khác ở chân (như đầu gối, mắt cá chân, bàn chân) và ít gặp hơn ở khớp tay (bàn tay, cổ tay, khuỷu tay), cả cột sống cũng có thể bị ảnh hưởng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như hiệu quả làm việc của người bệnh.

  
Hình 1: Biểu hiện cơ bản của bệnh gout

       Các thuốc tân dược hiện nay vẫn đóng vai trò chính trong điều trị bệnh, các thuốc này cho tác dụng nhanh và hiệu quả, nhưng có nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng thuốc. Vì thế, xu hướng hiện tại của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chính là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc có sẵn từ thiên nhiên, dễ tìm, phong phú ở địa phương để tạo ra được sản phẩm có hiệu quả điều trị cao, an toàn, ít tác dụng không mong muốn với chi phí điều trị hợp lý.
Cây bằng lăng có tên gọi khác lá bằng lăng nước, bằng lăng tím, bằng lăng ổi. Băng lăng có tên khoa học là Lagerstroemia speciosa (L.) Pers, thuộc họ Lythraceae. Bằng lăng mọc phổ biến ở Việt Nam, là loại thân gỗ lớn, chiều cao trung bình từ 10-20m, tán dầy, thân phân nhánh, đường kính thân từ 20-35cm. Lá đơn rìa nguyên mọc đối có màu xanh lục, hình bầu dục, elip hoặc oval, thuôn dài và hẹp dần, có chiều dài từ 9-15cm, rộng từ 4-8cm, cứng, thường rụng theo mùa. Hoa bằng lăng có màu tím hồng mọc thành chùm đứng ở ngọn, nhánh có lông, nụ có màu hồng đỏ; mỗi hoa có 6 cánh, mỗi cánh dài khoảng 2-3cm, tiểu nhụy nhiều, thường nở vào giữa mùa hè (tháng 6) hằng năm, hoa màu tím, đẹp nên thường được trồng làm cảnh quan đô thị, sân trường. Quả nan hình quả trứng, lúc tươi có màu tím nhạt xanh lục, mang lá đài xòe ra, nở thành 6 cánh, có đường kính khoảng 1- 2cm, khô trên cây. Trong lá và hoa bằng lăng có chứa thành phần hóa học như: tamin catechic và gallic 5,42%, tamin gallic 24%, đường 5,8%, trong đó đường khử 5,22%, saccarose 0,57%, acid hữu cơ 2,83%, chất nhầy 3,25% (cao hơn ở vỏ thân) và pectin 6,51%.

 
Hình 2: Cây, hoa, trái bằng lăng

       Theo Lương y Vũ Quốc Trung, trong y học cổ truyền cây bằng lăng có vị chát, tính mát, kháng khuẩn. Vì thế, vỏ cây và lá, hoa bằng lăng được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu chảy, táo bón, lợi tiểu rất tốt. Hạt bằng lăng có tác dụng an thần, dùng để chữa bệnh mất ngủ, quả được dùng để đắp ngoài trị những tổn thương loét đau miệng, nấm da. Các nhà khoa học y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh, trong cây bằng lăng chứa corosolic acid và hợp chất tanin như ellagitannins, lagertannins hay lagerstroemia. Các chất này có tác dụng giảm đường huyết và kiểm soát chỉ số đường huyết nên có thể dùng chữa bệnh tiểu đường như các công trình nghiên cứu của Takagi và cộng sự, (2008), Gehan F. Abdel Raoof và cộng sự (2018), và Solomon Habtemariam (2019). 

Xanthine oxidase (XOD) là một enzyme quan trọng đóng vai trò trong tăng acid uric  máu, xúc tác quá trình oxy hóa hypoxanthine thành xanthine và sau đó thành acid uric. Các chất ức chế XOD từ lá của loài bằng lăng Lagerstroemia speciosa (L.) được sử dụng truyền thống như một loại thuốc dân gian ở Philippines. Tomonori Unno và cộng sự (2004) đã phân lập từ dịch chiết nước của lá bằng lăng Lagerstroemia speciosa, 2 hợp chất đó là valoneic acid dilactone (VAD) và ellagic acid (EA). 
Valoneic acid dilactone

Hình 3: Cơ chế Valoneic acid dilactone ức chế enzyme Xanthine Oxidase trong quá trình hình thành acid uric

       Kết quả đã chứng minh rằng tác dụng ức chế XOD của VAD mạnh hơn so với allopurinol, một loại thuốc được sử dụng cho chất ức chế XOD. Những kết quả nghiên cứu có thể giải thích và hỗ trợ việc sử dụng nước chiết xuất từ lá Lagerstroemia speciosa trong chế độ ăn uống để phòng ngừa và điều trị tăng acid uric máu. Cho nên, hiện nay chiết xuất chất từ lá bằng lăng được các nhà sản xuất thuốc đưa vào bào chế thuốc chữa bệnh gout. Dựa vào tính cấp thiết về thực trạng bệnh gút hiện nay và với những kết quả rất tốt về công dụng của cây bằng lăng từ những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, chúng tôi tiến hành nghiên cứu sản xuất trà bằng lăng nhằm hỗ trợ điều trị bệnh gút để đáp ứng được nhu cầu xã hội.

       II. TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

       2.1. Quy trình sản xuất trà bằng lăng

       Thu hái lá, hoa, trái bằng lăng, rửa sạch bụi bẩn, loại bỏ những lá, trái bị hư, nhiễm nấm bệnh, nguyên liệu được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời đảm bảo điều kiện vệ sinh, hoặc sấy ở nhiệt độ 40-45OC để đạt độ ẩm khoảng 10-14% đảm bảo các hoạt chất trong trà không bị biến tính và bảo quản sản phẩm được lâu dài, nguyên liệu được xay nhỏ đồng nhất với kích thước 5mm x 5mm và đóng vào túi lọc và mỗi hộp trà chứa 50 túi lọc.
Yêu cầu của sản phẩm: các loại sản phẩm trà bằng lăng túi lọc gồm: trà từ lá, trà từ hoa, trà từ trái và trà từ hỗn hợp lá, hoa và trái bằng lăng. Tất cả các sản phẩm được xử lý nguyên liệu đạt độ ẩm thích hợp, được đóng túi 5x7cm và đóng hộp 50 túi lọc/1 hộp. Hộp sản phẩm được thiết kế phù hợp, ghi đầy đủ thông tin thương hiệu, thành phần sản phẩm, hướng dẫn cách sử dụng, cách bảo quản và tác dụng hỗ trợ điều trị của sản phẩm.

       2.2. Đánh giá cảm quan và hiệu quả của trà bằng lăng
       2.2.1. Đánh giá cảm quan

       Đánh giá cảm quan theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 7975:2008) áp dụng đối với đánh giá trà thảo dược túi lọc. Các chỉ tiêu cảm quan của trà bằng lăng túi lọc (trà từ lá, trà từ trái và trà từ hỗn hợp lá, hoa và trái bằng lăng) được khảo sát trên 45 người dùng thử cho kết quả trong bảng 1.

Sản phẩmTên chỉ tiêu  Yêu cầu Kết quả đánh giá
Trà từ lá bằng lăng1. Màu nước pha (nâu vàng) Màu đặc trưng cho sản phẩm Đạt
2. MùiThơm đặc trưng cho sản phẩm Đạt
3. Vị Đặc trưng cho sản phẩmĐạt
Trà từ trái bằng lăng1. Màu nước pha (nâu) Màu đặc trưng cho sản phẩmĐạt
2. Mùi Thơm đặc trưng cho sản phẩm Đạt
3. Vị  Đặc trưng cho sản phẩmĐạt
Trà bằng lăng (hỗn hợp) 1. Màu nước pha
(nâu vàng)
Màu đặc trưng cho sản phẩmĐạt
2. Mùi Thơm đặc trưng cho sản phẩm Đạt
3. VịĐặc trưng cho sản phẩmĐạt

Bảng 1. Kết quả đánh giá cảm quan các sản phẩm trà bằng lăng

Hình 4: Pha chế và đánh giá cảm quan trà bằng lăng

       2.2.2. Kết quả khảo sát hiệu quả của trà bằng lăng đối với bệnh nhân gout

       Khảo sát bước đầu được tiến hành trên 20 bệnh nhân tình nguyện đang có những biểu hiện các triệu chứng bệnh gout như viêm khớp, sưng nóng đỏ các khớp đặc biệt là các khớp ở ngón chân cái, đau nhức. Những bệnh nhân này sử dụng trà bằng lăng với liệu trình 2 túi/ngày trong thời gian 3 tuần. Kết quả thăm dò ý kiến từ những bệnh nhân này cho thấy trà bằng lăng có tác dụng hỗ trợ làm giảm acid uric máu, giúp hạn chế và giảm nguy cơ viêm khớp do gout, giúp làm nhẹ các cơn đau do gout gây ra. Sản phẩm không gây độc tính cấp đường uống. Kết quả cụ thể được trình bày trong bảng 2

Tác dụng của sản phẩmKết quả đánh giá của 20 bệnh nhân
1. Giúp an thần, dễ ngủGiúp an thần, dễ ngủ, ngủ sâu, ngon
2. Giúp hạn chế và giảm nguy cơ sưng, viêmGiảm sưng, viêm
3. Giúp làm giảm nhẹ các cơn đauGiảm bớt và hết đau

Bảng 2. Kết quả đánh giá hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh gout của trà bằng lăng

       III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

       3.1. Kết luận

       Dự án “Trà bằng lăng hỗ trợ điều trị bệnh gout - sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng” đã sản xuất được trà bằng lăng túi lọc theo quy trình đơn giản. Kết quả đánh giá cảm quan đạt tất cả các tiêu chí về màu nước pha, mùi vị đặc trưng cho sản phẩm. Sản phẩm được các bệnh nhân gout sử dụng để đánh giá về hiệu quả trong quá trình hỗ trợ điều trị. Kết quả cho thấy những dấu hiệu rất lạc quan như làm giảm hàm lượng acid uric trong máu, giảm các triệu chứng sưng nóng, viêm ở các khớp, các cơn đau nhức và không gây độc tính đường uống.
       Kết quả của dự án có giá trị khoa học cao về khả năng sử dụng các hoạt chất sinh học trong cây bằng lăng có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh gout góp phần bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Từ kết quả nghiên cứu của dự án, với nguồn nguyên liệu cây bằng lăng được trồng phổ biến trên các tuyến đường trong đô thị. Lá, hoa, trái bằng lăng được chế biến thành trà túi lọc, có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh gout cao, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế cho cơ sở sản xuất, chế biến. 

Hình 5: Giấy chứng nhận cho Giáo viên hướng dẫn dự án 
đạt giải Tư Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật năm học 2022-2023

       3.2. Kiến nghị
       Sản phẩm Trà bằng lăng hỗ trợ điều trị bệnh gout, chỉ mới là kết quả nghiên cứu bước đầu, do đó để đảm bảo các tiêu chí an toàn cho người sử dụng và chất lượng của sản phẩm, trà bằng lăng cần được gửi mẫu phân tích, kiểm nghiệm thành phần hóa, lý, vi sinh. Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, chứng nhận đạt chất lượng, sản phẩm cần được tiếp tục khảo sát tác dụng điều trị trên số lượng bệnh nhân gout lớn hơn, đồng thời cần tiến hành thêm các nghiên cứu bổ sung về tác dụng làm giảm hàm lượng axit uric trong máu bệnh nhân gout. Bên cạnh đó, để thương mại hóa sản phẩm dự án cần đầu tư mua máy đóng gói sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quảng bá, thương mại sản phẩm./.
       TÀI LIỆU THAM KHẢO
       1. Gehan F. Abdel Raoof , Khaled Y. Mohamed, Chapter 10: Natural Products for the Management of Diabetes, trang 323-374, 2018.
       2. Tomonori Unno, Akio Sugimoto, Takami Kakuda, Journal of Ethnopharmacology, 93 (2-3), trang 391-396, 2004.
       3. Solomon Habtemariam, Book: Medicinal Foods as Potential Therapies for Type-2 Diabetes and Associated Diseases - The Chemical and Pharmacological Basis of their Action, 2019.
       4. https://caycanhsanvuon.vn/products/cay-bang-lang/134.html
       5. https://baodantoc.vn/bai-thuoc-chua-benh-tu-cay-bang-lang-1591607451466.htm
       6. https://vinmec.com/vi/benh/gout-gut-3052/
       7. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/B9780081029220000262
       8. https://www.sciencedirect.com/topics/chemistry/corosolicacid?fbclid
       9. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/B9780444641793000104
       10. https://eva.vn/suc-khoe/bang-lang-chua-tieu-duong-gout-c131a315655.html

Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Hoàng Ân, Nguyễn Văn Quý
Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển - Cà Mau