Sản xuất phân hữu cơ – Hướng đi mới của nông dân An Hiệp

       Làm phân bón hữu cơ là hướng sản xuất sạch, hiện đại mà thời gian gần đây, các nông hộ tại xã An Hiệp - huyện Châu Thành (Bến Tre) đang hướng đến. Do đó, nhiều nông dân đã chú trọng tận dụng nguồn thải từ sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.

       Nếu như những năm trước, ông Vương Thành Công - ấp Hòa Thanh – xã An Hiệp bắt tay vào việc ủ phân hữu cơ từ phân bò, phân heo, thành phẩm ra số lượng ít, không đủ bón cho 1ha trồng bưởi da xanh. Vừa qua, được Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học công nghệ Bến Tre hỗ trợ, ông mạnh dạn sản xuất phân hữu cơ từ phân bò, phân dê ủ bằng phương pháp ASP và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phương pháp ủ phân ASP nằm trong khuôn khổ của Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, được địa phương triển khai, hướng dẫn cho nông dân ứng dụng hệ thống thông khí cưỡng bức ASP để sản xuất phân hữu cơ ngay tại hộ gia đình, góp phần xử lý tốt chất thải chăn nuôi.

       Ủ phân hữu cơ bằng hệ thống thông khí ASP hay còn gọi là phương pháp ủ phân không đảo. Phương pháp này áp dụng hệ thống thiết bị ASP, gồm 3 phần là khối ủ, quạt gió và hệ thống ống dẫn. Máy quạt gió là máy bơm sử dụng quạt. Quá trình ủ phân diễn ra chủ yếu giống như phân hủy chất hữu cơ tự nhiên nhưng được tăng cường tối ưu hóa các điều kiện môi trường ủ cho các vi sinh vật hiếu khí hoạt động mạnh hơn bằng cách đưa không khí vào khối ủ. Với phương pháp này, người nông dân không cần đảo trộn khối ủ thường xuyên. Ông cho biết: “Ủ phân theo phương pháp ASP tại bồn của tôi được khoảng 8 mét khối. Trước khi ủ thì mình chuẩn bị lượng phân cho đầy. Công thức tôi trộn thêm phân vô cơ gồm 4kg urê, 6kg lân, 4kg kali, 12 kg mật phế, 3 – 4kg men vi sinh và 70 lít nước trộn với men vi sinh khoảng 24 giờ sau tôi đưa vào bồn theo từng lớp đến khi đầy bồn. Khoảng 15 – 20 ngày sau khi ủ thì phân sẽ nóng lắm, nên mình sẽ quạt khí lên làm nguội khoảng 20 phút/lần. Một ngày quạt khoảng vài lần suốt 5 – 7 ngày. Thời gian ủ phân từ 45 – 60 ngày là tôi có phân thành phẩm một mẻ phân”.

       Để thực hiện ủ phân theo phương pháp này, trung bình 1 năm ông ủ 2 lần, phân bón thành phẩm được ông bón cho cây bưởi da xanh. Đối với cây từ 1 năm tuổi, ông bón từ 5-10kg/lần, cây lớn 2 năm tuổi trở lên từ 15 – 20kg/lần. Nhờ vậy, cây trồng phát triển tốt, ít bị nhiễm nấm, sâu bệnh gây hại. Hiện nay, vườn bưởi da xanh của ông đang cho trái tốt, đẹp, thu hoạch khoảng 15 tấn trái/năm, mang lại thu nhập ổn định sau khi trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng/năm. “Phân hữu cơ này tôi xài thấy rất hiệu quả, thứ nhất là đất tươi xốp, thứ hai là bộ rễ cây khỏe, từ đó hút chất dinh dưỡng cho cây tốt. Khi sử dụng phân hữu cơ cây rất bền, tuổi thọ kéo dài, trái tốt, ngon, ngọt chi phí giảm so với phân vô cơ”-ông Công phấn khởi nói.

image

Ông Vương Thành Công bên mẻ phân hữu cơ sản xuất theo phương pháp ASP.

 image

       Hay như hộ ông Trần Văn Hời, ấp An Bình, xã An Hiệp, đã sử dụng thành công phân bón hữu cơ từ trùn quế. Từ tháng 11/2019 đến nay, được sự tài trợ 19 triệu đồng từ dự án của Socodevi, ông xây dựng trại với diện tích 44 mét vuông và đầu tư trùn giống. Ông Hời cho biết: phân bò tươi sau khi được giun quế xử lý, trở thành loại phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng, thân thiện với môi trường. Trung bình một ngày ông tưới nước dạng phun sương một lần, khoảng 7 ngày cho ăn 1 lần. Đến nay, ông đã sản xuất thành công 2 mẻ phân hữu cơ từ trùn quế. Trung bình 1 mẻ từ 4 – 5 tấn phân, ông lấy bón cho vườn bưởi da xanh 5 năm tuổi trên diện tích 7.000 mét vuông đất. Hiện ông đã nhân ra được 5 trại với tổng diện tích khoảng 100 mét vuông. Ông vui vẻ nói: “Sau này, nếu ai có nhu cầu làm phân từ trùn quế, tôi sẵn sàng giúp về kỹ thuật nuôi, để bà con mình nhân giống sử dụng bón cho cây trồng”. 

image

Ông Trần Văn Hời bên trại giống phân hữu cơ từ trùn quế.

image

       Việc sản xuất phân bón hữu cơ để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch và thân thiện với môi trường là một trong những hướng đi đúng của nông dân hiện nay. Tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, người nông dân xã An Hiệp – huyện Châu Thành đã chế biến thành phân hữu cơ nhằm cải hóa đất đai, nâng cao chất lượng cây trồng và hướng đến nền nông nghiệp bền vững. Mô hình này đáng được nhân rộng trong thời gian tới.

Tác giả: Trúc Lan - Trung tâm VH TT và TT huyện Châu Thành

http://dost-bentre.gov.vn/tin-tuc/2316/san-xuat-phan-huu-co-huong-di-moi-cua-nong-dan-an-hiep