Số hoá IUU- bước đột phá trong quản lý tàu cá, đánh bắt tại tỉnh Cà Mau

       Cà Mau, một tỉnh ven biển nằm ở cực nam của Việt Nam, có đường bờ biển dài 254km, là vùng có ngư trường rộng lớn, với tiềm năng và lợi thế phát triển nghề khai thác hải sản. Tỉnh Cà Mau đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng liên quan đến khai thác cá bất hợp pháp, không báo cáo (IUU). Sự tồn tại của IUU không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng cho nguồn lợi kinh tế biển của tỉnh mà còn đe dọa tài nguyên biển và môi trường. Trong bối cảnh này, việc số hoá thông tin liên quan đến IUU trở nên quan trọng để quản lý hiệu quả và ngăn chặn tình trạng IUU. Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương, đơn vị chức năng có liên quan vào cuộc quyết liệt, tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp IUU trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm theo quy định. Qua đó, công tác chống khai thác IUU có những chuyển biến tích cực, cụ thể: Công tác tuyên truyền các quy định về IUU được tăng cường; cán bộ cơ sở nắm được nội dung trọng tâm về IUU; theo dõi được tình trạng tàu cá sang bán nhưng chưa lập thủ tục; tàu cá hết hạn đăng ký, đăng kiểm; số lượng tàu cá nằm bờ và số lượng tàu cá hoạt động trên biển.

       Bên cạnh kết quả đạt được, công tác IUU còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Chưa xác định được tình trạng của tàu cá đã sang bán đi nơi khác; số liệu thống kê sản lượng thủy sản chưa chính xác; vẫn còn tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối VMS; tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm còn hoạt động trên biển; tàu sang bán không đăng ký lại; tàu không cập cảng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý được hiện trạng tàu cá (cam kết, hình ảnh, tọa độ, tàu cá mất kết nối trên 10 ngày trên biển...) vì số lượng tàu rất lớn với hơn 4.000 tàu cá. Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, Ứng dụng số hóa IUU được nghiên cứu, xây dựng để giúp cho Ban Chỉ đạo IUU quản lý toàn diện trong công tác quản lý tàu cá, thống kê, tổng hợp số liệu báo cáo kết quả thực hiện từ cơ sở đến huyện, tỉnh theo thời gian thực.... Sau hơn 08 tháng triển khai, ứng dụng bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực, các tỉnh lân cận đã liên hệ để học hỏi, nhân rộng, tạo đột phá trong việc quản lý tàu cá theo thời gian thực, tiến tới mục tiêu gỡ “Thẻ Vàng” IUU trong khai thác thủy hải sản của Việt Nam.

       I. THỰC TRẠNG IUU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

       Thời gian qua, công tác IUU nhất là vùng biển nước ngoài được tỉnh Cà Mau rất quan tâm và huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tính đến ngày 30/4/2023, tỉnh Cà Mau có gần 4.280 tàu cá, trong đó có 1.555 tàu cá khai thác vùng khơi, 100% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định. Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU đang đe dọa hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học, ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế bền vững của cộng đồng dân cư ven biển, tương lai làm xói mòn nền kinh tế toàn cầu và an ninh lương thực. Thực hiện Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ tư, Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua chưa được thực hiện một cách bài bản, khoa học, còn manh mún, thiếu đồng bộ. Cụ thể:

       - Triển khai ứng dụng Microsoft Access, Microsoft Excel để quản lý đăng kiểm, giấy phép tàu cá tại Chi cục Thủy sản còn nhiều bất cập. Cụ thể, ứng dụng được thiết kế và vận hành theo hình thức offline, mỗi đơn vị sau mổi lần cập nhật dữ liệu xong thì chuyển cả ứng dụng (dạng gói dữ liệu) sang đơn vị khác tiếp tục nhập liệu hoặc cập nhật dữ liệu. Điều này rất thiếu chuyên nghiệp và thiếu linh hoạt, cồng kềnh. Ngoài ra, rất khó khăn trong công tác truy vết dữ liệu, không thể phân biệt được dữ liệu mới cập nhật và dữ liệu cũ cũng như thời gian cập nhật dữ liệu.

       - Phần mềm kiểm soát liên thông tàu cá ra, vào cửa biển đang được triển khai tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chức năng chủ yếu tập trung vào quản lý tàu cá xuất và nhập cảng và tàu cá liên thông giữa các tỉnh.

       - Phần mềm Giám sát hành trình do Tổng cục thủy sản triển khai chỉ tập trung giám sát hành trình tàu cá, tàu cá vi phạm, mất kết nối.

       Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, các phần mềm, ứng dụng nêu trên hoạt động chưa hiệu quả, chưa giải quyết được nhu cầu cấp thiết tại địa phương đặc biệt là tháo gỡ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành phục vụ công tác IUU của tỉnh. Từ đó, đòi hỏi phải có một giải pháp hiệu quả để giải quyết, khắc phục những hạn chế nêu trên. Vì vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Ứng dụng số hóa IUU cho Ban Chỉ đạo IUU của tỉnh Cà Mau có vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết. Đồng thời, cũng góp một phần hướng tới mục tiêu xa hơn là gỡ “Thẻ Vàng” IUU trong khai thác thủy hải sản của Việt Nam.

       II. GIẢI PHÁP ỨNG DỤNG SỐ HOÁ QUẢN LÝ IUU TRÊN NỀN TẢNG TRỰC TUYẾN

       Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng Google Sheets được cung cấp miễn phí bởi Google để giúp cho Ban Chỉ đạo IUU trong công tác quản lý tàu cá, thống kê, tổng hợp số liệu báo cáo kết quả thực hiện theo thời gian thực từ cơ sở đến huyện, tỉnh để quản lý, theo dõi một cách toàn diện tình trạng tàu cá trong tỉnh. Quy trình số hoá IUU bao gồm các bước sau: (i) Xây dựng hệ thống thu thập dữ liệu liên quan đến hoạt động cá biển. (ii) Phát triển công cụ và phần mềm để theo dõi và giám sát trực tuyến. (iii) Kết hợp hệ thống với hệ thống quản lý thủy sản hiện có để tạo sự liên kết và tương tác. (iv) Đào tạo ngư dân và cán bộ quản lý về việc sử dụng hệ thống số hoá. (v) Tổ chức việc tự động báo cáo và xử lý thông tin IUU.

       Ứng dụng số hóa dữ liệu IUU gồm có 07 chức năng chính như sau: (i) Thống kê, cập nhật số lượng tàu cá toàn tỉnh về thời gian còn hạn, hết hạn giấy phép khai thác theo địa bàn của từng huyện, từng xã. (ii) Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá toàn tỉnh về thời gian còn hạn, hết hạn đăng kiểm theo danh mục từng huyện, từng xã. (iii) Thống kê, cập nhật danh sách tàu cá mất kết nối VMS theo danh mục lựa chọn trong bờ, ngoài khơi… (iv) Thống kê, cập nhật nguyên nhân dẫn đến tàu cá hết hạn khai thác, hết hạn đăng kiểm, mất kết nối VMS. (v) Số hóa hồ sơ, văn bản, hình ảnh, tọa độ… đối với các trường hợp tàu cá trễ hạn giấy phép, tàu cá nằm bờ ngưng hoạt động, tàu cá sang bán trong và ngoài tỉnh, tàu cá mất kết nối VMS, xóa bộ, thiếu cam kết hoặc cam kết hết hạn, tháo thiết bị VMS, chưa đóng cước phí vệ tinh… (vi) Thống kê xử phạt vi phạm hành chính, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường có nhu cầu, sản lượng hải sản từ khai thác của bến cá tư nhân, tàu vượt ranh giới. (vii) Tương tác, trao đổi thông tin giữa các cấp tỉnh, huyện, xã thông qua cột dữ liệu “Đề nghị của CCTS”, “Kết quả thực hiện địa phương” và “Đánh giá kết quả số hóa của CCTS” theo thời gian thực.

       III. THÀNH PHẦN CƠ BẢN CỦA ỨNG DỤNG SỐ HÓA DỮ LIỆU IUU

Hình 1: Các thành phần cơ bản của ứng dụng

       Ứng dụng số hóa dữ liệu IUU gồm năm đối tượng chính:

       - Thứ nhất, cán bộ cấp xã sẽ truy cập vào ứng dụng số hóa để xem danh sách tàu hết hạn giấy phép, đăng kiểm, mất kết nối (trong bờ hoặc ngoài biển) của xã mình, sau đó kiểm tra thực tế tìm hiểu nguyên nhân, chụp ảnh tàu kèm tọa độ, thực hiện các cam kết cần thiết…Sau đó số hóa các thông tin này và đưa lên ứng dụng số hóa dữ liệu IUU.

       - Thứ hai, cán bộ cấp huyện, thành phố truy cập vào ứng dụng số hóa để xem những thông tin đã được số hóa và kiểm tra thông tin nếu thiếu sót thì yêu cầu cán bộ cấp xã bổ sung hoặc chỉnh sửa lại.

       - Thứ ba, cán bộ Chi cục thủy sản sẽ truy cập vào ứng dụng xem những thông tin đã được số hóa. Kiểm tra nếu đạt yêu cầu thì sẽ xác nhận vào là “Đạt yêu cầu”, nếu cần chỉnh sửa hoặc bổ sung thì ghi vào cột “Đề nghị của CCTS” những yêu cầu cần chỉnh sửa bổ sung kèm theo thời hạn thực hiện.

       - Thứ tư, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các huyện, lãnh đạo các sở ban ngành có liên quan sẽ truy cập xem số liệu thống kê, làm cơ sở để đôn đốc chỉ đạo những công việc mà lĩnh vực, địa phương quản lý.

       - Thứ năm, Ban chỉ đạo sẽ truy cập vào ứng dụng xem số liệu thống kê để có cái nhìn toàn cảnh về tình trạng tàu cá toàn tỉnh. Ban chỉ đạo có thể xem, kiểm tra trực tiếp dữ liệu được số hóa tàu cá từ cấp xã đến huyện, thành phố, đến sở ban ngành liên quan.

       IV. NGUYÊN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ HIỆU QUẢ

       Ứng dụng số hóa dữ liệu IUU được xây dựng trên nền tảng Google Sheets được cung cấp bởi Google nên đảm bảo thông suốt 24/7 và dữ liệu chạy theo thời gian thực nên đáp ứng nhu cầu truy xuất dữ liệu tàu nhanh chóng, hiệu quả, chính xác theo yêu cầu.

Hình 2: Giao diện quản lý của đơn vị cấp huyện trên IUU

       Mọi cấp độ người dùng trên ứng dụng ở các vai trò cấp tỉnh, huyện, xã tham gia quản lý, giám sát, số hóa dữ liệu tàu cá được thực hiện một cách dễ dàng thông qua trình duyệt web trên máy tính hoặc thông qua ứng dụng trên thiết bị di động. Tất cả thông tin sẽ được lưu trữ và phân quyền truy cập tập trung trong ứng dụng theo chức năng của từng đơn vị từ cấp xã đến huyện, thành phố, tỉnh. Cán bộ phụ trách cấp xã chỉ được thao tác ở những cột dữ liệu được cấp quyền chỉnh sửa, tương tự cấp huyện, thành phố, tỉnh đều được cấp quyền riêng theo chức năng nhiệm vụ do mình quản lý. Khi cán bộ thao tác số hóa dữ liệu, ghi thông tin của tàu các lãnh đạo và Ban chỉ đạo có thể nhìn thấy dữ liệu và số liệu thống kê theo thời gian thực. Các số liệu được trình bày tường minh rõ ràng từ cấp xã, huyện, thành phố, tỉnh. 

       V. TÍNH HIỆU QUẢ VÀ KHẢ THI

       Sau khi ứng dụng được xây dựng hoàn chỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với địa phương tiến hành triển khai vận hành thử để kiểm tra, đánh giá chức năng của ứng dụng, đồng thời khắc phục những hạn chế, các lỗi phát sinh trong quá trình hoạt động. Ứng dụng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất sử dụng kết quả thống kê tại phần mềm báo cáo dữ liệu IUU để thay thế chế độ báo cáo bằng văn bản hàng tuần về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU. Sau ba tháng triển khai vận hành ứng dụng, bước đầu ghi nhận những kết quả quan trọng trong quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, việc tìm tòi, nghiên cứu, áp dụng những công nghệ mới, tiện ích hiện có vào công việc thực tiễn hằng ngày là việc làm cần thiết của tất cả cán bộ, công chức, viên chức.

Ứng dụng số hóa dữ liệu IUU do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau nghiên cứu và phát triển có thể thay thế chế độ báo cáo bằng văn bản hàng tuần về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU. Ứng dụng cập nhật số liệu theo thời gian thực giúp cho Ban Chỉ đạo cập nhật tình trạng tàu cá toàn tỉnh một cách nhanh chóng, kịp thời. Ngoài ra, Ứng dụng chạy trên nền tảng miễn phí của Google nên hoạt động online xuyên suốt 24/7 không cần máy chủ. Ứng dụng góp phần tạo tính đột phá, hướng đi mới cho các báo cáo số liệu dữ liệu từ địa phương đến cấp huyện, thành phố đến cấp tỉnh từ đó giúp lãnh đạo theo dõi sát sao tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh và có biện pháp giải quyết kịp thời. Ngoài ra Ứng dụng giúp tỉnh Cà Mau góp phần trong công cuộc gỡ “Thẻ Vàng” IUU trong khai thác thủy hải sản của Việt Nam.

       Việc số hoá IUU tại tỉnh Cà Mau đã chứng minh tầm quan trọng của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong việc quản lý tài nguyên biển và ngăn chặn IUU. Tuy nhiên, cần thực hiện việc số hoá này một cách toàn diện và liên tục. Kiến nghị bao gồm việc tạo ra chính sách và quy định cụ thể về số hoá IUU, đào tạo liên tục cho cán bộ và ngư dân, và tăng cường hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và thông tin./.

Ths. Phùng Như Kiên - Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau
 Ths. Sử Huỳnh Anh - Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau