Thử nghiệm nuôi cá kèo thương phẩm trong ao đất sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện đầm dơi, tỉnh Cà Mau

       I. GIỚI THIỆU
       Đầm Dơi có diện tích tự nhiên 82.606 ha; có chiều dài bờ biển 25 km, với 03 xã giáp biển (Tân Thuận, Tân Tiến và Nguyễn Huân), có hệ thống sông ngòi chằng chịt, với nhiều cửa sông lớn, với chế độ bán nhật triều, khí hậu nhiệt đới gió mùa, với 2 mùa rõ rệt thuận lợi cho phát triển nuôi các đối tượng thủy sản lợ, mặn, là huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với diện tích nuôi trồng thủy sản 62.059 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hơn 1.800 ha, quảng canh cải tiến 48.000 ha, tôm rừng 5.166 ha, còn lại là diện tích nuôi tôm quảng canh kết hợp với các loài thủy sản khác; có hơn 300 ha, với 400 hộ nuôi thâm canh ao đất nhưng không có điều kiện chuyển đổi sang ao lót bạc, nên tỷ lệ thả nuôi rất thấp và hiện trạng đang bỏ ao trống không sản xuất do người dân nuôi không hiệu quả. 

       Cá kèo (Pseudapocryptes lanceolatus) là đối tượng có thịt thơm ngon được nhiều người tiêu dùng ưa thích, chế biến nhiều món ăn ngon có giá trị dinh dưỡng cao, ngoài ra cá kèo làm khô còn là món đặc sản của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở Việt Nam, cá kèo là loài có giá trị kinh tế cao trong vài năm gần đây và có tiềm năng phát triển vùng nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. Nghề nuôi cá kèo đang phát triển nhanh và cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng nội địa, chế biến cá kèo khô. Tuy nhiên, một trở ngại lớn đó là sản xuất giống cá kèo chưa thành công. Nguồn giống cá kèo được khai thác từ tự nhiên và cung cấp cho người nuôi ở các tỉnh ven biển ĐBSCL. (Trương Hoàng Minh et al., 2010).

       Vì vậy, việc thực hiện mô hình “Thử nghiệm nuôi cá kèo thương phẩm trong ao đất sử dụng chế phẩm sinh học tại huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau” là cần thiết vì những lợi ích nổi bật như: (i) điều kiện tự nhiên của huyện rất phù hợp để thực hiện mô hình, tận dụng điều kiện cơ sở hạ tầng có sẳn để thực hiện mô hình là hệ thống ao đất bỏ trống; (ii) Quy trình nuôi đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất, khả năng tiếp nhận kỹ thuật và khả năng về vốn đầu tư của đa số nông dân; (iii) Ngoài hiệu quả kinh tế, kết quả của mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho nông dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất theo lối củ, tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân nuôi tôm thâm canh không hiệu quả trên địa bàn huyện.

       Mô hình được thực hiện tại hộ ông Võ Duy Thanh - ấp Tân Long B, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, với diện tích 3.000 m2 ao nuôi, mật độ thả nuôi 80 con/m2, thời gian thực hiện từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024.

       II. QUY TRÌNH NUÔI 
       1. Thiết kế hệ thống ao nuôi

       - Ao nuôi có diện tích 3.000 m2.
       - Ao lắng, chứa cấp nước thay 30 % diện tích ao nuôi.
       - Độ sâu mực nước cần thiết: 0,8-1,2 m.
       - Ao nuôi cá kèo là những ao đất thông thường, ao nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh.
       - Công trình ao nuôi phải đảm bảo phục vụ cho quá trình vận hành nuôi.
       - Có nguồn nước chủ động, ổn định.
       - Thiết kế hệ thống lưới rào xung quanh, lưới giăng nhằm hạn chế dịch hại chim cò, còng cọc, … 

       2. Cải tạo ao nuôi

       2.1. Chuẩn bị ao
       - Tát cạn ao  diệt hết cá tạp  dọn sạch cây cỏ  sên vét, vệ sinh ao nuôi, đầm nén  gia cố bờ bao.
       - Phơi đáy ao nuôi từ 3-5 ngày. Lưu ý, những ao nuôi ở vùng nhiễm phèn thì không cần phơi đáy.
       - Bón vôi CaCO3 liều lượng 8 - 12 kg/100m2 để hạ phèn, diệt tạp, diệt các mầm bệnh. 
       - Những ao đã nuôi tôm vụ trước, vụ sau nuôi cá kèo không cần bón phân hữu cơ.

       2.2. Xử lý đáy ao

       - Ngày thứ nhất:
       + Bón lót phân sinh học (phân chuồng, phân trùng quế, phân gà, bã mía đường,…) cho ao nuôi nhằm kích thích các nhóm sinh vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn tự nhiên giai đoạn đầu cho cá, … liều lượng 50-100 kg/1.000 m2, hoặc sử dụng phân DAP liều lượng 2-3 kg/1.000 m2, ngâm phân trước 1 ngày hòa nước tạt khắp đáy ao nuôi.
       + Phơi đáy 3-5 ngày (tùy thuộc vào điều kiện thực tế mà áp dụng cho phù hợp). Những ao đã nuôi tôm trước đó thì không cần bón lót phân, chỉ nên diệt tạp, bón vôi, phơi đáy ao. Đối với những ao ở vùng bị nhiễm phèn thì không phơi đáy.
       - Ngày thứ 3-5:
       + Cấp nước qua túi lọc (hạn chế địch hại, cá dữ, cá tạp vào ao gây thiệt hại cho cá), mức nước đạt 5-10 cm.
       + Sử dụng chế phẩm sinh học (liều lượng theo nhà sản xuất) để ổn định môi trường và làm sạch nền đáy.
       + Kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp: pH: 7.5-8.5; nhiệt độ: 26-280C; độ mặn: 10-25 ‰; độ kiềm 80-160 mg/l; màu nước có màu xanh đọt chuối hoặc màu xanh vỏ đậu.
       - Ngày thứ 5-8: Thả giống.

       3. Chọn giống và thả giống

       3.1. Chọn giống
       - Chọn cá có kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, chọn giống đã ương dưỡng do đã thích nghi với điều kiện trong ao, chọn cá khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn, không bị xây xát, không bị nhiễm bệnh, màu sắc tươi sáng, có nhiều nhớt. Con giống được bắt tại các cơ sở khai thác, ương dưỡng tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau. Kích cỡ cá giống: 2,0 - 2,5cm.

       3.2. Thả giống
       - Vận chuyển và thả giống vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.    

      Chuẩn bị thả giống

       - Trước khi thả ngâm bao cá xuống ao để thuần nhiệt độ, nếu độ mặn nước trong bao cá và độ mặn nước trong ao chênh lệch nhỏ hơn 3‰ thì tiến hành mở bọc hoặc cho cá vào thao nhựa rồi thả cá từ từ ra ao. Nếu độ mặn trong ao và độ mặn trong bao cá chênh lệch lớn hơn 3‰ thì tiến hành thuần độ mặn rồi sau đó mới thả cá ra ao.
       - Mật độ thả nuôi: 80 con/m2.
       4. Chăm sóc và quản lý
       4.1. Thức ăn

       - Cho cá ăn bằng thức ăn viên công nghiệp dùng cho cá kèo của Công ty Con Cò (PrConco).
       - Kích cỡ thức ăn: Theo giai đoạn phát triển, kích cỡ cá, kích thước miệng để cá có khả năng sử dụng thức ăn hiệu quả nhất; hàm lượng đạm trong thức ăn phù hợp từ 18-35 %, giảm dần theo tuổi của cá.
       + Cá kích cỡ 2,5-3,5 cm, giai đoạn 10 ngày đầu cho ăn thức ăn viên nổi 0,5 mm đạm cao 35%, mỗi ngày khoảng 15-20% trọng lượng cơ thể cá.
       + Cá kích cỡ 4-5 cm, giai đoạn từ ngày 11-20, cho ăn thức ăn viên nổi 0,5-1mm 35 % đạm, mỗi ngày khoảng 10-15% trọng lượng cơ thể cá.
       + Cá kích cỡ lớn hơn 5 cm đến khi thu hoạch sử dụng thức ăn có độ đạm 18-35% và bằng 3-5% trọng lượng cơ thể cá (theo Kỹ thuật nuôi cá kèo thương phẩm - tác giả Nguyễn Chung, nhà xuất bản nông nghiệp).

Quản lý, chăm sóc cá nuôi

       - Thời gian cho ăn: Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng (6-7h) và chiều mát (16-17h); tránh cho ăn quá no hoặc cho ăn vào buổi trưa sẽ làm cá bị tổn thương nội tạng do tác động nhiệt độ.
       - Trong quá trình nuôi nên bổ sung thêm vitamin C, men tiêu hoá nhằm tăng sức đề kháng, kích thích cho cá ăn ngon và tiêu hoá thức ăn tốt hơn, tránh được hiện tượng cá bị chướng bụng đầy hơi.
       4.2. Quản lý môi trường
       - Nước ao cần được chủ động điều chỉnh tăng cao hoặc giảm thấp phù hợp với các giai đoạn phát triển của cá nuôi. Giai đoạn hai tuần đầu mới thả cá giống, mực nước ao cần đạt 5-10 cm, sau đó tiếp tục dâng từ từ, mỗi tuần cao hơn 0,2 m cho đến khi mực nước đạt 0,8-1,2 m. Định kỳ 3 ngày, hoặc quan sát thấy môi trường thay đổi kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời (pH: 7,5-8,5; độ mặn: 15-25 ‰; độ kiềm: 80-160 mg/lít; độ trong: 30-40 cm; màu nước: xanh vỏ đậu hoặc nâu nhạt; khí độc nitrate (NO2–) < 1 mg/l, ammonia (NH3)< 0,2 mg/l, oxy hòa tan > 4 mg/l,…).
       - Quản lý độ pH: PH thích hợp để cá phát triển tốt 7,5-8,5. Khi pH dao động trong ngày lớn hơn 0,5 sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cá,  tiến hành xử lý vôi Dolomite với lượng 7-10 kg/1000 m3 hòa với nước tạt đều khắp mặt ao. Khi pH > 8,5 (thường gặp ở ao có tảo phát triển mạnh, những ngày nắng nhiều…) thì tiến hành thay nước từ 20 - 30% nước trong ao, bón men vi sinh xuống ao với liều lượng 10 lít/1000 m3. Sau đó bón vôi Dolomite để tăng cường hệ đệm, ổn định pH cho ao nuôi. Khi pH < 7 (thường gặp sau cơn mưa lớn hoặc khi tảo tàn) thì tiến hành bón vôi bột CaCO3 liều lượng 5 - 7 kg/1000 m3. Sử dụng 2-3 ngày đến khi pH ổn định ở mức thích hợp. Định kỳ 30 ngày bón Dolomite 1 lần để tăng hệ đệm duy trì pH ở mức độ thích hợp nhất với liều lượng 5-7 kg/1000 m3.
       - Quản lý độ mặn: thường xuyên kiểm tra và duy trì độ mặn thích hợp cho cá phát triển.
       - Quản lý độ kiềm: Độ kiềm thích hợp cho cá từ 80-160 mg/l, độ kiềm liên quan đến độ pH, độ kiềm tạo nên hệ đệm trong nước giúp cho pH nước ổn định, ít biến động. Khi độ kiềm thấp < 80 mg/l; sử dụng vôi dolomite 5-10kg/1.000 m3 vào ban đêm trường hợp pH đã thích hợp. Hoặc vôi CaCO3 trong trường hợp pH thấp xử lý lập lại cho đến khi độ kiềm ổn định. Khi độ kiềm cao >150 mg/l tiến hành thay nước nhiều lần, sử dụng EDTA từ 2 -3 kg/1.000 m3.
       - Quản lý độ trong: Độ trong tốt nhất là từ 30-40 cm, khi độ trong thấp < 30 cm, nước ao có màu nước xanh đậm hoặc do tảo lam phát triển mạnh, hay do có nhiều chất vẫn đục… tiến hành thay nước trong ao nuôi (10-30%) và tùy trường hợp cụ thể sẽ sử dụng thuốc hoặc hóa chất xử lý.
       Khi độ trong cao > 70 cm, tiến hành gây màu nước giống như lúc chưa thả cá nhằm đạt được độ trong thích hợp nhất. Trong những điều kiện thật cần thiết và ao nuôi khó gây màu có thể dùng hóa chất gây màu tạo màu nước giả cho ao nuôi.

Kiểm tra chất lượng môi trường ao nuôi cá kèo

       - Quản lý khí độc (NH3, H2S): Hàm lượng NH3, H2S ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát triển của cá, hàm lượng cho phép: H2S < 0,03 mg/lít, tốt nhất < 0,01 mg/lít; NH3< 0,2 mg/lít, tốt nhất < 0,1 mg/lít. Để khắc phục các loại khí độc trên, phải hạn chế lượng thức ăn dư thừa bằng cách quan sát sức ăn của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Cải tạo đáy ao đúng kỹ thuật (vét bùn, chất thải bẩn trong ao, lắng lọc nước hạn chế các chất hữu cơ bên ngoài).
       - Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học (7-10 ngày một lần) để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường trong suốt quá trình nuôi.
       - Định kỳ mỗi tuần thay nước 1 lần, hoặc khi màu nước, môi trường nước ao nuôi biến động mỗi lần khoảng 30% lượng nước ao hoặc theo tình hình thực tế ao nuôi. Nếu nước ao bị nhiễm bẩn, màu nước xanh quá đậm hoặc chuyển màu nâu, có mùi hôi thì cần phải thay nước mới (nước thay cần được xử lý, kiểm tra các thông số môi trường trước khi cấp cho ao nuôi). Vào mùa mưa, độ mặn nguồn nước cấp và nước trong ao có xu hướng giảm dần, chú ý độ mặn của nước cấp cho ao phải tương đương hoặc không quá chênh lệch với độ mặn nước ao để tránh cá bị sốc.
        4.3. Quản lý sức khỏe
       - Quản lý địch hại
       Trong ao nuôi cá kèo, có nhiều loài địch hại săn bắt và ăn thịt cá kèo như: chim còng cọc, cò trắng, cò ma, chim chài chài, chim sẻ cá, đẻn, lịch, cá bống mọi, bống cát, cá chẻm, cá chét, … chính vì thế ao nuôi nên có lưới rào che chắn địch hại vào ao nuôi hoặc sử dụng các biện pháp đuổi chim để loại hình nuôi được hiệu quả hơn. Khi cấp nước vào ao cần phải cấp qua túi lọc để ngăn chặn cá tạp, địch hại vào ao nuôi qua hệ thống cấp. Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống tránh bờ bị rò rỉ do cua còng đào hang, lưới chắn bị thủng làm thất thoát cá nuôi.
       - Quản lý sức khỏe
       - Hằng ngày quan sát các hoạt động bắt mồi, sức khỏe của cá, xem biểu hiện cá bên ngoài thông qua màu sắc (phần lưng, phần bụng, hậu môn,…), phụ bộ (vây, mang, đuôi,…), độ no của cá, tốc độ tăng trưởng,… để có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường nhằm có hướng xử lý kịp thời. Hàng tuần kiểm tra chiều dài, cân nặng, hình thái, tốc độ phát triển của cá ghi chép nhật ký để có cơ sở phân tích, đánh giá, hoàn thiện quy trình kỹ thuật.
       - Lưu ý: Không nên cho cá ăn quá no, nhất là giai đoạn nhỏ, do cá rất háo ăn nên khi cho cá ăn quá no thức ăn trong dạ dày thấm nước, nở ra làm ảnh hưởng đường ruột, đồng thời cá không thể lặn sâu được, khi đó tác động của nhiệt độ sẽ làm cá bị tổn thương nội tạng hoặc chết.
       5. Phòng bệnh
       - Luôn giữ môi trường nước trong ao sạch, không bị ô nhiễm bằng cách quản lý tốt thức ăn và điều chỉnh các yếu tố môi trường đúng theo yêu cầu kỹ thuật.
       - Tránh làm cho cá bị sây sát trong quá trình vận chuyển con giống hoặc chuyển cá sang ao khác trong quá trình nuôi vì đây là điều kiện tốt cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
       - Định kỳ 10 đến 15 ngày thay 20-30% nước trong ao nuôi 1 lần và xử lý nước bằng một trong các sản phẩm: Vime - Protex 1lít/2.500 m3 nước, Vimekon 1kg/2.000 m3 hoặc Fresh water 1kg/2.000 m3 nước, Zeoline, … Ngoài ra dùng thêm các chế phẩm sinh học xử lý đáy ao nhằm hạn chế vi khuẩn phát triển.
       - Cần phải đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cá, định kỳ bổ sung Vitamin C, tỏi tươi, khoáng vi lượng để giúp tăng cường sức đề kháng bệnh.
       - Khi phát hiện cá bệnh phải thay ngay 30% lượng nước trong ao nuôi, giảm 50-70% lượng thức ăn trong 5-7 ngày, tiến hành diệt khuẩn, xử lý Zeoline, vi sinh để kiểm soát mầm bệnh và ổn định các yếu tố môi trường. Kết hợp trộn kháng sinh trị bệnh.
       - Không nên dùng kháng sinh để phòng bệnh trong khi nuôi.

       III. KẾT QUẢ, THẢO LUẬN

       Sau thời gian 133 ngày nuôi, tổng sản lượng cá kèo thương phẩm đạt được 3.700 kg, kích cỡ trung bình 49 con/kg, tỷ lệ sống đạt 75,5%, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR = 1,4. Năng suất đạt khoảng 12.000 kg/ha/vụ. Trong quá trình nuôi định kỳ thay nước kích thích cá ăn và phát triển, xử lý men vi sinh, bổ sung khoáng, vitaminC vào thức ăn. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, đặc biệt là độ mặn, độ mặn cao cá giảm ăn, dễ nhiễm bệnh.

Thu hoạch cá kèo thương phẩm

       Với diện tích ao nuôi 0,3 ha tổng chi phí đầu tư ban đầu là 280.000.000 đồng (không tính chi phí xây dựng ao nuôi). Kết quả thực hiện mô hình cho thấy với giá bán tại thời điểm thu hoạch là 215.000 đồng/kg hộ nuôi thu được 795.500.000 đồng/vụ. Qua kết quả cho thấy đây là mô hình nuôi mang lại lợi nhuận khá cao, giúp người dân tận dụng ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả, đa dạng đối tượng nuôi, phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất của người dân.

       Tuy nhiên, để phát triển mô hình nuôi với diện tích lớn còn gặp khó khăn như: Con giống chủ yếu được khai thác từ tự nhiên theo mùa vụ vì vậy không chủ động được nguồn con giống; cá kèo thương phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong nước nên giá thành không ổn định, được mùa mất giá, ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả sản xuất.

Năm 2023, ảnh hưởng chung của diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh nên diện tích, sản lượng cá kèo giảm thấp so với những năm trước; đến thời điểm tháng 3/2024 diện tích và sản lượng cá kèo trên địa bàn huyện gần như không còn.

       IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

       Trên cơ sở và kết quả mang lại của mô hình với điều kiện về tự nhiên, cơ sở hạ tầng, Đầm Dơi phù hợp để phát triển, nhân rộng mô hình nuôi cá kèo trong ao đất sử dụng chế phẩm sinh học; kiến nghị các cơ quan chuyên môn, các sở ngành, công ty doanh nghiệp tạo điều kiện để phát triển nhân rộng loại hình này trong thời gian tới./.

 Ths. Nguyễn Ngọc Vui - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đầm Dơi