Thực trạng kinh tế, văn hóa – xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Cà Mau

            I. THỰC TRẠNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

       - Trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã quan tâm tổ chức các ngày lễ, tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số; bên cạnh đó, các cấp, các ngành đều quan tâm tạo điều kiện và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Các phong tục tập quán, lễ nghi, những nét văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống: tết Chôl Chnam Thmây, Óoc Om Bók, Sen đôn ta của đồng bào dân tộc Khmer; lễ Cầu an, tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Thanh minh, Đoan Ngọ của đồng bào dân tộc Hoa... được duy trì tổ chức hàng năm; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Triệu Quang Lợi, Tỉnh Ủy viên, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cấp tập cho học sinh học chữ khmer hè tại Đầm Dơi - Ảnh Tg

       - Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc cũng được bảo tồn và phát huy. Các Chùa chiền, cơ sở thờ tự của các tín đồ tôn giáo được sửa chữa, trùng tu, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tâm linh, hình thành những tụ điểm văn hóa, sinh hoạt lễ hội của đồng bào Khmer, đồng bào Hoa. Các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm xây dựng cả về văn hóa vật chất và ý thức cộng đồng. Những nét riêng, cái độc đáo ấy tạo nên một vườn hoa muôn màu muôn sắc. Nếu như người Kinh có những làn điệu cải lương hay những câu hò, điệu lý thì người Khmer lại thể hiện bản sắc của mình trong điệu múa Romvông, hát đối đáp Aday hay nhịp trống Saydam. Ngoài các dịp lễ hội, hôn nhân, cưới hỏi thì người Hoa lại góp vào đời sống văn hóa tinh thần với những câu hát Tiều, hát Quảng. Những điểm riêng đặc sắc đó của mỗi dân tộc tạo nên những nét đặc trưng của bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ngoài ra, các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Khmer, người Hoa tu sửa Chùa chiền, phục vụ các lễ hội theo phong tục tập quán cổ truyền đặc sắc của đồng bào dân tộc và tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

       - Về đồng bào Khmer sinh sống theo “Chùa chiền, phum, sóc”, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; với đức tính cần cù, chịu khó lao động đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế ổn định đời sống. Toàn tỉnh hiện có 01 Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, 07 Chùa và 10 Salatel (trong đó có một Chùa được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh), có 45 vị sư sãi với hơn 30.000 tín đồ. Các điểm Chùa vừa là tụ điểm sinh hoạt văn hóa lễ, hội của đồng bào dân tộc, là nơi gắn liền cuộc sống với dân cư, là chỗ dựa tinh thần tín ngưỡng tôn giáo, nơi bảo tồn phát triển giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc. Chùa còn là môi trường đào tạo toàn diện về nhân cách đạo đức, kiến thức cho lực lượng trí thức của đồng bào Khmer, đây là điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tải các giá trị văn hóa, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc.

       - Về đồng bào Hoa sinh sống chủ yếu ở thành thị, khu đông dân cư, thị trấn, nghề nghiệp chủ yếu kinh doanh thương mại - dịch vụ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; với đức tính chịu khó, cần mẫn, tiết kiệm, cách làm ăn năng động, hiệu quả; phát huy vốn tích lũy, kinh nghiệm tay nghề để mở rộng sản xuất, kinh doanh nên đời sống ngày càng ổn định và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 01 Hội tương tế người Hoa với 07 câu lạc bộ; 02 Chùa; 12 Miếu thờ và Điện thờ; 03 Phủ thờ (họ Quách, Mã, Ngô); mỗi cơ sở thờ tự đều có Ban Quản trị quản lý và điều hành các hoạt động với tổng số 49 thành viên, các cơ sở thờ tự gắn với sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào Hoa được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở cộng đồng dân cư.

       II. TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

       1. Thành phần dân tộc, dân số

Tỉnh Cà Mau có dân số chung khoảng 1.237.414 người, với 295.748 hộ; có 14 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có 13 dân tộc thiểu số với 11.994 hộ, 52.997 người; đông nhất là dân tộc Khmer 7.801 hộ với 33.439 người, dân tộc Hoa 1.954 hộ với 9.418 người; các dân tộc khác như: Mường, Tày, Thái, Nùng, Chăm, Dao, Gia Rai, Ê đê, Chu ru, Si La, người nước ngoài có 107 hộ, với 409 người và hộ có thành viên là dân tộc thiểu số 2.132 hộ (theo số liệu tổng điều tra, rà soát hộ đồng bào dân tộc thiểu số năm 2012).

       2. Về văn hoá, kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số

       2.1. Kết quả đạt được 

       - Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình so với các vùng khác trong tỉnh và so với giai đoạn 2005 - 2010 tăng khoảng 25%. 

       - Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng tăng so với giai đoạn 2005 - 2010 khoảng 30%. 

       - Công tác giáo dục, đào tạo, văn hóa, y tế, môi trường được quan tâm hơn, chất lượng giáo dục đào tạo nói chung và các trường dân tộc bán trú, nội trú nói riêng ngày càng hoàn thiện và nâng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường và tốt nghiệp các cấp học ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh thi đỗ và cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp năm sau cao hơn năm trước, trang thiết bị trường học, trạm y tế được tăng cường đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia; chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở ngày càng được nâng lên, công tác tiêm chủng mở rộng, phòng ngừa dịch bệnh được triển khai thực hiện đạt hiệu quả, không để xảy ra tình trạng dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt ngày càng tăng, môi trường sống từng bước được cải thiện rõ rệt từ các cuộc vận động của các ngành, đoàn thể và chương trình xây dựng nông thôn mới.   

       - Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm bình quân từ 2-3%. 

       - Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hoàn thiện, đa số các xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn chức danh đối với cán bộ, công chức cấp xã. 

       - An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra điểm nóng hay khiếu kiện đông người; xây dựng tốt tình làng nghĩa xóm và tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, nội bộ đồng bào luôn thể hiện tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau bằng các hình thức hoạt động tổ, hội của các đoàn thể chính trị - xã hội và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.          

       2.2. Những khó khăn, hạn chế

       - Tình hình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc, nhìn chung có bước phát triển song cũng gặp không ít khó khăn do giá cả thị trường luôn biến động, các sản phẩm của người dân sản xuất ra lợi nhuận thấp mặc dù được mùa nhưng vẫn bị thua lỗ hoặc huề vốn vì rớt giá, một bộ phận hộ nghèo đời sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.   

       - Các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo mặc dù nhiều nhưng định mức của các chính sách chưa phù hợp và đồng bộ dẫn đến hiệu quả giảm nghèo chưa cao, tình trạng tái nghèo vẫn còn diễn ra, tình trạng thiếu việc làm và không có việc làm tại chỗ khá phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hộ nghèo và công tác giảm nghèo tại địa phương.   

       - Địa hình của tỉnh là vùng sông nước dân cư sinh sống cả hai bên bờ sông làm cho việc đầu tư xây dựng lộ giao thông gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém chi phí; mặt khác nền đất yếu dẫn đến suất đầu tư tăng cao, nhưng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu cũng còn giới hạn dẫn đến tình trạng đầu tư kéo dài, chất lượng công trình không cao, đôi khi đầu tư nơi này thì nơi khác đã bị hư hỏng và xuống cấp không sử dụng được.

       - Tình hình y tế, giáo dục cũng còn nhiều khó khăn do đội ngũ giáo viên và y bác sỹ còn thiếu, cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đảm bảo cho nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, việc tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều bất cập, thiếu thông tin; đặc biệt là trình độ học vấn của nhân dân còn thấp, chưa theo kịp với tốc độ phát triển chung của tỉnh cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.  

       - Hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn nhiều bất cập, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đặc biệt là chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi, tham mưu đề xuất thực hiện chính sách dân tộc đối với cấp xã.  

       3. Văn hóa truyền thống và đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

       3.1. Xây dựng Salatel vùng đồng bào dân tộc thiểu số

       Từ năm 2014 đến nay tỉnh Cà Mau xuất ngân sách để triển khai đầu tư xây dựng các công trình Salatel (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng) cho đồng bào dân tộc, đến nay đã khởi công xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng 10 Salatel, bao gồm:

       + Huyện Đầm Dơi 05 Salatel: tại ấp Nhà Củ, xã Quách Phẩm Bắc; ấp Tân Điền B, xã Thanh Tùng; ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh; ấp Đồng Tâm A, xã Tân Duyệt; ấp Tân Hoà, xã Trần Phán.

       + Huyện U Minh 02 Salatel: tại ấp 6, xã Khánh Lâm; ấp 6 xã Khánh Hoà.

       + Huyện Năm Căn 01 Salatel: tại khóm 5, thị trấn Năm Căn.

       + Huyện Phú Tân 01Salatel: ấp Gò công, xã Nguyễn Việt Khái.

       + Huyện cái Nước 01: ấp Khánh Tư, xã Đông Thới.

       3.2. Nghề thủ công truyền thống

       Hiện nay trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 14 làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với 03 nghề truyền thống đó là nghề: Dệt chiếu cói (lác), Chế biến tôm khô, Vót đũa từ gỗ đước; các Làng nghề nông thôn phân bố ở 8/9 huyện và thành phố, trong đó:

Tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về công tác Dân tộc - Ảnh Tg

       - TP. Cà Mau có 04 làng nghề truyền thống dệt chiếu cói, trong đó xã Tân Thành có 3 làng nghề (Ấp 3, 4, 6) và 1 ấp ở xã Tân Xuyên.

       - Huyện Ngọc Hiển có 02 nghề - làng nghề truyền thống là: vót đũa từ gỗ đước (ấp So Đũa), chế biến tôm khô (ấp Cây Me).

       - Huyện Thới Bình với đặc trưng ngành đan đát (5 ấp: Lê Hoàng Thá, Nguyễn Huế, Lễ Giáo, Hà Thúc Ứng và ấp 8), nghề; làng nghề truyền thống dệt chiếu cói (ấp 7 - xã Tân Lộc, 1 ấp ở xã Hồ Thị Kỷ, nghề, làng nghề nấu rượu (ấp 9 xã Tân Lộc).

       - Huyện Trần Văn Thời có 1 nghề, làng nghề truyền thống dệt chiếu cói (ấp Sào Lưới xã Khánh Bình Tây).

       - Huyện Đầm Dơi có 1 nghề, làng nghề chưa đủ 3 tiêu chí là: nấu rượu (ấp Xóm Dừa) và 1 nghề, làng nghề truyền thống dệt chiếu cói (ấp Tân Khánh xã Tân Duyệt).

       - Huyện U Minh chỉ có 1 nghề,  làng nghề đan đát (ấp 4 - xã Nguyễn Phích).

       Thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống (như: chiếu, mê bồ, tôm khô, đũa đước) chủ yếu là tại địa phương giải quyết nhu cầu tại chổ.

       Thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống chủ yếu là cơ sở kinh tế cá thể, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên công tác quảng bá sản phẩm không được chú trọng, hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm truyền thống hầu như không có.

       Công tác đào tạo nghề, truyền nghề được thực hiện chủ yếu qua các hoạt động khuyến công của Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp. Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, chương trình khuyến công đã đào tạo và truyền nghề cho hơn 1.500 lao động nông thôn.

       Nhìn chung, ngành nghề truyền thống, làng nghề nông thôn phát triển chậm, phần lớn hoạt động của các nghề truyền thống, làng nghề; làng nghề truyền thống bị thu hẹp, sản phẩm hàng hóa khó tiêu thụ, giá trị sản lượng từ ngành nghề nông thôn tăng rất ít.

         Tỉnh Cà Mau chưa có làng nghề riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay tỉnh đang phát triển các làng nghề truyền thống của tỉnh trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

       3.3. Tiếng nói và chữ viết

       - Từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức dạy chữ Khmer được 105 lớp, với 2.770 em tham gia; trong đó có 216 em dân tộc Kinh, 08 em dân tộc Hoa; tỉnh đã chi hỗ trợ việc dạy và học với tổng số tiền 695,1 triệu đồng và 20 lớp dạy chữ Hoa cho 1.600 lượt em học. Năm 2014 và năm 2018 Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh mời trường Đại học Trà Vinh tổ chức tập huấn kỹ năng và phương pháp sư phạm cho giáo viên dạy chữ khmer; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức dạy chữ Khmer, Hoa những năm tiếp theo; hàng năm tỉnh cũng đã xuất ngân sách từ 300 - 450 triệu đồng để chi hỗ trợ cho công tác dạy chữ Khmer - Hoa, hỗ trợ sách giáo khoa và kiểm tra việc tổ chức dạy hè.

       3.4. Tổ chức các ngày lễ, tết cho đồng bào dân tộc thiểu số

       Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm tổ chức tốt các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc thiểu số như Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, Đoan Ngọ, Lễ khánh chúc Bà Thiên Hậu, Lễ khánh chúc Ông Bổn, Lễ Vu Lan, Tết Chôl Chnam Thmây, Lễ Sene Đôn ta, Lễ hội Oóc Om Bok… của đồng bào dân tộc Hoa, Khmer; UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo mọi điều kiện để đồng bào dân tộc tổ chức lễ, tết truyền thống thật đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Trong 5 năm qua tỉnh đã xuất ngân sách để tổ chức các hoạt động thăm viếng, tặng quà các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác tuyên truyền, vận động và đào tạo con em đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí, chiến sĩ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên đang học tại một số trường trong và ngoài tỉnh, các vị chức sắc, sư sãi, đại diện Ban Quản trị các Chùa, Salatel trong tỉnh; đồng thời tổ chức họp mặt các vị chức sắc, sư sãi, Ban Quản trị, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, gia đình chính sách tiêu biểu trong tỉnh với tổng số tiền hơn 7 tỉ đồng.

        3.5. Tôn giáo, tín ngưỡng

       Tỉnh Cà Mau hiện có 06 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân như: Phật giáo (Bắc tông, Nam tông, Khất sỷ, Hoa tông); Cao Đài (Minh Chơn Đạo, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Tây Ninh); Công giáo; Tin Lành (Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Tin Lành Báp tít Việt Nam (Nam Phương), Nhân chứng Giê-hô-va, Liên Hữu Cơ Đốc, Cơ đốc Phục Lâm); Phật giáo Hòa Hảo và Tịnh Độ Cư Sĩ Phật hội Việt Nam. Hiện nay, trong tỉnh có 138 tổ chức tôn giáo (bao gồm tổ chức tôn giáo cơ sở và trực thuộc), 132 cơ sở thờ tự, 1.198 chức sắc và 1.913 chức việc, có trên 373.326 tín đồ các tôn giáo, chiếm khoảng 30,7% dân số chung của tỉnh.

       4. Kiến nghị - kết luận

       Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm hơn nữa và kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, tạo nguồn lực kế thừa trong thời gian tới và giai đoạn tiếp theo. Tăng cường chăm bồi, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên là người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập hợp, tuyên truyền, vận động và giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số được toàn diện hơn, thiết thực hơn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

ThS. Nguyễn Duy Trường