Thực trạng và giải pháp để triển khai đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh Cà Mau

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Để ngành phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó yêu cầu về chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước được đặt ra khá cấp thiết.

     Để phát triển ngành chăn nuôi ở tỉnh Cà Mau UBND tỉnh  ban hành Quyết định số 1605/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2014 về việc phê duyệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Trong đó ngành Chăn nuôi  phát triển theo hướng trang trại, gia trại, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Áp dụng công nghệ về giống, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, xử lý môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho ngành chăn nuôi, thể hiện ở số lượng, sản lượng vật nuôi đều tăng và việc áp dụng công nghệ mới trong chăn nuôi đang được quan tâm. Để thực hiện tái cơ cấu Chăn nuôi của tỉnh thành công theo đề án. Cần đánh giá thực trạng hiện nay và có giải pháp để thực hiện:

            Thực trạng chăn nuôi tỉnh Cà Mau:

            Khó khăn:

Lịch sử phát triển lâu đời nhưng cho đến nay, ngành chăn nuôi ở tỉnh Cà Mau vẫn chủ yếu là hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Điều này cũng là trở ngại lớn cho công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ việc chăm sóc, giết mổ…

 Ngành chăn nuôi hiện nay ở Cà Mau thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định, đa số người chăn nuôi vẫn phải qua khâu trung gian thương lái để bán sản phẩm của mình ra thị trường, thậm chí có những lúc thua lỗ, gây khó khăn cho người chăn nuôi. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, gây tâm lý lo ngại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm, từ đó tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, tăng đàn, dẫn tới giá cả chăn nuôi biến động lên xuống thất thường.

Tình hình chăn nuôi hiện theo phong trào tự phát, giá cao thì tăng đàn ồ ạt dẫn đến giá con giống tăng như tình hình nuôi gà Đông tảo thời gian qua. Giá thấp thì giảm đàn dẫn đến khủng hoảng thiếu. Ngoài ra, sử dụng chuồng trại chưa hợp lý, không đúng hướng dẫn của ngành, sử dụng thuốc thú y vô tội vạ, nhất là các loại thuốc kháng sinh, tăng trọng bán trôi nổi trên thị trường

Một khó khăn nữa của ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm chính là việc còn phụ thuộc vào giá cả thức ăn, thuốc thú y. Bởi lẽ tỉnh ta chưa có nhà máy chế biến thức ăn và sản xuất thuốc thú y nên chi phí cho chăn nuôi luôn cao hơn so với các tỉnh khác. Chi phí thì cao nhưng  giá bán lại rất thấp. Các loại sản phẩm gia cầm và thịt heo nhiều năm gần đây có thời điểm người chăn nuôi còn phải bán dưới giá thành, thua lỗ nặng nề. Và hầu như giá trên thị trường đều do thương lái thao túng. Nghịch lý ở chỗ người chăn nuôi kêu lỗ, người tiêu dùng vẫn phải mua giá đắt.

Trong những năm gần đây nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm khuyến khích, hỗ trợ cho nông hộ chăn nuôi, đây là tín hiệu tích cực mà người dân mong đợi từ trước đến nay để đầu tư  mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông hộ và cũng là sự chỉ đạo quyết liệt của Nhà nước vào ngành chăn nuôi trước khi hội nhập quốc tế.

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 ra đời đã có tác động tích cực vào việc phát triển chăn nuôi.

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo chặt chẽ lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là luôn ưu tiên kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

            Công tác tuyên truyền, tập huấn trang bị kiến thức cho người chăn nuôi được các ngành, các cấp thực hiện đầy đủ và có hiệu quả. Đa số người chăn nuôi đã hiểu biết và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học… Đây là điều thuận lợi nhất cho việc phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh.

Giải pháp để  ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển:

Vấn đề định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả tăng thu nhập cho người nông dân là cần thiết và cấp bách, góp phần vào việc đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân,. Theo đó, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong đó, ưu tiên vấn đề nâng cao chất lượng con giống và xây dựng hành lang pháp lý để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành. Để thực hiện thành công những vấn đề nêu trên, Tỉnh Cà Mau cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Hướng dẫn cho nông dân phương thức chăn nuôi, nhất là chăn nuôi an toàn sinh học; Hỗ trợ đúng và đầy đủ cho nông hộ theo các Chủ trương, chính sách của Nhà nước; Thanh tra Chi cục thú y phải thường xuyên kiểm tra tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thức ăn gia súc, gia cầm, có trong thịt để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt heo đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại cơ sở. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm, đúng pháp luật với những cá nhân, tổ chức mua bán, sử dụng các loại thuốc tăng trọng không rõ nguồn gốc.

Để làm tốt giải pháp này, trước hết các Chi cục thuộc Sở NN&PTNT tỉnh cần phải nhanh chóng tổ chức thực hiện và duy trì tốt nhiệm vụ, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm Nông lâm sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT theo nội dung của Quyết định 1290/QĐ-BNN-TCCB ngày 17 tháng 4 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT

 Thứ hai, phải kiểm soát cho được dịch bệnh. Hiện nay đa số các bệnh khi xãy ra đã kiểm soát và khống chế kịp thời. Tuy nhiên những bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, heo tai xanh vẫn xảy ra ở một số xã, phường và chỉ cần một lần dịch là người chăn nuôi lại trắng tay. Vì vậy các đơn vị chức năng phải tăng cường công tác thống kê, quản lý đàn vật nuôi của xã, phường mình quản lý; Chi cục Thú y kiểm tra tiêm phòng  vaccine tại cơ sở, có biện pháp nhắc nhở hoặc xử lý tình trạng báo cáo số liệu tiêm phòng khống.

Thứ ba, Hiện nay chất lượng con giống cho người chăn nuôi chưa cao, chưa phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Người chăn nuôi bị thua lỗ, sản phẩm chăn nuôi có năng suất kém cũng bắt nguồn từ hệ thống con giống của Tỉnh không phong phú, chất lượng kém đưa đến người chăn nuôi chưa được đảm bảo, khâu kiểm soát con giống chưa chặt chẽ. Vì vậy điều tiên quyết là phải kiểm soát tốt được đàn heo đực giống của tỉnh đầu tư nhập ngoại đàn heo giống chất lượng cao để phát triển nguồn con giống của Tỉnh. Hướng dẫn, tập huấn thụ tinh nhân tạo heo cho người chăn nuôi nhằm tạo ra và duy trì đàn heo có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho người tiêu dùng.

 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 50/2014/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường. Đây là điều kiện tốt nhất  cho người chăn nuôi. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ cụ thể cho từng loại đối tượng nuôi, sẽ triển khai nhanh đến các đơn vị chuyên ngành của huyện, xã và sẽ tuyên truyền trên thông tin đại chúng, làm thế nào cho mọi người dân biết được chính sách hỗ trợ nhằm củng cố và phát triển nhanh ngành chăn nuôi của tỉnh Cà Mau trong thời gian tới.

                     Kỹ sư: Quách Minh Quốc

                                                                                  Chi cục Thú y Cà Mau