Thực trạng và giải pháp phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật về khoa học công nghệ giai đoạn 2014 - 2019

       Ngành Khoa học & Công nghệ Cà Mau (KH&CN) luôn nhận thức được vai trò của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) là một tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết toàn bộ đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên và hội viên, các trí thức khoa học và công nghệ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng và ý kiến đóng góp của đội ngũ trí thức, trong đó có tiếng nói của những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ đến các cấp ủy Đảng và Nhà nước. Đây là lực lượng nồng cốt cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội  trong việc tư vấn, phản biện, giám định xã hội, góp phần tích cực xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong tỉnh Cà Mau.

Hội thảo khoa học về thực trạng, giải pháp triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án khoa học vào sản xuất và đời sống.          Ảnh: NL

       Để phát triển hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn 2014 - 2019, Sở Khoa học & Công nghệ đã tham gia, phối hợp với Liên hiệp Hội thực hiện được một số kết quả như sau:

       1. Công tác thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức

       Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với Thường trực Liên hiệp Hội luôn quan tâm đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, nhằm chuyển tải những kiến thức về khoa học công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phát minh sáng tạo... đến với mọi tầng lớp nhân dân. Với sự tích cực tham gia viết bài của lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, cán bộ khoa học kỹ thuật, đội ngũ cộng tác viên đã đăng tải các bài viết trên các Bản tin và các Trang thông tin điện tử của tỉnh chuyển tải hàng trăm tin, bài có nội dung thông tin về tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phổ biến kiến thức trên tất cả các lĩnh vực, với hàm lượng khoa học có giá trị. Ngoài ra, bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình... đến với cộng đồng xã hội và phối hợp xây dựng các chuyên đề khoa học công nghệ phát trên Đài Phát thanh & Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau... để đăng tải và phát sóng nhằm đưa thông tin nhanh, kịp thời những tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người dân để áp dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất đời sống, phù hợp với chủ trương của tỉnh.

       2. Tổ chức các kỳ Hội thi sáng tạo, cuộc thi thanh thiếu niên nhi đồng

       Hưởng ứng các kỳ Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động.

       - Trong giai đoạn 2014 – 2019 tỉnh đã Tổ chức các Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh. Với mục đích nhằm thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của cán bộ, nhân dân trong tỉnh, phát hiện, tôn vinh, khen thưởng kịp thời nhân tố mới thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ, thúc đẩy áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

       Sở Khoa học & Công nghệ tham gia cùng Liên hiệp Hội trong nhiệm kỳ tổ chức 03 kỳ Hội thi sáng tạo Kỹ thuật của tỉnh có tổng số 201 hồ sơ giải pháp kỹ thuật dự thi. Về tác giả, đồng tác giả tham gia qua 03 kỳ Hội thi với số lượng: 355 người. Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức đã xét trao: 03 giải nhất, 6 giải nhì, 14 giải ba, 52 giải khuyến khích.

       Có thể nói qua Hội thi, các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh ngày càng có những tiến bộ. Số lượng và chất lượng giải pháp dự thi không ngừng phát triển. Nhiều giải pháp sáng tạo dự thi được triển khai, ứng dụng góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Trong đó có nhiều giải pháp đã đi vào đời sống, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo thêm việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường... mang lại hiệu quả đáng khích lệ.

       - Sở Khoa học & Công nghệ tham gia cùng Liên hiệp Hội tổ chức 02 kỳ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng có tổng số 284 hồ sơ giải pháp kỹ thuật dự thi. Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức đã xét trao tặng: 02 giải nhất, 5 giải nhì, 12 giải ba, 25 giải khuyến khích.

       Qua cuộc thi các em đã thể hiện được ý tưởng sáng tạo trong các mô hình sản phẩm dự thi, từ những vật liệu tại chỗ ở địa phương với tư duy sáng tạo đã có những ý tưởng độc đáo để tạo các công cụ học tập, vui chơi, bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo...

       3. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh

       Trong nhiệm kỳ, Sở Khoa học & Công nghệ đã tham gia, phối hợp với Liên hiệp Hội chủ trì và phối hợp với một số ngành, địa phương trong tỉnh, tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh và cấp khu vực; tham dự các diễn đàn khoa học ứng phó với biến đổi khí hậu – phát triển bền vững. Chủ đề các cuộc hội thảo được lựa chọn mang tính bức xúc, tập trung giải quyết những vấn đề thực tiển trong đời sống, sản xuất và xã hội quan tâm như: (1) “Đánh giá thực trạng, diễn biến tình hình bệnh tôm ở tỉnh Cà Mau và đề xuất biện pháp khắc phục”; (2) “Phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau phục vụ phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường”; (3) “Nâng cao nguồn lực Y tế dự phòng trong công tác phòng chống bệnh tật tỉnh Cà Mau”; (4) “Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng Khoa học & Công nghệ vào sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau”; (5) Hội thảo khoa học “Phong trào đấu tranh của Phụ nữ tỉnh Cà Mau trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”; (6) Hội thảo khoa học “Làng nghề ở Cà Mau - Thực trạng và giải pháp”; (7) “Vấn đề lao động và việc làm ở tỉnh Cà Mau - Những thách thức và giải pháp”; (8) “Phát triển tôm siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau - Thực trạng và giải pháp”; (9) Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch tỉnh Cà Mau”; (10) Hội thảo “Thực trạng, giải pháp triển khai, ứng dụng các đề tài, dự án khoa học vào sản xuất và đời sống ở tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2018”...

       Kết quả, qua các cuộc Hội thảo khoa học đã kịp thời đánh giá, phân tích nhiều nội dung mang tính khoa học và thực tiễn, cung cấp nhiều cơ sở khoa học và đề xuất các giải pháp thiết thực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách đặt ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh... đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý, người dân chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Một số đề xuất thông qua hội thảo đã được vận dụng như:

       Phát huy thế mạnh kinh tế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi tôm, qua Hội thảo khoa học, tỉnh và các địa phương đã rà soát lại quy hoạch, vùng nuôi tôm siêu thâm canh đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, tạo thuận lợi cho đầu tư, quản lý, nhằm đáp ứng hợp lý các yếu tố trong sản xuất. Đồng thời sử dụng có hiệu quả đối với kết cấu hạ tầng vùng nuôi đã được đầu tư như: thủy lợi, điện, giao thông... Trong sản xuất cần tổ chức theo hướng liên kết chuỗi, trong đó chú trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, ứng dụng các quy trình nuôi mới tiên tiến; kiểm tra chặt chẽ chất lượng giống, thức ăn, hóa chất, vật tư, môi trường; làm tốt công tác dự báo thị trường, cảnh báo ứng phó với rào cản thương mại...

       Về “Phát huy giá trị Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau phục vụ phát triển du lịch, nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường”, đã đánh giá toàn diện, khách quan về thực trạng phát triển du lịch ở tỉnh Cà Mau (bao gồm tài nguyên du lịch, nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch, kết nối lữ hành…). Phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, thách thức; nguyên nhân khách quan, chủ quan của hạn chế, yếu kém. Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, giải pháp và những đề xuất, kiến nghị cần thiết với Trung ương, với tỉnh, nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển du lịch, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về du lịch, từng bước phát triển ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau theo hướng bền vững.

       Đối với đánh giá thực trạng làng nghề ở Cà Mau, đề xuất các giải pháp củng cố, khôi phục, phát triển làng nghề theo hướng bền vững, để làng nghề phát triển đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Đề xuất rà soát lại quy hoạch, kế hoạch theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch; giữa truyền thống với hội nhập; đầu tư công cụ, thiết bị, chuyển giao khoa học kỹ thuật; xây dựng liên kết chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng, mẫu mã hàng hóa… thực hiện tốt “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” làng nghề...

       - Trên lĩnh vực khoa học xã hội: từ kết quả Hội thảo “Nâng cao nguồn lực Y tế dự phòng trong công tác phòng chống bệnh tật tỉnh Cà Mau”, đã đánh giá sát thực trạng Y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và đề xuất, kiến nghị các giải pháp đầu tư nguồn lực cho Y tế dự phòng để nâng cao việc phòng chống bệnh tật cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt hơn các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

       Về lao động và việc làm ở tỉnh Cà Mau, qua hội thảo đã cung cấp nhiều cơ sở khoa học, nhằm đánh giá thực tiễn về vấn đề lao động và việc làm; góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề lao động và việc làm trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị những giải pháp nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực lao động của tỉnh. Đồng thời giải quyết những vấn đề vướng mắc về năng lực, trình độ, tay nghề chuyên môn, cơ chế chính sách đào tạo nghề, thu hút lực lượng lao động và chế độ tiền lương, tiền công...

       4. Hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội

       Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp Liên hiệp Hội thực hiện nhiệm vụ Tư vấn, phản biện, giám định xã hội. Kết quả từ năm 2014 – 2019 đã phản biện và giám định 21 cuộc đối với các dự án, đề án. Một số dự án, đề án giám định như: 

       Phản biện dự án Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Giám định Dự án Tiểu vùng thủy lợi Nam Cà Mau; phản biện “Quy hoạch điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; “Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh cụm đảo Hòn Khoai, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; “Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2013 - 2020”;  giám định “Quy hoạch Đô thị Sông Đốc”; giám định “Tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển Khu dự trữ Sinh quyển Mũi Cà Mau”; phản biện Dự án “Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”...

       Qua thực hiện phản biện, giám định xã hội các dự án, công trình trên, đã phân tích, đánh giá ưu điểm, hạn chế, phát hiện những sai sót về kỹ thuật, hạn chế về quản lý... trên cơ sở đó cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn. Từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục, giúp các cấp có thẩm quyền xem xét chỉ đạo kịp thời phục vụ tốt cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Những đề xuất, kiến nghị sau khi phản biện, giám định xã hội và hội thảo khoa học đã được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành có liên quan kịp thời nghiên cứu, tiếp thu, xử lý.

       5. Tư vấn tuyển chọn các đề tài, dự án hàng năm

       Trong công tác tư vấn tuyển chọn các đề tài, dự án hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ đều phối hợp với Liên Hiệp hội để tư vấn tuyển chọn, trong nhiệm kỳ vừa qua đã có hơn 100 nhiệm vụ được lấy ý kiến tuyển chọn. Kết quả đã chọn lựa được danh mục các đề tài, dự án trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện hàng năm.

       Liên hiệp Hội còn tham gia hoặc cử thành viên, hội viên tham gia với Sở KH&CN nhiều Hội đồng xét duyệt đề cương và nghiệm thu các đề tài, dự án KH&CN theo từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành...

       Để công tác phối hợp giữa Sở Khoa học & Công nghệ và  Liên hiệp hội trong thời gian tới đạt kết quả tốt hơn, một số giải pháp cần thực hiện như sau:

       Một là: công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khoa học, công nghệ phải thực hiện thường xuyên và sâu rộng để toàn xã hội tham gia ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống, làm cho khoa học, công nghệ đóng góp rõ nét và thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

       Hai là: về tổ chức các Hội thi sáng tạo cần phát huy hiệu quả các giải pháp đã đạt giải để tuyên truyền, quảng bá, chuyển giao những giải pháp có hiệu quả vào sản xuất và đời sống. Từ đó sẽ làm cho những người có tâm huyết, đam mê nghiên cứu các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có động lực để nảy sinh ý tưởng mới, sáng tạo mới nhằm cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng trong hoạt động sản xuất ở mọi lĩnh vực của tỉnh.

       Ba là: trong công tác phối hợp tổ chức các Hội thảo khoa học, cần chọn lựa những vấn đề bức xúc của tỉnh để tập trung thực hiện, nhất là các vấn đề mới như: xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình mỗi xã một sản phẩm; tác động của biến đổi khi hậu gây sạt lở đê biển… nhằm tìm ra những giải pháp, cách làm hay để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

       Bốn là: thực hiện tốt hơn công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo hướng nâng cao chất lượng, đặc biệt là tính khoa học và thực tiễn; tăng số nhiệm vụ thực hiện; mở rộng phạm vi so với thời gian trước; phương pháp thực hiện linh hoạt hơn phù hợp với những vấn đề mà xã hội quan tâm. Tăng cường hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho công tác phản biện và giám định xã hội. Mời các chuyên gia có đủ năng lực, trình độ và điều kiện thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội để nâng cao chất lượng.

       Năm là: phối hợp trong việc đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích theo quy định. Đồng thời sớm tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hình thành nên thị trường khoa học công nghệ để các thành phần kinh tế có điều kiện tốt hơn tham gia thị trường, nhằm xã hội hóa đầu tư cho nghiên cứu sáng tạo cũng như đầu tư cho ứng dụng, nhân rộng các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật.

       Sáu là: lãnh đạo các cấp, các ngành phải thực sự quan tâm đến hoạt động khoa học và công nghệ, coi sự sáng tạo trong khoa học và công nghệ là nguồn lực, giải pháp cho sự phát triển của địa phương. Chính quyền địa phương các cấp cần đưa vào Nghị quyết cấp uỷ, HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống.

       Để đẩy mạnh “Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế” trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong những năm tiếp theo là hết sức nặng nề, công tác phối hợp với Liên hiệp Hội, các ngành, các cấp và các địa phương trong tỉnh thời gian tới là hết sức quan trọng nhằm thực hiện tốt hơn nữa hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Ths. Nguyễn Đình Văn

                                                                   Sở Khoa học & Công nghệ