Tình hình tăng Acid Uric máu ở người có nguy cơ cao từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau.

       I. Đặt vấn đề

       Yếu tố nguy cơ tim mạch là các yếu tố liên quan với sự gia tăng khả năng bị mắc bệnh tim mạch thường liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của xơ vữa động mạch và kiểm soát được các yếu tố nguy cơ tim mạch sẽ làm giảm tỉ lệ mắc và tử vong. Ngoài các yếu tố nguy cơ tim mạch được thừa nhận ngày nay người ta nhận thấy ngày càng có nhiều các nguy cơ tim mạch xuất hiện trong đó acid uric là một yếu tố nguy cơ đã được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm và nghiên cứu. Acid uric là yếu tố nguy cơ trực tiếp gây nên bệnh gout đã được xác định, vai trò của acid uric trong bệnh lý tim mạch đang là đề tài thời sự và hầu hết đều thống nhất rằng sự gia tăng acid uric trong máu có vai trò trong cơ chế của xơ vữa động mạch, acid uric liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch được thừa nhận và giả thuyết acid uric là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành, tăng huyết áp hiện nay cũng đã được chấp nhận rộng rãi.

       Nghiên cứu về tình trạng tăng acid uric máu và can thiệp làm giảm acid uric máu tại cộng đồng ở Việt Nam còn rất ít. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài “Tình hình tăng acid uric máu ở người có nguy cơ cao từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau” với các mục tiêu sau:

       1. Xác định tỷ lệ tăng acid uric máu ở người có nguy cơ tăng acid uric máu từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau.

       2. Tìm hiểu mối liên quan giữa tăng acid uric và tăng huyết áp và giới tính, tình trạng uống rượu.

       II. Đối tượng, địa điểm và thời gian nghiên cứu

       2.1 Đối tượng nghiên cứu

       Tất cả những người từ 35 tuổi trở lên không phân biệt giới tính đã sinh sống ít nhất 6 tháng tại các phường, xã của tỉnh Cà Mau được chọn, có các yếu tố như: hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường, uống rượu...đồng ý tham gia nghiên cứu.

       2.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

       - Địa điểm: tỉnh Cà Mau. 

       - Thời gian: Điều tra mô tả tỷ lệ tăng acid uric và các yếu tố, các bệnh liên quan ở nhóm có nguy cơ cao trong cộng đồng; từ tháng 8/2016 đến tháng 3/2017.

       2.3. Thiết kế nghiên cứu

   Mô tả cắt ngang

       2.4. Xử lý dữ kiện

       Dữ liệu thô từ phiếu thu thập số liệu sẽ được nhập vào phần mềm Epi-data 3.02 để quản lý dữ liệu và xử lý dữ liệu bằng phần mềm STATA 12.0.

       III. Kết quả nghiên cứu

       Qua nghiên cứu 1290 đối tượng tại địa bàn tỉnh Cà Mau theo tiêu chuẩn chọn có các yếu tố nguy cơ từ 35 tuổi trở lên trong thời gian từ 08/2016 đến 04/2018 chúng tôi thu được kết quả như sau:

       3.1. Đặc điểm của mẫu nghiên cứu

Bảng 3.1 Đặc điểm giới tính, địa chỉ và nghề nghiệp của mẫu nghiên cứu.

Biến sốSố lượngTỷ Lệ (%)
            Giới    
Nam61547,67
Nữ67552,33
         Địa chỉ
Nông thôn96674,88
Thành thị32425,12
Nghề nghiệp
Nông dân, nội trợ87767,98
Công viên chức14611,32
Buôn bán1088,37
Nghề khác15912,33
Tổng1290100

       Trong 1290 người được khảo sát, bao gồm 615 nam chiếm ( 47,67%) và 675 nữ chiếm (52,33%) trong nghiên cứu. Hầu hết các nghiên cứu trong cộng đồng đều cho thấy nam giới tham gia ít hơn nữ giới. Theo kết quả Bảng 3.1 thành phần lao động chân tay (nông dân, nội trợ) chiếm đa số trong nghiên cứu này với 877 người chiếm 67,98% công viên chức với 146 người  chiếm (11,32%), buôn bán là 108 người chiếm 8,37%, nghề khác với 159 trường hợp chiếm 12,33%. Điều này phản ánh đúng tính chất lao động trong toàn thể cộng đồng.

Bảng 3.2 Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của  đối tượng  trong nghiên cứu

Biến sốTrung bìnhĐộ lệch chuẩnNhỏ nhấtLớn nhất
           Lâm sàng
Tuổi (năm)55,811,563893
Cân nặng (kg)58,259,913595
Chiều cao (cm)1,570,061,411,83
Vòng hông (cm)83,129,1655117
BMI (kg/m2)22,323,6815,2238,15
HA tâm thu (mmHg)130,3219,7680230
HA tâm trương (mmHg)75,6511,3750120
       Cận lâm sàng
Acid uric (mg/dl)5,441,492,413,6
Đường (mg/dl)106,7728,0367452
Ure (mg/dl)28,812,0310,1191
Creatinin (mg/dl)0,900,640,48,3
Cholesterol (mg/dl)199,350,8157485,3
Triglycerid (mg/dl)168,39114,7638,61108,5
HDL­_C (mg/dl)43,9411,1417,687,2
LDL_C (mg/dl)112,8940,2234,6475,8

       Từ kết quả bảng 3.2 cho thấy  tuổi trung bình trong nhóm nghiên cứu là 55,8 ± 11,56 (năm) tuổi nhỏ nhất là 35, lớn nhất là 90 tuổi. Cân nặng trung bình là 58,25 ± 9,91 nhẹ nhất là 35 kg nặng nhất là 95 kg. Chiều cao trung bình là 1,57 ± 0,06 (m), vòng hông trung bình của nhóm nghiên cứu là 83,12 ± 9,16 (cm). Trị số huyết áp tâm thu trung bình là 130,32 ± 19,7 mmHg, trị số thấp nhất là 80 mmHg và cao nhất là 230 mmHg. Trị số huyết áp tâm trương trung bình là 75,65 ± 11,3  mmHg, trị số thấp nhất là 50 mmHg và cao nhất là 120 mmHg. Chỉ số khối cơ thể nói lên tình trạng béo phì, thừa cân hay cân nặng bình thường của đối tượng nghiên cứu. Trong nghiên cứu này giá trị trung bình BMI của tất cả các nhóm tuổi là 22,32 ± 3,68. Điều này nói lên tỉ lệ thừa cân trong nghiên cứu này tương đối cao. Số người có BMI vượt quá 23 thì có đến 499 người chiếm có 38,68% tỷ lệ này tương đối cao so với các nghiên cứu khác. Nghiên cứu của Phạm Thị Dung tại cộng đồng nông thôn tỉnh Thái Bình cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì là 9,6% tỷ lệ này thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi [1]. Tuy nhiên, do nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện trên những người có nguy cơ cao nên tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn.

       Trị số AUM trung bình là 5,44 ± 1,49 mg/dl; ure là 28,8±12,03 mg/dl; creatinin 0,9 ± 0,62 mg/dl. Về đường huyết trị số trung bình là 107,58 ± 25,45 mg/dl,  sự khác biệt giữa hai nhóm có tiền sử đái tháo đường và nhóm không có tiền sử đái tháo đường có ý nghĩa thống kê, p=0,000. Nhóm có tiền sử đái tháo đường có trị số đường huyết  là 137,62  ± 42,3 (mg/dl), nhóm không có tiền sử đái tháo đường có trị số đường huyết là 101,78 ± 15,3 (mg/dl). Trị số trung bình của các thông số  lipid có kết quả lần lượt là CT 199,31 ± 50,81 mg/dl; HDL-C 48,61 ± 9,59 mg/dl; TG 171,89 ± 112,2 mg/dl ; LDL-C 112,89 ± 40,22 mg/dl.

       3.2 Tỉ lệ tăng acid uric và các đặc điểm của mẫu nghiên cứu

       3.2.1 Tỉ lệ tăng acid uric trong nghiên cứu

    Bảng 3.3 Tỉ lệ tăng AUM  trong nghiên cứu.

AUM           Số lượngTỉ lệ (%)
Tăng29622,95
Không tăng99477,05
Tổng1290100

       Kết quả khảo sát nồng độ acid uric  máu ở 1290 người có nguy cơ cao tại các phường, xã trong tỉnh Cà Mau cho thấy nồng độ AUM trung bình là 5,44 ± 1,49 mg/dl. Tỉ lệ tăng AUM ở nhóm nghiên cứu là 296 trường hợp chiếm 22,95%, 994 trường hợp không có tăng AUM chiếm 77,05%. Nghiên cứu của Phạm Thị Dung ở những người trên 30 tuổi tại nông thôn tỉnh Thái Bình có tỉ lệ tăng AUM là 9,2% tỉ lệ này thấp hơn của chúng tôi[1]. Và nghiên cứu được thực hiện trong cộng đồng nông thôn, trong khi nghiên cứu của chúng tôi thực hiện trên các đối tượng có nguy cơ. Hơn nữa nghiên cứu này được thực hiện tại vùng đồng bằng Bắc bộ có thói quen ăn uống và tập quán có thể khác với mẫu nghiên cứu của chúng tôi. Một nghiên cứu khác của Phạm Thị Dung cho thấy tỉ lệ tăng tại 2 xã vùng nông thôn Thái Bình là 7,4% nhưng nghiên cứu này cũng chỉ thực hiện trên những người từ 31-60 tuổi[2]. Nghiên cứu của Phạm Ngọc Khái  thực hiện trên 518 người từ 60 tổi trở lên tại 2 xã của tỉnh Nam Định cho thấy tỉ lệ tăng AUM là 9,5%[3]. Tuy nhiên cứu này cũng chỉ thực hiện ở vùng nông thôn cho nên sự khác biệt có thể là do chọn dân số nghiên cứu. So với các nghiên cứu này nghiên cứu của chúng tôi có kết quả cao hơn rất nhiều vì nghiên cứu này chỉ thực hiện trên các đối tượng có nguy cơ cao. Nghiên cứu của Ling Qiu  ở một số tỉnh của miền Bắc Trung Quốc cho thấy tỉ lệ tăng là 13,7% trên 13140 đối tượng từ 18 tuổi trở lên được khảo sát. Đây là một nghiên cứu tương đối lớn và địa điểm nghiên cứu là các tỉnh ven biển[8]. Tại Thái Lan Somchai Uaratanawong nghiên cứu trên 1945 người từ 35 tuổi trở lên sinh sống tại Băng Cốc 542 nam và 1403 nữ cho thấy tỉ lệ tăng acid uric là 24,4% nam giới là 59% và nữ là 11% [9]. Tỉ lệ này rất cao trong cộng đồng có thể nghiên cứu này chỉ nghiên cứu này chỉ thực hiện tại Thủ đô nơi có mức sống cao. Hơn nữa BMI ở nam giới trung bình là 25,2±3,7 ở nữ là 24,5±4,3 tỉ lệ béo phì ở nam là 52,3% ở nữ là 37,3% những vấn đề này có thể làm cho tỉ lệ tăng acid uric rất cao.

       3.2.2. Tỉ lệ tăng acid uric và các đặc điểm của mẫu nghiên cứu

       Bảng 3.1 Tỉ lệ tăng AUM  theo nhóm tuổi

Nhóm Tui           Số lượngSL tăng acid uric Tỉ lệ (%)P
35-4424344(18,11)0,16
45–5434484(24,42)
55–6441894(22,49)
65 trở lên28574(25,96)
Tổng1290296(100)

       Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, acid uric không liên quan với tuổi ở cả hai giới nam và nữ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm tuổi từ 35 -44 nồng độ trung bình là 5,3 ± 1,54 mg/dl, tỉ lệ tăng acid uric là 44 người (18,11%); nhóm tuổi từ 45 -54 nồng độ trung bình là 5,47 ± 1,56 mg/dl, tỉ lệ tăng acid uric là 24,42%; nhóm tuổi từ 55 - 64 nồng độ trung bình là 5,45 ± 1,42 mg/dl, tỉ lệ tăng acid uric là 22,49%;  nhóm tuổi từ 65 trở lên nồng độ trung bình là 5,51 ± 1,48 mg/dl; tỉ lệ tăng acid uric là 25,96%. Mặc dù ở nhóm tuổi lớn hơn cho thấy nồng độ acid uric và tỉ lệ tăng acid uric có cao hơn nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p = 0,16.

Bảng 3.5: Tỉ lệ tăng AUM và nồng độ AUM theo giới tính

Giới tínhNồng độ AUM Tăng AUMPR[KTC 95%]p
Trung bình ĐLC (mg/dl)Số lượng tỷ lệ (%)
Nam (n=615)5,91 ± 1,65201(32,68)1,63[1,46 – 1,81]0,000
Nữ (n =675)5,02 ± 1,19 95 (14,07)
Chung5,44 ± 1,49296 (22,95) 

       Bình thường, bắt đầu từ một tuổi trở lên, nồng độ AUM ở giới nam luôn cao hơn ở giới nữ. Ở nghiên cứu của chúng tôi, có sự khác biệt về nồng độ AUM có ý nghĩa thống kê giữa hai giới. Nồng độ acid uric ở nhóm nam là 5,91 ± 1,65 mg/dl và ở nhóm nữ là 5,02 ± 1,19 mg/dl. Kết quả khác biệt nồng độ AUM giữa hai giới cũng được ghi nhận ở nhiều công trình nghiên cứu. Nghiên cứu của Phạm Thị Dung cho thấy nam cũng cao hơn nữ rõ rệt, nồng độ ở nam là 5,26 mg/dl, ở nữ là 4,11 mg/dl; P<0,001[1]. Nghiên cứu của Somchai Uaratanawong với kết quả tương tự nồng độ ở nam là 6,4 ± 1,3 mg/dl, ở nữ là 4,7 ± 1,1 mg/dl; P<0,001[9]. Nghiên cứu của Ling Qiu có nồng độ ở nam là 5,96 ± 1,36 mg/dl, ở nữ là 4,38 ± 1,04 mg/dl[8]. Các kết quả điều cho thấy nồng độ AUM nữ thấp hơn ở nam. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi các đối tượng đều có yếu tố nguy cơ và từ 35 tuổi trở lên nên mặc dù nồng độ của nữ thấp hơn nhưng sự chênh lệch không quá lớn trung bình của nhóm nam lớn hơn trung bình của nhóm nữ là 0,89 mg/dl. Tỉ lệ tăng AUM ở nam là 32,68% với 201 người, ở nữ là 14,07% số người tăng là 95 và sự khác biệt giữa hai nhóm cũng rất có ý nghĩa thống kê, χ2 = 63,02;  P=0,000(). Với PR = 1,63[1,46-1,81] cho thấy ở nhóm namco1 nguy cơ tăng acid uric cao hơn gấp 1,6 lần so với nhóm nữ. Sau khi hiệu chỉnh các yếu tố như tuổi, tình trạng bệnh lý kèm theo. Điều này cũng phù hợp với y văn và tất cả các nghiên cứu trong và ngoài nước đều cho thấy nồng độ acid uric ở nam luôn cao hơn nữ.

Bảng 3.6: So sánh tăng AUM giữa nhóm tăng huyết áp và nhóm không tăng huyết áp.

Tăng huyết ápTăng AUMSố lượng(tỷ lệ %)Nồng độ AUMTrung bình ĐLC(mg/dl)
Có n = 478180 (37,66)6,03 (1,65)
Không  n = 812116(14,29)5,09 (1,27)
Chung296(22,95)5,44(1,49)
 p = 0,000PR = 2,02 [1,77-2,31];P=0,000

       Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nồng độ  acid uric ở nhóm tăng huyết áp là 6,03 ± 1,65 mg/dl và ở nhóm không tăng huyết áp là 5,09 ± 1,27 mg/dl sự khác biệt nồng độ AU của hai nhóm rất có ý nghĩa thống kê, p=0,000. Nghiên cứu của Châu Ngọc Hoa và Lê Hoài Nam cũng cho kết quả tương tự khi nghiên cứu 736 bệnh nhân có và không tăng huyết áp 310 nam và 336 nữ với độ tuổi trung bình 59,4 ± 1,6 năm. Nồng độ trung bình acid uric huyết thanh ở người không THA > 40 tuổi là 301 ± 56,7 mmol/lit và nồng độ trung bình acid uric huyết thanh ở người THA > 40 tuổi là 394,1 ± 72,7mmol/L. Tỉ lệ tăng acid uric ở nhóm tăng huyết áp là 180 trong 478 trường hợp tăng huyết áp chiếm 37,66%, nhóm không tăng huyết áp tỉ lệ tăng AUM là 14,29% với 116 người, sự khác biệt này rất có ý nghĩa thống kê, p=0,000. Với 2 dãy số liệu acid uric  của 2 nhóm: nhóm không có tăng huyết áp và nhóm có bệnh của cả 2 giới  chúng tôi đã lập bảng 2 x 2 để tính Tỉ số tỉ lệ hiện mắc PR (Prevalence Ratio). Kết quả phân tích đơn biến cho thấy rằng tỉ số tỉ lệ hiện mắc là 2,02 với độ tin cậy p=0,000 và với khoảng tin cậy 95% là từ 1,77 đến 2,31. Có nghĩa là khi acid uric  của một cá thể nào đó có tăng huyết áp thì nguy cơ tăng acid uric tăng đến 2,02 lần so với nhóm không tăng huyết áp. Vậy có thể nói rằng  acid uric là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp. Kết quả này cũng tương tự các nghiên cứu tại cộng đồng khác. Nghiên cứu của Phạm Thị Dung tỉ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng là 30,8% nhóm có tăng huyết áp tỉ lệ tăng AUM là 14,6% phân tích đơn biến cho thấy những người có tăng huyết áp có nguy cơ tăng AUM gấp 2,4 lần so với nhóm còn lại[1]. Nghiên cứu của Somchai Uaratanawong tại Thái Lan cho thấy tỉ lệ tăng AUM cao ở nhóm huyết áp >130mg đối với huyết áp tâm thu và >85mg đối với huyết áp tâm trương so với nhóm huyết áp còn lại ở cả hai giới nam và nữ[9].

Bảng 3.7: Mối liên quan giữa  AUM và thời gian mắc tăng  huyết áp

Thời gian tăng huyết ápTăng AUMNồng độ AUMPR(KTC 95%)p
Số lượngTỉ lệ (%)Trung bìnhĐLC (mg/dl)
< 5 năm (n = 266)45(16,92)5,38(1,28)10,000
5-10 năm (n =125)73(58,4)6,6(1,66)6,89[4,06-11,69]
>10 năm (n=87)62(71,26)7,2(1,7)12,17[6,31-23,4]
Chung180(37,66)6,03(1,65)3,5[2,76-4,45] 

       Chúng tôi chia những người có tiền sử tăng huyết áp làm 3 nhóm, nhóm thứ nhất có thời gian mắc bệnh dưới 5 năm, nhóm thứ hai có thời gian mắc bệnh từ 5 năm đến 10 năm, nhóm thứ ba có thời gian mắc bệnh trên 10 năm. Nhóm thứ nhất có 266 người, tỉ lệ tăng AUM của nhóm thứ nhất là 16,92% với 45 người. Nhóm thứ hai có 125 người với 73 người tăng AUM và tỉ lệ là 58,4%, nhóm thứ ba có 87 người và có đến 62 người tăng AUM, tỉ lệ tăng AUM  71,26% với χ2 = 113,5; p = 0,000 cho thấy sự khác biệt giữa các nhóm rất có ý nghĩa thống kê. Thời gian THA càng lâu, thì các biến chứng xày ra nếu không điều trị tốt. Một số nghiên cứu cho thấy acid uric tăng được xem là dấu ấn giai đoạn sớm trong tổn thương cơ quan tim mạch. Khi xét tính khuynh hướng của các nhóm với z = 10,29; p = 0,000 cho thấy giữa các nhóm có tính khuynh hướng rất mạnh. Khi phân tích hồi qui tuyến tính lấy nhóm I làm chuẩn kết quả được IRR = 3,5 với khoảng tin cậy 95% là 2,76 - 4,45. Như vậy cứ sau khoảng 5 năm tăng huyết áp thì nguy cơ tăng acid uric gấp 3,5 lần.

Bảng 3.8: Mối liên quan giữa  AUM và uống rượu

Biến sốTăng AUMSố lượngTỉ lệ (%)pPR [KTC95%]Nồng độ  AUMTrung bìnhĐLC (mg/dl)p
Uống rượu
Ít (n = 1069)222(20,77)0,0001,69[1,31-2,16]5,37(1,45)0,0001
Nhiều (n = 221)74(33,48)5,8(1,66)

       Uống nhiều rượu bia làm tăng độc với tế bào trong cơ thể làm chết và phân hủy nhiều tế bào đặc biệt là tế bào gan. Tế bào phân hủy càng nhiều thì càng tạo ra nhiều nhân Purin, tạo ra nhiều Acid Uric làm cho nồng độ Acid Uric trong máu tăng lên. Khi xét về thói quen uống rượu chúng tôi chia 2 nhóm. Nhóm không uống rượu hoặc uống ít hơn chuẩn có 1069 người (82,87%) và có 221 người uống nhiều hơn chuẩn. Trong nhóm không uống rượu có 222 (20,77%) người tăng acid uric, nhóm có uống rượu nhiều hơn chuẩn có 74 người tăng AU với 33,48%. So sánh 2 nhóm với χ2 = 16,75; p=0,000 cho thấy sự khác biệt rất có ý nghĩa giữa hai nhóm. Đo lường mối liên quan giữa 2 nhóm ta có PR = 1,69 [1,32 – 2,16];p=0,000 cho thấy có mối liên quan giữa uống nhiều rượu và tình trạng tăng AUM. Như vậy nhóm có thói quen uống rượu thì nguy cơ tăng AUM tăng lên 1,69 lần so với nhóm uống ít hoặc không uống rượu. Nồng độ AUM  của nhóm uống rượu nhiều hơn chuẩn là 5,8 ± 1,66 mg/dl cao hơn nhóm uống ít rượu là 5,37 ± 1,45 mg/dl và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê, p = 0,0001. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự như kết quả của Phạm Thị Dung trong nghiên cứu này tác giả chia ra các nhóm : ít uống rượu hoặc không, uống hàng tháng, hàng tuần và hàng ngày. Kết quả cho thấy nguy cơ tăng acid uric cũng tăng dần theo mức độ sử dụng rượu, bia. So với nhóm không hoặc hiếm khi uống thì sử dụng rượu, bia ở mức hàng tuần  làm  tăng  nguy  cơ mắc lên 2,3 và 1,8 lần. Nguy cơ này tăng lên tương ứng là 2,5 và 4,9 khi đối tượng sử dụng ở mức độ hàng ngày[1]. Nghiên cứu của Somchai Uaratanawong tại Thái Lan cho thấy những người có uống rượu có nguy cơ tăng AUM gấp 1,5 lần ở nam giới và 1,3 lần so với nữ, trong nghiên cứu này tác giả chia làm 2 nhóm có uống rượu bia hoặc không[9]. Nghiên cứu của Ling Qiu tại Trung Quốc cho thấy nhóm có uống rượu, bia có nguy cơ tăng AUM gấp 1,36 lần so với nhóm không uống hoặc đã ngưng uống[8]. Như vậy các nghiên cứu tại cộng động ở nước ta và các nước lân cận đều cho thấy uống rượu bia có liên quan đến tình trạng tăng AUM.

       4. Kết luận

       Qua nghiên cứu về AUM 1290 đối tượng có nguy cơ cao từ 35 tuổi trở lên, tại địa bàn tỉnh Cà Mau với kết quả thu được chúng tôi rút ra một số kết luận như sau :

       1. Tỷ lệ tăng AUM ở những người có nguy cơ cao từ 35 tuổi trở lên tại tỉnh Cà Mau là 22,95%, nam là 32,68% cao hơn nữ 14,07%. Nồng độ AUM của nam là 5,91±1,65 mg/dl cao hơn nữ 5,02±1,19 mg/dl.

       2. Các yếu tố liên quan đến acid uric máu

       - Nồng độ acid uric máu tương quan thuận trung bình và có ý nghĩa với huyết áp tâm thu, nồng độ creatinin, glucose máu; tương quan nghịch với HDL-c. Và nồng độ AUM cũng có mối tương quan chặt chẽ với giới tính, tăng huyết áp.

       - Tình trạng tăng AUM liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ tim mạch như: giới tính (OR=2,08); tăng huyết áp (OR=3,26);

       - Uống rượu làm tăng nguy cơ tăng AUM gấp 1,69 lần so với người không uống rượu.

CKII. Trần Quang khóa

Ths. BS. Huỳnh Ngọc Linh