Triển vọng mô hình nuôi tôm sú quảng canh kết hợp cá đối mục

       Những năm qua, ngoài đẩy mạnh phát triển nuôi trồng những loài thuộc ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành chức năng huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) còn không ngừng nghiên cứu tìm tòi, phát triển các mô hình mới, để đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nhằm giúp người dân có nhiều lựa chọn phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, điển hình là mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn, kết hợp với cá đối mục trong vuông tôm, đã cho thấy tín hiệu tích cực.

Anh Thạch Hoàng Duẩn (ấp Rạch Vẹt, xã Hiệp Tùng) đặt lú kiểm tra trọng lượng cá đối mục.

       Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp với cá đối mục được triển khai nuôi thí điểm tại hai xã: Hiệp Tùng và Hàng Vịnh. Theo đó, tôm sú được thả nuôi thành hai đợt, cá đối mục 1 đợt. Tổng lượng tôm sú giống thả hai đợt là 200.000 post, đợt 1 được thả vào ngày 18/11/2019, đợt 2 ngày 22/4/2020. Mật độ thả nuôi ở giai đoạn 1 là 100 con/m2 và giai đoạn 2 là 1,5 con/m2. Trong khi đó, cá đối mục được thả từ tháng 12/2019, mật độ 2.000 con/ha, kích cỡ từ 4 - 5cm.

       Do hộ nuôi thực hiện đúng quy trình dự án đề ra, cùng với sự tận tình hướng dẫn và quản lý chặt chẽ của nhóm chủ nhiệm dự án, nên tôm và cá đều phát triển tốt. Hiện nay, đã tiến hành thu hoạch xong tôm sú đợt 1 với trên 800kg/2 hộ; cá đối mục có trọng lượng từ 3 - 4 con/kg. Đồng thời, hiện nay tôm sú đợt 2 phát triển tốt, kích cỡ từ 25 - 30 con/kg.

       Anh Thạch Hoàng Duẩn (ấp Rạch Vẹt, xã Hiệp Tùng) là một trong 2 hộ được triển khai thực hiện thí điểm, cho biết: “Hiện tại, tôi đã thu hoạch gần hết số tôm sú đợt 1 là 400kg. Dự kiến tôm thu hoạch cả đợt 1 và đợt 2 từ 800kg trở lên. Còn đối với cá đối mục, hiện nay chưa thu hoạch, nhưng theo đánh giá của tôi, sẽ đạt khoảng 1,5 tấn”.

       Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, do dự án đang trong quá trình thực hiện, nhưng nhìn chung, theo đánh giá của ngành chuyên môn, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi thực nghiệm này là tương đối cao. Các hộ nuôi đều lợi nhuận khá cao. Đặc biệt, hai đối tượng này khi nuôi ghép sẽ bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh về thức ăn cũng như không gian sống. Thức ăn chủ yếu của cá đối mục là mùn bã hữu cơ nên khả năng làm sạch môi trường ao nuôi rất tốt, tạo điều kiện thuận lợi để tôm nuôi phát triển, hiệu quả trên cùng diện tích nuôi. Mặt khác, thị trường tiêu thụ hiện nay đang được mở rộng, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Anh Thạch Hoàng Duẩn cùng với cán bộ đánh giá chất lượng tôm và cá đối mục tại gia đình.

       Quy trình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn kết hợp với cá đối mục đơn giản, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, cũng như khả năng tiếp nhận kỹ thuật và vốn đầu tư của đa số người dân. Mô hình không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh bị cấm nên nâng cao chất lượng sản phẩm tôm, cá cũng như góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nghề nuôi một cách hiệu quả và bền vững.

       Từ kết quả trên cho thấy, mô hình này rất có tiềm năng và triển vọng phát triển ở huyện Năm Căn nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung. Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, kết quả mô hình nuôi này mang lại là hết sức thiết thực. Ông Nguyễn Nghi Lễ, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: “Với những kết quả mang lại như hiện nay, thời gian tới, Trạm sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo ngành, cũng như lãnh đạo địa phương tiếp tục nhân rộng phát triển mô hình này, để giúp người dân có thêm lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình”.

       Ngoài hiệu quả kinh tế, kết quả của dự án còn là mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, tạo điều kiện cho người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai có hiệu quả, nâng cao năng suất nuôi.

THANH VŨ