Trồng nông sản sạch bằng phân hữu cơ vi sinh được ủ bởi chế phẩm TDM EM.

       1. Lời nói đầu

       Đối với bữa ăn của người Việt Nam, rau, củ, quả là thành phần không thể thiếu, nó chiếm tỉ lệ gần bằng tỉ lệ protein, lipit hay tinh bột trong bữa ăn đó. Vì thế, việc sử dụng rau, củ, quả (hay còn gọi là nông sản) đảm bảo chất lượng và an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng là rất quan trọng, đặc biệt là với rau xanh – một loại thực phẩm rất cần thiết cho cơ thể của con người. Tuy nhiên, những loại nông sản được đưa ra thị trường rất ít khi đảm bảo được sự an toàn, có thể được trồng bằng phương pháp sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng mà bằng mắt thường thì những bà nội trợ không thể phân biệt được. Nhất là khi đây đang là thời đại của công nghệ và hóa chất, chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà không cần quan tâm đến đạo đức, sức khỏe người tiêu dùng. Đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm do ăn phải nông sản có dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học vượt mức quy định.

       Chính vì thế, dự án “Trồng nông sản sạch bằng phân hữu cơ vi sinh được ủ bởi chế phẩm TDM EM” được thực hiện bằng phương pháp không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng cũng như phân bón hóa học để sản xuất ra những sản phẩm sạch đúng theo yêu cầu của chúng ta như ngon, bổ, an toàn, tốt cho sức khỏe. Đây là dự án không chỉ phù hợp với từng hộ gia đình có diện tích, không gian đất nhỏ hẹp nhưng vẫn đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu rau sạch cho bữa ăn hàng ngày, mà hoàn toàn có thể áp dụng trồng với quy mô trang trại hữu cơ lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

       2. Trình tự thực hiện

       2.1 Quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm TDM EM

       Dụng cụ: giá, cuốc, xẻng, thùng tưới, bạt phủ

       Chuẩn bị nguyên liệu:

       + Phế liệu nông nghiệp: 400kg (Rơm, trấu, tro trấu và xơ dừa).

       + Phân chuồng: 100 kg (Phân gia súc, gia cầm được để cho khô trước khi phối trộn, ủ hoai).

       + Chế phẩm TDM EM: 0,5 kg (Được cung cấp bởi Trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương)

       Quy trình ủ: Vãi đều phân chuồng lên đống phế liệu nông nghiệp. Sau khi đã cho tất cả nguyên liệu vào thì tiến hành đảo đống nguyên liệu để tất cả thành phần được trộn thật đều với nhau.

       Nguyên liệu thô đã được trộn đều với nhau thì tiến hành vừa tưới nước đống nguyên liệu vừa trộn để cho nước có thể làm ướt hoàn toàn đống ủ. Lượng nước tưới ướt khoảng 60% thành phần đống nguyên liệu là đủ. Khi đống nguyên liệu được làm ướt hoàn toàn thì để yên khoảng 30 phút cho nước, phân thấm đều vào tất cả thành phần của nguyên liệu. Đồng thời tiến hành hoạt hóa chế phẩm sinh học TDM EM bằng cách bơm khoảng 20 lít vào thùng chứa, cho 0,5kg chế phẩm và khấy đều. Quy trình tiến hành theo sơ đồ Hình 1.

  Hình 1: Quy trình ủ hoai phế liệu nông nghiệp bằng chế phẩm TDM EM

 

Hình 2: Đống ủ được phủ bạt kín

Hình 3: Phân hữu cơ vi sinh

       2.2 Tiến hành trồng một số nông sản bằng phân hữu cơ vi sinh

       + Trồng cà chua bi Nhật Bản

       Tiến hành: Trộn đều 60% đất (tơi xốp, không nhiễm phèn, mặn, không lẫn hạt cỏ dại) với 40% phân hữu cơ vi sinh đã được ủ hoai bằng chế phẩm TDM EM. Sau đó cho hỗn hợp vào thùng xốp và chậu xi măng. Hạt giống cà chua bi Nhật Bản gieo ươm trong chậu gồm hỗn hợp đất và phân hữu cơ, tưới nước phù hợp cho hạt nảy mầm và phát triển thành cây cao khoảng 5-7cm.

Hình 4: Cà chua bi Nhật Bản (giai đoạn sinh trưởng)

Hình 5: Cà chua bi Nhật Bản (giai đoạn phát triển và thu hoạch)

       Sau đó dùng xẻng nhỏ chiết ra từng cây (tránh làm đứt rễ ảnh hưởng sức khỏe của cây con). Trồng vào thùng xốp và chậu xi măng 1 hoặc 2 cây tùy vào kích thước của thùng xốp và chậu xi măng.  

       Chăm sóc: tưới nước hằng ngày bằng hệ thống đường ống được thiết kế, lặp đặt nhỏ giọt cho từng cây đảm bảo ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và cung cấp nước thường xuyên cho cây. Khi cà chua phát triển đến giai đoạn bắt đầu trổ bông dùng cây tre hoặc cây sậy cặm làm giàn cho cà chua leo, bám, giử cố định cây cà chua tránh ngã đỗ.

       Thu hoạch: Khi quả cà chua chín đỏ đều thì tiến hành thu hoạch.

       + Trồng rau xà lách lá dún

       Tiến hành: Trộn đều 60% đất (tơi xốp, không nhiễm phèn, mặn, không lẫn hạt cỏ dại) với 40% phân hữu cơ vi sinh đã được ủ hoai bằng chế phẩm TDM EM. Sau đó cho hỗn hợp vào thùng xốp và chậu xi măng.

       Hạt giống xà lách lá dún (của Công ty hạt giống Chánh Nông) được gieo ươm trong chậu gồm hỗn hợp đất và phân hữu cơ vi sinh, tưới nước phù hợp cho hạt nảy mầm và phát triển thành cây con cao khoảng 3cm. Sau đó dùng xẻng nhỏ xới đất và chiết ra từng cây một (tránh làm đứt rễ ảnh hưởng sức khỏe của cây con). Trồng vào chậu nhựa nhỏ, vỏ dừa, vỏ chai nhựa mỗi dụng cụ 1 cây, trồng 5 cây vào chậu xi măng, trồng trên luống với khoảng cách hàng cách hàng là  25cm.

       Chăm sóc: tưới nước hằng ngày bằng hệ thống đường ống được thiết kế, lặp đặt dạng phun sương và nhỏ giọt đảm bảo ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và cung cấp nước thường xuyên cho rau xà lách dún. Tiến hành quan sát, theo dõi, đo các chỉ tiêu kích thước chiều cao, số lượng lá, chiều rộng phiến lá để đánh giá, so sánh giữa các thí nghiệm.

       Thu hoạch: Sau 40 ngày, cải xà lách lá dún đạt chiều cao khoảng 18-20cm, chiều rộng phiến lá 13-15cm thì thu hoạch.

Hình 6: Xà lách lá dún (mới trồng và sắp thu hoạch)

       Quá trình sinh trưởng của xà lách lá dún được quan sát, theo dõi thể hiện qua các tiêu chí về số lượng lá, chiều cao của cây, chiều rộng của phiến lá và khối lượng của một cây khi thu hoạch. Kết quả cho thấy, hầu hết các nghiệm thức có sử dụng phân hữu cơ vi sinh đã được ủ hoai bằng chế phẩm TDM EM cho kết quả tốt hơn so với nghiệm thức đối chứng là chỉ trồng xà lách lá dún trên đất tự nhiên và bón phân hóa học.

       + Trồng rau má vườn trên luống

       Trải đều 1 lớp dày 10cm gồm đất và phân hữu cơ vi sinh đã được trộn đều.

       Giống rau má vườn được ươm trong chậu gồm hỗn hợp đất và phân hữu cơ vi sinh, sau đó dùng xẻng nhỏ xới đất và chiết ra từng bụi cây (tránh làm đứt rễ ảnh hưởng sức khỏe của cây con), trồng trên luống với khoảng cách hàng cách hàng là  25cm một bụi cây con.

       Chăm sóc: tưới nước hằng ngày bằng hệ thống đường ống được thiết kế, lặp đặt dạng phun sương đảm bảo ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và cung cấp nước thường xuyên cho rau má vườn.

       Thu hoạch: Sau 35-30 ngày, rau má đạt kích thước lá rộng khoảng 4-5cm thì thu hoạch bằng cách cắt với phần cuốn lá dài 3-4cm.

Hình 7: Rau má vườn

       + Trồng cây đậu bắp

       Tiến hành: Trộn đều 60% đất (tơi xốp, không nhiễm phèn, mặn, không lẫn hạt cỏ dại) với 40% phân hữu cơ vi sinh đã được ủ hoai bằng chế phẩm TDM EM. Dùng xẻng đào lỗ có đường kính 20cm, độ sâu 20cm, sau đó cho hỗn hợp đất và phân hữu cơ vào lỗ, trồng với khoảng cách như sau: hàng cách hàng 0,8m, cây cách cây 0,8m. Hạt giống đậu bắp của Công ty hạt giống Chánh Nông, gieo 2 hạt giống trực tiếp vào mỗi lỗ đất sao cho 2 hạt cách nhau 8-10cm.

       Chăm sóc: tưới nước hằng ngày bằng hệ thống đường ống được thiết kế, lặp đặt nhỏ giọt cho từng cây đảm bảo ít tốn công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và cung cấp nước thường xuyên cho cây. Cây đậu bắp sinh trưởng đến giai đoạn trổ bông, kết trái.

       Thu hoạch: Khi trái đậu bắp đạt kích thước nhất định (chiều dài trái khoảng 17-20cm, đường kính trái khoảng 2,5-3cm), trái không già thì tiến hành thu hoạch.

Hình 8: Đậu bắp đang sinh trưởng phát triển, sản phẩm thu hoạch

        3. Kết luận

       Dự án “Trồng nông sản sạch bằng phân hữu cơ vi sinh được ủ bởi chế phẩm TDM EM” đã đạt được những mục tiêu đề ra. Quy trình ủ hoai phân hữu cơ vi sinh từ các nguồn phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, tro trấu, xơ dừa và phân chuồng bằng chế phẩm sinh học TDM EM. Phân hữu cơ vi sinh này đã được sử dụng để trồng một số loại nông sản sạch như cà chua bi Nhật Bản, rau xà lách lá dún, rau má vườn, đậu bắp với các nghiệm thức khác nhau cho hiệu quả cao, và khác biệt khi so sánh với nghiệm thức đối chứng. Trong quá trình gieo trồng, các phương pháp tưới nước như phun sương, nhỏ giọt được thiết kế, lắp đặt đem lại hiệu quả cao như tiết kiệm công sức chăm sóc, tiết kiệm lượng nước tưới, đáp ứng nhu cầu nước đủ và liên tục cho cây. Từ đó quá trình sinh trưởng phát triển của cây, rau tốt, đem lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng rau sạch cho hộ gia đình. Dự án sẽ tiếp tục triển khai với quy mô rộng lớn hơn như trang trại khép kín chủ động sản xuất nguồn phân hữu cơ vi sinh, sử dụng trồng nông sản sạch cung cấp nhu cầu thị trường với thương hiệu phân hữu cơ, thương hiệu nông sản sạch uy tín, chất lượng.

Nguyễn Trần Vĩnh Khang, Võ Tấn Kiệt, Nguyễn Văn Quý

Trường THPT Phan Ngọc Hiển