Xu hướng trồng rừng bằng giống cấy mô

       Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), cả tỉnh hiện có 3 DN (Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn, Công ty TNHH Vũ Hà, DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh) sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với năng lực khoảng 26 triệu cây/năm.

       Sản xuất giống cấy mô từ năm 2005 với năng lực bình quân 10 triệu cây/năm, đến nay khách hàng của DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh đã phát triển ra cả nước. Bà Phan Thị Hạnh, Giám đốc DN, cho biết: “Cây giống cấy mô có rất nhiều ưu điểm. Từ lâu, chúng tôi đã đưa vào sản xuất nhiều cây giống cấy mô mới, như: bạch đàn lai, keo lá tràm. Ngoài ra, cả khi sản xuất cây giống keo lai giâm hom, chúng tôi cũng theo phương pháp không sử dụng túi bầu, vừa giúp giảm chi phí vận chuyển, vừa bảo vệ môi trường”.

Phòng nuôi cấy mô của DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh.

       Năm 2010, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn đầu tư dây chuyền với công suất thiết kế 10 triệu cây giống cấy mô/năm. Hiện, mỗi năm công ty sản xuất 3 - 5 triệu cây keo lai cấy mô, trong đó công ty sử dụng khoảng 1 triệu cây để trồng rừng, còn lại bán ra thị trường. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Phòng Kỹ thuật của công ty, cho hay: “Tới đây, công ty sẽ chỉ sản xuất cây giống cấy mô. Đây là công nghệ sản xuất đòi hỏi công nhân phải có tay nghề cao nên chúng tôi đã triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực để phát huy tối đa công suất của dây chuyền nuôi cấy mô”.

       Theo ông Hà Văn Quân, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hà, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 6 triệu cây keo mô, bạch đàn mô và đang tính đến việc nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường đang liên tục tăng cao.

       Sử dụng giống cây cấy mô cho tỉ lệ sống cao, phát triển tốt, nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng hiệu quả sản xuất, đây là vấn đề được người trồng rừng luôn quan tâm. Ông Trần Ngọc Thái, một chủ rừng ở thôn An Đỗ, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, bộc bạch: “Tôi trồng 40 ha rừng, trong đó có hơn 200 nghìn cây keo lai cấy mô. Với mật độ khoảng 2.000 cây/ha, nếu dùng keo lai giâm hom chỉ mất khoảng 1,2 triệu đồng tiền giống, sử dụng giống cấy mô thì chi phí tiền giống cao gấp đôi. Song, xét về hiệu quả kinh tế khi rừng trồng đã được 6 - 7 năm tuổi thì keo lai cấy mô cho chất lượng gỗ tốt hơn, năng suất cũng cao hơn từ 30 - 40 tấn/ha so với keo giâm hom, thu lãi cao hơn 30 triệu đồng/ha!”.

       Nhiều chủ rừng ở TP Quy Nhơn, Tây Sơn, An Lão cũng cho biết họ chuộng cây giống cấy mô và sẽ chuyển dần sang dùng giống loại này khi có điều kiện. Các chủ rừng khẳng định, trong cùng điều kiện chăm sóc, giống keo lai cấy mô ít bệnh, thân lên thẳng, ít cành nhánh, đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Mặt khác, keo cấy mô có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh, ít ngã đổ.

       Đáp ứng xu hướng chuyển dịch trong chọn sử dụng cây giống lâm nghiệp, các DN chuyên sản xuất giống đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm), cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người trồng rừng về chọn giống cây lâm nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển trồng rừng gỗ lớn theo định hướng của tỉnh. Theo định hướng này, sử dụng giống cấy mô là hợp lý”.    

 ÐOÀN NGỌC NHUẬN

Nguồn: http://www.baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=5&macmp=5&mabb=124369