Ngày 25/6/2018, tại Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp với chủ đề: “Nuôi tôm - lúa đạt hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự diễn đàn có 128 đại biểu là đại diện lãnh đạo trung tâm khuyến nông, cán bộ khuyến nông của 07 tỉnh: Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cà Mau. Trong đó có 60 nông dân của tỉnh Cà Mau. Đại diện các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của tỉnh Cà Mau, cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương đến dự và đưa tin.
Toàn cảnh Diễn đàn
Canh tác tôm lúa ở ĐBSCL có lịch sử hơn 50 năm và phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. Đây là hình thức nuôi trồng được đánh giá có hiệu quả với chi phí đầu tư thấp. Tôm nuôi trong ruộng sử dụng chủ yếu thức ăn tự nhiên, ít dịch bệnh, tôm nuôi thương phẩm có chất lượng (do ít dùng hóa chất, kháng sinh), môi trường sinh thái được bảo vệ do lúa sử dụng các sản phẩm thải từ nuôi tôm, và mô hình nuôi trồng phù hợp với điều kiện sinh thái ở các vùng ven biển bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không có khả năng trồng lúa quanh năm.
Chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật phòng trị bệnh với vật phẩm tôm bệnh tại Diễn đàn
Tuy nhiên phát triển hệ thống tôm - lúa vùng ĐBSCL cũng đang đứng trước các thách thức, nhất là sự tác động của biến đổi khí hậu. Xu thế nước biển dâng, sự xâm nhập sâu, mùa khô kéo dài, nắng nóng, mùa mưa ngắn, lượng mưa ít, cộng với việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Mê Kông đang và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của hoạt động nông lâm ngư nói chung, hệ thống tôm lúa nói riêng ở ĐBSCL.
Ngoài ra, mô hình tôm - lúa vùng ĐBSCL cũng gặp nhiều khó khăn đến từ phía con người như: kỹ thuật tháo chua rửa mặn sau khi kết thúc vụ tôm để chuẩn bị cho vụ lúa chưa đảm bảo; thiết kế hệ thống công trình vuông/ruộng không phù hợp với điều kiện canh tác kết hợp, chất lượng tôm giống, lúa giống chưa đạt chất lượng; kỹ thuật chăm sóc, quản lý ít được người dân quan tâm...
Diễn đàn đã nhận 30 câu hỏi của nông dân tham dự về các vấn đề trong nuôi tôm – lúa mà người nuôi thường gặp phải như: bệnh tôm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý môi trường nước, thức ăn, kỹ thuật nuôi tôm, thu hoạch tôm… Các câu hỏi đã được 06 chuyên gia giải đáp thỏa đáng, dễ hiểu, dễ nhớ. Cũng tại Diễn đàn, nông dân đã mang tôm bị bệnh đến để được chuyên gia tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp.
Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau cho biết, mô hình nuôi tôm - lúa ở Cà Mau là một trong năm loại hình nuôi tôm cơ bản của tỉnh. Hiện nay, diện tích tôm - lúa của tỉnh Cà Mau đứng thứ hai về diện tích tôm - lúa trong vùng ĐBSCL với trên 50 ngàn ha, chiếm gần 18%. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển mô hình tôm – lúa như: Chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện chương trình quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh, thực hiện nghiêm lịch thời vụ sản xuất của từng đối tượng, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lúa, tôm có nhu cầu xây dựng vùng sản xuất có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho chế biến, xuất khẩu đầu tư vốn, khoa học và kỹ thuật vào các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu mặt hàng thủy sản trong và ngoài nước; Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu tôm sinh thái Cà Mau, lúa gạo hữu cơ; Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản; Khuyến khích nhân rộng mô hình kiểm soát, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, ASC...
Tổng kết Diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị:
- Đối với các cơ quan quản lý: Cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi; quy hoạch vùng nuôi; quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, an toàn thực phẩm; tiếp tục bổ sung kinh phí xây dựng mô hình nuôi tôm an toàn thực phẩm; xây dựng mối liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, tổ chức lại sản xuất, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất gắn với doanh nghiệp.
Các đại biểu tham quan và trao đổi với chủ mô hình nuôi tôm - lúa tại tỉnh Cà Mau
- Đối với các cơ quan nghiên cứu: tiếp tục nghiên cứu để tạo ra con giống sạch bệnh, tiến tới kháng bệnh; nghiên cứu nhiều mô hình hay, mới, hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển giao cho nông dân.
- Đối với trung tâm khuyến nông các tỉnh: xây dựng chuyển giao các mô hình đạt hiệu quả cao, bền vững trong nuôi trồng thủy sản, các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi công nghệ cao, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường. Tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền về mô hình để nhiều người làm theo.
- Đối với cơ quan thông tấn báo chí, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động thông tin tuyên truyền về các mô hình hiệu quả, mô hình mới để cho bà con học tập và nhân rộng.
- Đối với bà con nông dân cần lưu ý để nuôi tôm hiệu quả và bền vững cần thiết kế hệ thống ao nuôi đồng bộ, đảm bảo nguồn nước nuôi, độ dốc ao phù hợp. Lựa chọn con giống tốt mua ở cơ sở uy tín, được kiểm định, đủ kích cỡ, tạo thức ăn tự nhiên. Quản lý môi trường nuôi, duy trì hệ vi sinh vật có lợi, sử dụng chế phẩm sinh học. Tăng sức đề kháng cho tôm bổ sung vitamin, thảo dược. Quản lý thức ăn tốt cho ăn đúng liều lượng... Ngoài ra, nên tham quan trước khi làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới; chuẩn bị đầy đủ vật chất, trang bị kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới, làm từ nhỏ đến lớn, ghi chép sổ sách nhật ký, rút kinh nghiệm cho vụ sau. Đồng thời thực hiện tốt 5 cao 3 thấp (5 cao là: tốc độ sinh trưởng cao, tỷ lệ sống cao, năng suất cao, hiệu quả cao, số vụ thành công cao; 3 thấp là: chi phí sản xuất thấp, giá thành thấp, thiệt hại thấp).
Nguyễn Nhung - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia