Cây Keo lai là tên gọi của giống lai tự nhiên giữa Keo tai tượng và Keo lá tràm.
Đây là giống có nhiều đặc điểm hình thái trung gian giữa cây bố và cây mẹ.
Cây có thể cao đến 25 - 30 m, đường kính có thể đạt tới 50 - 60cm; gỗ thẳng, có màu vàng trắng, có vân, giác lõi phân biệt, cây nhỏ làm nguyên liệu giấy, cây lớn sử dụng trong xây dựng, đóng đồ mộc mỹ nghệ, hàng hóa xuất khẩu.
Ở Cà Mau đã và đang trồng nhiều keo lai ở các huyện như U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình...
Hiện nay, giống cây keo lai cũng đã được sản xuất rất nhiều tại Cà Mau.
Keo lai giâm hom có những ưu điểm gì so với các giống cây lâm nghiệp khác? Muốn hiểu rõ về keo lai giâm hom chúng ta làm phép so sánh đặc tính của hai loại cây Keo tai tượng (ươm bằng hạt) với keo lai (giâm hom) để thấy rõ sự khác biệt giữa hai loài này.
Keo lai (giâm hom) | Keo tai tượng (hạt) |
- Dễ trồng, thích hợp trồng trên lập địa tại Cà Mau. | - Dễ trồng, thích hợp trồng trên lập địa tại Cà Mau. |
- Cây phát triển đồng đều, mang đầy đủ những ưu thế lai của cây mẹ, tính trạng phân ly ít, hệ số nhân giống lớn. | - Cây phát triển không đồng đều, không giữ nguyên được đặc tính bố mẹ, tính trạng phân ly cao, hệ số nhân giống thấp. |
- Cây có tốc độ phát triển và sinh trưởng nhanh. | - Cây có tốc độ phát triển và sinh trưởng chậm hơn keo lai. |
- Thời gian khai thác thu hoạch nhanh, chu kỳ sản xuất rút ngắn gần ½ thời gian từ khi trồng đến khi khai thác thu hoạch, sinh khối lớn và doanh thu cao so với cây tràm trên cùng điều kiện bản địa → 6 – 7 năm tuổi trữ lượng đạt 300 m³/ha | - Thời gian thu hoạch chậm → khoảng 7-8 năm tuổi, sinh khối thấp hơn so với keo lai. |
Vì những lý do trên mà các hộ dân có đất lâm nghiệp đang tích cực mở rộng diện tích trồng rừng Keo lai. Thật vậy, với nhiều ưu điểm của cây trồng bằng phương pháp giâm hom mang hiệu kinh tế, rút ngắn chu kỳ sản xuất hơn so với phương pháp trồng cây truyền thống ươm bằng hạt.
Trong sản xuất cây lâm nghiệp chất lượng giống cây trồng là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất, sản lượng và hiệu quả đầu tư.
Hom giống quyết định sự thành bại trong việc trồng rừng. Đặc tính di truyền của cây mẹ tốt mới cho cây giống tốt.
Hom giống phải chọn những hom tốt đạt yêu cầu: khoẻ mạnh, không mang mầm bệnh, lấy từ những cây mẹ đã được tuyển chọn trong vườn giống.
Qui trình kỹ thuật giâm hom keo lai
1. Vườn cây đầu dòng:
Xây dựng vườn giống phải được Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn công nhận, trồng đúng dòng tiến bộ kỹ thuật trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép, cây giống thích hợp sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện bản địa.
Vườn giống lấy hom chậm nhất là sau 4 năm phải hủy bỏ để thay thế lại cây giống gốc mới tăng năng suất rừng trồng.
Vườn giống có chế độ chăm sóc, bón phân, tưới nước tốt để lượng hom khai thác được nhiều và chất lượng đảm bảo. Thường xuyên tạo chồi loại bỏ những hom vượt và không đạt tiêu chuẩn lấy hom.
Vườn Keo lai giống lấy hom tại Trung tâm Giống Nông nghiệp Cà Mau trồng 2 dòng keo lai BV10, BV16 nằm trong danh mục của Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật. Và được công nhận là vườn cây đầu dòng.
2. Kỹ thuật cắt cành và giâm hom:
Dùng kéo hoặc dao sắc để cắt cành từ vườn giống lấy hom. việc cắt cành phải tiến hành vào buổi sáng.
Cành đã cắt phải được bảo quản nơi râm mát hoặc ngâm gốc cành vào nước. Khi cắt cành phải để lại ở phần gốc ít nhất 2 đôi lá.
Những cành có nhiều chồi phụ chưa thể làm hom thì cần được giữ lại để cắt lần sau.
Tùy mức độ phát triển của cành mà quyết định thời gian cắt đợt tiếp theo, sau đó cứ 15 - 20 ngày cắt một lần. cắt cành xong phải dọn vệ sinh gốc bằng cách phun thuốc, xới đất quanh gốc và bón thúc NPK.
Cành đã cắt ra sẽ dùng kéo sắc cắt thành hom để giâm. Chiều dài hom 8 - 10cm, mỗi hom có 3-5 lá và phải cắt bớt 2/3 diện tích phiến lá. Phần gốc hom cắt vát 45o.
Xử lý và giâm hom: hom đã cắt được ngâm ngay vào dung dịch Viben C trong 15 phút, sau đó vớt ra chấm gốc hom vào hỗn hợp có chứa chất kích thích ra rễ và cấy ngay vào chính giữa bầu đã chuẩn bị sẵn trên luống giâm, mỗi bầu cấy 1 hom, độ sâu cấy hom khoảng 2 - 3cm.
Hom cắt tới đâu phải cấy ngay tới đó, không được để hom qua đêm.
3. Chăm sóc hom giâm và cây hom:
Tưới ẩm cho hom giâm bằng hệ thống tưới phun sương tự động. Giai đoạn đầu giâm hom thời gian phun sương 3-4 phút/lần, mỗi lần 10-15 giây, giai đoạn hom có rễ và có lá mới, thời gian phun sương 5-7 phút/lần, mỗi lần 10-15 giây, thời gian sau khoảng cách giữa 2 lần phun giảm dần.
Sau khi giâm hom 1-1,5 tháng tiến hành đảo bầu và lựa cây có cùng chiều cao.
Lưu ý: Quá trình đảo bầu cần lợp lưới che nắng. Khi cây sống ổn định thì tháo bỏ lưới che và chăm sóc cây. Định kỳ 15-20 ngày xới đất phá váng 1 lần, nhổ sạch cỏ, tưới thúc bằng phân NPK định kỳ 2-3 lần/tháng và tưới đủ ẩm tuỳ theo điều kiện thời tiết cụ thể. Phòng trị nấm bệnh Viben C định kỳ 10 ngày/lần.
4. Cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn đem trồng:
- Cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, không bị bệnh.
- Không cụt ngọn vỡ bầu, các đôi lá mọc ra đều, lá xanh tốt;
- Đường kính cổ rễ :2-3 mm
- Chiều cao cây: 25-30cm.
- Tuổi cây: 2- 3 tháng
Tóm lại: Khâu chọn giống đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của việc trồng cây phân tán dài ngày, với những thông tin mà chúng tôi cung cấp, các hộ dân sẽ có sự lựa chọn hom giống trong việc trồng rừng, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Xin cảm ơn quý vị và bà con nông dân.
Lưu ý: Không mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ, nên chọn mua cây giống từ cơ sở sản xuất uy tín.
Kỹ sư: Huỳnh Ngọc Phương Thúy
Trại Giống cây-Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau