Tại một số địa phương sản xuất lúa - tôm trong tỉnh Cà Mau thời gian qua khi đến thời điểm kết thúc mùa nắng thì mùa mưa đến, khi có lượng mưa tập trung hằng năm đó là lúc người dân vùng sản xuất lúa – tôm, chuẩn bị bước vào mùa vụ cho công việc sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm. Khi đến mùa vụ nhiều nơi được người dân tập trung cải tạo, tháo, xổ nước từ những tiến máy nổ chạy, tiếng chảy của những dòng nước được tháo từ trong vuông ra sông để tập trung rửa mặn, tích ngọt, hình ảnh của những người dân lom khom bên những luống mạ xanh tươi để nhổ mạ gieo cấy, những thúng lúa giống được ngâm ủ nẩy mầm trắng tươi để gieo sạ, những dòng người di chuyển lao động ngoài vuông đó là những hình ảnh đẹp của những người dân liên kết sản xuất cộng đồng trong nhiều năm qua đối với vùng đất sản xuất một vụ lúa trên đất nuôi tôm.
Sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm trong tỉnh chiếm tỷ lệ khá lớn trong diện tích nuôi tôm nước lợ ở một số huyện/thành phố trong tỉnh Cà Mau (khoảng trên 40.000 ha) và được coi là loại hình canh tác sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững tại nhiều địa phương trong vùng, đặc biệt là sản xuất theo hướng sản phẩm an toàn.
Trên những cánh đồng, thửa ruộng trồng lúa tại những khu vực trên vùng đất chuyển đổi bị nhiễm mặn thấp, bà con thường luân canh hoặc xen canh các đối tượng khác nhau trên cùng diện tích nhằm phát huy mối tương tác lẫn nhau giữa các loài thủy sản nuôi như (tôm sú, tôm càng xanh hoặc thủy sản khác…) với cây lúa trong hệ sinh thái ruộng lúa trên vùng đất nuôi tôm quảng canh cải tiến hằng năm của từng hộ, từng diện tích sản xuất mà trong nhiều năm qua người dân đã và đang thực hiện sản xuất trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt năng xuất, chất lượng và hiệu quả mang lại kinh tế ổn định cho hộ gia đình. Cụ thể vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2018 đạt năng suất trung bình khoảng 3,5 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 4,5 tấn/ha, tập trung nhiều ở vùng đất lúa – tôm của huyện Thới Bình và một số xã của huyện Trần Văn Thời và xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và khó lường của thời tiết và khí hậu như đã xảy ra trong vài năm gần đây, nhất là với các hiện tượng nắng nóng, khô hạn kéo dài, nước biển dâng cao và xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng thời gian qua, đòi hỏi phải có những biện pháp kỹ thuật phù hợp để cải tạo đất “giải mặn, tích ngọt” khi gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm, nhằm đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì hiệu quả của mô hình sản xuất này và góp phần phát triển bền vững và tạo ra chất lượng sản phẩm sạch, an toàn, đạt giá trị kinh tế cao.
Trước tình hình trên, để ứng phó với biến đổi khí hậu, và những bất lợi của thời tiết diễn ra, trong sản xuất lúa – tôm bà con cần chú ý biện pháp sau:
1. Biện pháp cải tạo, thiết kế lại đồng ruộng
Định kỳ sên vét lại kênh mương, gia cố bờ bao để duy trì ổn định mực nước trong ruộng lúa, hạn chế việc tăng độ mặn do nước trong ruộng bốc hơi hoặc thẩm thấu, cũng như hiện tượng xâm nhập mặn từ bên ngoài vào trong ruộng.
Nên trồng cây trên bờ bao để hạn chế gió, giảm lượng nước bốc hơi để hạn chế tăng độ mặn cho đồng ruộng.
Nên mở rộng mương bao và thiết kế thêm các mương theo kiểu “xương cá” bên trong ruộng để có thêm nơi cho tôm trú ẩn mỗi khi thời tiết thay đổi đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc xổ nước, rửa phèn, mặn. Tỷ lệ diện tích mương chiếm khoảng từ 25 - 30% diện tích ruộng được xem là hợp lý.
Nên thiết kế khu chứa nước và lắng nước riêng biệt để chủ động nguồn nước cấp cho ruộng và điều tiết độ mặn hợp lý của vuông khi đến vụ nuôi tôm.
Với các hộ gia đình có điều kiện hơn, có thể thiết kế thêm ao ương tôm giống để thực hiện quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 02 giai đoạn. Các ao này sẽ giúp người nuôi tôm chủ động hơn trong việc ương dưỡng tôm giống theo độ mặn được yêu cầu, hạn chế việc lấy nước mặn sớm vào đồng ruộng, hoặc có thể thả tôm nuôi để tăng năng suất và sản lượng, góp phần tăng thu nhập tích lũy cho người nuôi tôm. Cũng có thể tận dụng ao này để nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt, hoặc dùng tích chứa nước ngọt tại chỗ để chủ động tưới tiêu cho đồng ruộng trong trường hợp xảy ra nắng hạn cục bộ, thiếu nước ngọt.
Vì phần lớn ruộng lúa kết hợp nuôi tôm nằm trong các khu vực nội đồng có biên độ thủy triều lên xuống thấp và cũng là nơi thường xuyên bị hạn hán vào mùa khô và ngập nước vào mùa mưa nên các hộ nuôi cần trang bị máy bơm để bơm dự trữ nước khi nắng hạn, tránh tình trạng ruộng bị khô cằn kéo dài làm cho tình trạng mặn ngấm sâu vào đất và tích tụ dần trong đất, khiến việc rửa mặn cho ruộng gặp khó khăn.
(Nắng hạn cục bộ ruộng lúa thiếu nước ngọt
(Ruộng bị khô hạn kéo dài phèn, mặn ngấm sâu vào đất)
2. Biện pháp về kỹ thuật canh tác
Do người dân thường nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến tôm vào mùa nắng, sang mùa mưa lại trồng lúa hoặc xen canh trồng lúa kết hợp với nuôi tôm nên cần thực hiện biện pháp kỹ thuật phù hợp với các vụ canh tác vào các mùa khác nhau.
* Với vụ nuôi tôm vào mùa nắng:
- Số lần thả giống và mật độ thả giống: Phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật về mật độ tôm giống thả nuôi theo lịch mùa vụ được cơ quan quản lý chuyên môn địa phương hướng dẫn khuyến cáo, đồng thời kết hợp theo dõi diễn biến thời tiết cụ thể trong vùng để áp dụng cho phù hợp. Các nhà chuyên môn khuyến cáo số lần thả tôm giống thích hợp nhất trong mô hình tôm - lúa hiện nay là 2 - 3 lần/vụ và mật độ thả tối đa 2-3 con/m2, áp dụng theo quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 02 giai đoạn, sẽ làm cho tôm nhanh lớn và tạo thuận lợi cho việc chăm sóc tôm nuôi, chủ động trong khâu cải tạo, rửa mặn, tích ngọt đồng ruộng để kịp mùa vụ trồng lúa.
- Cỡ tôm giống thả phải phù hợp: Trong những lần thả tôm nuôi nên chọn tôm giống đã được ương sẳng từ các bể ương nuôi tôm 02 giai đoạn, để có tôm giống đạt kích cỡ lớn hơn (tôm giống ương sẵng của các bể ương tôm 02 giai ở địa phương) để hạn chế hao hụt khi thả nuôi, tôm nhanh lớn, kịp thu hoạch và tiến hành rửa mặn đồng ruộng chuẩn bị cho trồng lúa vào mùa mưa.
- Thường xuyên theo dõi độ mặn trong ruộng và kênh mương để chủ động điều chỉnh cho phù hợp, không để ruộng bị mặn nhiều và tích tụ mặn lâu ngày, gây khó khăn cho việc trồng lúa vào mùa mưa hoặc vào những năm tiếp theo.
* Với vụ trồng lúa vào mùa mưa:
- Khâu kỹ thuật quan trọng nhất là rửa mặn, giải mặn, tích ngọt cho ruộng lúa sau vụ nuôi tôm. Khi có những trận mưa lớn và tập trung đầu mùa, nên tranh thủ tận dụng để tháo rửa mặn, tích trữ nước ngọt cho đồng ruộng. Đảm bảo theo khuyến cáo độ mặn tốt nhất của ruộng trước khi xuống giống là thấp hơn 2‰.
- Phải chọn giống lúa phù hợp với điều kiện thời tiết của từng vùng. Đó có thể là các giống lúa mùa của địa phương, giống lúa trung ngày hoặc ngắn ngày. Nên chọn giống lúa ngắn ngày để trồng ở những vùng hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước mưa không có nguồn nước ngọt nào khác dẫn vào ruộng để trồng lúa.
- Giữ ổn định mực nước trong ruộng phù hợp với sự phát triển của cây lúa, không để đất bị khô sẽ làm tăng tình trạng mặn và tích tụ mặn trong đất ruộng. Khi nắng hạn cục bộ xảy ra, cần giữ mức nước cao trong ruộng và tích trữ tối đa nước ngọt ở những nơi có thể tích ngọt được như ao chứa và ao lắng, ao ương tôm giống hoặc ao nuôi tôm bán thâm canh….
Ngoài ra, nhằm hạn chế xâm nhập mặn vào ruộng, bà con canh tác theo mô hình sản xuất lúa - tôm có thể tính toán thời gian ương tôm giống trước trong ao ương vào lúc lúa chín hoặc lúc chuẩn bị thu hoạch lúa, hoặc có thể tận dụng mương vườn, bờ liếp để gieo mạ sẵn, khi cải tạo và rửa mặn cho ruộng xong là có mạ ngay để cấy. Việc ương tôm giống trước trong ao ương và gieo mạ sẵn sẽ giúp kéo dài thời gian nuôi tôm trong ruộng cũng như thời gian trồng lúa.
Sản xuất lúa - tôm là phương thức canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, về mùa nắng nóng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt và khô hạn, sang mùa mưa lại bị ngập nước. Do đó, hoạt động sản xuất riêng lẻ của các nông hộ sẽ có những trở ngại trong khâu cấp nước, chứa nước và xả nước, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc hạn chế xâm nhập mặn và kiểm soát mức nước trong ruộng. Vì vậy, các địa phương cùng người dân cần phát triển mô hình sản xuất theo hướng cộng đồng liên kết để việc quản lý được tốt hơn, đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả canh tác, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con và góp phần phát triển bền vững cho những vùng đất được chuyển đổi./.
KS. Trần Minh Chòi