Con cháu vua hùng ở hai điểm đầu tổ quốc: Lũng Cú – Cà Mau.

     Chót Mũi Cà Mau, điểm cực Nam đất liền của Tổ quốc và  Lũng Cú, điểm cực Bắc cùng với hai địa phương tỉnh Hà Giang - Cà Mau vừa có những nét khu biệt vừa có những tương đồng, đầy thú vị.

       Hà Giang có rừng rậm núi cao, suối sâu; Cà Mau có đồng bằng, sông nước kỳ vĩ. Rừng nguyên sinh Hà Giang, sánh với rừng đước, rừng tràm nguyên sinh Cà Mau. Hà Giang có mật ong hoa bạc hà, Cà Mau có mật ong rừng tràm. Hà Giang có cá dầm xanh, cá anh vũ thì Cà Mau có đặc sản cá dứa, sò huyết bãi bồi thơm ngon bổ dưỡng. Hà Giang có thắng cố thịt ngựa, Cà Mau có mắm ba khía Rạch Gốc. Hai món ăn truyền thống này, khách lạ phải làm quen mới dùng được. Hà Giang có con cá sứt mũi kỳ khôi, mình ốm tong teo như con rắn mỏ vọ, chỉ sống ở dưới suối, thì Cà Mau có con cá thòi lòi mắt lồi như cái bóng đèn điện, rất ngộ nghĩnh, chỉ sống ở vùng bãi bồi. Hà Giang có cơm lam Bắc Mê, Cà Mau có cơm nếp trộn cơm dừa bào mịn rất thơm và béo ngậy. Cháo tống Cà Mau sánh với cháo ấu tẩu Hà Giang, dâu Cái Tàu có thể sánh với hồng không hạt ở Quản Bạ. Cà Mau có nhiều đặc sản sánh với thổ sản Hà Giang. Sẽ thiếu một thương hiệu nếu như không nhắc đến. Đó là rượu ngô Thanh Vân sánh với rượu đế Năm Căn hay rượu Tân Lộc. Thắng cảnh, tài nguyên - giá trị khoa học của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn ứng với danh thắng, giá trị khoa học của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau. Hà Giang có khó khăn về nước sinh hoạt, Cà Mau có khó khăn về nước ngọt tự nhiên. Hà Giang có chợ tình Khâu Vai thi vị, Cà Mau có chợ nổi Phường 7 nên thơ. Sông Tam Giang hùng vĩ nhấn chìm tàu Mỹ, dòng Sông Lô lịch sử chôn vùi tàu Pháp trong 9 năm kháng chiến. 

Cột cờ Hà Nội - Ảnh Ngọc Lâm

       Các dân tộc ít người ở miền biên viễn cực Bắc có thể trò chuyện với người dân tộc Khmer ở vùng biển đảo Cà Mau qua tiếng Việt phổ thông mà không lo bất đồng về ngôn ngữ. Ví như ở Hà Giang có câu nhắn nhủ, chơi chữ:

       “Anh về, ghé chợ Yên Minh

       Thăm cô gái bán hành Kinh, tỏi Mèo” (hành của người Kinh thì thơm mà tỏi của người H’Mông thì ngon).

       Người Cà Mau cũng cũng có câu ca dân dã không thua kém gì:

        “Mù u, ba lá mù u

Vợ chồng gầy lộn, con... nhịn thèm”.

       Hai nhạc phẩm: “Hà Giang quê hương tôi” và “Về Cà Mau quê em” của hai nhạc sĩ khác nhau nhưng rất đồng cảm, đồng chủ đề gắn với tình yêu quê hương thiết tha, mặn mà.

       Ở Cà Mau đã có thời, lúa chất ngoài đồng, tôm cá đầy ao, mương, nhà không khóa cửa mà không bị mất trộm. Ở Hà Giang cũng thế, không bị mất cắp. Có một nghệ sĩ mang theo hai máy ảnh, nhưng mê sáng tác bỏ quên một máy bên lề đường, ba ngày sau quay lại nó vẫn còn y nguyên chỗ ấy. Có anh bộ đội ngồi trên xe để rơi cái ba lô xuống đường. Buổi chiều xe quay về, đã nhận ra cái ba lô ấy.

       Không phải là hi hữu, vì người H’Mông quan niệm: “Không phải đồ của tao thì tao không lấy”.

       Con đường từ thị xã Hà Giang đi bốn huyện miền núi, biên giới phía Bắc do Đảng và Bác Hồ chủ trương xây dựng, được đồng bào các dân tộc Hà Giang nhớ ơn, đặt tên là “Con đường Hạnh phúc”. Con đường hiểm trở dốc đá cheo leo, vực đèo ngoạn mục, thiên nhiên hùng vĩ mà người Pháp hơn nửa thế kỷ chiếm đóng vẫn không thể làm được, quan chức khi đi công cán phải dùng ngựa hay đi bộ, hay chất hàng hóa, công thư lên lưng trâu cho nó tự đi đến địa điểm giao hàng. “Vua Mèo” Vương Chính Đức có rất  nhiều tiền của cũng đành phải bó tay để rồi mỗi lần đi thị xã, Chính Đức, Chí Phìn phải nằm võng cáng để 6 trai tráng thay phiên khiêng đi mấy ngày đường. Họ Vương có nhiều tiền của và địa vị xã hội hơn cả cha con Trần Trinh Trạch và Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Là thủ lĩnh tinh thần cùa các dân tộc vùng cao, nhưng họ Vương không khoe của, hám danh, không theo Pháp, không nghe Tưởng mà gắn bó với dân, đóng góp vào “Tuần lễ vàng” số tiền, vàng cực lớn, được Bác Hồ trọng dụng, mời tham gia thành viên Chính phủ.

       Cà Mau xưa thì không có đường bộ, đi đến Sóc Trăng phải đi bằng xuồng do trâu cộ, vượt qua đồng sậy, lạch nước mất cả tuần lễ. Đi nhận sắc phong có khi phải cử người đi bộ, đi thuyền ra Triều đình Huế mất mấy tháng trời.

       Đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi, nối liền Hà Giang - Cà Mau hơn 2.000 cây số. Không dễ dàng thi công khi con đường phải vượt qua gần trăm cây số đất sình lầy, sông rạch dày đặc.

       Các dân tộc ít người ở miền núi cao Hà Giang chất phát, nghĩa tình, cần cù, anh dũng cũng như người Việt, người Khmer, người Hoa ở Cà Mau: trọng nghĩa khinh tài, hào hiệp, hết lòng với cách mạng, hết mình với bạn bè. Nếu như người Việt, người Khmer, người Hoa đến định cư lập làng ở Cà Mau vào cuối thế kỷ XVII, thì nhiều dân tộc thiểu số cũng định cư ở Hà Giang cách nay hơn 300 năm. Riêng người H’Mông đến đất Hà Giang muộn hơn chút ít, do đến muộn, không còn cánh đồng, thung lũng thì họ lên đỉnh núi cao, địa thế bất lợi để canh tác.

       Người Cà Mau dùng lương thực chính là lúa gạo nấu cơm, người H’Mông Hà Giang dùng khẩu phần chính là ngô (bắp), chế biến thành mèn mén. Ngày xưa, lúa ở Cà Mau rải hạt là có thu hoạch, ít phải làm cỏ, bón phân. Nhưng bắp ở Hà Giang thì phải tra hạt vào các hốc đá, phải đổ đất, phân rác cho từng hốc cây thì mới tốt tươi trên cao nguyên đá.

Tượng đài Mẹ tổ quốc - Ảnh Ngọc Lâm

       Cột cờ Lũng Cú đặt trên đỉnh núi Rồng, cao 1470m, tọa độ 23°21’49’’ vĩ Bắc, 105°18’58’’ độ kinh Đông, là điểm cực Bắc, luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia.

       Mũi Cà Mau là điểm cực Nam trên đất liền của Tổ quốc Việt Nam. Tại đây có cột mốc quốc gia ghi số hiệu GPS 0001; Cột cờ và biểu tượng Mũi Cà Mau, tọa độ 8°37’30’’ độ vĩ Bắc- 104°43’ độ kinh Đông từ lâu đã là điểm cực Nam đất liền xác nhận chủ quyền đất nước ta “Liền một dải”.

       Hai xã: Lũng Cú (huyện Đồng Văn) và Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) là hai địa phương ở cách nhau hơn 2.000 cây số nhưng là hai điểm cực Bắc, cực Nam tương xứng, tương đồng, gắn với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước, gắn với tổ tiên con cháu Vua Hùng. Và còn nhiều lắm những nét văn hóa tương đồng Cà Mau – Hà Giang…

Tác giả: Phạm Anh Hoan