Các sản phẩm chăn nuôi hiện luôn có nhu cầu lớn nhưng lại nhiều nguy cơ dịch bệnh làm thiệt hại cho người nuôi, gây biến động giá cả thị trường, ảnh hưởng đời sống người dân liên quan, nên cần phải có sự tổ chức, quy hoạch lại ngành sản xuất rất quan trọng này sao cho đảm bảo người nuôi có lãi và người tiêu dùng luôn có được nguồn thực phẩm sạch, an toàn và giá cả ổn định.
Trước thực trạng chăn nuôi nước ta đa số thuộc dạng nông hộ hay trang trại nhỏ lẻ, phân tán ở trình độ kỹ thuật thấp, không an toàn về mặt sinh học, nên dịch tả lợn Châu Phi chỉ mới sau thời gian ngắn bùng phát đã lây lan tới 60/63 tỉnh thành, đặt ra cho ngành chăn nuôi nhiều bài toán khó bên cạnh nhiều loại dịch bệnh khác vẫn thường năm gây thiệt hại cho người nuôi, đòi hỏi ngành chức năng, địa phương cần sớm có sự đổi mới mang tính căn cơ, toàn diện và bền vững hơn.
Cần có quy hoạch vùng nuôi cho từng đối tượng và cả mùa vụ né bệnh.
Trước tiên ngành chủ quản và mỗi địa phương cần có quy hoạch vùng được phép chăn nuôi cho từng đối tượng chính, phụ và cả mùa vụ cần né bệnh phù hợp điều kiện cụ thể, để khắc phục tình trạng nuôi hổn hợp “nhiều loại con” và nuôi đan xen, nhỏ lẻ trong nội ô, khu dân cư sẽ dễ lây nhiểm chéo và ô nhiểm môi trường. Cần có giải pháp cương quyết loại khỏi vùng nuôi được quy hoạch cho đối tượng nuôi chính những con vật khác kể cả chim thú cảnh, mèo chó hoang… và phải xử phạt nặng, tiêu hủy ngay hay thả về tự nhiên để răn đe.
Mặc dù chăn nuôi nhỏ lẻ cũng hỗ trợ cho phát triển kinh tế nông hộ trong điều kiện suôn sẻ bình thường ở chừng mực nhất định nên trước đây được khuyến khích, bảo vệ. Nhưng nay tình hình kinh tế, đời sống, xã hội, khoa học… đã phát triển khá có nhiều đổi khác nên loại hình chăn nuôi này không còn phù hợp. Bởi khi có loại dịch bệnh nào đó, nhất là loại bệnh dễ lây lan, lây lan nhanh, khó ngăn chặn như dịch tả châu Phi hiện tại, hay bệnh heo tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng… thì nuôi nhỏ lẻ sẽ có nguy cơ cao và trở thành nguyên nhân, mầm móng gây thảm họa cho cả vùng, ảnh hưởng lớn cho cả ngành chăn nuôi một đối tượng nuôi nào đó. Vì do kỹ thuật chăm sóc, phòng trị kém, khi dịch bệnh xuất hiện, chăn nuôi nhỏ lẻ không ngăn chặn kịp thời, triệt để sẽ lây lan, thì không chỉ hại riêng mình, mà còn là mối nguy cơ cho người chăn nuôi lớn, hiện đại, bài bản.
Thực hiện bảo hiểm qua đăng ký, khai báo trong chăn nuôi
Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đã trở nên tiện lợi và cũng dễ dàng, nên Ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện quy định pháp luật theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP (ngày 18 tháng 04 năm 2018), về bảo hiểm trong nông nghiệp, đã có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 6 năm 2018, buộc mọi hộ chăn nuôi lớn, nhỏ đều phải đăng ký ban đầu khi khởi đàn và báo cáo bổ sung, điều chỉnh biến động theo tuần, tháng… đến xuất chuồng từng vụ nuôi, hoặc khi có sự cố phải tiêu hủy do dịch bệnh để đảm bảo tính chính xác, công bằng trong hỗ trợ. Nếu người nuôi không thực hiện đăng ký, không báo cáo biến động do dịch bệnh, hoặc xuất chuồng lần trước không khai báo… thì kiên quyết không hỗ trợ khi có sự cố dịch bệnh phải tiêu hủy, mà ngược lại cần phải có hình thức xử lý thỏa đáng để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và sự công bằng, bình đẳng trong thực hiện các chính sách.
Qua “cơn bão” dịch tả heo châu Phi lần này đã khiến người nuôi heo nhiều nơi trở nên điêu đứng, thậm chí phá sản do có heo bệnh bị tiêu hủy lớn. Thủ tướng Chính phủ ngày 27/6/2019 đã ban hành Quyết định 793/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi và có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019. Chắc chắn nhà nước sẽ phải chi hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại khoản ngân sách không hề nhỏ. Cho thấy vấn đề bảo hiểm vật nuôi sẽ mang lại cho nông dân và cả phía Nhà nước rất nhiều điều hữu ích, thiết thực và trở nên cần thiết, cấp bách hơn lúc nào hết.
Vì thế đã đến lúc cả nước cần tổ chức lại ngành chăn nuôi nước ta và thực hiện bảo hiểm vật nuôi sao cho bài bản, khoa học và hiện đại hơn, bằng việc quản lý đăng ký, khai báo biến động đàn từ các hộ nuôi và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời trong quá trình nuôi để nghề chăn nuôi gia súc gia cầm thành ngành mũi nhọn, đủ sức đáp ứng tốt nhu cầu người dân, có khả năng điều tiết thị trường cao, an toàn và ổn định, bền vững.
Cần hoàn thiện chính sách và nghiên cứu cải tiến cách xử lý xác thú
Về lâu dài, để tránh thiệt hại cho nông dân và để ngành chăn nuôi luôn phát triển ổn định nhằm đạt được những yêu cầu nêu trên, nước ta nên tập dợt cho người dân dần biết tôn trọng kỷ cương luật pháp để cùng hướng đến thực thi Luật Chăn nuôi (số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018), sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 nhằm xây dựng nền chăn nuôi an toàn, hiện đại và bền vững.
Đặc biệt, đã đến lúc các ngành chức năng liên quan cần nghiên cứu các loại hình xử lý, thiết bị, công cụ tiêu hủy thú bệnh, xác thú chết sao cho có tính cơ động cao, triệt để, phù hợp từng loại mầm bệnh, tùy đối tượng và quy mô đàn phải tiêu hủy, nhằm khống chế, dập dịch tốt hơn để thay thế cho những cách xử lý bằng chôn lắp hiện hữu đã tỏ ra không còn tác dụng tốt, hiệu quả kém, khó kiểm soát về nhiều mặt và không thật triệt để. Bởi đã qua có trường hợp bị kẻ trộm đào bới lấy xác thú đã được xử lý bằng chôn lấy thịt ăn hoặc mua bán phi pháp, hay chôn lắp hàng trăm con lợn trọng lượng lớn mà chỉ vài chục, vài trăm ký vôi, hóa chất thì e rằng không phù hợp, không an toàn khiến không khống chế được các ổ dịch ban đầu dù được phát hiện khá sớm, xử lý nhanh mà vẫn lây lan mạnh. Vì vậy nên xem lại giải pháp xử lý bằng chôn lắp liệu có thật sự an toàn, hiệu quả hay chỉ là việc làm “cho khuất mắt” để rồi sau đó mầm dịch bệnh rò rỉ theo nước, theo ruồi nhặn, chim chuột lây lan và bùng phát trở lại.
Ngoài ra ngành chăn nuôi thú y cũng cần tiếp tục rà soát lại, nghiên cứu thêm các quy định liên quan lĩnh vực chăn nuôi để kịp thời cập nhật điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp tình hình mới, theo hướng tiến tới nền chăn nuôi hiện đại, có quy hoạch cân đối, hài hòa giữa các đối tượng nuôi, mùa vụ chính, phụ một cách bài bản, được chuyên canh, công nghiệp hóa cao và có tính an toàn dịch bệnh một cách bền vững để thuận tiện cho thực thi Nghị định số 58/2018/NĐ-CP đại trà sau này. ./.
Mục Đồng