Từ nhiều năm qua bồn bồn tươi và dưa bồn bồn được xem là mặt hàng thực phẩm đặc sản địa phương Cà Mau, xem như một món rau tươi sạch tuyệt hảo và “kim chi lạ Phương Nam”, rất khoái khẩu và khó kìm lòng trong các bữa ăn đối với du khách các tỉnh bạn mới đến thăm Cà Mau lẫn mọi người dân bản địa. Nên từ một loại cây hoang dại “giá bèo” nhưng có khả năng mọc tốt trên vùng đất xấu, trũng thấp và bị nhiễm phèn mặn nhẹ, đã dần trở thành cây trồng chuyên canh tạo ra được nhiều việc làm, cho bà con nông dân thu nhập khá và giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, rồi thành loại rau sạch “đặc sản” cao cấp phục vụ đám tiệc và khách du lịch, được nhiều người ưa thích hiện nay.
Du khach mua sản phẩm bồn bồn - Ảnh Tg
Theo các nguồn thông tin và số liệu địa phương, bồn bồn ở Cà Mau được trồng chủ yếu trên địa bàn xã Tân Hưng Đông huyện Cái Nước và một vài vùng có điều kiện lân cận, với diện tích trồng tại chỗ hiện đã phát triển lên hơn 60 ha, của khoảng hơn 100 hộ dân và cho sản lượng hàng trăm tấn rau tươi và dưa muối chua mỗi năm. Địa phương và bà con nông dân đã mặc nhiên tự phát giữ ngọt, xem như tự thực hiện quy hoạch tạm thời vùng sản suất chuyên trồng, khai thác cây bồn bồn cho vùng đất này. Và nhiều năm qua có khá nhiều hộ trong vùng luôn đạt mức thu nhập trung bình từ 50 triệu - 100 triệu đồng/ha/năm.
Để nâng tầm giá trị nhiều mặt, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội phát triển thương hiệu các sản phẩm cây bồn bồn, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian tới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, UBND huyện Cái Nước được sự hỗ trợ của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh thuộc Sở KH&CN đã xây dựng hồ sơ xin đăng ký nhãn hiệu tập thể cho cây bồn bồn, và đầu năm 2017 Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” số 279391, tại Quyết định số 21801/QĐ - SHTT và giao trách nhiệm đại diện quản lý nhãn hiệu tập thể này cho Hội Nông dân huyện Cái Nước. Và từ đó các sản phẩm bồn bồn ngày càng được người tiêu dùng - nhất là du khách các nơi tin tưởng, ưa chuộng và tiêu thụ nhiều hơn.
Về mặt quy hoạch, vùng đất sản xuất bồn bồn này do chính nông dân tự giác chọn và thực hiện giữ ngọt nên tạm coi như khá ổn, nhưng về tổ chức khai thác, chế biến, kinh doanh... để thành thương hiệu uy tín, bền vững, đạt giá trị gia tăng cao, thì cần có sự liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất- kinh doanh theo chuỗi đến sản phẩm cuối cùng để có thể đưa ra được các thị trường lớn hơn, và phải hướng thêm nhiều sản phẩm phụ khác có tiềm năng lớn ngay trên vùng đất trồng bồn bồn hiện hữu để nông dân cũng có thêm thu nhập. Như các sản phẩm khô, mắm cá đồng hay ốc bươu, tép rong... để có thể bán kèm cho bửa ăn với sản phẩm bồn bồn được đồng bộ. Bởi lẽ vùng đất trồng bồn bồn phải luôn được giữ ngọt thì chất lượng cây rau này mới ngọt ngon và có thể thu hoạch được quanh năm, năng suất sinh học mới đạt cao. Và với môi trường nước ngọt quanh năm như thế, thì không chỉ có cây bồn bồn mà các loại ốc, cua đồng, tép rong... thuộc hệ sinh thái ngọt, đặc biệt là các loại cá đồng đều có khả năng phục hồi, tái sinh và phát triển tốt, để nông dân có thể nuôi, bảo vệ, khai thác hợp lý và chế biến thành các sản phẩm phụ kể trên bán kèm với các sản phẩm bồn bồn du khách sẽ tiện dụng hơn.
Hiện nay người tiêu dùng rất quan tâm đến sức khỏe nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong bửa ăn hàng ngày được đặt lên hàng đầu, trong đó có rau sạch. Trong đó tỉnh Cà Mau ta có các sản phẩm cây bồn bồn là loại rau sạch tuyệt hảo, là đặc sản có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon được nhiều người tiêu dùng trong ngoài tỉnh ưa thích, rất cần được quy hoạch, phát triển trồng và tổ chức khai thác, chế biến, kinh doanh sao cho có bài bản, xứng tầm… Phải tăng cường kiểm tra giám sát việc gắn nhãn hiệu tập thể của các thành viên từ khâu canh tác nguyên liệu đến khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nhằm uốn nắn, nhắc nhỡ kịp thời những gì có thể làm tổn hại đến uy tín thương hiệu chung, nhất là trong các dịp lễ tết...
Hơn nữa hiện các sản phẩm bồn bồn đã có nhãn hiệu và đang dần thành thương hiệu uy tín thì cần phải tăng cường tuyên truyền quản lý bảo vệ về mặt chất lượng và cung cách chế biến, kinh doanh sao cho tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng gần xa, để vừa gây dựng lòng tin, uy tín, vừa tạo ra giá trị gia tăng cho thương hiệu. Nên việc quan trọng hiện nay và sắp tới là cần tổ chức lại hình thức kinh doanh sao cho mang tính bài bản, hiện đại, tiện lợi, an toàn hơn, để thay thế cho phương thức kinh doanh nhỏ lẻ, bán “dọc đường xóm chợ” như cách nhiều bà con nông dân đang bày bán ven quốc lộ hiện hữu, vừa mất vẻ mỹ quan, mất an toàn giao thông, mà cũng vừa không gây được lòng tin người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Sản phẩm bồn bồn cái nước Cà Mau - Ảnh Tg
Vì thế, thiết nghĩ chủ nhãn hiệu tập thể “Sản phẩm Bồn bồn Cái Nước - Cà Mau” là Hội Nông dân huyện Cái Nước và những hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã được quyền gắn nhãn, hãy sớm tập hợp, liên kết lại, hợp tác thành tổ chức phù hợp và cùng phối hợp nhau chọn địa điểm thuận lợi, đầu tư san lắp hình thành bến bãi, hay những trạm dừng đạt chuẩn tương tự của Phương Trang, Minh Khải, Tám Ri, Minh Phát... như các tỉnh phía trên, nhằm tạo thuận lợi cho du khách dừng nghỉ.
Có làm được như thế thì vừa để chủ các thương hiệu đặc sản trong tỉnh có cửa hàng cùng trưng bày sản phẩm tươm tất, vừa có chổ cho du khách dừng đậu xe nghỉ ngơi xả stress, chọn lựa mua hàng, và chắc chắn khách đến sẽ được hài lòng, dịch vụ du lịch thêm phát triển, mặt hàng đặc sản này và những thứ khác sẽ càng được tiêu thụ mạnh, giá trị gia tăng sẽ càng cao, nông dân thêm nhiều lợi ích./.
Ks.Nguyễn văn Thước