I.ĐẶT VẤN ĐỀ
Ở mỗi quốc gia trên thế giới, thanh niên đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều kiện tiên quyết để thanh niên có thể làm tốt vai trò của mình chính là sức khỏe. Hay nói một cách khác, sức khỏe của thanh niên là vấn đề quan trọng hàng đầu rất cần được xã hội lưu tâm. Đáp ứng chế độ dinh dưỡng hợp lý, điều kiện sống và ngăn ngừa bệnh tật để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, thông minh phụng sự đắc lực cho đất nước là vấn đề quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Sức khỏe đối tượng thanh niên trong độ tuổi thực hiện Nghĩa vụ quân sự (NVQS) được đánh giá, xếp loại theo tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của liên Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự [1]. Đây là những điều kiện để giúp thực hiện và đánh giá khá chính xác tình trạng sức khỏe của thanh niên.
Những năm gần đây, qua thống kê báo cáo của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các huyện, thành phố trong tỉnh Cà Mau nhận thấy tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có sức khỏe khá trở lên (loại 1, loại 2, loại 3) chiếm tỷ lệ thấp, sức khỏe trung bình trở xuống (loại 4, 5, 6) chiếm tỷ lệ cao. Điều này rất cần có những đánh giá xác thực, khoa học, từ đó làm cơ sở để các nhà hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh có những giải pháp can thiệp phù hợp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe thanh niên, đáp ứng tình hình mới hiện nay của đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ trên, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu “Đánh giá tình hình và các yếu tố liên quan đến thể lực và sức khỏe thanh niên khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau năm 2018” với các mục tiêu sau:
- Xác định tỷ lệ loại sức khỏe của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau năm 2018.
- Xác định tỷ lệ một số bệnh tật ở nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có sức khỏe kém tại tỉnh Cà Mau năm 2018.
- Khảo sát các yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe kém của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau năm 2018.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu tiền cứu mô tả cắt ngang trên 840 nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS tại các huyện, thành phố Cà Mau từ tháng 03 năm 2018 đến 03 năm 2019.
Phương pháp thu thập thông tin
Để thu thập số liệu chúng tôi tiến hành chọn mẫu 02 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Xác định số lượng bệnh nhân đưa vào mẫu nghiên cứu: Tổng số nam thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS năm 2018 tại địa bàn nông thôn gồm 8 huyện là 3.886. Căn cứ vào danh sách nam thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS năm 2018 quản lý tại Hội đồng khám sức khỏe NVQS các huyện, tính tỷ lệ nhóm nam thanh niên trên tổng số nam thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS trong toàn tỉnh, từ đó ta tính được số lượng nam thanh niên cần có đưa và mẫu nghiên cứu. Tương tự với tổng số 770 nam thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS trên địa bàn thành thị là thành phố Cà Mau ta tính được đối tượng đưa vào mẫu nghiên cứu.
Giai đoạn 2: Chọn đối tượng nghiên cứu tại các địa phương theo phương pháp ngẫu nhiên hệ thống
- Danh sách thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS lập tại các Hội đồng khám sức khỏe NVQS các huyện và thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
- Tính khoảng cách mẫu để chọn đối tượng cần điều tra: Lấy tổng số thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS tỉnh Cà Mau chia cho số lượng mẫu cần khảo sát ta có: 4.656/840 = 5,54. Làm tròn số khoảng cách mẫu ≈ 6.
- Dùng bảng chữ số ngẫu nhiên để chọn đối tượng đầu tiên trong danh sách thanh niên được khám, phân loại sức khỏe NVQS tại mỗi vùng. Sau đó theo khoảng cách mẫu ta chọn được những đối tượng tiếp theo cho đến khi đủ số bệnh nhân theo số mẫu của nhóm đối tượng cần điều tra.
Thực tế chọn được 840 đối tượng đưa vào nghiên cứu: Điều tra viên trực tiếp gặp, thu thập thông tin đối tượng nghiên cứu tại các đợt khám sức khỏe NVQS tại các địa phương bằng phiếu khảo sát, hoặc đến tận gia đình đối tượng để khảo sát. Đồng thời thu thập thông tin về điểm số thể lực, điểm số các bệnh tật và loại sức khỏe của đối tượng nghiên cứu qua Phiếu sức khỏe NVQS lưu tại Hội động Khám sức khỏe NVQS địa phương.
III. KẾT QUẢ - THẢO LUẬN
1.Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi nhận thấy nam thanh niên thực hiện NVQS tại Cà Mau có độ tuổi từ 20 tuổi trở xuống chiếm 52,4%; nhóm trên 20 tuổi chiếm 47,6%. Dân tộc Kinh chiếm 98,5%; các dân tộc khác chiếm 1,5%; nông dân chiếm 51,4%; công nhân chiếm 12,7%; buôn bán chiếm 16,1%, nghề nghiệp khác chiếm 19,8%; học vấn từ THCS trở xuống chiếm 47,4%; THPT trở lên chiếm 52,6%; nông thôn chiếm 84%; cư trú vùng thành thị chiếm 16%.
Tỷ lệ sức khỏe loại kém và tình trạng thể lực của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau năm 2018:
Nam thanh niên thực hiện NVQS tỉnh Cà Mau thuộc nhóm có sức khỏe loại kém (loại 4,5,6) chiếm 63,8%. Theo nghiên cứu của tác giả Phan Hải Đường có tỷ lệ sức khỏe loại kém là 64,1% [4]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với tác giả này.
Về tình trạng thể lực:
Nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS tại Cà Mau có thể lực loại 1 chiếm 54,8%, loại 2 và 3 lần lượt là 22,7% và 17,6%; các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Phân bố tình trạng loại thể lực của thanh niên độ tuổi thực hiện NVQS theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ nam thanh niên khám tuyển NVQS có thể lực loại 1 và loại 2 chiếm tỷ lệ cao lần lượt là 54,8% và 22,7%; thấp nhất là loại 5 chiếm 1,3% và loại 6 chiếm 0,1%. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu của các tác giả Phan Hải Đường [4] tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai năm 2013, thể lực loại 1 và loại 2 chiếm lệ cao lần lượt là 57,6% và 25,9%.
Tỷ lệ một số bệnh tật ở nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong tỉnh Cà Mau ở thời điểm nghiên cứu:
Bệnh mắt: bị tật khúc xạ chiếm 32,6%, các bệnh về mắt như cận thị, viễn thị, loạn thị. Nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ thấp hơn so với nghiên cứu của tác giả Hà Công Tác năm 2006 là 73,68% [7]. Lý giải cho điều này có lẽ do sự khác nhau về địa điểm và thời gian nghiên cứu nhưng nhìn chung tỷ lệ mắc tật khúc xạ trong cộng đồng thanh niên là khá cao. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm và có hướng can thiệp.
Bệnh răng-hàm-mặt: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mắc các bệnh về răng chiếm tỷ lệ rất cao 49,5%, không bệnh tật về răng 47% và nguyên nhân khác 3,5%. Một kết quả tương tự, tác giả Hồ Văn Dzi và Nguyễn Thị Kim Anh ở tỉnh Bình Dương năm 2012 với tỉ lệ sâu răng lứa tuổi 12 và 15 lần lượt là 74,25% và 81,95% [3].
Bệnh tai mũi họng tỷ lệ 33% và tỷ lệ bệnh mũi xoang (7,5%) ít hơn tác giả Phùng Minh Lương (2011) có 58,9% mắc bệnh Tai mũi họng, tỷ lệ nhóm bệnh tai 31,92%; mũi xoang 25,11%; họng 20,02% [6].
Bệnh nội khoa: nguyên nhân do bệnh lý tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất 54,8%, không bệnh lý gì chiếm 40,7% và nguyên nhân khác 4,5%. Theo tác giả Nay Phi La nhận thấy trong số các bệnh lý mà thanh niên khám tuyển NVQS năm 2011 mắc phải có 20% mắc bệnh lý tim mạch, 80% còn lại mắc các bệnh lý khác [5].
Bệnh tâm thần kinh: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nhóm không bị bệnh chiếm tỷ lệ 81,9%, do các bệnh mắc phải chiếm 10,8% và nguyên nhân bẩm sinh là 7,3%. Như chúng ta đã biết rối loạn sức khỏe tâm thần chịu tác động của rất nhiều yếu tố, do đó muốn can thiệp giảm tỷ lệ bệnh này cần xem xét kỹ các yếu tố tác động.
Bệnh ngoại khoa do bệnh cơ xương khớp 7,3% và nguyên nhân khác 16%. Theo tác giả Phan Hải Đường (2014) ghi nhận có 15,4% đối tượng mắc bệnh ngoại khoa. Trong số mắc bệnh, bệnh đại trực tràng chiếm đa số (43,1%), bệnh cơ xương khớp chiếm tỷ lệ thấp (8,3%) [4].
Bệnh da liễu chiếm 30,1%, tỷ lệ nầy thấp hơn tác giả Nguyễn Thái Dũng trong nghiên cứu ở những bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh da liễu tại Trung tâm Phòng chống Phong, Da liễu Nghệ An phát hiện có 66,3% [2]
Các yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe kém của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau năm 2018:
Bảng 1: Mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe kém và tuổi
TUỔI | SỨC KHỎE KÉM | SỨC KHỎE TỐT | OR KTC 95% | p | ||
n | % | n | % | |||
≤ 20 | 225 | 58 | 185 | 42 | 1,713 (1,287-2,280) | 0,000 |
>20 | 281 | 70,2 | 119 | 29,8 | ||
TỔNG | 536 | 63,8 | 304 | 36,2 |
Kết quả đề tài chúng tôi cho thấy nam thanh niên có sức khỏe kém ở nhóm >20 tuổi cao 1,713 lần nhóm ≤ 20 tuổi; tỷ lệ lần lượt là 70,2% và 58%. Khác biệt có ý nghĩa thống kê với p <0,05. Trong Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc tại Việt Nam và Bộ Nội vụ thực hiện thì tình trạng thanh niên có sức khỏe yếu chiếm 1,8% ở độ tuổi từ 16-19 và 2,2% ở độ tuổi 20-24. [8].
Bảng 2: Phân tích về thói quen ăn rau quả
CHẾ ĐỘ ĂN RAU QUẢ | SỨC KHỎE KÉM | SỨC KHỎE TỐT | OR KTC 95% | p | ||
n | % | n | % | |||
Ăn chất rau quả 4-7 ngày/tuần | 310 | 59,2 | 214 | 40,8 | 1,733 (1,284-2,340) | 0,000 |
Ăn chất rau quả dưới 4 ngày/tuần | 226 | 71,5 | 90 | 28,5 | ||
TỔNG | 536 | 63,8 | 304 | 36,2 |
Chúng tôi thấy rằng có mối liên quan giữa nhóm ăn rau quả dưới 4 ngày/tuần nguy cơ sức khỏe kém gấp 1,733 lần so với nhóm ăn liên tục 4-7 ngày/tuần (tỷ lệ 71,5% so với 59,2% với p <0,05).
Bảng 3: Về vận động thể lực
VẬN ĐỘNG THỂ LỰC | SỨC KHỎE KÉM | SỨC KHỎE TỐT | OR KTC 95% | p | ||
n | % | n | % | |||
Vận động thể lực phù hợp | 393 | 60,1 | 261 | 39,9 | 2,209 (1.518-3.214) | 0,000 |
Vận động thể lực không phù hợp | 143 | 76,9 | 43 | 23,1 | ||
TỔNG | 536 | 63,8 | 304 | 36,2 |
Kết quả đề tài chúng tôi ghi nhận có mối liên quan giữa nhóm vận động thể lực không phù hợp nguy cơ sức khỏe kém gấp 2,209 lần so với nhóm vận động thể lực phù hợp (tỷ lệ 76,9% so với 60,1% với p <0,05. Nghiên cứu của Katie M. Heinrich và cộng (2011) tại Sydney, Australia với kết quả trong số 2.919 người được khảo sát đạt được sức khỏe mong đợi có 60,36% hoạt động thể lực vừa phải, 25,84% hoạt động thể lực mạnh mẽ, 13,8% ít hoạt động thể lực, với p<0,001 [9]
KẾT LUẬN
Nghiên cứu trên 840 nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS tại tỉnh Cà Mau từ 03/2018 đến 03/2019 với nhóm ≤ 20 tuổi chiếm 52,4% và trên 20 tuổi chiếm 47,6% tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Các kết quả chính ghi nhận như sau:
Tỷ lệ sức khỏe loại kém và tình trạng thể lực của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) tại tỉnh Cà Mau năm 2018 như sau: Nhóm sức khỏe kém (loại 4,5,6) chiếm 63,8%. Thể lực loại 1 chiếm 54,8%, loại 2 chiếm 22,7%, loại 3 chiếm 17,6%, loại 4 chiếm 3,5%, loại 5 chiếm 1,3%, loại 6 chiếm 0,1%.
Tỷ lệ các loại bệnh tật theo các chuyên khoa của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS như sau: Bệnh răng hàm mặt chiếm 49,5%; Bệnh về mắt tật khúc xạ chiếm 32,6%; Bệnh tai mũi họng về mũi xoang chiếm 7,5%. Bệnh tật về tâm thần kinh 10,8%; Bệnh nội khoa có 54,8% mắc bệnh lý tim mạch, 4,5% do nguyên nhân khác. Bệnh ngoại khoa có 7,3% bệnh cơ xương khớp và 16% nguyên nhân khác; Bệnh da liễu 30,1%.
Một số yếu tố liên quan đến tình trạng sức khỏe kém của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiện NVQS tại tỉnh Cà Mau
Tình trạng sức khỏe kém ở nam thanh niên nhóm > 20 tuổi cao hơn nhóm ≤ 20 tuổi (70,2% so với 58%, OR = 1,713); tỷ lệ nam thanh niên ăn rau quả dưới 4 ngày/tuần có sức khỏe kém hơn người ăn rau quả liên tục 4-7 ngày trong tuần (71,5% so với 59,2%, OR=1,733); tỷ lệ nam thanh niên vận động thể lực không phù hợp có sức khỏe kém hơn người vận động thể lực phù hợp (76,9% so với 60,1%, OR=2,209). Sự khác biệt trên có ý nghĩa thống kê với p<0,05.
KIẾN NGHỊ
Qua kết quả nghiên cứu tình hình và các yếu tố liên quan đến sức khỏe thanh niên khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự tại tỉnh Cà Mau, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị như sau:
Các ngành, các cấp và cộng đồng tại địa phương tỉnh Cà Mau tăng cường đồng bộ các giải pháp can thiệp nhằm cải thiện sức khỏe thanh niên. Trong đó chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục ăn uống hợp lý; bổ sung rau quả vào thành phần bữa ăn; vận động cơ thể phù hợp.
Các nghiên cứu tiếp sau cần đi sâu phân tích mối liên quan giữa tình trạng sức khỏe kém của nam thanh niên trong độ tuổi thực hiên NVQS với các lọai bệnh tật về tim mạch, răng hàm mặt, tật khúc xạ và da liễu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TIẾNG VIỆT
Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng (2016), Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 Quy định việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.
Nguyễn Thái Dũng (2017), Nghiên cứu một số đặc điểm và kết quả điều trị nấm da ở bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Chống Phong – Da liễu Nghệ An 2015-2016, Luận án Tiến sỹ Ký sinh trùng học, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng trung ương.
Hồ Văn Dzi, Nguyễn Thị Kim Anh (2012), Tình trạng sức khỏe răng miệng của học sinh 12 và 15 tuổi tại Thủ Dầu Một – Bình Dương, Y Hoc thành phố Hồ Chí Minh, 16(2), 109-105.
Phan Hải Đường (2014), “Nghiên cứu tình hình thể lực và sức khỏe của nam thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai năm 2013”, Luận án chuyên khoa cấp 2, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Nay Phi La (2011), Nghiên cứu tình hình thể lực và bệnh tật của nam thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự tại thành phố Buôn Ma Thuột năm 2011, Luận án chuyên khoa cấp 2, Trường Đại học Y Dược Huế
Phùng Minh Lương (2011), Nghiên cứu mô hình và yếu tố ảnh hưởng đến bệnh tai mũi họng thông thường của dân tộc Ê Đê Tây Nguyên, đánh giá kết quả của một số biện pháp can thiệp phù hợp ở tuyến thôn bản, Luận án Tiến sĩ y học, Trường Đại học Y Hà Nội.
Hà Công Tác (2006), “Đánh giá tình hình thể lực thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự huyện Như Xuân tỉnh Thanh Hóa trong ba năm 2003-2005”, Luận văn chuyên khoa cấp 1, Trường Đại học Y dược Huế.
Unfpa và Bộ Nội vụ (2015), Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam, UnfpaViệt Nam, tr. 1-73.
TIẾNG ANH
Katie M. Heinrich, Jay Maddock, Adrian Bauman (2011), Exploring the Relationship Between Physical Activity Knowledge, Health Outcomes Expectancies, and Behavior, Journal of Physical Activity and Health, 8, 404 -409.
BS.CKII. Nguyễn Hoàng Sa - PGĐ. Sở Y Tế tỉnh Cà Mau