Kết quả đề tài: nghiên cứu, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ.

       I. MỞ ĐẦU
       Tỉnh Cà Mau có 245 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ được phân loại theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, đây là nhóm doanh nghiệp thuộc phạm vi đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất. Cà Mau xếp thứ 41 cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động (Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, 2020). 
Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau chưa triển khai thực hiện một cách toàn diện việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ trong phạm vi toàn tỉnh. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, trung bình chỉ số đổi mới công nghệ, thiết bị của tỉnh đạt 3,8%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cả nước (10 - 15%/năm); giai đoạn 2011 - 2014, tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng GRDP của tỉnh đạt 39,44% (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, 2021). Đánh giá công nghệ có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích xã hội. Điểm mấu chốt của đánh giá trình độ, năng lực công nghệ là làm sao đo lường và lượng hóa được trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, ngành hay quốc gia dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể và thống nhất, để từ đó nêu bật được mặt mạnh cần phát huy, mặt yếu cần khắc phục và những vấn đề cần điều chỉnh bổ sung và tăng cường.

       Thực hiện Thông tư số 17/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Hướng dẫn đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất; Quyết định số 3371/QĐ-BKHCN ngày 24/11/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành Quy trình và phương pháp tính toán tạm thời chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị áp dụng cho địa phương, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ phối hợp với Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: Nghiên cứu, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giải pháp thúc đẩy đổi mới công nghệ tỉnh Cà Mau trong thời gian tới. 

       II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

       Qua kết quả thực hiện Đề tài đã xác định trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp và chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020, nắm bắt được hiện trạng công nghệ sản xuất và khả năng khai thác và làm chủ, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đề tài đã thực hiện được các nội dung như sau: 

       2.1. Điều tra, khảo sát thu thập thông tin về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất doanh nghiệp và thông tin về chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020

       Năm 2020, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) giá so sánh đạt 41.318 tỷ đồng, tăng 1,09% so với năm 2019, trong đó: lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 13.029 tỷ đồng, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng đạt 14.685 tỷ đồng, lĩnh vực dịch vụ đạt 11.865 tỷ đồng, lĩnh vực thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm đạt 1.740 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 52,6 triệu đồng, tương đương 2.267 USD. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cà Mau phấn đấu GRDP bình quân tăng 6,5 - 7 %/năm; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: ngư, nông, lâm nghiệp chiếm 28,7%; công nghiệp, xây dựng chiếm 35%; dịch vụ chiếm 32,5%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,8%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 77 triệu đồng (tương đương 3.320 USD); tổng vốn đầu tư xã hội bình quân hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 chiếm từ 30 - 32% GRDP; tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 06 tỷ USD.

Bảng 1: Thống kê doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2010 - 2020

Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Cà Mau

       Doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự gia tăng liên tục về số lượng. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 78 doanh nghiệp, tương ứng tăng 50,3% so với năm 2010; tăng 73 doanh nghiệp so với năm 2015, tương ứng tăng 45,6%. Bình quân giai đoạn 2015 – 2020 có 210 doanh nghiệp hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng 49 doanh nghiệp so với bình quân giai đoạn 2010-2015 (161 doanh nghiệp).
Để thu thập thông tin 400 phiếu của 200 doanh nghiệp phục vụ cho công tác đánh giá nhóm nghiên cứu đã triển khai trên 400 phiếu điều tra đến hơn 200 doanh nghiệp. Tỷ lệ phiếu thu về đạt 90,91% và 400 phiếu thu về đều đạt yêu cầu để có thể đánh giá. 

  

   a) Thống kê loại hình doanh nghiệp                          b) Thống kê quy mô doanh nghiệp
Hình 1: Thống kê loại hình và quy mô doanh nghiệp

       Về loại hình doanh nghiệp, trong số 200 doanh nghiệp điều tra thì loại hình công ty TNHH chiếm đa số với 144 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 72%; các loại hình còn lại có 56 doanh nghiệp chiếm 28%. Về quy mô doanh nghiệp xét theo số lượng lao động cho thấy các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ (dưới 100 lao động) chiếm phần lớn với 174 doanh nghiệp, tỷ lệ 87%; có 26 doanh nghiệp thuộc quy mô khác, chiếm tỷ lệ 13%. 

                      a) Cơ cấu doanh nghiệp                                                   b)Mật độ phân bố doanh nghiệp 
Hình 2: Thống kê Cơ cấu và Mật độ phân bố doanh nghiệp

       Cuộc điều tra, khảo sát 200 doanh nghiệp được tiến hành tại 8 huyện và thành phố Cà Mau. Nhìn chung, sự phân bố 200 doanh nghiệp tại 8 huyện có sự chênh lệch không nhiều. Tỷ lệ chọn mẫu số lượng doanh nghiệp đánh giá thuộc các ngành khá là tương đồng và không có sự chênh lệch quá lớn. 

       2.2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dạng website (trực tuyến), đảm bảo các thông tin dữ liệu luôn được cập nhật, chế độ báo cáo theo đúng quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và đặc thù của tỉnh Cà Mau

       Cơ quan chủ trì thực hiện các thủ tục cần thiết để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm dạng website (trực tuyến), đảm bảo các thông tin dữ liệu luôn được cập nhật, chế độ báo cáo theo đúng quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ và đặc thù của tỉnh Cà Mau (Phần mềm tính toán trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của  doanh nghiệp tỉnh Cà Mau; Phần mềm tính toán tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trên địa bàn tỉnh Cà Mau). Hiện phần mềm đang chạy online tại địa chỉ http://khcncamau.stec.gov.vn và chạy localhost tại server đặt tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau. Toàn bộ source code (mã nguồn) của phần mềm được bàn giao cho Cơ quan chủ trì quản lý. 

Hình 3: Giao diện phần mềm tính toán chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau

Hình 4: Giao diện phần mềm tính toán trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp tỉnh Cà Mau

       2.3. Xây dựng các báo cáo phân tích, đánh giá hiện trạng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và phân tích chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2020

       Theo kết quả điều tra, khảo sát, có 11 ngành chế biến, chế tạo được điều tra thu thập dữ liệu gồm: (i) Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn ghế), sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; (ii) Dệt; (iii) In, sao chép bản ghi các loại; (iv) Sản xuất chế biến thực phẩm; (v) Sản xuất đồ uống; (vi) Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; (vii) Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; (viii) Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; (ix) Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; (x) Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); (xi) Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị. Kết quả phân tích ta có hệ số đồng bộ TĐB năm 2016 và năm 2020 như sau: 

Bảng 2: Kết quả phân tích ta có hệ số đồng bộ TĐB năm 2016 và năm 2020

Nguồn: Tổng hợp theo kết quả điều tra

       Trong đó, phân tích, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất theo Nhóm thể hiện qua bảng điểm phân tích các nhóm năm 2016 và năm 2020 cụ thể:

Bảng 3: Bảng điểm phân tích các nhóm năm 2016 và năm 2020

Nguồn: Tổng hợp theo kết quả điều tra

       2.4. Đề xuất giải pháp nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp và chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Cà Mau trong thời gian tới

Qua phân tích hiện trạng từng thành phần trong kết quả đánh giá trình độ năng lực công nghệ sản xuất theo Hướng dẫn tại Thông tư 17/2019-TT-BKHCN có thể thấy: Nhóm (T) - công nghệ thiết bị và thành phần, nhóm (E)- hiệu quả sử dụng công nghệ thiết bị, so sánh giữa 2 giai đoạn điều tra nhiều ngành được khảo sát năm 2020 còn thấp hơn năm 2016. Nhóm (O) - năng lực tổ chức quản lý, nhóm (R) - năng lực nghiên cứu phát triển, tổng hợp kết quả khảo sát, thu thập dữ liệu và phân tích, cho thấy đối với nhóm hoạt động đầu tư kinh phí để đào tạo huấn luyện nhân viên nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao tay nghề tại đa số các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau còn hạn chế hoặc không có. Nhóm (I) - năng lực đổi mới sáng tạo, thực trạng qua số liệu khảo sát, đánh giá cho thấy có rất ít (01) doanh nghiệp có công nghệ mới được chấp nhận đăng ký hoặc được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Không có doanh nghiệp nào có công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển nhưng đang ở mức thử nghiệm hay quy mô phòng thí nghiệm. 

       Với tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN và lựa chọn đầu tư vào các ngành sản xuất chế biến chủ lực của địa phương, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhóm nghiên cứu đề xuất giai đoạn tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất để ổn định chất lượng, đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, do đa số các doanh nghiệp tỉnh Cà Mau có quy mô nhỏ khả năng tái đầu tư vốn, mở rộng đầu tư sản xuất, nâng cấp công nghệ còn hạn chế, nên tỉnh cần tập trung lựa chọn, xác định lại các đối tượng ưu tiên, nâng cao năng lực lan tỏa, để kết nối với doanh nghiệp khác, chuyển tải được các tiến bộ KH&CN, thay đổi danh mục đầu tư dàn trải sang tập trung đầu tư cho một số doanh nghiệp có  quy mô, năng lực trung bình tiên tiến trở nên, có khả năng kết nối với chuỗi cung ứng công nghệ, nâng cấp công nghệ doanh nghiệp từ khâu sản xuất, bảo quản, đóng gói, và tiêu thụ đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, nâng tầm giá trị, phát triển nhanh và bền vững.

       Giai đoạn tới, tiếp tục thực hiện các chương trình KHCN, ứng dụng chuyển giao, hoàn thiện quy trình công nghệ, sở hữu trí tuệ, nâng cao chất lượng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP, phát huy thế mạnh của địa phương. Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, chuỗi sản phẩm.
Nghiên cứu mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết chuỗi trong cung ứng nông sản, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản, thủy sản. Xây dựng thương hiệu gắn chặt với truyền thông quảng bá, tạo dựng hình ảnh địa phương, tạo sức lôi cuốn cho tỉnh.

       Kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, có nguồn lực tài chính phù hợp với điều kiện của địa phương, lan tỏa tinh thần, phát triển kinh tế tuần hoàn và phát triển logistic trong nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, tham gia vào cụm liên kết các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm (gồm thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau với Bạc Liêu và Hậu Giang). 

       Gần đây khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là thuật ngữ bao gồm cả hoạt động R&D truyền thống và hoạt động đổi mới sáng tạo ở cả khu vực công và khu vực kinh tế tư nhân. Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là khả năng một xã hội hoặc một quốc gia không chỉ sáng tạo tri thức mới hoặc tiếp cận trữ lượng kiến thức, mà còn tạo điều kiện cho sự tương tác giữa các bên liên quan trong quá trình chuyển đổi tri thức mới hiện có thành giá trị kinh tế và xã hội. Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định bởi năng lực kết hợp của bốn thành tố chính trong Hệ thống đổi mới sáng tạo đó là: Chính phủ, các viện nghiên cứu và phát triển, các trường đại học và các ngành/nghề (Đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Khi nói đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hoặc đổi mới sáng tạo ở cấp địa phương tại các quốc gia đang phát triển, ngoài các doanh nghiệp nội địa và các tổ chức dịch vụ công, các chủ thể nước ngoài như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc các tập đoàn đa quốc gia với công nghệ và kiến thức tiên tiến cũng là một thành tố quan trọng khác trong phát triển công nghiệp, nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, bên cạnh năng lực tạo ra kiến thức mới, “năng lực hấp thụ” của các doanh nghiệp nội địa và của toàn nền kinh tế địa phương cũng nên là một trong những yếu tố then chốt trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của địa phương.

       Thứ nhất, tốc độ ĐMCNTB bao hàm cả về mặt số lượng và chất lượng. Do đó, cần phải quán triệt sâu sắc bản chất của tốc độ ĐMCNTB trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội cụ thể để xây dựng các kịch bản và chiến lược tăng trưởng cho phù hợp và đúng đắn.

       Thứ hai, không ngừng nâng cao chất lượng tốc độ ĐMCNTB, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương là con đường tất yếu để cùng đất nước phát triển bền vững; tiến lên văn minh, hiện đại. Đối với Cà Mau là một địa phương đang phát triển, cần phải tạo lập tiền đề và động lực vật chất hiện thực cho phát triển KH&CN, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường... Vì vậy, có thể và cần phải nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng về mặt lượng - gia tăng nhanh quy mô và tốc độ để tránh tụt hậu ngày càng xa hơn so với các địa phương, nhưng đồng thời phải luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng tăng trưởng. Xây dựng các kịch bản tăng trưởng cao phải đi đôi với nâng cao chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường, với lộ trình thực hiện cụ thể, rõ ràng.

       Thứ ba, phải gia tăng năng lực nội sinh cho nền kinh tế địa phương từ chính kết quả của quá trình tăng trưởng tốc độ ĐMCNTB, nhanh nhằm thúc đẩy phát triển bển vững, tránh được các dạng tăng trường xấu gây nên những hệ lụy cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là gánh nặng nợ nần cho các thế hệ tương lai.

       III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

       Phương pháp đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tuân thủ các quy định của Thông tư số 17/2019/BKHCN Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất có vai trò quan trọng trong việc thống kê hoạt động khoa học và công nghệ của ngành, lĩnh vực và địa phương. Kết quả đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được hiện trạng công nghệ của các doanh nghiệp trong từng ngành, lĩnh vực (tỷ lệ các doanh nghiệp ở các mức lạc hậu, trung bình, trung bình tiên tiến, tiên tiến; đánh giá tỷ lệ các doanh nghiệp có khả năng vận hành, hấp thụ, làm chủ, đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp).

       Kết quả tính toán theo 2 phương pháp trên cho thấy trình độ công nghệ của tỉnh ở mức trung bình. Dựa trên kết quả đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới, phát triển và ứng dụng, vận hành các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến nhằm cải thiện 2 chỉ số này cho những giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: 

       (1) Nâng cao năng lực vận hành công nghệ của các doanh nghiệp: tăng cường các hỗ trợ về thuế, tín dụng để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư mua sắm, đổi mới máy móc, thiết bị. Hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, quản lý sản phẩm trong các doanh nghiệp. 

       (2) Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp: hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trực tiếp tại doanh nghiệp và có các cơ chế khuyến khích các hoạt động cải tiến sản xuất trong các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong các dự án chuyển giao công nghệ, có các cơ chế khuyến khích chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. 

       (3) Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ của doanh nghiệp: hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp đồng thời phát triển các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm dùng chung để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển; cần sửa đổi các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể trích lập và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong các doanh nghiệp. 

       (4) Nâng cao năng lực đổi mới, sáng tạo công nghệ của doanh nghiệp: tăng cường các cơ chế khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ các dự án liên kết nghiên cứu và phát triển công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các doanh nghiệp Việt Nam; cần phổ biến, tuyên truyền vai trò của chuyển đổi số, số hóa đối với các doanh nghiệp đồng thời hỗ trợ và kết nối cho các doanh nghiệp với các nguồn cung công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, số hóa tại các doanh nghiệp./.

Thanh Lực - Viết Tuấn