Khát vọng làm giàu từ con tôm vùng bán đảo Cà Mau.

       Con tôm tại quê hương Cà Mau đang dần được người nông dân nơi đây tìm cách xây dựng sản phẩm tôm sạch Việt Nam và xuất khẩu đi các nước châu Âu.

       Từ một đơn vị đứng trước bờ vực tan rã, nhưng với hướng đi đúng đắn, Hợp tác xã Nuôi tôm Cái Bát (xã Phú Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) nhanh chóng được vực dậy. Đây là Hợp tác xã nuôi tôm đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế (ASC). Hiện nay, sản phẩm Hợp tác xã tạo ra được cung cấp cho các nhà hàng lớn tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đặc biệt, đơn vị này còn đang xúc tiến để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cho thị trường châu Âu.

       Gia đình ông Lê Minh Tặng có 2,5 ha đất nuôi tôm. Vào khoảng giai đoạn 2014 – 2016, trên diện tích khoảng 0,5 ha nuôi tôm thâm canh gia đình ông thu lỗ nhiều vụ. Nguyên nhân được xác định do môi trường bị ô nhiễm, khó kiểm soát dịch bệnh.

Hợp tác xã Cái Bát hiện có 127 thành viên và tổng diện tích 430 ha nuôi tôm

       Trong đó, việc người dân làm đơn lẻ, xả thải trực tiếp ra môi trường gây ảnh hưởng đến các hộ nuôi khác ngày càng phổ biến và gây hậu quả nghiêm trọng. Đến năm 2017, khi Hợp tác xã Cái Bát thành lập đã tập hợp được đông thành viên và bắt đầu phát triển, gia đình ông Tặng cùng tham gia. Trong 2 năm qua, gia đình ông Tặng có lợi nhuận từ nghề nuôi tôm ước khoảng 500  triệu đồng.

       Theo ông Tặng, tham gia vào Hợp tác xã, mọi người cùng nhau cải tạo, cùng thả giống đồng loạt nên hạn chế được dịch bệnh và môi trường xấu tác động. Ngoài ra, khi các hộ nuôi xích lại gần nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm thành công thì lại càng dễ thành công hơn.

Tôm thương phẩm của đơn vị được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

       Đặc biệt, Hợp tác xã Cái Bát thực hiện nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC và VietGap, với quy trình nuôi chặt chẽ, an toàn, thân thiện môi trường nên được đánh giá cao. Không chỉ sản phẩm đầu vào được những công ty uy tín cung ứng tận nơi, Hợp tác xã Cái Bát còn được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra, đảm bảo lợi nhuận cao hơn. 

       Ông Lê Minh Tặng chia sẻ: "Bình thường tôi không ký kết đầu ra thì thương lái rất nhiều, muốn ép giá lúc nào cũng được. Nhưng, khi ký đầu ra thì mình lên đồng loạt chỉ báo với công ty. Thời gian trước tôi đi tìm đầu ra rất khó, còn bây giờ ngày tháng nào thu, công ty vào tới tận ao cân tôm. Cao hơn giá thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg, các hộ thấy rất phấn khởi. Cảm thấy không có bị ép nữa".

       Hợp tác xã Cái Bát được thành lập vào năm 2013, với 12 thành viên. Do làm ăn thua lỗ đến năm 2016, hợp tác xã đứng trước bờ vực phá sản và chỉ còn 7 thành viên. Cú hích để Hợp tác xã đi lên là khi đơn vị này được ngành chức năng địa phương sắp xếp lại, sáp nhập thêm 2 Tổ hợp tác và phát triển theo hình thức Hợp tác xã kiểu mới. Bắt đầu từ thời điểm này, nhiều xã viên cũng thí điểm thực hiện nuôi tôm theo chuẩn quốc tế ASC, để đạt được chứng nhận cấp Quốc tế.

       Bằng những nỗ lực, cố gắng cùng sự giúp sức của chính quyền địa phương và một số tổ chức phi Chính phủ, cuối năm 2017, 35 hộ dân trong Hợp tác xã Cái Bát đã có sản phẩn đạt chứng nhận ASC. Đây là một trong những Hợp tác xã nuôi tôm đầu tiên của cả nước làm được điều này và cũng là Hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu của tỉnh Cà Mau với 2 năm liền, sản lượng tôm nuôi đạt hơn 700 tấn.

Anh Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc HTX Cái Bát (áo xanh) chia sẻ về thành công của đơn vị mình.

       Về bí quyết đưa Hợp tác xã đi lên, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cái Bát cho biết: "Với lòng quyết tâm muốn đưa tôm nuôi không chỉ tiêu thụ thị trường trong nước mà tiêu thụ được các nước trên thế giới. Hiện nay Hợp tác xã đã đạt chuẩn ASC, con tôm của các hộ dân đã xuất sang được châu Âu. Người tiêu dùng yên tâm sản phẩm của mình là sản phẩm sạch. Đạt được cái chuẩn ASC đó là cái lợi rất là lớn, thuận lợi cho bà con nông dân".

      Hiện nay, Hợp tác xã Cái Bát đang cung cấp mặt hàng tôm cho 2 hệ thống nhà hàng ở Hà Nội và 1 hệ thống nhà hàng ở TP HCM. Ngoài cung ứng sản phẩm tươi, đơn vị còn tận dụng sản phẩm mình làm ra để chế biến các đặc sản như: bánh phồng tôm; chả cá rô phi cung ứng cho thị trường. Mặc dù, mới phát triển trong năm 2018 nhưng sản phẩm Bánh phồng tôm Cái Bát đã tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn/tháng.


       Trong chiến lược phát triển thời gian tới, Hợp tác xã Cái Bát muốn đưa những sản phẩm rất đặc trưng của vùng đất Cà Mau không chỉ được cả nước biết đến mà còn vươn tầm ra thị trường các nước khác. Nhờ có lợi thế tạo ra sản phẩm sạch, Hợp tác xã Cái Bát ngày càng xây dựng được uy tín và đang đàm phán ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm với đối tác trong thị trường EU.

       Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Cái Bát, cho biết thêm, lợi thế các hộ dân có là sản phẩm sạch, đây là ưu tiên của các thị trường đang rất cần. Cái cần bây giờ là mở rộng thêm quy mô sản xuất và đảm bảo được uy tín, chất lượng thì sẽ đưa được sản phẩm của Hợp tác xã đi thẳng từ người nông dân đến người tiêu dùng thị trường khó tính như châu Âu.

Trong năm nay, HTX Cái Bát sẽ đàm phán để đưa sản phẩm của mình xuất khẩu.

       "Chúng tôi đang dự kiến sẽ ký hợp đồng với một đại diện của Liên minh châu Âu. Mình ký hợp đồng thì phải đảm bảo được chất lượng và sản lượng, đó là nền tảng. Sản phẩm của chúng tôi làm ra, xuất phát từ bà con nông dân và đưa trực tiếp sang được họ chấp nhận, không mang tính chất không minh bạch. Đó là hình ảnh của người nông dân Việt, là thương hiệu hàng Việt. Đây là niềm vinh hạnh lớn cho hợp tác xã và cho bà con nông dân mình" - ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ.

       Kết quả kinh doanh năm qua của Hợp tác xã Cái Bát rất khả quan. Với 127 thành viên và tổng diện tích 430 ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi hộ được chia đạt gần 100 triệu đồng. Thực tế, sản phẩm tôm sú thương phẩm và bánh phồng tôm của Hợp tác xã Cái Bát đang không đủ cung ứng cho thị trường. Vào dịp cuối năm như thế này, nhiều chợ đầu mối, các nhà hàng khách sạn liên hệ đề nghị hợp tác nhưng  đơn vị không có đủ số lượng sản phẩm để cung ứng.

       Năm 2019, Hợp tác xã Cái Bát sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực từ quản lý đến chế biến để đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng. Trong đó, trọng tâm vẫn là hoạt động nuôi tôm đạt các chứng nhận sạch. 

       Phấn khởi vì vừa được gia nhập vào Hợp tác xã Cái Bát, ông Lê Văn Thành, chia sẻ: "Điều mà tôi tâm đắc nhất là Hợp tác xã vận động bà con nuôi đúng thời vụ. Chưa vào Hợp tác xã thì nuôi lẻ tẻ, muốn nuôi cách nào thì nuôi quy trình kỹ thuật không có. Vào Hợp tác xã rồi các doanh nghiệp, cơ quan chức năng tập huấn thả đúng lịch, đúng thời vụ chứ không phải như trước. Ngày trước làm bấp bênh lắm.

Thời gian tới, HTX Cái Bát sẽ tiếp tục tập trung phát triển nuôi tôm sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

       Từng đứng trước nguy cơ bị giải thể nhưng Hợp tác xã Cái Bát đã vươn lên và đã trở thành đơn vị nuôi tôm đầu tiên của cả nước đạt tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế (ASC).

       Năm qua, HTX được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tặng bằng khen trong thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Với mong muốn góp phần đưa con tôm tại quê hương Cà Mau đi lên và góp phần vào xây dựng sản phẩm tôm sạch Việt Nam, Hợp tác xã Cái Bát đang mở rộng hoạt sản xuất, vươn lên khát vọng làm giàu cho mỗi thành viên./.

Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL