Đa dạng nhiều loại vật nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng cường liên kết, hỗ trợ nhau để phát triển sản xuất là những cách làm mà nhiều hội viên Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), áp dụng và đạt kết quả tích cực.
Anh Chung sử dụng trùn quế làm thức ăn nuôi cá chạch lấu và lươn.
Về xã Vĩnh Viễn A, những hộ nuôi lươn ở đây đã quen thuộc với anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 6. Bởi đây là địa chỉ cung cấp lươn giống đáng tin cậy của bà con và hơn nữa anh còn kiêm luôn việc “tư vấn”, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho những ai mới chập chững bắt đầu nuôi mà gặp nhiều khó khăn. Hỏi thăm mới biết trước đây anh Vũ cũng thuộc diện hộ nghèo, khởi nghiệp từ những bể nuôi lươn thương phẩm. Sau đó nhận thấy tiềm năng của loài thủy sản này và lợi thế nguồn giống lươn tốt tại địa phương, anh quyết định đầu tư sản xuất lươn giống. Khởi đầu cũng gặp không ít khó khăn, anh Vũ chia sẻ: “Từ mua lươn bố mẹ, cách lấy trứng, tạo môi trường không chuẩn nên không thành công. Nhưng đã quyết tâm thì phải kiên trì làm cho bằng được, tôi không bỏ cuộc dù mất 3 năm ròng kết quả không như mong muốn”.
Không chỉ nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường và mạnh dạn trong phát triển sản xuất, nhiều hộ còn chủ động tìm hiểu cách tận dụng các phế phẩm trong quá trình chăn nuôi để tạo ra sản phẩm mới, giúp giảm chi phí và tăng thu nhập. Anh Nguyễn Minh Chung, ở ấp 6, là một trong những hộ đã áp dụng khá thành công. Ban đầu gia đình anh chỉ nuôi bò thịt nhưng sau khi thấy các nơi khác tận dụng phân bò để nuôi trùn quế thì anh Chung về áp dụng thử. Anh đã thu gom và ủ phân bò trong 2-3 ngày, còn trộn thêm lục bình xay nhuyễn rồi làm thức ăn cho trùn quế. Số trùn quế thu được anh dùng làm thức ăn cho lươn và cá chạch. Dự kiến bể cá chạch lấu cuối năm nay sẽ đạt trọng lượng trên 300 gram/con, giá thu mua trên thị trường mua khá cao từ 300.000-400.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Trong thời gian qua, hội đã đẩy mạnh tuyên truyền và vận động hội viên tham gia vào các tổ hợp tác và HTX để việc liên kết và hỗ trợ sản xuất hiệu quả. Song song đó, còn duy trì tổ chức các đợt tham quan, tập huấn để hội viên nông dân mở mang kiến thức, tìm được hướng đi phù hợp phát triển kinh tế và thay đổi tư duy sản xuất. Cán bộ hội luôn gần gũi và tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ còn khó khăn để có hướng hỗ trợ. Những hội viên đã xây dựng mô hình bền vững, thu nhập ổn định tiếp tục giúp đỡ các hội viên khó khăn. Nhờ vậy, nhiều hội viên đã ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập. Năm 2019, có 5 hội viên đã thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra là 2 hội viên.
Bài, ảnh: THIÊN NGỌC
Nguồn: http://vietlinh.vn/tin-tuc/2020/tam-nong-2020-s.asp?ID=96