Khởi nghiệp từ khô cá lóc.

       Khoảng năm 2015, người dân ở huyện Hồng Ngự ồ ạt đào ao nuôi cá lóc dẫn đến rớt giá thê thảm, nhiều hộ lỗ nặng, treo ao. Thời điểm đó, anh Nguyễn Tiến Phương (39 tuổi, ngụ ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự) có nhiều trăn trở tìm hướng “giải cứu” cho con cá lóc, bấp bênh đầu ra.


Anh Nguyễn Tiến Phương chuẩn bị đưa cá lóc vào sấy khô

       Tìm hướng đi mới cho cá lóc

       Hôm chúng tôi ghé tham quan quy trình sản xuất khô cá lóc, anh Phương tiết lộ: “Năm 2016, tôi mạnh dạn đầu tư Cơ sở cá khô Tiến Phương. Đến nay, sản phẩm đã có mặt khắp các thị trường trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Năm 2018, Cơ sở cá khô được Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực”.

       Các xã cù lao của huyện Hồng Ngự từ lâu đời đã có truyền thống nuôi các loại thủy sản và là trung tâm cung ứng các loại cá cho thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhận thấy tiềm năng sẵn có, anh đã tận dụng lợi thế ấy để làm cơ sở cho con đường khởi nghiệp của riêng mình. “Tôi nhận thấy ở huyện Hồng Ngự đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lóc thương phẩm, đây là nguồn nguyên liệu rất lớn, dồi dào để sản xuất khô cá” - anh Phương chia sẻ.

       Trên địa bàn huyện Hồng Ngự có rất nhiều nơi tự phát làm cá khô. Tuy nhiên, một số hộ chưa chú trọng trang bị các thiết bị cần thiết cho sản xuất và bảo quản sản phẩm. Trên địa bàn huyện cũng chưa có cơ sở sản xuất nào đăng ký kinh doanh để tạo thương hiệu cho huyện. Chính vì vậy, việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất cá khô của anh Phương là bước tiến rất cần thiết, nhằm hạn chế sản phẩm bị nhiễm nấm, vi khuẩn, bụi..., gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, anh Phương chú trọng đến sản phẩm khô cá được sấy khô và đóng gói cẩn thận để bảo quản được lâu, đồng thời góp phần vào việc xây dựng thương hiệu khô cá Hồng Ngự.

       Anh Phương dẫn chúng tôi đi xem quy trình máy sản xuất khô cá theo hướng hiện đại và phấn khởi nói: “Tôi đã đầu tư máy, thiết bị hiện đại như máy sấy khô, máy hút chân không với công suất khoảng 100kg cá khô/ngày, ngày Tết thì đẩy nhanh sản xuất tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ khi đầu tư thiết bị hiện đại đã tạo được niềm tin của nhiều khách hàng, đây sẽ là tiền đề quan trọng để tôi phát triển sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện Hồng Ngự”.

       Ở huyện Hồng Ngự, nhiều người gọi anh là “Phương liều”. Bởi khoảng năm 2015, giá cá lóc thương phẩm thấp kỷ lục, nhiều hộ phá sản, treo ao. Trong bối cảnh đó, anh Phương “liều” mình tìm hướng đi mới với quy trình chế biến khô cá khép kín. Theo đó, anh mạnh dạn đầu tư nuôi 3 ao cá lóc để làm nguồn nguyên liệu sản xuất cá khô. “Thời điểm đó, tôi đã tìm ra hướng đi mới cho con cá lóc nên ngoài thu mua cá lóc của người dân địa phương và mạnh dạn nuôi thêm cá lóc thương phẩm để phục vụ nhu cầu sản xuất cá khô” - anh Phương nói với tâm thế đầy tự tin.

       Xây dựng thương hiệu địa phương

       Cơ sở cá khô Tiến Phương đã thành công với nhãn hiệu khô cá lóc Hồng Ngự đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm mở rộng thị trường ở các tỉnh, vùng lân cận, các thành phố lớn, siêu thị uy tín trên toàn quốc và thị trường Campuchia. Nhờ chú trọng tìm các kênh thị trường tiêu thụ nên Cơ sở cá khô Tiến Phương đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng.

       Ông Huỳnh Công Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Cơ sở cá khô Tiến Phương thời gian qua đã tự lực, năng nỗ hoạt động kinh doanh và tạo được thương hiệu hàng hóa cho huyện Hồng Ngự. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới”.

       Cơ sở cá khô Tiến Phương khi mới đi vào hoạt động nên còn khá mới trong lĩnh vực sản xuất cá khô và gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. Do đó, anh Phương chịu khó “tự bơi” tìm thị trường để đưa cá khô ra khỏi “ao làng”. Thông qua các lần hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, sản phẩm khô cá của anh Phương được nhiều khách hàng biết đến, sử dụng khen ngon. “Đối với sản phẩm khô cá lóc đã qua chế biến sẽ làm tăng giá trị của sản phẩm thêm nhiều lần so với con cá lóc thương phẩm. Khi tiến hành xây dựng dự án khởi nghiệp, tôi đã liên kết với người dân nuôi cá tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào. Từ đó, nguyên liệu đầu vào luôn ổn định, đây là cơ sở quyết định giá bán ra của sản phẩm luôn cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại” - anh Phương phân tích mục tiêu của dự án khởi nghiệp.

       Cơ sở cá khô Tiến Phương đã góp phần đa dạng hóa ngành hàng cá lóc ở huyện Hồng Ngự. Và càng phấn khởi hơn, anh đã giúp cho người nông dân trong vùng có nơi tiêu thụ cá lóc thương phẩm, giảm bớt gánh nặng điệp khúc “cung vượt cầu”, “được mùa mất giá”.

DƯƠNG ÚT