Năm 2023 nền kinh tế tỉnh Cà Mau đã có những chuyển biến mạnh mẽ: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,83%, quy mô nền kinh tế đạt 45.471 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng. Những số liệu vừa nêu cho thấy: mức tăng trưởng kinh tế đã vượt chỉ tiêu bình quân của Nghị Quyết Đại hội XVI của tỉnh đảng bộ tỉnh Cà Mau cho giai đoạn 2020-2025 là (6,5% - 7%), mức tăng trưởng xếp hạng thứ 3 khu vực ĐBSCL và thứ 16 của cả nước; Tốc độ tăng năng suất lao động đã đạt mục tiêu NQ 6,5%, GRDP bình quân đầu người đã tiếp cận mục tiêu 77 triệu đồng mà NQ đã đề ra. Có thể nói tình hình phát triển kinh tế năm qua của tỉnh Cà Mau đã tiếp cận mục tiêu chúng ta phấn đấu để đạt đến trong giai đoạn 2020 - 2025. Lĩnh vực an ninh, quốc phòng đã đảm bảo trật tự, an toàn và sự bảo vệ an ninh cho nền kinh tế, văn hóa xã hội phát triển; người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp an tâm làm ăn, sinh sống và tin tưởng vào sự ổn định, an toàn do chính quyền đảm bảo. Lĩnh vực văn hóa xã hội đã thể hiện tốt chức năng là nền tảng tinh thần và động lực cho phát triển kinh tế, xã hội.
Những thành tựu nêu trên là kết quả sự lãnh đạo của cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau, của các nhà quản lý, nhà khoa học, của doanh nghiệp, doanh nhân, của người lao động ở các lĩnh vực chuyên môn khác nhau cùng chung sức, đồng lòng thực hiện. Trong đó có những người có chuyên môn chuyên sâu từng lĩnh vực, có sự sáng tạo, tạo ra cái mới, giá trị mới, được ứng dụng hiệu quả, mang lại thành công lớn trên từng lĩnh vực thuộc tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đó chính là đội ngũ trí thức đang chung sức, chung lòng cống hiến cùng nhân dân trong tỉnh, hướng đến những giá trị mới trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về định hướng hoạt động của đội ngũ trí thức trong thời gian tới, Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Với quan điểm rất cụ thể, rõ ràng:
(1) Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc, là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế trí thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa hội nhập quốc tế và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(2) Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.
(3) Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức.
(4) Động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước.
Ảnh: Họp mặt văn nghệ sĩ, trí thức tỉnh Cà Mau Xuân Giáp Thìn 2024 (BBT)
Từ những định hướng lớn của đất nước đối với đội ngũ trí thức, Tỉnh ủy đã có chủ trương soạn thảo ban hành chương trình hành động thực hiện NQ 45 của TW, đây sẽ là văn bản quan trọng cho đội ngũ trí thức tỉnh nhà có cơ hội để phát huy vai trò của mình trong quá trình phát triển nhanh, bền vững tỉnh Cà Mau trong giai đoạn mới: Phát triển tỉnh Cà Mau trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, khai thác hài hòa tiềm năng, lợi thế; phát triển nguồn năng lượng tái tạo xanh bền vững để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của khu vực và thế giới, cùng với những mục tiêu cụ thể đã được xác định trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố trong năm 2023. Để đạt được những định hướng trên cùng với sự phấn đấu chung của Đảng bộ tỉnh, với vai trò sứ mệnh “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế yếu rồi xuống thấp.” đã nói lên yêu cầu đội ngũ trí thức phải thực hiện nhiệm vụ lịch sử của mình, tích cực đi đầu trong việc đóng góp công sức, trí tuệ, cổ vũ, động viên, huy động sức mạnh toàn dân quyết tâm đạt được mục tiêu trước mắt và dài hạn của Đảng, Nhà nước đã đề ra. Để làm được những điều đó, đội ngũ trí thức cần đặt mục tiêu và đi đến thống nhất:
Một là: Trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế; văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực cho phát triển kinh tế. Do đó phải xây dựng nền kinh tế trí thức cùng với phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hai là: Phát tiển kinh tế trí thức trong tổng hòa các mối quan hệ phát triển xã hội với phương châm “ Phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”.
Ba là: Tạo dựng môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức khoa học và công nghệ thông qua cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để tập hợp, liên kết hoạt động, tham gia chương trình, mục tiêu cụ thể, nơi ghi nhận những công trình nghiên cứu, ứng dụng, ý kiến tư vấn, phản biện, đóng góp, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khát vọng cống hiến của lực lượng trí thức khoa học và công nghệ.
Bốn là: Nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, đi kèm với việc đề cao trách nhiệm, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tỉnh nhà.
Năm là: Đề xuất, Tỉnh ủy duy trì công tác lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức trẻ có điều kiện phát huy năng lực cống hiến công sức cho quá trình phát triển tỉnh nhà./.
Võ Thanh Trà - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Cà Mau