1. Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải
Trung tâm Điện lực Duyên Hải tỉnh Trà Vinh được quy hoạch với diện tích 878,91ha, bao gồm khu vực các nhà máy chính (149ha), mặt nước cảng biển và khu vực bãi chứa tro xỉ. Trung tâm Điện lực Duyên Hải, với tổng công suất lắp đặt là 4.200 MW (công suất thực tế 4.498 MW), có 04 nhà máy nhiệt điện chạy than với 07 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 600MW, sử dụng các loại lò hơi cận tới hạn và siêu tới hạn (Sub-Critical; Super Critical), bao gồm: Dự án NMNĐ Duyên Hải 1 công suất 2x600MW (công suất thực tế 1.245MW) do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đại diện là BQLDA nhiệt điện 3 làm chủ đầu tư; Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt theo Quyết định 2522/QĐ-BTNMT ngày 29/12/2009. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi đốt than phun (PC) thông số hơi cận tới hạn sử dụng nhiên liệu là than cám 6A (Hòn Gai-Cẩm Phả) nội địa. Dự án NMNĐ Duyên Hải 2 công suất 2x600MW (công suất thực tế 1.320 MW) do Janakuasa (Malaysia) làm chủ đầu tư; Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt theo Quyết định 1738/QĐ-BTNMT ngày 19/08/2014. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi đốt than phun (PC) thông số hơi siêu tới hạn sử dụng nhiên liệu là than nhập khẩu từ Indonesia. Dự án NMNĐ Duyên Hải 3 công suất là 2x600MW (công suất thực tế 1.245 MW) do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), đại diện là BQLDA nhiệt điện 3 làm chủ đầu tư; Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt theo Quyết định 1453/QĐ-BTNMT ngày 25/07/2011. Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi đốt than phun (PC) thông số hơi cận tới hạn sử dụng nhiên liệu là than cám 6A nội địa. Dự án NMNĐ Duyên Hải 3 MR mở rộng công suất là 1x600MW (công suất thực tế 688 MW) do Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)/ Tổng công ty phát điện 1 (GENCO1), đại diện là BQLDA nhiệt điện 3 làm chủ đầu tư. Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt theo Quyết định 877/QĐ-BTNMT ngày 15/05/2014.Nhà máy sử dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, lò hơi đốt than phun (PC) thông số hơi cận tới hạn sử dụng nhiên liệu là than Bituminous/sub-bituminous nhập khẩu.
Hiện nay NMNĐ Duyên Hải 1 và NMNĐ Duyên Hải 3 đang trong giai đoạn hoạt động, NMNĐ Duyên Hải 3 mở rộng đang gia hạn thời gian hoạt động thử nghiệm, NMNĐ Duyên Hải 2 đang triển khai thi công xây dựng (đang đầu tư xây dựng). Các Nhà máy Nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Duyên hải đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng dự án đã được phê duyệt. Các dự án đưa vào hoạt động chính thức và hoạt động thử nghiệm... đều cơ bản đã đầu tư các công trình bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt như: Hệ thống xử lý khí thải; Hệ thống xử lý nước thải; Hệ thống xử lý tro xỉ, tro bay; Hệ thống thoát nước làm mát bằng nước biển; ống khói kỹ thuật; Hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải và truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh... Các hoạt động xả thải của cả Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải về Nước thải; Khí Thải; Tro xỉ và Tro bay... là rất lớn và đa dạng. Do đó cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện và có các biện pháp giám sát đặc biệt các nguồn thải của các nhà máy trong quá trình hoạt động của Trung tâm Nhiệt điện Duyên Hải, đảm bảo ngăn ngừa triệt để các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của Trung tâm điện lực Duyên Hải.
2. Các hệ thống xử lý bảo vệ môi trường
Các nhà máy nhiệt điện của TTĐL Duyên Hải sử dụng nhiên liệu là các loại than cám trong nước (than cám 6A Hòn Gai, Cẩm Phả Quảng Ninh) và quốc tế (than bituminous và sub-bituminous của Indonesia, Autralia) trong sản xuất nhiệt điện than để phát điện. Khi đốt than chạy lò hơi phát điện, các thành phần ô nhiễm chủ yếu là Bụi; NOx; SOx... là mối quan tâm hàng đầu cần giải quyết bằng các công nghệ xử lý thích hợp. Lưu ý, than 6A có thành phần: độ tro xỉ 33,12%; Chất bốc 6,4%; Lưu huỳnh 0,55%; Nitrogen 0,8%; chỉ số nghiền 45-60%. Đối với than bituminous có thành phần: độ tro xỉ 8-15%; Chất bốc 16-46%; Lưu huỳnh 0,8%; Nitrogen 0,8%; chỉ số nghiền 40-55%... có tính chất quyết định đến chất lượng nguồn thải đốt than của các nhà máy, than nội địa có nguồn thải tro xỉ và tro bay rất lớn so với than nhập ngoại.
Quá trình và các thiết bị xử lý khí thải của các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên hải gồm các công đoạn chủ yếu như sau: Khí thải nhà máy điện => Bộ Khử NOx (SCR-Selective Catalytic Redution) => Bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP- Electrostatic Precipitator) => Bộ khử SOx (FGD- Flue Gas Desulfurization) => Hệ thống ống khói.
Bộ khử NOx của các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên hải bao gồm 02 loại: loại có trang bị hệ thống khử NOx, trong bộ SCR, sử dụng NH3 là hoá chất khử NOx thành Nitrogen (N2) và nước (H2O) dưới sự hiện diện của chất xúc tác chọn lọc (TiO2, V2O5, WO3...) để khử NOx trong khói thải (áp dụng tại nhà máy Duyên Hải 1. Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng) và loại không trang bị bộ SCR mà áp dụng biện pháp giảm thiểu NOx trong buồng đốt nhiệt độ thấp (low NOx burner), làm giảm sự tạo thành NOx trong khói thải (áp dụng tại nhà máy Duyên Hải 1). Hiệu suất xử lý NOx của các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải như sau: Duyên hải 1 là 83,3%, Duyên hải 2 là 71,5%, Duyên hải 3 là 85% và Duyên hải 3 mở rộng là 70%. Lưu ý việc lắp đặt các hệ thống sử dụng bộ khử NOx bằng SCR có tính tối ưu hơn đối với khí thải đốt than là hết sức quan trọng...
Bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP), sử dụng dòng khói thải chứa bụi đi qua điện trường (dòng điện một chiều có hiệu điện thế cao) dòng khói thải chứa bụi sẽ bị điện li tạo thành các điện tử là các ion âm và các ion dương. Bụi trong khói thải khi đi qua điện trường cũng bị nhiễm điện, các hạt bụi nhiễm điện sẽ bị hút về phía các điện cực trái dấu và bám trên bề mặt các điện cực (Thiết bị ESP bao gồm những tấm cực thép đặt song song và giữa các tấm cực là hướng dòng khí di chuyển. Điện cực điện áp cao được đặt giữa các tấm. Khi hạt rắn đi qua điện trường nơi có mật độ cao các ion khí chuyển động, chúng sẽ bị tích điện). Sau một thời gian bụi bám trên bề mặt điện cực sẽ được hệ thống búa gõ, máy rung tách các hạt bụi và đưa về phễu thu hồi bụi tro bay về hệ thống thải tro xỉ. Hiệu suất xử lý bụi của hệ thống Lọc bụi tĩnh điện (ESP) của các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải như sau: Duyên Hải 1 là 99,7%, Duyên hải 2 là 87,8%, Duyên Hải 3 là 99,6% và Duyên Hải 3 mở rộng là 98,6%)... với hiệu suất lọc bụi là rất cao.
Bộ khử SOx (FGD), là công nghệ sử dụng các gốc hoá chất mang tính kiềm có trong nước biển để hấp thụ SOx có trong khói thải. Nước biển được đưa vào các tháp hấp thụ tiếp xúc để hấp thụ SOx có trong khói thải để tạo ra ion SO32- và ion H+, khi đó pH của nước biển hấp thụ sẽ giảm và nước biển này sẽ có tính chất acid. Nước biển từ tháp hấp thụ hoà trộn cùng nước biển làm mát và sục khí tăng cường để chuyển hoá SO32- thành ion sulfate bền vững SO42-(SO32- phản ứng với O2 khi sục khí để chuyển hoá thành SO42- hoà tan trong nước biển làm mát ). Hiệu suất xử lý SOx bằng nước biển của các nhà máy thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải như sau: nhà máy Duyên Hải 1 là 81,9%, Duyên Hải 2 là 90%, Duyên Hải 3 là 85% và Duyên Hải 3 mở rộng là 88,33%... với hiệu suất xử lý khá cao đáp ứng yêu cầu quản lý môi trường.
3. Các vấn đề tồn tại về môi trường
Các nguồn thải chính thuộc Trung tâm điện lực Duyên Hải gồm: khí thải (Bụi; NOx; SOx…), nước làm mát (nhiệt độ cao, hoá chất…), chất thải rắn (xỉ than, tro bay...) khi tất cả các tổ máy cùng hoạt động là rất lớn và khá đa dạng, được dự báo như sau:
Mặc dầu từng nhà máy đã được xử lý đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT (Kp=0,85 và Kv=1,0), tuy nhiên khói thải sau xử lý của các nhà máy thuộc TTĐL Duyên Hải thải có lưu lượng thải rất lớn 16.284.132 m3/h và vẫn còn chứa các thành phần ô nhiễm rất đáng kể như: Duyên Hải 1 có NOx 200 mg/Nm3;SOx 271 mg/Nm3; Bụi 100mg/Nm3. Duyên hải 2 có NOx 250 mg/Nm3; SOx 194 mg/Nm3; Bụi 150 mg/Nm3. Duyên Hải 3 có NOx 180; mg/Nm3; SOx 300 mg/Nm3; Bụi 100 mg/Nm3. Duyên Hải 3 mở rộng có NOx 200 mg/Nm3 ; SOx 300 mg/Nm3; Bụi 100 mg/Nm3... có thể gây ra các tác động tổng hợp tích hợp đối với môi trường không khí trong khu vực, cần phải được kiểm soát, đánh giá nguồn tác động này.
Trung tâm điện lực Duyên Hải khi đi vào hoạt động với tất cả các tổ máy phát điện sẽ có lượng nước làm mát thải ra biển đã là rất lớn với 16.934.400 m3/ngày. Tuy nhiên, lượng nước xả thải này không chỉ đơn thuần là xử lý nhiệt độ (theo thiết kế cho TTĐL Vĩnh Tân là 27,60C (thực tế khoảng 300C), độ chênh nhiệt độ giữa nước thải và môi trường nước biển là 70C, như vậy nhiệt độ tại vị trí xả thải không vượt quá 400C đáp ứng quy chuẩn nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT), mà còn các thành phần nhiễm bẩn khác chưa được kiểm soát chặt chẽ, đó là việc gia tăng hàm lượng SO42- trong nước thải ra biển do quá trình hấp thụ SOx từ hệ thống khử lưu huỳnh khí thải bằng nước biển. Dự báo tải lượng hấp thụ SOx (và chuyển hoá thành SO42-sau sục khí tăng cường nước biển làm mát hấp thụ) qua nước biển của các nhà máy thuộc TTĐL Duyên Hải với tổng số 26.378 kg/h, trong đó Duyên Hải 1 là 6.585 kg/h, Duyên Hải 2 là 8.245 kg/h, Duyên Hải 3 là 7.495 kg/h và Duyên Hải 3 mở rộng là 4.053 kg/h... Lượng SOx sau hấp thụ sẽ được chuyển hoá thành SO42-sau sục khí và tham gia vào thành phần nước xả thải ra biển Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Điều quan tâm đặc biệt là lượng nước biển lấy vào làm mát với lưu lượng trên 16.934.400 m3/ngày là rất lớn (như một dòng sông) theo mùa sẽ kéo theo các nguồn lợi trứng thuỷ sản, ấu trùng tôm, cua, nhuyễn thể (Nauplius; Zoae; Mysis; Postlarvae…), các loài thuỷ sinh (algae; phytoplankton; zooplankton; zoobenthos…), sẽ bị tiêu diệt qua hệ thống làm mát hấp thụ nhiệt. Bên cạnh đó lượng sunphat (SO42-) có trong nước xả thải của cả TTĐL Duyên Hải lại chưa được đánh giá, kiểm soát và dự báo trong các hồ sơ tài liệu của các nhà máy ở đây, mà đặc biệt là các tác động vật lý, hoá học và sinh thái đến vùng ven biển.
Trong quy hoạch của Trung tâm điện lực Duyên Hải có bãi xỉ 80 ha nằm ven biển Duyên Hải-Trà Vinh, cho các nhà máy Duyên Hải 1; Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng với 60 ha và Duyên Hải 2 sử dụng 20 ha còn lại làm bãi thải tro xỉ (và 20 ha lấn biển)… trong vòng 10 năm.Trong trường hợp lượng thải xỉ vượt quá khả năng chứa của bãi thải xỉ thì chủ dự án sẽ tiến hành lập dự án xây dựng bãi thải xỉ mới. Tổng lượng tro xỉ và tro bay của các nhà máy thuộc TTĐL Duyên Hải khoảng 2.698.897 tấn/năm, trong đó Duyên Hải 1 khoảng 1.150.000 tấn/năm; Duyên Hải 2 khoảng 170.897 tấn/năm, Duyên Hải 3 khoảng 1.261.000 tấn/năm và Duyên hải 3 mở rộng khoảng 117.000 tấn/năm. Hiện nay tro xỉ và tro bay phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện của TTĐL Duyên Hải được vận chuyển bằng băng tải kín đến các Silo chứa tro xỉ để từ đó xe tải phân bố vào các ô chôn lấp của bãi thải. Vào mùa khô, việc vận chuyển tro xỉ và tro bay ra bãi thải, có lúc gió cuộn, lốc xoáy làm phát sinh các vấn đề bụi phát tán ra khu vực bãi thải (địa hình gió cuốn ven biển). Bãi thải tro xỉ và tro bay của TTĐL Duyên Hải có khu vực tiếp giáp với biển, do đó bị các tác động của sóng biển và thuỷ triều biển gây xói lở và xụp đổ cũng như các tác động động nước biển dâng và biến đổi khí hậu...
4. Một số đề xuất:
Trung tâm điện lực Duyên Hải là một trung tâm năng lượng điện lớn của quốc gia có vai trò rất quan trọng trong cung cấp điện năng cho khu vực phía Nam. Tuy nhiên, khi đưa tất cả các tổ máy của của các nhà máy nhiệt điện vào cùng hoạt động sẽ có các tác động môi trường tổng hợp, tích hợp nhiều mặt về khí thải, nước thải, chất thải rắn... đối với khu vực Duyên Hải tỉnh Trà Vinh. Do đó cần phải đưa vào cơ chế giám sát đặc biệt tổng hợp các vấn đề môi trường để đảm bảo yêu cầu an toàn về môi trường trong quá trình phát triển khu vực ven biển Duyên Hải tỉnh Trà Vinh và Đồng bằng sông Cửu Long…Ngày 7/3/2018, tại nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đã xảy ra vụ cháy lớn khu vực thiết bị khử NOx (FGD) là khá nghiêm trọng.
Đối với khí thải của TTĐL Duyên Hải: cần xây dựng mạng lưới quan trắc tuân thủ và quan trắc tác động chặt chẽ, để giám sát chất lượng khí thải tại nguồn (quan trắc tự động liên tục, quan trắc định kỳ tại nguồn tại các nhà máy nhiệt điện), chất lượng không khí xung quanh (khu vực TTĐL Duyên Hải, tuyến băng tải tro xỉ và tro bay ra bãi thải tro xỉ tro bay, khu vực dân cư xung quanh tại địa phương)... đề xuất cảnh báo các biện pháp úng phó sự cố ô nhiễm không khí đối với TTĐL Duyên Hải một cách hiệu quả.
Đối với nước thải của TTĐL Duyên hải: cần bổ sung các nghiên cứu, đánh giá các tác động vật lý, hoá học và sinh thái của nguồn nước thải sau xử lý đến vùng biển Duyên Hải tỉnh Trà Vinh (tác động của lưu huỳnh (SO42 ) hấp thụ trong nước làm mát thải trực tiếp ra biển). Đặc biệt hệ thống khử SOx (FGD) bằng nước biển đã làm gia tăng hàm lượng SO42- trong nước thải ra biển khoảng 26.378 kg (tính theo SO2), tương đương 633.072 kg/ngày là một khối lượng rất lớn cần phải được quan tâm trong việc xử lý và thu hồi sản phẩm phụ trong xử lý khí thải. Lưu ý rằng nguồn nước biển làm mát xả ra biển hầu như đã được khử các thành phần hữu cơ (gia nhiệt và sục khí tăng cường) mà lại có sự gia tăng của thành phần SO42, có thể là điều kiện thuận lợi để đề xuất các nghiên cứu thu hồi SO42 qua sản phẩm thạch cao tinh thể từ bay hơi mặt bằng (CaSO-42.H2O – gypsum) trong sản xuất muối bằng phương pháp phơi nước. Đặc biệt việc nghiên cứu hệ nước biển (hệ 5 cấu tử Muối-Nước: Na+, K+, Mg2+//Cl-, SO42-; H2O, t0C ) làm cơ sở khoa học để sản xuất các muối khoáng từ nước biển là rất quan trọng.
Đối với tro xỉ và tro bay của TTĐL Duyên hải: trong bối cảnh bãi thải tro xỉ và tro bay nằm sát ven biển và lấn biển, nơi rất nhạy cảm với các tác động của sóng biển và dòng hải lưu gây sụp lở ven biển, hơn nữa là vùng chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần có các biện pháp tổng thể, toàn diện, triệt để trong việc vận chuyển và xử lý các nguồn thải tro xỉ và tro bay một cách lâu dài ổn định và bền vững, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và sẵn sàng ứng phó với các sự cố môi trường có thể sảy ra. Hoàn thiện quy hoạch đầu tư bãi thải tro xỉ và tro bay đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường của cả TTĐL Duyên Hải một cách lâu dài và bền vững, xây dựng các công trình, biện pháp ngăn ngừa sự xâm thực của nước biển vào bãi thải làm biến đổi chất lượng tro xỉ và tro bay sẽ làm cản trở việc sử dụng nguồn nguyên liệu này cho các ngành xây dựng, công nghiệp... Nhà nước cần nhanh chóng ban hành các chính sách về khuyến khích sử dụng tro xỉ và tro bay, quy chuẩn kỹ thuật về tro xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng, công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và nguồn đầu tư đối với các dự án sử dụng tro xỉ và tro bay làm vật liệu xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp (tro xỉ tro bay là vật liệu đã được nhiệt hoá có tính kiềm, độ mịn cao... có thể sẽ là nguồn nguyên liệu để khử phèn trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở vùng ĐBSCL...)./.
Phạm Đình Đôn