Xây dựng mô hình nuôi cua bán thâm canh trong ao đất theo hai giai đoạn nhằm (i) tạo thêm sự đa dạng các hình thức nuôi; (ii) cải thiện diện tích các ao nuôi tôm thâm canh kém hiệu quả để nuôi cua, tránh lãng phí về tiềm năng đất đai đồng thời cải tạo môi trường đất nước của ao nuôi; (iii) tiến đến hoàn thiện quy trình nuôi cua bán thâm canh theo hai giai đoạn để giúp cho bà con nông dân có điều kiện tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đạt hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 1 thả mật độ 10 con/m2 với kích cở cua giống 1,5 – 2 cm, sử dụng thức ăn công nghiệp; giai đoạn 2 thả 1 con/m2 với trọng lượng cua giống 20 g/con, sử dụng thức ăn tươi sống. Kết quả thực nghiệm qua 12 ao nuôi cho thấy tỷ lệ sống trung bình giữa các ao nuôi là 49,15%, với năng suất trung bình đạt 1,56 tấn/ha/vụ. Trong đó ao đạt tỷ lệ sống cao nhất là 58,3%, năng suất 1,86 tấn/ha/vụ và ao có tỷ lệ sống thấp nhất 39,8%, năng suất 1,32 tấn/ha/vụ. Qua kết quả trên ta thấy tỷ lệ sống và năng suất cua nuôi với hình thức này cho kết quả cao hơn so với các hình thức nuôi trước đây
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Cua biển (Scylla paramamosain) là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế quan trọng ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng. Cua có chất lượng thịt thơm ngon, dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa thích, giá cả và đầu ra ổn định không bao giờ “ế hàng” trong thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nghề nuôi cua biển ở Cà Mau nói chung và huyện Năm Căn nói riêng đã phát triển rất lâu, với hình thức nuôi chủ yếu là kết hợp trong vuông nuôi tôm. Mật độ cua giống thả nuôi thấp từ 500 - 1.000 con/ha nên sản lượng thu hoạch thấp. Những năm gần đây do nhu cầu tiêu thụ thị trường nên giá cua thương phẩm được tăng cao thu hút sự đầu tư phát triển của các hộ nuôi. Từ hình thức nuôi kết hợp thì một số hộ chuyển sang nuôi bán thâm canh với qui mô nhỏ, lẻ dựa vào kinh nghiệm là chính. Bước đầu cũng mang lại được hiệu quả, nhưng qua thời gian nuôi thì gặp không ít những trở ngại khó khăn như: thời tiết thay đổi bất thường, dịch bệnh xảy ra, môi trường nuôi biến động, cua nuôi chậm lớn, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học còn nhiều hạn chế,… nên ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch và kinh tế của bà con. Song song đó thì không ít những ao nuôi tôm thâm canh nhiều năm không ngắt vụ của các hộ nuôi trên địa bàn huyện hiện nay nuôi tôm không còn hiệu quả và đã có một số ao đang bỏ trống.
Để tạo điều kiện giúp bà con nông dân trên địa bàn huyện Năm Căn từng bước ứng dụng được những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất có hiệu quả cao nhằm giải quyết được những trở ngại khó khăn nêu trên, dự án “Nuôi cua (Scylla paramamosain) bán thâm canh trong ao đất theo hai giai đoạn” được thực hiện.
II. PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
2.1. Điều kiện ao nuôi
- Diện tích từ 1.000 – 3.000 m2.
- Bờ bao chắc chắn, không bị mọi rò rĩ, độ cao bờ bao phải đảm bảo cao hơn mực nước cao nhất trong năm từ 0,3 - 0,5 m trở lên.
- Có lưới rào xung quanh bờ ao tránh cua bò ra ngoài.
- Độ sâu ao từ 1,0 – 1,5 m trở lên
- Có cống/bộng cấp, thoát nước
- Ao nuôi phải tạo những giá thể cho cua trú ẩn như: khoét lổ đáy ao, xung quanh bờ ao, hay dùng ngói, tol, ống nhựa và dùng chà khô bó từng bó bố trí đều khắp ao.
- Tỷ lệ giá thể bố trí vào ao nuôi từ 60 - 70% diện tích mặt nước.
Sau thời gian nuôi trong ao giai đoạn 1 khoảng 40 - 45 ngày tùy theo khả năng tăng trọng của cua thì tiến hành chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.
2.2. Cải tạo ao nuôi
- Sên vét, gia cố bờ bao, chống rò rỉ, phát hoang bờ cho thông thoáng.
- Tháo rửa ao nuôi từ 2 – 3 lần.
- Bơm cạn nước và bón vôi CaCO3 liều lượng: 10 – 15 kg/100m2, bón khắp ao nuôi rồi phơi ao 3 – 4 ngày.
- Lấy nước vào ao nuôi qua túi lọc đạt mực nước 1,0 - 1,2 m.
- Diệt cá tạp: Dùng Saponine liều lượng 10 - 15kg/1.000m3 nước.
- Diệt khuẩn: Sử dụng các loại thuốc diệt khuẩn có gốc Iodine hoặc thuốc tím (KMnO4), liều lượng sử dụng theo nhà sản xuất.
- Gây màu nước: sử dụng chế phẩm sinh học hoặc phân hữu cơ bón trực tiếp xuống ao nuôi.
- Kiểm tra các yếu tố môi trường như:
+ Độ mặn: 10 - 25‰.
+ pH: 7,5 - 8,5.
+ Nhiệt độ nước: 28 - 310C.
+ Độ kiềm: 80 – 160 mg/l.
+ Oxy hoà tan: > 4 mg/l.
+ Độ trong: 30 – 40 cm.
+ Nước có màu nâu nhạt hoặc xanh vỏ đậu.
- Cấy vi sinh để ổn định môi trường.
- Sau khi kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp thì tiến hành thả cua giống.
2.3. Chọn cua giống và thả giống
Chọn giống:
- Cua giống có kích cỡ từ 1,5 – 2 cm, đồng đều, trạng thái cua khỏe mạnh, hoạt động nhanh nhẹn. Màu sắc trong sáng, đầy đủ phụ bộ.
- Nguồn gốc: cua sinh sản nhân tạo tại các trại sản xuất cua giống trong tỉnh.
- Các ao nuôi được lấy mẫu nước để vèo thử cua giống sau hai ngày trước khi quyết định thả giống.
Thả giống
- Thời gian thả: sáng sớm hoặc chiều mát.
- Cách thả: thả theo mép bờ ao có giá thể và thả nhiều điểm trong ao nuôi để cua phân tán đều tránh kẹp nhau gây hao hụt tỷ lệ sống.
- Cua giống được thả trong ao nuôi ở giai đoạn 1.
- Mật độ thả: 10 con/m2.
- Cá phi cũng được thả cùng lúc trong ao nuôi giai đoạn 2.
2.4. Chuyển cua từ ao nuôi giai đoạn 1 qua ao nuôi giai đoạn 2
Sau thời gian nuôi trong ao giai đoạn 1 khoảng 40 ngày tùy theo tốc độ tăng trọng của cua thì tiến hành chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2.
- Chọn cua có kích cở tương đối đồng đều (khoảng 20g/con trở lên), khỏe mạnh. Loại bỏ những con không đạt yêu cầu.
- Mật độ thả: 1 con/m2
Phương pháp chuyển giai đoạn
Trước khi chuyển sang ao nuôi giai đoạn 2 cần kiểm tra các yếu tố môi trường giữa 2 ao tương đồng nhau thì tiến hành chuyển cua bằng cách đặt chộp và rập lưới có mắt lưới nhỏ phù hợp với kích cở cua nuôi. Sau khi bỏ mồi vào chộp hoặc rập khoảng 20 - 30 phút thì tiến hành thu hoạch để vào thau lớn và đếm số lượng cua trước khi thả xuống ao nuôi giai đoạn 2 (sau khi thu hoạch cua không để quá lâu và dồn với số lượng nhiều mà phải chuyển liền với số lượng vừa phải so với dụng cụ chứa để tránh hao hụt cua). Thời gian chuyển cua vào lúc sáng sớm và chiều tối. Cách thả cua xuống ao nuôi giai đoạn 2 cũng như thả cua ở giai đoạn 1.
2.5. Chăm sóc và quản lý cua nuôi
Chăm sóc
- Hàng ngày kiểm tra trạng thái hoạt động, sức khỏe của cua. Thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống/bộng để tránh cua thất thoát ra ngoài.
- Định kỳ hàng tuần kiểm tra các yếu tố môi trường của ao nuôi như: pH, nhiệt độ, độ mặn, độ kiềm.
- Trường hợp môi trường vuông nuôi có sự biến động lớn, có thể thay nước mới, mỗi lần thay khoảng 20 - 30% lượng nước trong ao nuôi.
- Định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng men vi sinh và khoáng để ổn định môi trường nước và giúp cua tăng trọng nhanh.
- Sau khi cho cua ăn thì tiến hành kiểm tra, theo dõi khả năng bắt mồi của cua để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho phù hợp tránh dư thừa gây ô nhiễm và lãng phí.
Quản lý thức ăn
- Trong giai đoạn 1 thì cho cua ăn bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 40% trở lên. Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần lúc sáng sớm và chiều tối. Lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng thân/ngày. Giai đoạn hai thức ăn là cá tạp, ốc,... thức ăn được cắt nhỏ phù hợp với khả năng bắt mồi của cua. Mỗi ngày cho cua ăn 2 lần lúc sáng sớm và chiều tối. Lượng thức ăn bằng 5-7% trọng lượng thân/ngày.
Thức ăn được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu ăn của cua nuôi (giảm lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi đột ngột, giai đoạn cua đang lột xác,..) để tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
- Thức ăn được bổ sung khoáng, vitamin, men tiêu hóa vào thức ăn giúp cho cua tăng sức đề kháng và phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh xảy. Sau khi trộn thức ăn khoảng 15 phút thì tiến hành cho ăn...
- Sau 15 ngày nuôi thì bố trí 1 đến 2 chộp cho ăn tùy theo diện tích nuôi để kiểm tra khả năng bắt mồi cũng như sự tăng trưởng và phát triển của cua để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp tránh dư thừa gây lãng phí và ô nhiễm môi trường nước ao nuôi.
- Thức ăn giai đoạn 2 được mua từ nguồn cá phân của các vựa cá hoặc hàng đáy,.... Ngoài nguồn thức ăn trên thì dự án cũng đã tạo được lượng thức ăn sẳn có trong ao nuôi bằng cách thả nuôi cá phi trong vuông nuôi tôm quảng canh cải tiến để làm thức ăn cho cua khi nguồn cá phân khó mua. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi cho nhu cầu cung cấp thức ăn giúp cua tăng trưởng và phát triển tốt.
2.6. Biện pháp phòng bệnh tổng hợp
+ Thiết kế và xây dựng hệ thống ao nuôi phù hợp.
+ Cải tạo đúng quy trình kỹ thuật trước khi thả cua.
+ Sử dụng nguồn nước sạch trước khi đưa vào ao nuôi.
+ Định kỳ sử dụng men vi sinh, khoáng.
+ Quản lý các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp.
+ Không gây sốc môi trường nuôi một cách đột ngột.
+ Chọn giống tốt.
+ Mật độ thả nuôi phù hợp.
+ Cho ăn đầy đủ dinh dưỡng.
2.7. Thu hoạch
Sau thời gian nuôi được khoảng 4 tháng trở lên thì tiến hành thu tỉa những con cua đạt kích cỡ thương phẩm bằng cách đặt lộp hay câu.
Các chỉ tiêu theo dõi
Các yếu tố về môi trường nước
- Nhiệt độ nước đo bằng nhiệt kế.
- Độ trong đo bằng đĩa Secchi.
- pH nước đo bằng test pH của Đức.
- Độ kiềm đo bằng test KH của Đức.
- Độ mặn đo bằng khúc xạ kế.
Tốc độ tăng trưởng của cua nuôi
Định kỳ thu mẫu (10 con/ao) mỗi tháng 1 lần để tiến hành cân trọng lượng của cua nuôi.
- Tỷ lệ sống (%)
- Năng suất cua nuôi (kg/ha)
Phân tích hiệu quả của mô hình nuôi
Dựa trên các thông số thu được từ quá trình thực nghiệm, năng suất cua thu hoạch, hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình nuôi được tính toán và phân tích. Tổng chi phí xây dựng mô hình bao gồm (1) chi phí cố định: khấu hao công trình ao nuôi, máy bơm nước, ... (2) chi phí biến đổi bao gồm chi phí cải tạo ao nuôi, vôi, thuốc cá, phân bón, cua giống, thức ăn, nhiên liệu.
Thu thập và xử lý số liệu
Tất cả số liệu được thu thập, phân tích và xử lý bằng chương trình Excel để so sánh và đánh giá kết quả của các ao nuôi.
III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Các yếu tố môi trường ao nuôi
Các yếu tố môi trường trong thời gian nuôi của các ao đều có sự dao động nhưng vẫn nằm trong ngưỡng thích hợp để cua tăng trưởng và phát triển (Bảng 1).
Bảng 4.2. Các yếu tố môi trường trong ao nuôi
3.1.1. Nhiệt độ (0C)
Nhiệt độ là yếu tố vô sinh quan trọng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quá trình hô hấp, chuyển hóa vật chất dinh dưỡng trong thủy vực, ảnh hưởng đến cường độ trao đổi chất và quá trình sinh trưởng, phát triển của thủy sinh vật nói chung và cua nói riêng trong các loại hình thủy vực (Đặng Ngọc Thanh, 1979). Qua kết quả thực nghiệm nuôi cua trong các ao trên cho thấy, nhiệt độ ở các ao nuôi biến động từ 27,1 – 31,80C. Nhìn chung nhiệt độ trung bình ở các ao nuôi tương đối thấp ở các tháng đầu do thời điểm này lượng mưa tương đối lớn. Theo Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2004) khoảng nhiệt độ thích hợp cho nuôi giáp xác trong các lọai hình thủy vực là 28 – 330C. Qua đó cho thấy yếu tố nhiệt độ trong các ao nuôi đều nằm trong khoảng nhiệt độ thích hợp và không ảnh hưởng lớn đến điều kiện nuôi cua biển (Bảng 1).
3.1.2. pH nước
Cũng như yếu tố nhiệt độ, pH ở các ao nuôi có sự biến động (Bảng 1) tương đối lớn (7,6 – 8,5), và sự biến động này có khuynh hướng tăng vào những tháng cuối vụ nuôi. Nguyên nhân làm tăng sự biến động này có thể do các tháng đầu vụ lượng mưa tương đối lớn làm chết tảo trong ao nuôi và tăng độ phèn của đất. Nhưng khi được xử lý vôi thường xuyên, cũng như sự tích lũy vật chất dinh dưỡng trong ao ngày càng nhiều từ thức ăn, phân thải của động vật thủy sản, của đối tượng nuôi và đặc biệt là chịu ảnh hưởng từ sự phát triển của tảo nên pH đã tăng dần từ các tháng sau. Theo Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009) thì pH nước của ao rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loài nuôi giáp xác. pH thích hợp cho nuôi giáp xác từ 7,5 – 8,8 và khoảng dao động hàng ngày không vượt quá 0,5 đơn vị pH. Qua kết quả trên (Bảng 1) cho thấy pH các ao nuôi đều thích hợp cho cua tăng trưởng và phát triển.
3.1.3. Độ trong (cm)
Kết quả khảo sát về độ trong (Bảng 1) của các ao nuôi dao động khá lớn từ 28 - 38 cm, sự dao động này cho thấy quá trình phát triển của phiêu sinh vật trong ao nuôi không ổn định, mật độ phiêu sinh trong ao tăng giảm mạnh là do sự ảnh hưởng của thời tiết và trong quá trình nuôi không thay nước hàng ngày mà chỉ bổ sung vôi hay men vi sinh để điều chỉnh mật độ phát triển của tảo nên chỉ thay nước ao nuôi khi thật sự cần thiết. Theo Trần Ngọc Hải (1999), khoảng giới hạn về độ trong của ao nuôi động vật thủy sản tốt nhất là 25 – 40 cm. Qua đó cho thấy độ trong của các ao nuôi trên là thích hợp cho sự phát triển của cua biển, và đây cũng là chỉ tiêu quan trọng, dễ nhìn thấy và người nuôi cua dễ dàng nhận biết và điều chỉnh lượng nước thay cho phù hợp với điều kiện môi trường ao nuôi và cũng để tiết kiệm chi phí bơm nước.
3.1.4. Độ kiềm
Độ kiềm trong các ao nuôi cua biến động từ 90-126 mg CaCO3/L, và có xu hướng tăng dần theo thời gian nuôi do tích tụ vôi và khoáng sử dụng định, riêng ở các tháng đầu độ kiềm có giảm xuống 90 mg/L do mưa nhiều. Theo Trương Quốc Phú (2006) thì độ kiềm thích hợp trong ương nuôi cua biển là nằm trong khoảng 80-120 mg CaCO3/L. Cũng như Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009), cho rằng trong ao, đầm nuôi cua biển thì độ kiềm tốt nhất nằm trong khoảng 80-150 mg CaCO3/L. Qua kết quả các ao nuôi (Bảng 1) cho thấy với kết quả này thì độ kiềm rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cua nuôi.
3.1.5. Độ mặn (‰)
Qua kết quả của Bảng 1 cho thấy độ mặn của các ao nuôi biến động không đáng kể và có khuynh hướng tăng dần theo thời gian nuôi (10-21‰). Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thời tiết, mưa nhiều ở những tháng đầu nên lượng hơi nước mất đi ít hơn so với lượng nước mưa đổ vào làm cho nồng độ muối giảm thấp (10‰) và sau khi thời tiết hết mưa và có nắng thì độ mặn tăng dần ở những tháng cuối vụ nuôi (21‰). Đối với cua biển thì nhu cầu về độ mặn thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của chúng. Theo Nguyễn Thanh Phương và Trần Ngọc Hải (2009) thì nồng độ muối tối ưu cho sự sinh trưởng và phát triển của cua biển khi nuôi trong ao, đầm từ 10 – 25‰. Tuy nhiên cua biển có thể thích nghi với nồng độ muối từ 5-35‰. Nếu nồng độ muối thấp hơn sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng lột xác và tăng trưởng của cua. Vậy qua kết quả thực nghiệm sản xuất cho thấy độ mặn ở các ao cua là phù hợp.
3.2. Kết quả tăng trưởng của cua nuôi
Tăng trưởng của cua nuôi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường nước ở ao nuôi, chất lượng cua giống, thức ăn và thời tiết,... trong đó thức ăn đóng vai trò rất quan trọng đến sự tăng trưởng và phát triển của cua nuôi. Kết quả khảo sát ở Bảng 2 cho thấy, mặc dù ở các ao nuôi thực nghiệm, mật độ thả giống như nhau (1 con/m2), nhưng sự tăng trọng của cua nuôi qua các giai đoạn hoàn toàn khác nhau. Qua đó cho thấy quá trình ứng dụng kỹ thuật ở từng giai đoạn có khác nhau làm cho tăng trưởng cua nuôi cũng khác nhau giữa các hộ nuôi. Kết quả tăng trưởng của cua nuôi cho thấy trong các ao nuôi, tốc độ tăng trưởng của cua có hướng tăng dần theo thời gian nuôi, ở giai đoạn 30 ngày tuổi tăng trọng trung bình 0,5 g/ngày, và ở tháng cuối vụ nuôi tăng trọng trung bình 19,4 g/ngày. Sau 6 tháng nuôi trung bình trọng lượng cua (250-450 g/con), tăng trọng/ ngày trong tháng nuôi thứ 6 dao động từ 1,39 – 2,5 g/ngày. Trong ao nuôi, trọng lượng cua lớn nhất đạt 450 g/con và trọng lượng cua nhỏ nhất 250 g/con. Cua nuôi có trọng lượng từ 300 g/con trở lên chiếm tỉ lệ dao động từ 65 – 75 % giữa các ao nuôi.
Bảng 4.3. Tăng trưởng của cua nuôi
Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tăng trưởng của cua nuôi trong ao ở các hộ nuôi, theo ghi nhận của chúng tôi trong nhiều yếu tố tác động thì yếu tố thời tiết, môi trường nước ao nuôi, thức ăn và quản lý chăm sóc là nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của cua nuôi. Cũng như hộ ông Bé (Ao 7) và ông Hơn (Ao 12) ở tháng nuôi đầu tiên do thời tiết mưa lớn làm môi trường dao động, nhưng quá trình quản lý và chăm sóc chưa chặt chẽ nên xử lý không kịp thời dẫn đến tỷ lệ hao hụt giai đoạn này tương đối nhiều. Song song đó thì vấn đề cho ăn thức ăn tươi sống (cá tạp) ở giai đoạn 2 hầu như các hộ nuôi không chủ động được lượng thức ăn nên cho ăn chưa đảm bảo nhu cầu tăng trưởng của cua hằng ngày dẫn đến có sự chênh lệch về trọng lượng.
3.3. Tỷ lệ sống, năng suất cua nuôi
Tỷ lệ sống, năng suất của cua nuôi được tính toán và đánh giá sau khi kết thúc vụ nuôi, được thể hiện ở Bảng 3 sau:
Sau chu kỳ nuôi 6 tháng, tính toán kết quả thu được ở Bảng 3 cho thấy tỷ lệ sống cua nuôi bình quân của 12 hộ là 49,15% và năng suất bình quân của các hộ là 1,56 tấn/ha. Trong đó có 10/12 hộ nuôi có tỷ lệ sống cua nuôi từ 46,4 - 58,3% và 9/12 hộ nuôi đạt năng suất từ 1,52 -1,86 tấn/ha. Hộ có tỷ lệ sống cua nuôi cao nhất là Nguyễn Trọng Nhường (Ao 4) với 58,3%, năng suất đạt 1,76 tấn/ha; và hộ có tỷ lệ sống thấp nhất là Lê Bé (Ao 7) với 39,8%, năng suất đạt 1,32 tấn/ha. Ngược lại với Ao 4 thì hộ ông Nguyễn Văn Phước (Ao 1) có tỷ lệ sống thấp hơn (55,8%) nhưng năng suất đạt cao hơn (1,86 tấn/ha); cũng như hộ Quang Thành Hơn (Ao 12) có tỷ lệ sống cao hơn (50,3%) các ao (Ao 6 = 46,4%; Ao 8 = 48,8%; Ao 9 = 46,6%; Ao 11 = 47,4%) nhưng năng suất lại thấp hơn (1,47 tấn/ha). Qua kết quả cho thấy trong 12 ao nuôi thì có 10 ao là đạt tỷ lệ sống từ 46% trở lên và 9 ao đạt năng suất cao hơn so với mục tiêu thuyết minh đề ra, ngược lại (Ao 2; Ao 7) có tỷ lệ sống và năng suất thấp hơn. Nhìn chung qua kết quả của các ao nuôi cua thì có sự chênh lệch về tỷ lệ sống và năng suất. Nguyên nhân như phần trình bày trên, ngoài sự ảnh hưởng của thời tiết thì bên cạnh đó, khác biệt nhau về điều kiện tự nhiên, chất lượng nước trong các ao nuôi, … thì yếu tố quản lý, chăm sóc và biện pháp xử lý phù hợp, đặc biệt là các giải pháp công nghệ tác động kích thích cua lột xác đồng loạt trong các ao nuôi, cùng với thức ăn và chế độ cho ăn giữ vai trò thật sự quan trọng, có tác động quyết định đến sức sản xuất sinh học, góp phần nâng cao tỷ lệ sống, năng suất cua thu hoạch và hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi.
Để đạt được kết quả như trên, chứng minh hộ nuôi đã nắm khá vững và áp dụng đúng các kỹ thuật mà cán bộ đã hướng dẫn vào thực tiễn của mô hình nuôi, các biện pháp kỹ thuật như đặt chà trong ao tạo giá thể cho cua trú ẩn, cùng phối hợp thức ăn công nghiệp và tươi sống đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng lúc cua lột xác đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ sống của cua trong ao nuôi. Các giải pháp công nghệ này góp phần nâng cao tỷ lệ sống của cua nuôi bán thâm canh trong ao đất theo hai giai đoạn và cao hơn so với tỷ lệ sống của cua nuôi ở các mô hình khác đã thực hiện trước đây. Từ kết quả sản xuất thực nghiệm này cho thấy, mô hình nuôi cua bán thâm canh theo hai giai đoạn cho tỷ lệ sống và năng suất khá cao, đạt được mục tiêu dự án đặt ra, nên hoàn toàn có thể sử dụng ao nuôi tôm kém hiệu quả để nuôi với loại hình này giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân.
3.4. Hiệu quả lợi nhuận từ mô hình nuôi cua
Bảng 4.5. Hiệu quả lợi nhuận từ dự án nuôi cua Đơn vị tính: đồng
Kết quả hoạch toán hiệu quả mang lại từ dự án nuôi cua cho thấy, trong tổng số 12 hộ nuôi thực nghiệm thì đều thu được lợi nhuận. Bình quân lợi nhuận giữa các hộ nuôi là 187,713 triệu đồng/ha, với tỷ suất lợi nhuận 117,04%. Trong đó hộ ông Nguyễn Văn Phước (Ao 1) có lợi nhuận cao nhất trên 160 triệu đồng, tương đương 200 triệu đồng/ha, với tỷ suất lợi nhuận đạt 124,7% và hộ ông Huỳnh Văn Thu (Ao 2) có lợi nhuận thấp nhất trên 40 triệu đồng, tương đương 133 triệu đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận đạt 83,12 %.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
4.1. Kết luận
- Các yếu tố môi trường nước ao nuôi cua có sự dao động nhưng hầu hết các chỉ tiêu đều nằm trong khoảng thích hợp cho cua nuôi tăng trưởng và phát triển.
- Sau thời gian nuôi 6 tháng, tăng trưởng của cua đạt trọng lượng cao nhất là 450 g/con, tăng trọng bình quân là 2,5 g/ngày; trọng lượng cua nuôi nhỏ nhất là 250 g/con, tăng trọng bình quân là 1,39 g/ngày.
- Tỷ lệ sống đạt cao nhất 58,3 % và thấp nhất 39,8 % , bình quân cả 12 ao nuôi tỷ lệ sống đạt là 49,15%, với năng suất đạt trung bình là 1,56 tấn/ha.
Trong 12 hộ xây dựng mô hình nuôi đều thu được lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận đạt 117,04 %/ha/vụ. Hộ đạt lợi nhuận cao nhất trên 160 triệu đồng/8.000 m2, hộ có lợi nhuận thấp nhất trên 40 triệu đồng/3.000 m2.
Qua thực tế cho thấy quy trình nuôi cua bán thâm canh theo hai giai đoạn bước đầu hoàn thiện nên người dân ở khu vực này hoàn toàn có khả năng ứng dụng và phát triển mô hình này nhằm làm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình (đặc biệt là đối với những ao nuôi tôm kém hiệu quả).
4.2. Kiến nghị
- Tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi cua bán thâm canh trong ao đất theo hai giai đoạn ở huyện Năm Căn và các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
- Ao nuôi giai đoạn 1 phải có diện tích từ 500 – 1.000 m2, độ sâu ao dao động từ 0,8 – 1,0 m. Ao nuôi ở giai đoạn 2 có diện tích từ 2.000 – 5.000 m2, mức nước ao nuôi phải được duy trì từ 1,0 – 1,4 m. Giống được mua từ các cơ sở giống có uy tín trên địa bàn Cà Mau. Mật độ thả nuôi giai đoạn 1 từ 5 -10 con/m2, giai đoạn 2 từ 1 – 2 con/m2. Ao nuôi phải bố trí giá thể (chà khô, ống nhựa, máng ngói, khoét hang,...) từ 60 -70% diện tích ao nuôi để cua trú ẩn và tránh ăn nhau khi lột xác. Khuyến cáo thả giống từ tháng 5, 6, 7 trong năm.
- Trong quá trình nuôi, cần phải cho cua ăn đủ chất và đủ lượng thức ăn thông qua việc kiểm tra thường xuyên bằng câu hay đặt gập. Đặc biệt trong giai đoạn 1 ngoài thức ăn công nghiệp cần bổ sung thêm thức ăn tươi sống như: ốc, tôm, cá tạp (bâm nhỏ vừa miệng cua ăn) để nâng cao tỷ lệ sống và tăng trưởng tốt.
- Kết quả thực nghiệm bước đầu cho thấy, với năng suất và hiệu quả lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi, rõ ràng nếu so sánh với các kết quả nuôi cua trước đây ở trong và ngoài tỉnh, thì kết quả thu được này là rất đáng khích lệ, người nuôi thu được lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, do kết quả thực nghiệm không có số lần lặp lại, nên quá trình khẳng định kết quả còn cục bộ, hơn nữa trong quá trình nghiên cứu, chưa xác định được mật độ thả nuôi tốt nhất, cũng như hệ số chuyển hóa thức ăn để giúp người nuôi thu được kết quả cao nhất. Do vậy, để góp phần làm ổn định kết quả, tiến đến hoàn chỉnh hơn nữa qui trình kỹ thuật nuôi cua bán thâm canh trong theo hai giai đoạn, quá trình thực nghiệm rất cần có thêm thời gian lặp lại với số lượng ao nuôi đạt kết quả tốt hơn, nhiều hơn làm cơ sở khẳng định thêm kết quả về tính kỹ thuật và hiệu quả thật sự của mô hình nuôi./.
Ths. Nguyễn Nghi Lễ