Phân tích hiệu quả kỹ thuật sản xuất tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau.

       1. ĐẶT VẤN ĐỀ

       Cà Mau là tỉnh có tiềm năng về kinh tế thủy sản đứng đầu cả nước và thế mạnh này được tỉnh xác định là mũi nhọn trong quá trình phát triển, thể hiện ở cả ba nhóm nghề đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Với ba mặt giáp biển cùng chiều dài bờ biển là 254km, bao bọc từ Tây sang Đông nên việc nuôi trồng tại khu vực mặt nước ven biển cũng rất thuận lợi. Nuôi trồng thủy sản ven biển, đặc biệt là nuôi tôm, đang phát triển nhanh chóng và trở thành thế mạnh của tỉnh. Trong đó, con tôm sú ngày càng khẳng định thế mạnh về vị trí giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội; nghề nuôi tôm của Cà Mau không ngừng phát triển với nhiều hình thức nuôi như quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh; mô hình nuôi kết hợp với rừng ngập mặn; mô hình nuôi tôm luân canh với lúa hoặc luân canh với cá, góp phần giải quyết công ăn việc làm cải thiện đời sống cho người dân. Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản và sản lượng tôm nuôi ở Cà Mau lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.

       Theo xu thế công nghiệp hóa hiện đại hóa trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thì việc phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp là cần thiết. Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XIV đề ra mục tiêu “phấn đấu nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 đạt 10 nghìn ha và 20 nghìn ha vào năm 2020”. Bên cạnh đó, ngày 05 tháng 04 năm 2011, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định số 06/2011/QĐ-UBND về “Cơ chế phát triển cụm nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau”; lãnh đạo tỉnh đã chọn khâu đột phá là tập trung đầu tư nuôi tôm công nghiệp, nhằm nâng diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra và xác định là mô hình nuôi cung cấp nguồn tôm nguyên liệu chủ lực cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, góp phần chính vào nguồn thu ngân sách của địa phương; đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Cà Mau.

       Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi, nghề nuôi tôm của tỉnh cũng phải đương đầu với những khó khăn và thách thức về quản lý dịch bệnh, chất lượng tôm giống, môi trường và ổn định thị trường đầu ra sản phẩm nên các hộ nuôi tôm truyền thống chưa thật sự mạnh dạn đầu tư vào nuôi tôm sú công nghiệp vì không đủ vốn để đầu tư vào cơ sở vật chất, con giống, kiến thức về kỹ thuật nuôi chưa tốt, không biết phân bổ các nguồn lực đầu vào trong sản xuất thế nào là hợp lý nhằm đạt được thu nhập cao nhất. Và hiện nay, chưa có nghiên cứu đánh giá hiệu quả sản xuất của mô hình này để có thể giúp hộ nuôi tôm nhận định được phương thức tổ chức sản xuất, thông tin kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu phân tích hiệu quả kỹ thuật sản xuất tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn cao.

       2. PHƯƠNG PHÁP LUẬN

       2.1 Phân tích hiệu quả

       Có 4 loại hiệu quả khác nhau nhưng có liên hệ mật thiết với nhau trong lý thuyết về kinh tế học sản xuất. Đó là hiệu quả kỹ thuật; hiệu quả phân phối hay hiệu quả giá cả; hiệu quả kinh tế và hiệu quả quy mô.

       Hiệu quả kinh tế là việc tăng sản lượng mà không cần sử dụng nhiều yếu tố đầu vào thông thường. Cách thường sử dụng là phân bổ nguồn lực chi phí hiện có hiệu quả hơn so với áp dụng công nghệ mới nếu nông dân canh tác sản phẩm của họ với công nghệ hiện tại không hiệu quả (Belbase và cộng sự - 1985). Hiệu quả kinh tế (Economic Efficiency – EE) bao gồm hiệu quả kỹ thuật (Technical Efficiency – TE) và hiệu quả phân bổ hay hiệu quả giá cả (Allocative Efficiency – AE). Nó là thước đo phản ánh mức độ “thành công” của người sản xuất trong việc lựa chọn tổ hợp đầu vào và đầu ra tối ưu, vì vậy hiệu quả kinh tế được tính bằng tích của hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả phân bổ (EE=TExAE). Hiệu quả kỹ thuật phản ánh khả năng của người nông dân sản xuất đạt được sản lượng tối đa từ một tập hợp các yếu tố đầu vào cho trước ứng với một trình độ công nghệ nhất định, trong khi hiệu quả phân bổ phản ánh khả năng của người nông dân sử dụng các yếu tố đầu vào theo tỷ lệ tối ưu với giá cả tương ứng (Farrell 1957).

       Đo lường hiệu quả kỹ thuật là sử dụng lượng đầu vào và lượng đầu ra mà không cần quan tâm đến giá của các yếu tố trên. Hiệu quả kỹ thuật có thể được phân tách thành ba thành phần như hiệu quả quy mô là tiềm năng tăng năng suất đạt được sản lượng tối ưu của một doanh nghiệp, tăng trong một số yếu tố đầu vào có thể làm giảm sản lượng và hiệu quả kỹ thuật thuần túy (Farrell 1957).

       Với mục tiêu đạt lợi nhuận cực đại, người sản xuất nói chung và người nông dân nói riêng phải: (1) sản xuất một lượng đầu ra có thể cao nhất với một mức đầu vào nhất định (nghĩa là có hiệu quả kỹ thuật); (2) phải sử dụng tổ hợp các đầu vào hợp lý trên cơ sở mối quan hệ giá cả từng đầu vào (nghĩa là có hiệu quả phân bổ đầu vào); và (3) phải sản xuất được tổ hợp đầu ra hợp lý với tập hợp các giá cả đã cho (nghĩa là có hiệu quả phân bổ đầu ra). Hiệu quả có thể được xem xét trong điều kiện của sự kết hợp tối ưu các yếu tố đầu vào để đạt được một mức độ nhất định đầu ra (định hướng đầu vào), hoặc sản lượng tối ưu có thể được sản xuất cho một tập hợp các yếu tố đầu vào (định hướng đầu ra).

Hình 1: Hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế

       2.2 Hàm giới hạn ngẫu nhiên (Stochastic frontier)

       Hiệu quả kỹ thuật có thể ước tính theo nhiều phương pháp khác nhau. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp hàm giới hạn ngẫu nhiên (Stochastic Frontier), sử dụng phương pháp kinh tế lượng để ước lượng hiệu quả sản xuất. Nhược điểm của phương pháp này là cần phải xây dựng trước những giả thiết về một dạng hàm sản xuất cụ thể và giả thiết về phân phối của sai số ngẫu nhiên.

 Hình 2: Hàm giới hạn ngẫu nhiên

       Hàm giới hạn ngẫu nhiên (còn được gọi là mô hình sai số tổng hợp) được đưa ra bởi Aigner và cộng sự (1977). Bản chất của mô hình này là phần sai số tổng hợp gồm hai phần: phần đối xứng giải thích sự tác động của các yếu tố ngẫu nhiên, nằm ở hai phía của phần giới hạn và nó chứa phần sai số do đo lường; phần sai số một bên biểu diễn ảnh hưởng của sự kém hiệu quả trong mô hình. Hai phần này được giả định là độc lập với nhau, mô hình hàm giới hạn ngẫu nhiên được viết như sau:

Yi = f (xi)exp(vi – ui)                 (1)

Hay lnYi = ln[f (xi)] + (vi – ui)  (2)

       Trong đó lnYi = ln[f (xi)] + vi là hàm giới hạn ngẫu nhiên. Battese và Coelli (1988) đã đưa ra phần (ui) là phần kém hiệu quả kỹ thuật của hộ i so với hàm giới hạn ngẫu nhiên, là phần sai số một bên exp(-u), u≥0, cho biết giá trị của các biến ngẫu nhiên và phần sai số của mô hình được thể hiện:

ei = vi - ui       (3)

       Trong đó, vi có phân phối chuẩn với kỳ vọng là 0 và phương sai б2v (v~ N(0, б2v)), là phần sai số đối xứng, biểu diễn tác động thông thường của những yếu tố ngẫu nhiên, và ui > 0 là phần sai số một đuôi có phân phối nửa chuẩn (u~ |N(0, б2u)|), biểu diễn phần phi hiệu quả được tính từ chênh lệch giữa (Yi) với giá trị tối đa có thể của nó (Yi’) được cho bởi hàm giới hạn ngẫu nhiên (Yi – Yi’). Tuy nhiên, ước lượng kém hiệu quả ui  này thường khó được tách ra những tác động ngẫu nhiên vi.

       Cấu trúc cơ bản của mô hình hàm biên ngẫu nhiên được mô tả trong hình 2.2.

       Trong đó:            xi, xj là các yếu tố đầu vào.

       Yi,Yj là các đầu ra cực biên.

       Y*i  là mức vượt quá giá trị xác định của hàm sản xuất f(xi, β).

       Y*j là mức thấp hơn giá trị xác định của hàm sản xuấ f(xj, β) (George E. Battese, 1991).

       Jondrow và cộng sự (1982) là những người đầu tiên giải thích là thế nào để ước lượng mức phi hiệu quả của từng nông trại cụ thể mà loại trừ được những sai số ngẫu nhiên. Họ chỉ ra rằng ui đối với mỗi quan sát có thể rút ra từ phân phối có điều kiện của ui ứng với mức ei cho trước, với phân phối chuẩn cho trước của vi và nửa chuẩn của ui, kỳ vọng của mức phi hiệu quả của từng nông trại cụ thể ui với ei cho trước là:

       Trong đó , ,  và f(.) và F(.) lần lượt là các hàm phân phối mật độ và tích lũy chuẩn tắc được ước tính tại (eλi/б). Bên cạnh đó, tham số tỷ số phương sai λ = б2u/ б2 nằm trong khoảng (0,1) được giới thiệu bởi Coelli và Battese sẽ giải thích sai số nào chủ yếu trong 2 phần tác động sự biến động của sản lượng thực tế. Khi λ tiến tới 1 (бu → б), sự biến động của sản lượng thực tế chủ yếu là do sự khác biệt trong kỹ thuật sản suất của từng nông trại. Ngược lại, nếu λ tiến tới 0, sự biến động đó chủ yếu do tác động của những yếu tố ngẫu nhiên.

       Do vậy, mô hình hàm giới hạn ngẫu nhiên đã được ứng dụng rộng rãi để đo lường hiệu quả trong quá trình sản xuất.

       Theo đó, hiệu quả kỹ thuật của hộ thứ i được xác định bằng công thức sau:                                              

       chúng ta thay thế ei bằng vi và ui , trừ vi ở cả 2 vế của phương trình (2) tạo ra hàm sản xuất frontier có dạng sau:

       ln(Y*) = β0 + Σj βi ln Xij  - ui = ln(Yi) - vi                               

       trong đó, ln(Y*) là sản lượng đầu ra đã được loại bỏ yếu tố sai số vi[1].

       2.3 Hàm sản xuất Cobb - Douglas

       Hàm sản xuất của một loại sản phẩm nào đó là biểu diễn về mặt toán học của mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra của một quá trình sản xuất. Vì thế, hàm sản xuất thông thường được biểu diễn dưới dạng như sau:

Y= f (x1, x2, ..., xn)         (1)

       Trong đó, số lượng sản phẩm đầu ra Y, là một hàm số của các đầu vào xi. Tuy có nhiều dạng hàm sản xuất được ứng dụng trong nghiên cứu thực nghiệm, nhưng dạng hàm Cobb – Douglas được sử dụng phổ biến. Dạng hàm sản xuất này phản ánh logarithm của sản lượng Y và của các đầu vào xi có quan hệ theo dạng tuyến tính. Do vậy, hàm sản xuất này thường được viết dưới dạng:

lnY= α0 + α1lnx1 + α2lnx2 + ... + αnlnxn (2)

       trong đó: Y và xi (i = 1,2,...,n) lần lượt là đầu ra, đầu vào của quá trình sản xuất.

       Hằng số α0 có thể được gọi là tổng năng suất các nhân tố, biểu diễn tác động của các yếu tố nằm ngoài những yếu tố đầu vào có trong hàm sản xuất;

αi là các tham số đo lường hệ số co giãn của năng suất theo các yếu tố đầu vào.

       Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu thực nghiệm sử dụng phép ước lượng bình phương bé nhất (OLS). Nhược điểm của phương pháp này chỉ cho phép ước lượng giá trị trung bình của sản lượng có thể đạt được chứ không phải là giá trị sản lượng cao nhất. Vì vậy, các tham số trong mô hình (2) được ước lượng bằng phép ước lượng khả năng cao nhất (MLE-Maximum Likelihood Estimation).

       Phép ước lượng khả năng cao nhất (MLE) có thể hữu hiệu hơn để ước lượng tất cả các thông số của hàm giới hạn ngẫu nhiên vì nó dựa trên nguyên tắc của những phần sai số (ε) là không đối xứng. Phương pháp ước lượng MLE cho biết giá trị lớn nhất hay nhỏ nhất của biến quan sát, nên các phần sai số (ε) của phép phân tích sẽ nằm một bên đường giới hạn. Phần sai số này có thể dùng để phân tích hiệu quả của hoạt động sản xuất.

       3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

       3.1 Phương pháp thu thập dữ liệu, thông tin

       Huyện Cái Nước, huyện Đầm Dơi và TP. Cà Mau là 3 địa điểm được chọn để tiến hành khảo sát nghiên cứu vì cả 3 địa phương này đều nằm trong quy hoạch cụm nuôi tôm công nghiệp của tỉnh; nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo như cơ sở hạ tầng đang được quan tâm đầu tư, có nhiều thuận lợi về hệ thống điện lưới, hệ thống thủy lợi, giao thông thuận tiện. Ngoài ra đây còn là những vùng có kinh tế phát triển, thu nhập của người dân cao so với các địa bàn khác của tỉnh.

       3.2 Mô hình nghiên cứu

       Dựa trên nội dung của phần cơ sở lý luận được trình bày ở trên, đề tài xây dựng hàm giới hạn ngẫu nhiên từ hàm sản xuất Cobb-Douglas và sử dụng kỹ thuật ước lượng khả năng cao nhất (MLE) để xác định mức hiệu quả kỹ thuật đạt được cũng như đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào mà nông hộ nuôi tôm sử dụng đến năng suất đạt được của các nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp.

       Mô hình ước lượng được trình bày như dưới đây:

       lnYi = α0 + α1lnGi + α2lnAi + α3lnLDi + α4lnVSi + α5lnTHi + α6lnEi + α7lnCi + α8Di + α9Ki + α10Vi + ei

       Trong đó

       Yi: Năng suất tôm sú mà nông hộ thứ i đạt được, được tính bằng kg/ha.

       αi : các hệ số cần được ước lượng của mô hình (α = 0,1,2...,10).

       ei: sai số hỗn hợp của mô hình.

       Gi: số lượng con giống được thả nuôi trong vụ nuôi (số con giống/ha).

       Ai: lượng thức ăn được sử dụng trong vụ nuôi (kg/ha).

       LDi: tổng số ngày công lao động (bao gồm cả LĐGĐ và lao động thuê) đã sử

dụng trong suốt thời gian nuôi của một vụ (số ngày công/ha)

       VSi: lượng men vi sinh được sử dụng trong một vụ nuôi tôm (kg/ha).

       THi: lượng men tiêu hóa sử dụng trong trong một vụ nuôi tôm (kg/ha).

       Ei: lượng điện được sử dụng trong trong một vụ nuôi (Kw/ha).

       Ci: tổng chi phí cố định đầu tư cho vụ nuôi (ngàn đồng/ha).

       Di: tổng diện tích đất nuôi tôm trong một vụ của hộ (ha).

       Ki: số năm kinh nghiệm nuôi tôm của chủ hộ (năm).

       Vi: Biến giả chỉ số vụ tôm nuôi của hộ. Biến này nhận giá trị bằng 1 khi hộ nuôi 1 vụ tôm/ha và giá trị bằng 0 khi hộ nuôi 2 vụ tôm/ha.

       3.3 Phương pháp phân tích số liệu

       Sử dụng các đại lượng thống kê mô tả (giá trị trung bình, giá trị lớn nhất, bé nhất, độ lệch chuẩn) đối với các số liệu về về diện tích, sản lượng, năng suất và các chỉ tiêu tài chính (doanh thu, chi phí, lợi nhuận, thu nhập bình quân trên mỗi lao động gia đình, tỷ suất lợi nhuận trên chi phí) để mô tả thực trạng hoạt động nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Hàm giới hạn ngẫu nhiên từ hàm sản xuất Cobb-Douglas và sử dụng kỹ thuật ước lượng khả năng cao nhất (MLE) để xác định mức hiệu quả kỹ thuật đạt được cũng như đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào mà nông hộ nuôi tôm sử dụng đến năng suất đạt được của các nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp. Các phương pháp phân tích được thực hiện bằng phần mềm Stata.

       4.KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

       4.1 Phân tích hàm giới hạn ngẫu nhiên từ hàm sản xuất Cobb – Douglas

       Mô hình hàm giới hạn ngẫu nhiên từ hàm sản xuất Cobb-Douglas và sử dụng kỹ thuật ước lượng khả năng cao nhất (MLE) để xác định mức hiệu quả kỹ thuật đạt được cũng như đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào mà nông hộ nuôi tôm sử dụng đến năng suất đạt được của các nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp. Thông tin về các biến số được sử dụng trong mô hình được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1: Lượng đầu vào và đầu ra (trung bình/ha/vụ/năm)

Khoản mục

Đơn vị tính

Trung bình

Năng suất (Q)

kg/ha

5.285,77

Lượng con giống (G)

1.000 con/ha

244.324,74

Lượng thức ăn (A)

kg/ha

6.042,27

Lao động (LD)

ngày công/vụ

410,06

Lượng men vi sinh (VS)

kg/ha

12,96

Lượng men tiêu hóa (TH)

kg/ha

9,92

Điện (E)

kw/ha

4.977,87

Chi phí cố định (C)

1.000 đồng/ha

33.974,65

Diện tích nuôi (D)

ha

0,85

Kinh nghiệm (K)

năm

2,74

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra 2017

       Để đạt được năng suất tôm thu hoạch bình quân là 5,29 tấn/ha, thì nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp phải sử dụng các yếu tố đầu vào được khảo sát trong mô hình ở lượng trung bình tương ứng/vụ tôm nuôi; chẳng hạn như nông hộ nuôi tôm trung bình cần phải có 3 năm kinh nghiệm; lượng thức ăn cung cấp cho tôm sú trong suốt vụ nuôi trung bình khoảng 6 tấn/ha; hay lượng men tiêu hoá cho tôm nuôi trong suốt vụ nuôi cũng chỉ được nông hộ nuôi tôm cung cấp ở mức trung bình khoảng 10kg/ha được. Tương tự như trên, nông hộ nuôi tôm cần chuẩn bị và cung cấp lượng con giống, lao động, lượng men vi sinh, điện, chi phí hay diện tích nuôi ở mức trung bình (xem bảng 2). Ngoài ra, thống kê mô tả các biến trong mô hình hàm sản xuất trên, giá trị của các biến trong mô hình không biến động nhiều, được thể hiện qua giá trị độ lệch chuẩn của các biến so với giá trị trung bình là rất nhỏ. Sự kém biến động này có thể là do hộ nuôi tôm sử dụng các lượng đầu vào theo sự hướng dẫn, quy trình, kỹ thuật nuôi của các nhà chuyên môn trong nuôi trồng thuỷ sản.

Bảng 2: Kết quả ước lượng hàm sản xuất biên ngẫu nhiên

Biến số

 Phương pháp ước lượng MLE

Hệ số

Sai số

Logarit của lượng con giống (G)

-0,182***

0,051

Logarit của lượng thức ăn (A)

0,231***

0,039

Logarit của lao động (LD)

          -0,017ns

0,052

Logarit của lượng men vi sinh (VS)

         0,071**

0,030

Logarit của lượng men tiêu hóa (TH)

         -0,105***

0,025

Logarit của Điện (Đ)

0,071***

0,021

Logarit của chi phí cố định

       0,090*

0,044

Diện tích nuôi (D)

        -0,087**

0,036

Kinh nghiệm (K)

        0,008ns

0,006

Vụ tôm nuôi (V)

       0,037ns

0,035

Hằng số

7,687***

0,651

Số hộ nuôi

194

Log likelihood

47,5552

Prob > chi2

0,0000

б2u

0,0810

б2

0,0905

б2u2

0,8950

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra 2017

Ghi chú:*, **,*** lần lượt là có ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1%; ns: không có ý nghĩa

       Kết quả ước lượng mức hiệu quả kỹ thuật của nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau bằng phương pháp ước lượng MLE được trình bày trong bảng 2. Kết quả này cho thấy các biến trong mô hình hàm sản xuất được ước lượng có ý nghĩa thống kê, chứng tỏ các biến độc lập trong mô hình có thể giải thích sự biến động của năng suất. Hệ số λ của mô hình nằm trong khoảng 89,50%; kết quả này cho thấy những yếu tố đầu vào mà nông hộ nuôi tôm kiểm soát được như con giống, thức ăn, lượng men vi sinh, lượng men tiêu hoá, điện, chi phí cố định hay diện tích nuôi tôm giải thích hơn 3/4 mức hiệu quả kỹ thuật mà nông hộ nuôi tôm đạt được. Con số này khá lớn, điều đó cho thấy sự cải thiện kỹ thuật nuôi  tôm của nông hộ có thể làm tăng năng suất tôm nuôi một cách đáng kể. Phần còn lại là do các yếu tố khách quan cũng như chủ quan khác quyết định.

       4.2 Hiệu quả kỹ thuật của hoạt động sản xuất tôm sú công nghiệp

       Từ kết quả phân tích hàm giới hạn khả năng sản xuất, với cách tính hiệu quả loại trừ yếu tố ngẫu nhiên của Jondrow ta có thể tính được mức hiệu quả kỹ thuật của nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau theo phương pháp đã được trình bày. Kết quả ước tính mức hiệu quả kỹ thuật của các nông hộ được thể hiện qua bảng 3 cụ thể như sau:

Bảng 3: Bảng phân phối mức hiệu quả kỹ thuật

Mức hiệu quả kỹ thuật (%)

Số hộ

Tỷ trọng (%)

90 – 100

44

22,68

80 – 90

79

40,72

70 – 80

43

22,17

60 – 70

17

  8,76

50 – 60

04

  2,06

< 50

07

  3,61

Mức hiệu quả trung bình

80,98%

Mức hiệu quả cao nhất

97,24%

Mức hiệu quả thấp nhất

15,51%

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra 2017

       Kết quả bảng 3 cho thấy hộ nuôi tôm sú công nghiệp trong vùng nghiên cứu đạt mức hiệu quả kỹ thuật cao trong sản xuất, với mức hiệu quả kỹ thuật cao nhất đạt đến 97.24% và mức hiệu quả kỹ thuật trung bình đạt 80,98%. Phần lớn nông hộ đạt mức hiệu quả kỹ thuật từ 80% đến 90%, có 49 hộ đạt chiếm tỷ lệ 40,72% trong tổng số 194 hộ khảo sát. Mức hiệu quả kỹ thuật từ 90% - 100% và mức hiệu quả kỹ thuật 70% - 80% chênh lệch không nhiều, lần lượt chiếm tỷ lệ tương ứng 22,68% và 22,17%. Còn ở mức hiệu quả kỹ thuật dưới 50% chiếm tỷ lệ không cao, có 7 hộ với tỷ lệ 3,61%. Ta thấy có sự chênh lệch về kỹ thuật của nông hộ nuôi tôm tương đối cao, chứng tỏ rằng việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, hay liều lượng sử dụng men vi sinh, men tiêu hoá, thức ăn của từng nông hộ có thể mang lại sự khác biệt trong hiệu quả của các nông hộ. Mặt khác, một số nông hộ đạt mức hiệu quả kỹ thuật thấp là do dịch bệnh lây lan hoặc điều kiện về khí hậu, thời tiết không thuận lợi. Sự chênh lệch về mức hiệu quả kỹ thuật đạt được này cho thấy tiềm năng cải thiện hiệu quả kỹ thuật giữa các nông hộ nuôi tôm là tương đối lớn.

       Với mức hiệu quả kỹ thuật trung bình đạt được 80,98% thì mức kém hiệu quả kỹ thuật là 19,02%; ta cũng ước tính được phần năng suất bị mất đi do mức phi hiệu quả này gây ra (bảng 4). Phần kém hiệu quả này có thể do nông hộ sử dụng không hiệu quả các yếu tố đầu vào mà nông hộ có thể kiểm soát được (lượng giống, lượng thức ăn, lượng men vi sinh,...); và do tác động của các yếu mà nông hộ không thể kiểm soát được như: thiên tai, nguồn nước ô nhiễm hay dịch bệnh (đốm trắng, hoại tử gan tụy là nững dịch bệnh xảy ra đối với hộ nuôi được khảo sát).

Bảng 4: Bảng phân phối năng suất mất đi do kém hiệu quả

Mức kém hiệu quả (%)

Năng suất tối đa (kg/ha)

Năng suất thực tế (kg/ha)

Năng suất mất đi (kg/ha)

0 – 10

6.909

6.403

  506

10 – 20

6.634

5.677

  957

20 – 30

6.188

4.667

1.521

30 – 40

6.029

4.007

2.022

40 – 50

5.627

3.142

2.485

> 50

4.878

1.991

2.887

Trung bình

6.460

5.286

1.174

Cao nhất

8.213

7.727

3.632

Thấp nhất

4.187

  667

   195

Nguồn: Tính toán từ số liệu điều tra 2017

       Bảng 4 thể hiện phần năng suất bị mất đi do mức phi hiệu quả kỹ thuật. Với mức năng suất trung bình thực tế trong hoạt động nuôi tôm sú công nghiệp của nông hộ đạt được là 5.286 kg/ha; mức năng suất trung bình tối đa được kết hợp từ các yếu tố đầu vào để ước lượng hàm giới hạn khả năng sản xuất bằng phương pháp ước lượng MLE của nông hộ là 6.460 kg/ha; và mức năng suất trung bình mất đi do kém hiệu quả là 1.174 kg/ha. Cụ thể, ở mức phi hiệu quả trên 50%, phần năng suất bị mất đi là cao nhất (2887 kg/ha); ở mức phi hiệu quả kỹ thuật từ 0 – 10% ứng với phần năng suất bị mất đi là 506 kg/ha; và phần năng suất bị mất đi do mức kém hiệu quả dao động từ 195 kg/ha đến 3.632 kg/ha. Chênh lệch lượng năng suất trung bình mất đi là tương đối lớn. Điều này cho thấy có sự khác biệt lớn trong kỹ thuật nuôi tôm và hiệu quả của việc sử dụng các yếu tố đầu vào giữa các nông hộ nuôi tôm. Đây cũng là cơ hội để nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp học hỏi, tiếp thu, áp dụng những công nghệ mới, kỹ thuật mới vào hoạt động nuôi tôm sú công nghiệp; thông qua các đợt tập huấn cùng kinh nghiệm thực tế để kết hợp các yếu tố đầu vào đúng liều lượng, đúng kỹ thuật để tăng năng suất là một điều vô cùng quan trọng nhằm đạt được mức hiệu quả kỹ thuật cao nhất, nâng cao năng suất và tối đa hóa lợi nhuận mà nông hộ có thể đạt được.

       Tóm lại, qua kết quả phân tích hiệu quả kỹ thuật nhận thấy trong hoạt động sản xuất tôm sú công nghiệp nông hộ đạt hiệu quả cao. Cụ thể đạt mức hiệu quả kỹ thuật trung bình là 80,98%; và mức hiệu quả kỹ thuật đạt cao nhất lên đến 97,24%; trong khi đó hiệu quả kỹ thuật thấp nhất chỉ đạt 15,51%. Điều này cho thấy, phần lớn nông hộ trong vùng điều tra đã sử dụng những yếu tố đầu vào tương đối có hiệu quả; nhưng bên cạnh đó, do tác động của các yếu tố ngẫu nhiên như: khí hậu, thời tiết, dịch bệnh và hiệu quả kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế nên đã làm cho thất thoát một lượng năng suất trung bình khá lớn ảnh hưởng đến năng suất tối đa mà họ có thể đạt được. Phần năng suất bị mất đi này do mức phi hiệu quả kỹ thuật gây ra và năng suất bị mất đi càng lớn khi hiệu quả kỹ thuật của nông hộ càng thấp; và đây là cơ hội để nông hộ có mức hiệu quả kỹ thuật thấp cải thiện trình độ kỹ thuật; cũng như việc kết hợp các yếu tố đầu vào để đạt năng suất cao nhất mà nông hộ có thể đạt được trong hoạt động nuôi tôm.

       5. KẾT LUẬN

       Đề tài phân tích về hiệu quả kỹ thuật sản xuất tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau; kết quả nghiên cứu của đề tài được dựa trên số liệu thu thập từ 194 nông hộ nuôi tôm sú theo mô hình nuôi công nghiệp. Để phân tích mức hiệu quả kỹ thuật đạt được của từng nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp, đề tài thực hiện bằng phương pháp ước lượng khả năng cao nhất (MLE). Bên cạnh đó, đề tài cũng tiến hành phân tích một số chỉ tiêu tài chính trong hoạt động sản xuất tôm sú công nghiệp.

       Với sự kết hợp các yếu tố đầu vào như đã phân tích ở chương 4, kết quả ước lượng hàm giới hạn khả năng sản xuất bằng phép ước lượng khả năng cao nhất (MLE) cho thấy các nông hộ nuôi tôm sú công nghiệp ở tỉnh Cà Mau đạt mức hiệu quả kỹ thuật cao, với mức hiệu quả kỹ thuật trung bình là 80,98%. Trong đó, mức hiệu quả kỹ thuật cao nhất  lên đến 97,24% và mức hiệu quả kỹ thuật thấp nhất là 15,51%. Điều này có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân. Kết quả nghiên cứu thể hiện, trong các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất đạt được của nông hộ thì có đến 89,50% các yếu tố mà nông hộ có thể kiểm soát được trong hoạt động nuôi tôm; còn lại là do các yếu tố ngẫu nhiên khác. Trong đó, các yếu tố như thức ăn, men vi sinh, điện, chi phí cố định có ảnh hưởng tích cực đến năng suất tôm sú thu hoạch; nghĩa là tăng thêm lượng các yếu tố này thì năng suất tôm sú thu hoạch sẽ tăng. Ngược lại, các yếu tố như con giống, men tiêu hoá và diện tích nuôi lại ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất tôm sú thu hoạch.

       Bên cạnh mức hiệu quả kỹ thuật đạt được tương đối cao thì mức phi hiệu quả kỹ thuật cũng gây ra một lượng năng suất bị thất thoát khá lớn, mức năng suất bị mất đi cao nhất lên đến 3.632 kg/ha. Phần kém hiệu quả này do hai yếu tố tác động. Một là do các yếu tố mà nông hộ có thể kiểm soát được khảo sát trong mô hình như con giống, thức ăn, lượng men vi sinh hay lượng men tiêu hoá; hai là do các yếu tố ngẫu nhiên tác động. Do đó, các nông hộ nuôi tôm cần tập trung vào các thành phần trên để nâng cao hiệu quả kỹ thuật nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Cà Mau và góp phần đạt mục tiêu chung của tỉnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1. Báo cáo tổng kết năm (2016, 2017), Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau.

       2. Niên giám thống kê (2016, 2017), Cục thống kê tỉnh Cà Mau, NXB Công ty Cổ Phần in Bạc Liêu .

       3. Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Cà Mau giai đoạn 2006 – 2020.

       4. Hồ Văn Thuận (2010), “Phân tích hiệu kinh tế của hoạt động sản xuất lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long”.

       5. Huỳnh Minh Truyền (2009), “Phân tích lợi thế so sánh của sản phẩm tôm sú xuất khẩu ở tỉnh Trà Vinh trong thời kỳ hội nhập WTO”.

       6.Nguyễn Hồng Phong (2010), “Phân tích hiệu quả kỹ thuật sản xuất cá tra của nông hộ ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”.

       7.Nguyễn Hồng Phượng (2010), “So sánh hiệu quả sản xuất của ba mô hình canh tác trên đất giồng cát, tại huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh”.

       8.Phạm Lê Thông (2010), “Phân tích hiệu quả kỹ thuật, phân phối và kinh tế của việc sản xuất lúa ở ĐBSCL”.

       9.Quan Minh Nhựt (2006): “Phân tích hiệu quả kỹ thuật của mô hình độc canh ba vụ lúa và luân canh hai lúa một màu tại Chợ Mới – An Giang năm 2004 - 2005”.

       10.Quan Minh Nhựt (2008), “Phân tích hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí của các doanh nghiệp chế biến thủy sản và xay xát lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 2007”.

       11.Trần Xuân Điếu (2009), “Phân tích hiệu quả sản xuất của mô hình nuôi cá tra trong ao ở Đồng bằng sông Cửu Long”.

       12.Trương Đăng Khoa (2009), “Giải pháp phát triển ngành chế biến thủy sản của tỉnh Cà Mau”.

       

Thạc sĩ Lê Khánh Linh