Phòng trị bệnh cho ba ba.

       Trong quá trình nuôi, ba ba ít sinh bệnh, nhưng nếu quản lý không tốt, sẽ vẫn bị bệnh. Vì vậy, việc phòng bệnh trong nuôi ba ba là khâu rất quan trọng.
       1. Bệnh đỏ cổ
       - Triệu chứng: Ba ba hoạt động chậm chạp, thỉnh thoảng nổi lên mặt nước, thường bò lên bờ cỏ, đất bùn, không muốn ăn, cổ bị xung huyết, sưng lên có màu đỏ, bụng cũng xung huyết có màu đỏ và có những khoảng loét đỏ... Mồm mũi chảy máu, 2 mắt mờ nhìn không rõ.

       - Bệnh này rất nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, nguyên nhân do vi rút và nấm.
       - Phòng trị: Dùng Oxytetracylin, Chloramphenicol trộn vào thức ăn, mỗi kg trộn 0,1-0,2 mg thuốc, cho ăn liên tục 10 ngày, cách ly ba ba bệnh. Dùng vôi tẩy ao, thay nước mới sạch.
       2. Bệnh đốm trắng
       - Còn gọi là bệnh nấm lông hay bệnh lông trắng do nấm gây ra. Khi ba ba bị thương do xây xát, rất dễ cảm nhiễm bệnh này.
       - Triệu chứng: Bốn chân và diềm áo của ba ba có đốm lang trắng, ngày một rộng ra, biểu bì bị hoại tử. Ba ba kém ăn, ngứa ngáy khó chịu. Bệnh này gây chết tương đối ít, nhưng nếu bệnh phát sinh ở hầu thì làm cho ba ba khó thở và dễ dẫn đến chết. Bệnh này thường gặp quanh năm, nhưng nhiều nhất vào tháng 5 - 7.
       - Phòng trị: Dùng vôi tẩy ao triệt để. Cách ly con bệnh. Dùng thuốc mỡ Xanhmalachit hoặc Tetracylin bôi lên chỗ bệnh. khi vận chuyển, thả bắt ba ba phải nhẹ nhàng, đừng để chúng bị xây xát.
       3. Bệnh ghẻ lở ở cổ
       - Bệnh này do vi rút và nấm gây ra.
       - Triệu chứng: Cổ sưng phù và có vết lở ở cổ, có nấm thủy mi bám lên. Ba ba kém ăn, cổ không thể cử động, toàn thân hoạt động chậm chạp. Nếu không điều trị kịp thời, vài ngày sau có thể chết. Bệnh này thường xảy ra quanh năm.
       - Phòng trị: Dùng nước muối nồng độ 5% tắm cho ba ba độ 1 giờ, sau đó dùng thuốc tím bôi lên, liên tục điều trị 3 - 4 ngày, hiệu quả khá rõ. Hoặc dùng Oxytetracylin bôi lên chỗ bị bệnh cũng trị được bệnh.
       4. Bệnh thủy mi
       - Do loại nấm thủy mi kí sinh.
       - Triệu trứng: Ba ba bị bệnh thì toàn thân có một lớp lông như lông tơ. Bệnh này không làm cho ba ba chết ngay, nhưng vì kém ăn nên dần dần suy yếu, nhất là thời kỳ ngủ đông, có thể dẫn đến chết hàng loạt.
       - Phòng trị: Dùng 2g ngũ bội tử đun lấy 1 chén nước, pha vào 1m3 nước bình thường, vẩy xuống ao để phòng bệnh cho ba ba. Dùng Formali nồng độ 100ppm hoặc dùng 0,004% soda để tẩy ao. Trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn (theo như cách phòng trị bệnh đỏ cổ nói ở phần trên).
       5. Bệnh phù đỏ ở mai bụng
       - Bệnh do vi rút gây ra.
       - Triệu trứng: Mai bụng viêm đỏ.
       - Phòng trị: Dùng dung dịch Xanhmalachit nồng độ 0,05% tắm cho ba ba trong 1 - 2 phút. Khi bắt, vận chuyển ba ba chú ý bảo vệ không cho chúng cắn nhau. Lúc có bệnh cần cách ly, dùng vôi tiêu độc cho ao.
       6. Bệnh di độc tố mỡ
       - Bệnh sinh ra do cho ba ba ăn các loại cá, thịt, nhộng tằm có nhiều mỡ bị ươn ôi, mỡ bị biến chất sinh độc tố axit béo, bị tích tụ nhiều trong cơ thể làm cho gan, tụy bị ngộ độc, hoạt động trao đổi chất không bình thường.
       - Triệu chứng: Ba ba lờ đờ, hay nổi lên mặt nước, bỏ ăn rồi chết. Khi bệnh nặng, bề ngoài ba ba bị biến dạng, da bụng bị xám đen và có nhiều vết ban màu xanh tro, chàm, cổ sưng to, da phù, mình dày hơn lúc bình thường, dưới da có các bọng nước, chân sưng mỏng và mềm nhũn. Nếu mổ ba ba ra, thấy bụng có mùi thối, các mô mỡ có màu vàng nâu hoặc màu vàng đất (bình thường thì trắng hoặc hồng), gan sưng to và màu đen.
       - Phòng trị: Không cho ăn thức ăn quá béo hay đã biến chất. Trộn vitamin B,C,E vào thức ăn cho ba ba ăn. Phối hợp cho ăn cả thức ăn động và thực vật, không cho ăn loại nhộng tằm, cá, thịt... đã để quá lâu bị biến chất sinh ra độc tố.
       7. Bệnh sưng phổi kèm hỏng mắt
       - Do vi khuẩn hình que phó đại tràng sinh ra.
       - Triệu chứng: Ba ba mù cả hai mắt, lờ đờ thường là lên bờ nằm im một chỗ, khó thở, luôn ngóc đầu, há mồm, ăn kém rồi bỏ ăn. Mắt bị xung huyết, sưng mù, lòng đen bị lõm sâu, có dỉ mắt che kín. Nếu mổ ra thấy phổi bị đen, có các nốt sần cứng nổi lên trên.
       - Phòng trị: Không để nước ao bị bẩn; trong ao nuôi có thể thả lẫn cá chép, diếc, trôi, rô phi để chúng tận dụng thức ăn, làm sạch ao.
       8. Bệnh trùng hình chuông
       - Do loài ký sinh trùng có cái chuông gây ra.
      - Triệu chứng: Trên lưng, cổ, các chân của ba ba (đặc biệt là ba ba con) có các búi trắng như lông tơ, các vết thương bị sưng. Ba ba khó chịu, bỏ ăn dần, gầy yếu và lở loét. Con bị nặng rất dễ chết.
      - Phòng trị: Rắc thuốc Dipterex xuống ao, liều lượng 0,5g/m3 nước nửa tháng một lần, 2-3 lần liên tục. Tắm ba ba bệnh trong dung dịch Sulfat đồng (CuSO4) nồng độ 8ppm hoặc dung dịch thuốc tím (KMnO4) nồng độ 20ppm, mỗi ngày một lần, mỗi lần 30 phút, làm liên tục cho khỏi bệnh mới thôi.
       9. Các bệnh ký sinh trùng khác
       - Ba ba còn bị nhiều loại ký sinh trùng khác như nguyên sinh động vật, đỉa... ký sinh ở nội tạng, máu, da, ống dẫn trứng, đường ruột,... gây viêm loét các bộ phận cơ thể.
       - Phòng trị: Tắm cho ba ba bệnh trong dung dịch Sulfat đồng hoặc thuốc tím (nồng độ như trên) trong 30 phút, mỗi ngày một lần trong suốt một tuần.
       10. Bệnh ngộ độc do nước bẩn
       - Do nước ao tù bẩn lâu ngày, sinh ra các chất khí độc với nồng độ cao, gây ngộ độc.
       - Triệu chứng: Chân trước, chân sau, bụng, cổ bị xung huyết sưng đỏ, bị rữa nát nếu đau nặng; diềm mai bị rách hình răng cưa.
       - Phòng trị: Thay nước luôn, khử trùng đáy ao trước khi qua mùa đông.

Nguồn: Thủy Sản Việt Nam