Thanh long được trồng chủ yếu ở Bình Thuận, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh,... Kỹ thuật trồng phổ biến là dùng trụ xi măng làm giá đỡ cho các dây thanh long leo quanh trụ, cách trồng truyền thống này dù đã mang lại hiệu quả giúp nhiều nông dân đổi đời, nhưng vẫn chưa phải là phương pháp tối ưu, bài viết này xin giới thiệu cách trồng thanh long mới theo công nghệ New Zealand.
Điểm mấu chốt của công nghệ này là sử dụng giàn dây thép làm giá đỡ cho dây thanh long giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tiết kiệm diện tích đất trồng, giảm công chăm sóc và tăng năng suất. Cách bố trí giàn được thể hiện trong hình 1&2 như sau:
- Cắm các cột xi măng xuống đất khoảng 0,4m đảm bảo chắc chắn, phần trụ trên mặt đất cao 1,8 - 2m, gắn 2 đà ngang, đà dưới 0,8m, đà trên 0,4m, các trụ cách nhau 6m, giăng dây thép không gỉ 4mm trên các đà ngang và các trụ tạo thành giàn, các giàn cách nhau 3m.
- Dăm các hom cách nhau 60cm trên mỗi giàn => mỗi khoảng giữa 2 trụ trên giàn sẽ có 10 hom.
Sơ đồ bố trí giàn trồng thanh long. Ảnh Tg
Chỉ có một chút khác biệt nhưng mang lại hiệu quả cực lớn, cách trồng giàn có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách trồng trụ như sau:
Tiết kiệm gần ½ chi phí xây trụ: Thanh long trồng trụ, khoảng cách tối ưu được khuyến cáo giữa các trụ là 3m x 3m, vì vậy đầu tư khoảng 135 trụ/1000m2. Trong khi đó mô hình trồng giàn có thể giản khoảng cách giữa các trụ xi măng là 6m x 3m = 70 trụ/1000m2, mà vẫn đảm bảo khả năng chống đỡ vứng chắc cho giàn thanh long. Chính vì vậy mà chi phí đầu tư xây trụ giảm gần ½, chí phí lập vườn giảm đáng kể.
Mật độ trồng cao gấp 5 lần: Các dây cáp nối các trụ lại với nhau giúp cành thanh long leo thành giàn. Mỗi giàn cách nhau 3m, mật độ khuyến cáo tối ưu khoảng cách giữa các hom trên mỗi giàn là 60cm. Theo kiểu này, mỗi ha đất có thể trồng từ hơn 2.850 hom thanh long. Trong khi đó trồng theo trụ, mật độ trồng tối ưu được khuyến cáo là 4 hom/ trụ, tương đương 540 hom/1000m2. Vì vậy mật độ canh tác trồng thanh long giàn cao gấp 5 lần mật độ trồng theo mô hình trụ từ đó năng suất tăng lên tương ứng.
Tiện lợi khi chăm sóc: Không chỉ tận dụng diện tích đất tối đa để canh tác, mô hình trồng thanh long trên giàn còn thuận lợi trong chăm sóc, vệ sinh vườn, thu hoạch trái nhất là công tác cắt tỉa cành già sau mỗi vụ trước trở nên đơn giản hơn rất nhiều do các cành được phân bố rãi ra không tập trung vào 1 trụ như mô hình trồng trụ. Tưới phân, phun thuốc và chiếu đèn cũng hiệu quả hơn nhờ vào cách phân tán cành dàn đều nên thanh long nhận được dinh dưỡng, nước tưới và ánh sáng tối ưu nhất. Thanh long giàn còn tạo điều kiện để cơ giới hóa trong sản xuất, hạn chế nhân công lao động như sử dụng máy để bón phân, phun thuốc, máy cắt cỏ,...
Giàn thanh long - Ảnh Tg
Do mật độ trồng được tận dụng tối ưu cũng như hiệu quả trong công tác chăm sóc nên thanh long giàn cho số lượng cành và trái nhiều gấp 3 lần so với cách trồng cũ. Năng suất tăng lên gấp 3-5 lần mà chi phí đầu tư giảm gần ½ vì vậy hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Trong tỉnh Cà Mau, vùng U Minh hạ có nhiều nông dân trồng thanh long với quy mô lớn, một số địa phương khác như Cái Nước và Đầm Dơi cũng có nhiều hộ trồng với quy mô nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ trồng thanh long mới này sẽ giúp bà con nông dân tỉnh nhà nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới./.
ThS. Đỗ Vũ Linh