Trong bối cảnh sản phẩm “vàng thau lẫn lộn”, những nông dân chân chính đang gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định chất lượng thật sự của sản phẩm với người tiêu dùng. Để giải quyết khó khăn này, giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng việc ứng dụng công nghệ hiện đại được xem là cứu cánh.
Ứng dụng quét mã QR trên sản phẩm dưa lưới khắc chữ thư pháp của nông trại Việt Nông Xanh Farm
Nông sản sạch vẫn gian nan tiếp cận thị trường
Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khâu đưa các sản phẩm sạch tiếp cận thị trường. Hiện toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản sạch - an toàn. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay khiến nông dân Đồng Tháp lúng túng chính là làm thế nào để người tiêu dùng tin vào chất lượng nông sản mà nông dân cung cấp.
Chia sẻ về sự gian nan khi đưa sản phẩm rau an toàn của Tổ hợp tác (THT) rau an toàn tiếp cận thị trường, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng THT rau an toàn xã Định An, huyện Lấp Vò tâm sự: “Thời gian đầu, khi đưa mặt hàng rau an toàn của THT tiếp cận tại các chợ truyền thống, nhiều chị em nội trợ vẫn tỏ ra nghi ngại với chất lượng rau của THT. Người tiêu dùng cho rằng, không có cơ sở nào chứng minh rau của THT sạch hơn rau ngoài chợ. Do không chứng minh được rau của THT khác biệt rau bình thường nên việc bán rau an toàn giá cao hơn rau bình thường cũng là câu chuyện khó”.
Không phủ nhận thời gian gần đây, thói quen của người tiêu dùng được nâng cao hơn khi ngày càng có nhiều người lựa chọn các kênh mua sắm hiện đại như: siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch thay vì mua sắm tại các chợ truyền thống như trước đây. Song cũng thẳng thắn nhìn nhận, người tiêu dùng vẫn chưa thật sự tin tưởng hoàn toàn khi thay đổi kênh mua sắm, nhà cung cấp sản phẩm.
Đây là thực trạng và cũng chính là điểm nghẽn lớn nhất trong chuỗi sản xuất và tiêu dùng hiện nay ở nước ta. Để tháo gỡ khó khăn đó, giúp người nông dân và người tiêu dùng có thể tin tưởng và gặp nhau tại một điểm, tỉnh Đồng Tháp đang gấp rút thực hiện kế hoạch về phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc. Kế hoạch này nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh một cách hiệu quả. Với mắt xích này, tỉnh Đồng Tháp mong muốn tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm; tạo lòng tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ. Đồng thời, đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng minh bạch thông tin sản phẩm.
Truy xuất nguồn gốc giải pháp để nông dân tự cứu lấy nông sản
Tết Kỷ Hợi năm 2019, lần đầu tiên mặt hàng dưa lưới khắc chữ thư pháp tại nông trại Việt Nông Xanh Farm của nông dân Trần Thanh Tiền, huyện Hồng Ngự ra mắt người tiêu dùng với một diện mạo khác biệt. Bên ngoài những quả dưa lưới xinh xắn là chiếc tem quét mã QR được dán trên sản phẩm. Đây một giải pháp mới giúp cho nông trại này minh bạch các thông tin về quá trình trồng, thu hoạch dưa lưới với người tiêu dùng.
Anh Trần Thanh Tiền chia sẻ: “Lần đầu tiên sản phẩm dưa lưới của nông trại được nhận diện bằng mã QR nhưng có khá nhiều khách hàng phản hồi thái độ hài lòng với những thông tin mà chúng tôi thể hiện trên mã QR. Thông qua mã QR này, khách hàng có thể biết được sản phẩm dưa lưới của chúng tôi được trồng và thu hoạch khi nào, cách bảo quản và thời gian bảo quản ra sao...”.
Hiểu đơn giản truy xuất nguồn gốc là thao tác nông dân thể hiện công khai, minh bạch về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản của mình với người tiêu dùng. Hiện nay, có hai hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử được một số nông trại và doanh nghiệp áp dụng là: công nghệ blockchain và quét mã QR. Thông qua các ứng dụng công nghệ này, người tiêu dùng có thể quét mã bằng điện thoại thông minh. Chỉ cần một thao tác quét mã đơn giản, người tiêu dùng sẽ được cung cấp “sơ yếu lý lịch” cụ thể cho mặt hàng mình mua.
Thuận lợi khi áp dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử là người sản xuất có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho việc ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Ngoài ra, về góc độ người tiêu dùng thì có thể dễ dàng truy cập thông tin hồ sơ của sản phẩm thông qua thao tác quét mã. Và, bộ thông tin được cập nhật trên hồ sơ điện tử sẽ rất khó bị làm giả và sửa đổi. Đây và chìa khóa giúp người sản xuất tạo dựng được niềm tin vững chắc hơn cho người tiêu dùng.
Để nông sản Đồng Tháp từng bước tạo được uy tín và vị thế trên thị trường, tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch về phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc. Giai đoạn đầu, tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung hỗ trợ 6 nhóm ngành hàng thế mạnh của tỉnh là: lúa gạo, xoài, nhãn, cam quýt, vịt, cá điêu hồng về phát triển nhãn hiệu và nâng cao năng lực quản lý, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các nhóm nông sản này.
Song song đó, đây cũng là nền tảng để tỉnh khuyến khích người nông dân mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu thị trường; phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm chủ lực theo quy mô lớn của tỉnh. Các đối tượng sẽ được tỉnh hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản là hợp tác xã, THT, nông trại và hộ cá thể có sản xuất nông sản sạch – an toàn ở 6 nhóm ngành hàng trên.
Ông Hà Bửu Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đồng Tháp thông tin: “Truy xuất nguồn gốc sẽ là xu thế tiêu dùng trong trương lai. Truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc xuất khẩu. Trong thời gian tới, nếu nông sản không có truy xuất nguồn gốc thì sẽ rất khó khăn để tiêu thụ ở thị trường nội địa”.
Mỹ Lý