Trong những năm gần đây, một số vùng, nông dân tỉnh Cà Mau chuyển đổi từ trồng lúa, vườn tạp, đất rừng kém hiệu quả sang nuôi tôm thâm canh để đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường thế giới đối với ngành thủy sản nói chung, con tôm nói riêng. Tùy theo khu vực, nhưng hầu hết các vuông tôm đều còn rất ít cây rừng ngập mặn. Do cải tạo thường xuyên bằng cơ giới nên các bờ vuông tôm hầu như không thể trồng rừng, còn ở khu vực bên trong vuông tôm thì lớp đất mặt được đào sâu để tăng thể tích nước, chính vì vậy cây rừng ngập mặn khó phát triển. Ở những đầm tôm nuôi công nghiệp thì hoàn toàn khai thác trắng, không còn cây rừng ngập mặn.
Trong khi đó, Rừng ngập mặn là môi trường sống và là nơi sinh sản tự nhiên của các loài thủy sản. Nó có vai trò cung cấp thức ăn, nơi cư trú, nuôi dưỡng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị, đặc biệt là các loài tôm, cua, cá, các loài nhuyễn thể. Vật rụng (lá, cành, chồi, hoa, quả) của cây rừng ngập mặn được các vi sinh vật phân hủy thành mùn bã hữu cơ là nguồn thức ăn cho các loài thủy sản, cây rừng tạo bóng râm, gốc và rễ cây rừng là nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sinh vật. Vì vậy rừng ngập mặn là một thành phần không thể thiếu của các hệ sinh thái tự nhiên, nó giúp bảo vệ các loài sinh vật chống lại sự ảnh hưởng của thủy triều, mưa bão và cung cấp một môi trường sinh sống phù hợp cho ấu trùng của các loài tôm cá. Ngoài ra, nó còn đóng vai trò quan trọng như là một nhà máy lọc khí CO2, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của hiệu ứng khí nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Rừng ngập mặn còn điều hòa vi khí hậu trong vùng, làm không khí dịu mát hơn, giảm nhiệt độ tối đa và biên độ nhiệt, giúp hạn chế sự bốc hơi nước, và nhờ các hoạt động tích cực của những nhóm lợi khuẩn, động thực vật phù du và hệ thống rể cây rừng nên vùng đất rừng ngập mặn giúp cho nguồn nước nuôi tôm ổn định hơn. Chính vì thế rừng ngập mặn còn có chức năng xử lý nước trong sạch hơn và người ta đã ví nơi đây là quả thận khổng lồ của tự nhiên lọc các chất thải cho môi trường. Rừng ngập mặn giúp lọc bỏ các chất phú dưỡng, trầm tích và chất ô nhiễm ra khỏi đại dương và sông ngòi. Bằng các quá trình sinh hóa phức tạp, rừng ngập mặn phân giải, chuyển hóa, hấp thụ các chất độc hại, giúp lọc sạch nước cho những hệ thống sinh thái xung quanh. Bên cạnh đó, Rừng ngập mặn còn cung cấp chỗ cư ngụ và nguồn thức ăn cho rất nhiều loại động vật bò sát, chim thú, cá, nghêu, sò, cua, ốc… trong đó khá nhiều loài có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao. Rừng ngập mặn còn là khu vực kiếm ăn, nơi sinh sống của một bộ phận dân nghèo du canh du cư quen khai thác thủy hải sản ven bờ.
Do đó để đảm bảo cho việc nuôi tôm được phát triển bền vững cần khôi phục, trồng rừng ngập mặn trong các vuông tôm, đầm tôm. Hơn nữa, trước sự đe dọa của biến đổi khí hậu, cần bảo tồn, phát triển rừng ngập mặn nhằm bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Rừng ngập mặn có vai trò, chức năng to lớn trong việc bảo vệ môi trường và chống lại các tác động rủi ro như giông lốc, bão lũ, sạt lở… do biến đổi khí hậu. Việc khôi phục lại rừng ngập mặn phải nghiêm túc tính theo tỉ lệ diện tích nuôi tôm cho từng loại rừng như đã quy định, và cây rừng được trồng đó là cây đước và cây mắm, đặc biệt là cây mắm. Cây mắm chịu đựng được ngập triều và sóng gió, kể cả nước mặn ngập quanh năm, mắm còn là loài cây có sức sống mãnh liệt, sống được trong môi trường có chất độc hóa học. Trong chiến tranh, sau những trận rải chất độc hóa học của máy bay Mỹ, nhiều loài cây bị hủy diệt, riêng rừng mắm chỉ rụng lá, sau đó nảy mầm và xanh tươi trở lại. Ở Cà Mau, mắm có nhiều loại: mắm đen, mắm trắng, mắm ổi, mắm lưỡi đồng... lá và trái là thức ăn rất tốt cho cá, tôm.
Cây mắm sau khi chặt hạ xuống vuông tôm có độ mặn từ 10 phần ngàn trở lên, sau khoảng 5-7 ngày võ và lá mắm sẽ bị phân hủy, tiết ra một số chất nhờn. Chất nhờn này là thức ăn chính của nhiều ấu trùng và nhiều loài vi sinh vật, mà đa số những loài này đều là thức ăn có lợi cho tôm nuôi. Ngoài ra, trong lá mắm còn có một lượng đạm cố định và một phần men tiêu hóa, tăng cường hệ tiêu hóa cho tôm, giúp tôm phát triển tốt. Lá mắm có hàm lượng đạm cao hơn so với những loại lá cây rừng khác và phân hủy nhanh hơn lá đước. Khi cho vào nước, lượng đạm trong lá mắm sẽ tăng lên nhiều do vi khuẩn phân hủy và làm thức ăn tốt cho tôm nuôi. Do có hàm lượng đạm cao nên lá mắm như một nguồn phân xanh, giúp cải thiện được màu nước trong vuông tôm và tạo điều kiện tốt cho nhiều loài tảo có lợi cho tôm sinh sản và phát triển.
Chính vì vậy, khôi phục lại rừng ngập mặn trong nuôi tôm, đặc biệt là nuôi quảng canh cải tiến ở tỉnh Cà Mau là cần thiết, góp phần chống biến đổi khí hậu, tạo môi trường tốt cho các loại thủy sản sinh trưởng và phát triển. Đây là mô hình phát triển ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên.
ThS. Nguyễn Quang Thuần