Vừa qua, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội thảo mô hình sản xuất tôm theo chuỗi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tại khách sạn Mường Thanh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử mong muốn hội thảo cùng tìm ra những giải pháp trong liên kết chuỗi được sản xuất theo kế hoạch chung và kế hoạch đó được xây dựng trên nhu cầu của thị trường. Thực tế đã qua các mô hình liên kết chưa thành công vì mỗi khâu trong chuỗi liên kết chưa có kế hoạch chung. Do kế hoạch không khớp nhau, nên khó liên kết từ đó không tiêu thụ được sản phẩm cuối cùng dẫn đến vỡ hợp đồng.
Chú thích ảnh: phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, bàn giải pháp sản xuất tôm theo chuỗi giá trị với phó tổng cục trưởng tổng cục thủy sản Bộ NN&PTNT Trần Đình Luân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng giữa lợi ích và rủi ro được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý cho tất cả các khâu trong liên kết chuỗi giá trị. Đã qua các khâu trong chuỗi sản xuất ngành hàng tôm đang tổ chức độc lập, chỉ hỗ trợ nhau một phần nhỏ thông qua các hợp đồng liên kết, từ đó sự phát triển của các khâu không đồng điều nhau, thậm chí có lúc chèn ép nhau để phát triển. do không chia sẻ được lợi ích, rủi ro một cách công bằng, minh bạch nên các bên không thực hiện đầy đủ trách nhiệm chung trong việc nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín của sản phẩm chung.
Từ những nhược điểm trên phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cho rằng muốn tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị đối với ngành hàng tôm cần phải khắc phục triệt để những tồn tại đã chỉ ra. Trước hết cần xây dựng thí điểm mô hình liên kết có sự chia sẻ lợi ích, rủi ro một cách công bằng minh bạch như mô hình xây dựng doanh nghiệp xã hội để thực hiện mô hình liên kết chuỗi giá trị. Theo đó doanh nghiệp xã hội tổ chức theo loại hình công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên. Cổ đông hay các thành viên của công ty bao gồm các doanh nghiệp sản xuất tôm giống, doanh nghiệp sản xuất thức ăn, chế phẩm vật tư phục vụ cho nuôi tôm, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và hợp tác xã nuôi tôm, điểm mấu chốt của mô hình này là phải tổ chức được HTX hoạt động mạnh người đại diện HTX phải tham gia vào hội đồng quản trị của công ty, là người đại diện thực chất cho xã viên. Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện mô hình tích tự ruộng đất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nhiều hình thức hợp tác.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 280.000 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng đạt 176.500 tấn, năng suất bình quân ước đạt 628 kg/ha/năm. Riêng diện tích nuôi tôm công nghiệp 9.450 ha, trong đó có hơn 2.000 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, với năng suất từ 40 – 50 tấn/ha/vụ. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 30 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu với trang thiết bị công nghệ hiện đại so với khu vực, tổng công suất 250 ngàn tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1,1 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… chiếm khoảng 53% giá trị.
Ngoài ra tại hội thảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp còn bàn về các giải pháp chính như: cơ hội thị trường ngành tôm Việt Nam; hiện trạng và mục đích phát triển con tôm bền vững của tỉnh Cà Mau; nuôi tôm công nghệ cao theo chuỗi và giải pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng tôm xuất khẩu; các giải pháp giúp tôm Việt Nam đạt tiêu chuẩn và chất lượng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ./.
Thạc sĩ Đoàn Hữu Nghị